Chuẩn bị phương án tăng lương từ 1.7

Tháng sáu 2, 2024

Chuẩn bị phương án tăng lương từ 1.7

Báo cáo tại cuộc họp cho biết kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; tăng trưởng được thúc đẩy. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng 4; bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định… Dù vậy vẫn còn một số hạn chế như tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; số doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29.100 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Về các giải pháp cho các tháng còn lại của năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%. Tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.

Chuẩn bị phương án tăng lương từ 1.7- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp sáng 1.6

Nhật Bắc

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thực hiện ngay các giải pháp cụ thể đẩy mạnh giải ngân gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội. Tiếp tục quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định. Về đầu tư, đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc. Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ, phân bổ sớm 29.100 tỉ đồng vốn đầu tư công còn lại.

Các bộ, ngành cần khẩn trương trình ban hành 3 nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp; điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG. Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, như Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt – Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Bệnh viện Bạch Mai và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của T.Ư, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định; đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1.7 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù.

DN vẫn gặp nhiều khó khăn

Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết tình hình đăng ký kinh doanh tháng 5 khá tích cực. Tổng số DN thành lập mới và gia nhập thị trường, quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt 20.000 DN, gấp 1,7 lần so với số DN rút lui khỏi thị trường; tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tính chung cả 5 tháng, DN thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 DN, số rút lui khỏi thị trường là 97.300 DN, tuy cao hơn nhưng không đáng kể (khoảng hơn 1.000 DN). Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phương cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tích cực tập trung vào 3 hướng. Thứ nhất là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.

Thứ hai là cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho DN tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho DN, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.

Thứ ba, thúc đẩy các giải pháp để các DN sớm có các đơn hàng mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngộ độc thực phẩm do nguyên liệu trôi nổi

Liên quan tới việc gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 2.100 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ giảm 10%, số người tử vong giảm 46%. Đặc biệt vừa qua, đã xảy ra một số vụ ngộ độc lớn ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc.

Ông Tuyên thông tin Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm để tiến hành kiểm tra, đánh giá; cùng với đó truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cho thấy một trong những nguyên nhân là một số cơ sở sản xuất kinh doanh dù đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký, không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động. Không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc những cơ sở đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp giấy mà vẫn hoạt động… Kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể.

Cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, các bếp ăn tập thể. Xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền vừa có tính chất răn đe. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị còn có loại hình khác là ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào.

3 ngân hàng nội cho ACV vay 1,8 tỉ USD làm sân bay Long Thành

Chiều 1.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ký hợp đồng cấp tín dụng tài trợ dự án thành phần 3 sân bay Long Thành. Đây là khoản cấp tín dụng trung – dài hạn bằng ngoại tệ lớn nhất cho khách hàng của ngành ngân hàng.

Hợp đồng cấp vốn tín dụng 1,8 tỉ USD do 3 ngân hàng Vietcombank – VietinBank – BIDV thu xếp cho dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư, tương ứng khoảng 45% tổng mức đầu tư của dự án.

Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối tham gia tài trợ 1 tỉ USD, cùng các ngân hàng hợp vốn là VietinBank tài trợ 450 triệu USD, BIDV tài trợ 350 triệu USD.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế hàng không ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. “Chúng ta có đủ năng lực, điều kiện để phát triển hệ thống này trong thời gian tới. Vấn đề là có tìm ra cơ chế, chính sách hợp lý, quyết tâm làm hay không? Phải quyết tâm với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoản vay 1,8 tỉ USD, Thủ tướng nói kết quả này thể hiện một bước phát triển bứt phá của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước về thu xếp vốn ngoại tệ cho khách hàng. Đây là dự án có tổng số tiền tài trợ và đặc biệt là bằng ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay bởi các NHTM VN, cụ thể là bởi các NHTM nhà nước. Khoản vay cũng tạo tiền lệ mới tích cực giúp khuyến khích, phát huy sự chủ động của các nhà đầu tư trong nước không phải phụ thuộc quá nhiều nguồn vốn vay nước ngoài thời gian tới.

Về phía ACV, Thủ tướng lưu ý khớp nối tiến độ, thời gian hoàn thành các gói thầu còn lại để tránh xung đột, giao cắt trong quá trình thi công, bảo đảm tính liên kết và tiến độ của cả dự án. Sớm nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai công tác chuẩn bị phục vụ thi công giai đoạn 2 để không làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của giai đoạn 1, trên cơ sở điều chỉnh chủ trương đầu tư giai đoạn 1.

Thu hồi 300 tỉ, 500 lượng vàng, 1.000 sổ đỏ trong vụ án Phúc Sơn

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty CP đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 23 bị can. Đồng thời, đã thu hồi hơn 300 tỉ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại. Cơ quan CSĐT đang củng cố tài liệu, chứng cứ, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can và các đối tượng liên quan, mở rộng điều tra vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Với vụ án tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với 8 bị can về các tội danh trên. Đồng thời, thu hồi gần 40 tỉ đồng và đang tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai các dự án của Tập đoàn Thuận An.

Bạn đang đọc Chuẩn bị phương án tăng lương từ 1.7 tại website hungday.com