Chứng khoán vẫn hút tiền từ nhà đầu tư
Chứng khoán vẫn hút tiền từ nhà đầu tư
Gần 8 triệu nhà đầu tư tham gia
Nắm giữ cổ phiếu “quốc dân” HPG và một số cổ phiếu ngân hàng sau gần 2 năm mới “về bờ” (hòa vốn) do đợt giảm nặng trong năm 2022, chị T.Nga (TP.HCM) tới đầu năm nay mới dám mạnh dạn giao dịch trở lại. Mới đây, chị khoe tài khoản đã “dương” gần 20%. “Mức lãi này nếu so với giai đoạn thị trường tăng cao thì có thể không bằng nhưng so với lãi suất ngân hàng ở mức thấp thì đã cao hơn rất nhiều. Trên sàn có nhiều cổ phiếu còn tăng mạnh hơn trong vài tháng qua”, chị T.Nga chia sẻ. Lây từ sự phấn khởi của chị, một số người bạn cũng bắt đầu mở tài khoản chứng khoán để tham gia đầu tư. Dù vậy theo chị T.Nga, rút kinh nghiệm từ nhiều lần cũng bị lỗ khi mới tham gia trước đây, chị khuyên bạn chỉ bỏ vốn vào từ từ để giao dịch cho quen, học hỏi thêm và chưa vội sử dụng vay margin.
Chị Kim An (Q.3, TP.HCM) thì lại thận trọng hơn khi quan sát các kênh đầu tư. Chị bảo gần đây “sóng” vàng thu hút sự quan tâm của nhiều người và chị đã làm thử một bài toán đơn giản. Tính đến hiện nay, vàng miếng SJC tăng khoảng 22% so với đầu năm. Còn nếu lấy mức đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng thì mức tăng đạt hơn 45%. Tuy nhiên, không ai có thể “mua đáy bán đỉnh”, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào. Bởi chị đã thấy nhiều người mua vàng từ đầu năm khi chỉ mới xoay quanh 63 – 64 triệu đồng/lượng thì khi giá tăng cao hơn khoảng 10 triệu đồng là đã bán ra hết (tương đương mức lãi trên 15%).
“Nếu “gồng lời” giỏi lắm thì khi vàng miếng SJC lên trên 80 triệu đồng cũng đã bán ra, khi đó có thể lãi được khoảng 25%. Dù những ngày qua nhìn nhiều người ở Hà Nội hay TP.HCM xếp hàng mua vàng nhưng nếu tính ra sẽ không đông như nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán. Việc mua bán online, số tiền nhỏ, giao dịch thuận tiện nên thu hút các NĐT cá nhân tham gia là dễ hiểu hơn là mang một lượng lớn tiền mặt mua vàng về cất giữ”, chị Kim An nhận định và cho biết thêm phần lớn ngân sách của chị vẫn nằm ở chứng khoán chứ chưa chuyển qua vàng dù theo dõi sát sao.
Tâm lý của các NĐT là có thể hiểu được khi thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục đi lên từ đầu năm đến nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, chỉ số VN-Index đạt 1.261,72 điểm, tăng 4,3% so với tháng 4 và 11,6% so với cuối năm 2023. Nếu tính đến cuối tuần qua khi chỉ số VN-Index đạt 1.287 điểm thì tổng cộng tăng 14%. Đồng thời, dòng tiền giao dịch trên thị trường duy trì ở mức cao, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh và lập đỉnh mới.
Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu “họ” FPT gây ấn tượng khi đồng loạt bứt phá mạnh. Từ đầu năm đến nay, FPT tăng 45%, FRT tăng 60%, FTS tăng 45%, FOX tăng 100% và đều đang trên vùng đỉnh cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh)… Cổ phiếu tăng cao khiến các cổ đông, NĐT phấn khởi. Kèm theo đó, kết quả kinh doanh quý 1/2024 của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hay sau mùa đại hội cổ đông thường niên 2024, hàng loạt công ty đã chia cổ tức cao. Vì vậy, số lượng NĐT tham gia vào TTCK ngày càng tăng.
Theo Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán VN, trong tháng 5 vừa qua, NĐT trong nước mở mới 132.010 tài khoản. Tổng cộng số lượng tài khoản chứng khoán của NĐT trong nước đã lên đến gần 7,9 triệu đơn vị, cao nhất từ trước đến nay. Có thể thấy, kênh đầu tư này vẫn đang hút lượng lớn NĐT trên thị trường.
Chứng khoán vượt trội so với các kênh đầu tư khác
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, nhận định mức tăng của TTCK VN hay VN-Index nói riêng từ đầu năm đến nay vẫn còn quá thấp nếu so với TTCK của nhiều nước. Đặc biệt TTCK Mỹ đã liên tiếp lập kỷ lục mới khi các chỉ số ở Phố Wall đều tăng cao. Trong khi đó, xét về bối cảnh vĩ mô thì nền kinh tế VN vẫn đang tăng trưởng tốt, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cải thiện nhiều so với năm vừa qua. Đồng thời, quyết tâm nâng hạng TTCK của Chính phủ vẫn là động lực để thu hút NĐT trong và ngoài nước. Từ nay đến cuối năm, còn nhiều yếu tố thuận lợi vẫn hỗ trợ TTCK.
Cụ thể, “sóng” vàng từ đầu năm đến nay có thể không còn kéo dài khi Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp kéo giảm chênh lệch giá trong nước với quốc tế. Song song đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như một số ngân hàng khác vừa chính thức giảm lãi suất. Từ nay đến cuối năm, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất là điều chắc chắn. Khi đó, USD sẽ hạ nhiệt và áp lực lên tỷ giá hối đoái của VN cũng giảm.
“Giá USD có thể đã ở mức đỉnh. Vàng khó sinh lời, bất động sản cũng chưa hồi phục mạnh. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm đã nhúc nhích tăng lại nhưng vẫn ở mức thấp. Thời gian qua, khi tỷ giá USD/VND căng thẳng thì khối ngoại liên tục bán ròng. Hy vọng khi đồng USD giảm giá thì NĐT nước ngoài sẽ giảm hoặc ngừng bán ròng và quay lại thị trường. Riêng việc nâng hạng TTCK vẫn đang được thúc đẩy. Những điều đó cho thấy TTCK vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm nay”, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định: TTCK đã có một giai đoạn tăng mạnh và có thể trong thời gian ngắn sẽ điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo cho kênh đầu tư này kéo dài đến hết năm. Bởi nếu đánh giá, phân tích các kênh đầu tư truyền thống ở VN thì có thể thấy bất động sản chưa có sự hồi phục rõ nét, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Trong khi đó, vàng vốn không phải là kênh đầu tư phổ biến mà thường biết đến như là tài sản an toàn và sắp tới dự báo cũng sẽ khó tăng mạnh. Thời gian qua khối ngoại bán ròng liên tục cũng là một lực cản khiến TTCK VN khó tăng mạnh. Nếu như hoạt động giao dịch của khối ngoại đảo chiều thì cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho TTCK. Quan trọng nhất là có thể chỉ số VN-Index không tăng mạnh do vẫn có nhiều ngành chưa thực sự phát triển nhưng có nhiều cổ phiếu bứt phá khi doanh nghiệp có cơ hội tăng tốc, đẩy mạnh phát triển cùng đà đi lên của kinh tế.
Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đến hết tháng 5, có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD. Trong tháng 5, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 826 triệu cổ phiếu/phiên với giá trị đạt hơn 21.594 tỉ đồng/phiên. Giá trị vốn hóa cổ phiếu sàn HOSE đạt hơn 5,14 triệu tỉ đồng, tương đương 50,29% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), tăng 4,4% so với tháng 4 và tăng hơn 12,8% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 93,8% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.
Bạn đang đọc Chứng khoán vẫn hút tiền từ nhà đầu tư tại website hungday.com