CHÚNG TA CẦN GÌ ĐỂ HẠNH PHÚC? – Review sách FLOW (DÒNG CHẢY)
Tháng tám 1, 2024
“Tự hỏi chính mình có cảm thấy hạnh phúc không? Và bạn sẽ không còn hạnh phúc nữa?” – John Stuart Mill
FLOW (tựa Việt: Dòng Chảy) là một quyển sách khó đọc. Mình mất hơn 2 tháng mới hoàn tất được khoảng 550 trang, tức là khoảng 9 trang, xấp xỉ 60% so với mục tiêu 15 trang/ngày. Phải thừa nhận tiến độ ảnh hưởng ít nhiều bởi nhiều hôm ngủ quên hoặc chạy deadline. Thế nhưng, dù đã cố sức tập trung, tốc độ vẫn không thể nhanh được bởi mức độ học thuật cùng hàm lượng kiến thức sâu rộng của tác phẩm đòi hỏi sự suy ngẫm và đúc kết trong quá trình đọc.
Không phải là một bậc thầy tài chính cô đọng kinh nghiệm làm giàu hay người thành đạt kể lại câu chuyện thành công, tác giả là một nhà tâm lý học lỗi lạc và có bề dày thâm niên kéo dài hàng chục năm. Ông được biết đến nhiều nhất với vai trò người phát minh ra khái niệm , một lý thuyết được công nhận rộng rãi bởi các chuyên gia và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trước khi “đóng gói” thành tựa sách dành cho độc giả phổ thông.
Vốn dĩ, Dòng Chảy xuất phát từ công trình nghiên cứu khoa học kéo dài nhiều thập kỷ dựa trên Phương Pháp Lấy Mẫu Kinh Nghiệm (Experience Sampling Method – ESM). Đơn giản là, người tham gia thí nghiệm sẽ được phát một thiết bị nhắn tin trong một tuần và viết lại điều họ đang cảm thấy, đang nghĩ đến ngay khi máy nhắn tin báo hiệu. Các tín hiệu sẽ được kích hoạt bởi một máy phát vô tuyến khoảng tám lần một ngày, với khoảng cách thời gian ngẫu nhiên. Đến cuối tuần, mỗi người tham gia sẽ tổng kết lại một đoạn phim về cuộc sống của họ, được chọn từ những khoảnh khắc đại diện. Vào thời điểm tác phẩm ra mắt (1990), đội ngũ nghiên cứu đã thu thập được 100,000 mẫu kinh nghiệm để làm nền tảng cho những kiến thức xoay quanh tác phẩm.
Đó là điểm đầu tiên mình thích ở tác phẩm, sự Khách Quan – Đa Chiều – Thực Tế. Thay vì dựa trên trải nghiệm bản thân hay vài hình mẫu nổi tiếng đã quá quen thuộc trong thể loại self-help, tác giả sử dụng dẫn chứng đa chiều từ mọi ngành nghề, tầng lớp, quốc tịch. Bên cạnh những nhân vật thành công trong nhiều lĩnh vực, nhiều “người hùng” được tác giả lấy ví dụ đều là những con người bình thường, bình tĩnh sống nhưng tỏa sáng rực rỡ trong mỗi vai trò khi nhẹ nhàng “bơi” trong vô vàn khoảnh khắc Dòng Chảy. Dõi theo hành trình khám phá, người đọc được ngao du qua các lãnh địa của tâm trí được vẽ bằng cùng các công cụ khoa học, lập luận cổ chí kim, kinh nghiệm Đông sang Tây, lý thuyết đa lĩnh vực.
Cách viết của tác giả cũng là một điểm sáng của tác phẩm khi ông không nói về nghiên cứu để đời như một điều hiển nhiên hay dùng ngôn từ hàn lâm khó hiểu. Thay vào đó, ông vào vai “người đọc” để phản biện và thách thức chính những quan điểm của mình bằng ngôn từ sắc bén. Nhờ đó, chúng ta sẽ được một “người đồng hành” thấu hiểu và tỏ tường chỉ dẫn hết lòng về “trải nghiệm tối ưu”, cách một con người có thể sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, toàn quyền “sáng tạo” nên hạnh phúc khi hòa mình vào trạng thái tối thượng có tên là “Dòng Chảy”.
Một điều thú vị, mình trải nghiệm “dòng chảy” ngay khi đọc FLOW vì biết CÓ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH khi có sự cân bằng giữa thách thức hoàn thành sách và khả năng đọc hiện có (1). Giả dụ, quyển FLOW được trình bày theo dạng sách chuyên ngành, nặng lý thuyết thì mức độ khó quá cao sẽ làm mình lo lắng (anxiety), căng thẳng nên khó mà thích thú hay tận hưởng được nội dung. Ở chiều ngược lại, sách trình bày đơn giản quá mức, kiểu tuyên bố chắc nịch thì lại khiến mình chán ngán (boredom) vì không cần cố gắng để hoàn thành. Cả hai trường hợp đều dẫn đến khả năng cao là mình sẽ bỏ ngang không đọc nữa.
Chính bởi có độ khó vừa phải, phù hợp với khả năng lĩnh hội nhưng cần một chút TẬP TRUNG (2), mình mới hứng thú đọc đi kèm với MỤC TIÊU RÕ RÀNG (3) (15 trang mỗi ngày) chứ không phải đọc càng nhiều càng tốt, vốn không phù hợp với giờ giấc sinh hoạt cá nhân. Nhờ có mục tiêu, mình có được PHẢN HỒI CỤ THỂ NGAY & LUÔN (4) là hoàn thành hay không. Cứ như vậy, mình THOẢI MÁI TẬN HƯỞNG (5) thay vì nỗ lực hết mức để hoàn thành.
Theo mạch đọc mà tiến tới, mình “thoát ly” thực tại để sống trong không gian riêng được vẽ nên bởi con chữ, được soi chiếu bằng những lý thuyết, lập luận sắc bén để NHẬN THỨC BẢN THÂN RÕ RÀNG HƠN (6). Đôi lúc, điều tác giả chia sẻ lại chỉ ra điểm mù của con người cũ kỹ, khiến CÁI TÔI TỰ VỠ RA rồi lại MỞ RỘNG (7) bởi những hiểu biết mới. Cứ đọc là mình lại QUÊN HẲN THỜI GIAN (8), nghĩ nửa tiếng mà nhìn đồng hồ thì đã qua 1 tiếng rưỡi. Khi đó, đọc FLOW là một trải nghiệm có mục đích tự thân, sản sinh ra NIỀM VUI NỘI TẠI trong lúc thực hiện mà chẳng bận tâm sẽ đạt được điều gì.
Nếu bạn để ý những từ VIẾT HOA & IN ĐẬM, đó là 8 yếu tố THIẾT KẾ NÊN TRẢI NGHIỆM TỐI ƯU, bí quyết để thưởng thức mọi khía cạnh cuộc sống, dù là trong suy nghĩ, khi vui chơi, lúc làm việc hoặc giữa những mối quan hệ, đạt đến tự do trong tâm trí và hòa mình vào Dòng Chảy. Như tác giả đã đúc kết: Quan trọng không phải là làm gì (WHAT) mà là làm mọi thứ như thế nào (HOW). Hay như thông điệp của bộ phim Soul (2020) đạt giải Oscar cho Phim Hoạt Hình Hay Nhất, .
“Chúng ta luôn chuẩn bị để sống, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự sống” – Ralph Waldo Emerson.
Dòng chảy không phải chỉ xuất hiện khi làm điều mình yêu thích theo niềm tin của nhiều người vẫn chăm chăm tìm kiếm đam mê như công thức của thành công. Theo rất nhiều dẫn chứng đã chỉ ra, nếu tập trung thực hiện một hoạt động một cách bền bỉ, bạn sẽ giảm thiểu sự hỗn loạn (entropy) trong tâm trí để có trật tự trong ý thức.
Nhờ đó, năng lượng tinh thần sẽ không bị lãng phí cho những lo lắng vô bổ, suy nghĩ vẩn vơ mà được sử dụng để tập trung đến mức “quên mình” vào chính hành động đã lựa chọn như một dạng thiền ngay giữa đời sống. Trong nhiều lĩnh vực từ thể thao, sáng tạo nghệ thuật đến làm đồ handmade, thuật ngữ đã được dùng để miêu tả trạng thái siêu việt khi hòa mình Dòng Chảy, tập trung 100% và vận dụng 200% công lực để chạm đến những khoảnh khắc xuất thần, tạo ra thành quả vượt mong đợi.
Đã trải nghiệm một lần rồi lại muốn “chìm đắm” nhiều hơn để tận hưởng niềm an lạc trong chính quá trình học – hiểu – hành, nâng cấp bản thân. Chính niềm vui nội tại có được từ những hoạt động xuyên suốt cuộc sống là “nhiên liệu” để chúng ta toàn tâm toàn ý theo đuổi một cuộc đời đáng sống. Như một đúc kết trong sách mà mình cũng rất thích, sự cam kết tạo nên giá trị cho mục tiêu.
Nhờ sự tinh tấn, tận tụy đến tận cùng, chúng ta sẽ dần nâng cao nội lực để thong dong chuyển hóa mọi điều xảy đến thành trải nghiệm tối ưu, dù là khi làm một công việc đã quen thuộc hàng năm trời hay đang bị tra tấn tinh thần lẫn thể xác trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Đó cũng chính là “, mà không bị kiểm soát bởi những quy chuẩn xã hội làm triệt triệu mọi niềm vui sống.
Đọc cũng khá lâu, mình vẫn thích đọc self-help. Dịch qua Tiếng Việt, self-help nghĩa là tự lực. Với bản tính độc lập và thích mày mò, mình muốn tự tìm hiểu trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ hay chỉ dẫn. Và sách luôn là lựa chọn ưu tiên khi cần giải một vấn đề khó, xây dựng nền tảng về lâu dài. Thế nhưng, đọc càng nhiều thì mình lại khó chịu với nhiều đầu sách viết theo kiểu khái quát thái quá kinh nghiệm cá nhân và hô hào quá mức về một viễn cảnh chỉ dựa vào niềm tin vô hạn mà chẳng quan tâm xuất phát điểm lẫn khác biệt của mỗi cá nhân.
Mừng thay, cảm giác đó chưa bao giờ xuất hiện khi mình đọc FLOW. Mình như được một lão niên thông thái, một “triết gia” đích thực giảng giải, chỉ bày với sự tận tụy và khiêm nhường để tự thấm thía mà vỡ ra những bài học quý trong đời. Lắng nghe những lời tâm tình của Mihaly Csikszentmihalyi, mình nhận ra bóng dáng nghiên cứu của ông trong những những đúc kết, trình bày của nhiều tác phẩm ra đời sau này, cùng nội dung nhưng chỉ khác hình thức.
Vì lẽ đó, Dòng Chảy xứng đáng là toàn thư trong lĩnh vực phát triển bản thân, một “cây đại thụ” thực sự đáng đọc giúp mỗi người nâng cao NỘI LỰC và TỰ TIN dấn bước dẫu con đường phía trước vẫn bị vây phủ bởi mịt mù gió sương.