Chuyện ít biết về bảo vật được “tái sinh” ở thành Cổ Loa, Bác Hồ đến thăm và giải nghĩa

Chuyện ít biết về bảo vật được “tái sinh” ở thành Cổ Loa, Bác Hồ đến thăm và giải nghĩa

Ít ai biết được rằng, đền Thượng (đền Thục An Dương Vương) ở xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội hiện đang lưu giữ một “kho báu” có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử và khoa học.

Truyền thuyết về An Dương Vương

Từ trước đến nay, không ai là không biết truyền thuyết về nỏ thần, thần Kim Quy, Mị Châu – Trọng Thủy về thời An Dương Vương. Truyền thuyết kể rằng, sau khi đánh tan 50 vạn quân Tần dù dân số chỉ chưa tới triệu người, triều đại An Dương Vương đã ra đời. Ông lên ngôi hoàng đế vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 257 trước Công Nguyên.

Khu di tích thành Cổ Loa
Phối cảnh tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa. (Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội)

Sau khi lên ngôi, nhà vua bắt đầu tìm đất kiến lập kinh đô. Nhà vua tuy đã tìm được đất nhưng thành xây nhiều lần đều bị sụp đổ. Tới khi, thần Kim Quy xuất hiện là giúp đỡ tiêu diệt yêu ma thì thành xây không đổ nữa. Thần Kim Quy còn rút 1 chiếc móng của mình trao cho An Dương Vương để làm vũ khí. Nhà vua liền ra lệnh cho tướng Cao Lỗ chế làm lẫy nỏ, chế thêm nỏ thần, mỗi lần bắn ra cả trăm mũi tên, bách phát bách trúng.

Lúc bấy giờ, Triệu Đà mang quân sang xâm lược, An Dương lấy nỏ ra bắn khiến quân địch chết như rạ. Triệu Đà thấy vật liền dùng kế đưa con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mị Châu nhưng thực ra là để làm gián điệp. An Dương Vương mất cảnh giác nên đã mắc mưu, Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần. Triệu Đà lấy được nỏ thần liền dẫn quân sang Âu Lạc. An Dương Vương thua trận đành mang công chúa đi trốn và tử trận ở Nghệ An.

Lần theo sử sách

Bắt nguồn từ những truyền thuyết này, các nhà khảo đã lục tìm trong sử liệu, quả thực, nhà nước Âu Lạc và An Dương Vương là có thật.

Bộ sử lâu đời nhất là “Sử ký Tư Mã Thiên” có nhắc tới nước Âu Lạc, còn “Cựu Đường thư” của Lưu Hú dẫn Nam Việt chí đã đề cập tới việc “vua Thục đưa con mình làm An Dương Vương trị đất Giao Chỉ”. Tác phẩm này và sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chép lại rằng Triệu Đà đã dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn của con trai mình mà thành công chinh phục Âu Lạc.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ Việt Nam còn tìm được dấu tích còn lại, từ những thứ này họ thấy rằng Cổ Loa này được xây dựng với đủ chức năng như quân thành, thị thành và kinh thành.

Mô hình thành Cổ Loa
Mô hình thành Cổ Loa. (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)

Cổ Loa là một trong những kinh đô cổ lâu đời nhất của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Nơi đây được biết đến là kinh đô nước Âu Lạc trong thời điểm từ năm 208 đến 179 trước Công nguyên. Thời kỳ Âu Lạc, kinh đô Cổ Loa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của cả nước. Ngày nay, tại đây vẫn lưu giữ các dấu tích về cuộc sống hay các vòng thành là bằng chứng thể hiện trình độ kỹ thuật quân sự cao của người Việt cổ.

Được biết, sau khi thực hiện các bước phân tích, các nhà khảo cổ đã xác định thành Cổ Loa có niên đại cách đây 2.300 năm. Thành được thiết kế theo kiểu vòng ốc nên còn được gọi là Loa thành. Tương truyền, thành Cổ Loa có tới 9 vòng nhưng ngày nay chỉ còn lại 3 vòng gồm thành nội, thành trung và thành ngoại được đắp nối từ các gò, đống tới các dải đất cao chạy dọc theo sông. Tổng chiều dài của thành là 15,8 km.

Thành Cổ Loa nằm ở vị trí của tam giác Châu thổ sông Hồng. Không chỉ nằm trên một khu đất cao ráo, vị trí của thành Cổ Loa còn giúp An Dương Vương có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng và sơn địa. Thành Cổ Loa nằm ở tả ngạn sông Hoàng, một nhánh của sông Hồng và cũng là nơi nối liền sông Cầu (thuộc hệ thống sông Thái Bình).

Thời ấy, sông Hồng và sông Thái Bình là 2 mạng lưới đường thủy lớn nhất của Bắc Bộ Việt Nam. Từ sông Hoàng, tàu thuyền có thể đi lên vùng Tây Bắc của Bắc Bộ hoặc ra biển. Chính vì thế, thành Cổ Loa tọa lạc tại những điểm quan trọng của đường bộ và đường thủy của Âu Lạc.

Bí mật về “kho báu” dưới ngôi đền

Trong quần thể di tích Cổ Loa, đền Thượng là một di tích giữ vị trí trung tâm. Đền Thượng hay còn gọi là đền Thục An Dương Vương được xây dựng trên một khu đất cao nằm ở phía Tây Nam thành Nội, thuộc địa phận xóm Chùa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Đền Thượng được xây trên nền nội cung trước đây. Cụ thể, ngôi đền này được xây dựng vào năm 1687 đời Lê Hy Tông (vị vua thứ 21 của nhà Hậu Lê, trị vì năm 1675- 1705), sau đó sửa lại vào năm 1689, 1893 và gần đây. Nhân vật thờ trung tâm trong đền Thượng là vua An Dương Vương.

Đền Thượng nhìn từ trên cao
Đền Thượng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Đền Thượng tọa lạc trên một gò đất mà theo phong thủy là đầu của con rồng. Hai bên đền là 2 cánh rừng, ngay bên dưới là 2 hố tròn được gọi là mắt rồng. Điểm đặc biệt của 2 hố này là một hố luôn đầy nước dù gặp mùa hạn hán và hố còn lại thì luôn khô cạn dù trời mưa lớn thế nào.

Trong đền Thượng có rất nhiều di vật lịch sử quý giá. Trong đó bức tượng đúc An Dương Vương bằng đồng là một di vật có giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử và khoa học. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, quá trình chế tác bức tượng này có rất nhiều điểm đặc biệt.

Tương truyền, vào năm 1893, người dân quyết định đại tu bổ lại đền Thượng. Khi đào nền điện, họ vô tình phát hiện ra một kho đồng bên dưới. Sau khi bàn bạc, họ quyết định đem toàn bộ số đồng đó đã đúc thành tượng đức vua An Dương Vương để thờ.


Bức tượng đồng vua An Dương Vương. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Theo Ban quản lý khu di tích Cổ Loa, tượng vua An Dương Vương làm bằng đồng hun theo đúng quy chuẩn tạc tượng. Tượng có kích thước lớn hơn người thật và được tạc theo thể tượng tròn. Bức tượng đồng này được đúc nguyên khối gồm cả bệ, mũ, quần, áo và hài của nhà vua. Tượng nhà vua được tạc trong tư thế ngồi với khuôn mặt vuông vức, tai lớn, trán cao, mắt xếch, râu dài và đen.

Ngài mắc áo long bào cổ cao, đầu đội mũ Bình thiên có trang trí lưỡng long chầu mặt nhật, diềm áo trùm xuống mũi hài khắc ba chỉ. Nhà vua đi hài mũi cong khắc hình hoa cúc mãn khai. Hai tay khép trước ngực, ngón tay dài cầm hốt. Trên miếng hộ tâm dưới bụng có khắc dòng chữ: “Thánh tổ An Dương Vương hoàng đế”, ngài đeo đai ngọc to bản trễ xuống.

Theo trang web Ban quản lý khu di tích Cổ Loa và Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào một ngày xuân năm 1961, Bác Hồ đã đến thăm đền Thượng nơi thờ phụng vua An Dương Vương. Bác hỏi người dân làng rằng có ai biết được bức tượng vua An Dương Vương được đúc năm nào, nặng bao nhiêu cân không.

Khi đó, không ai biết trả lời sao, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Người lớn tuổi nhất chỉ biết rằng ngôi đền được trùng tu vào năm 1687. Đôi ngựa tía của nhà vua được tạc từ gỗ quý vào năm 1716.


Bức tượng đồng An Dương Vương hiện đang được đặt trong đền Thượng, Cổ Loa, Đông Anh. (Ảnh: Ban quản lý khu di tích Cổ Loa)

Lúc này, Bác mới đi tới sau bức tượng và nói rằng phía sau vai tượng có khắc chữ. Dòng chữ bên trái được khắc là “Tượng đồng nhị bách ngũ thập cân” (nghĩa là: Tượng đồng nặng 250kg), bên phải “Đinh dậu niên ngũ nguyệt thập lục nhật tu tạo” (nghĩa là: Ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897) đúc tượng).

Từ cuối năm 2004 đến năm 2007, các nhà khảo cổ học đã tiến hành 3 đợt khai quật tại đền Thượng, với 9 hố, trên tổng diện tích 311,5m2. Qua những đợt khai quật này, đã phát hiện được hệ thống lò đúc mũi tên đồng và nhiều hiện vật có giá trị liên quan khác.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *