Có gì bên trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới mở cửa?
Có gì bên trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới mở cửa?
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí vé tham quan đến hết tháng 12.2024 tại địa chỉ Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long (P.Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Hệ thống trưng bày trong bảo tàng giới thiệu hàng nghìn hiện vật, được tổ chức hiện đại, khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến của bảo tàng quốc tế như sa bàn 3D, màn hình tra cứu thông tin, tư liệu ảnh, thuyết minh tự động và mã QR tra cứu thông tin hiện vật.
Không gian trưng bày được chia thành 6 chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 – 1945; Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 – 1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay.
Đặc biệt, có 4 bảo vật quốc gia được trưng bày, lưu giữ tại không gian Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bao gồm: máy bay MiG-21 số hiệu 4324; máy bay MiG-21 số hiệu 5121, tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; xe tăng T-54B số hiệu 843.
Ông Siu Trul (66 tuổi, H.Chư Pưh, Gia Lai) rất vui mừng khi có cơ hội thăm bảo tàng đúng dịp mới mở cửa. “Tôi thấy bảo tàng mới rất khang trang, đẹp đẽ. Khi được tận mắt thấy những hiện vật tại đây, tôi thấy rất ý nghĩa”, ông Trul chia sẻ.
Những hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có tính giáo dục cao đối với học sinh, sinh viên, những người nghiên cứu về lịch sử quân sự.
Anh Lương Minh Công (22 tuổi, sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) ấn tượng với kiến trúc và không gian trưng bày tại bảo tàng. “Tôi đang làm triển lãm về quân sự. Khi biết tin bảo tàng mở cửa, tôi tới đây để trải nghiệm và tìm hiểu thêm kiến thức sử dụng cho triển lãm. Tôi sẽ quay lại nhiều lần để tham khảo những thông tin lịch sử tại đây”, anh Công nói.
Với quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, diện tích xây dựng 23.198 m2, tổng diện tích sàn tòa nhà chính 64.640 m2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một công trình văn hóa đặc biệt tiêu biểu, nơi bảo tồn và phát huy tinh hoa di sản văn hóa quân sự của dân tộc, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của các du khách trong nước và quốc tế.
Một phần xác máy bay B52 bị quân và dân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội được trưng bày tại đại sảnh với thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung, nhân nghĩa
ẢNH: TUẤN MINH
Ông Siu Trul (66 tuổi, H.Chư Pưh, Gia Lai) ấn tượng với máy bay tiêm kích MiG-21 số hiệu 4324 mang trên mình 14 ngôi sao đỏ, tượng trưng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ từ năm 1965 – 1967. Đây là một trong 4 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
ẢNH: TUẤN MINH
Những hiện vật trưng bày tại không gian Chủ đề 1 khái quát quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc cho đến chiến thắng Bạch Đằng (938) chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc
ẢNH: TUẤN MINH
Nhiều hiện vật khí tài quân sự cỡ lớn được đưa vào trưng bày tại không gian bên trong bảo tàng
ẢNH: TUẤN MINH
Chiến dịch Điện Biên Phủ được mô phỏng bằng công nghệ sa bàn 3D, tạo cảm giác chân thực cho người xem
ẢNH: TUẤN MINH
Khách tham quan hứng thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử
ẢNH: TUẤN MINH
Hàng ngàn hiện vật khác có giá trị lịch sử được trưng bày xuyên suốt 6 chủ đề tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
ẢNH: TUẤN MINH