Còn đây tiếng vọng thời gian

Tháng sáu 19, 2024

Còn đây tiếng vọng thời gian

TỪ TRANG GIẤY SẪM MÀU…

Có lẽ nhắc lại đôi điều về chuyện làm báo những năm thập niên 1990, nhiều người sẽ cho rằng thế giới đang trên “hành trình công nghệ”, là “thế kỷ của chuyển đổi số“, kể làm chi chuyện cũ. Song, với tôi và nhiều đồng nghiệp, có nhắc lại một chút kỷ niệm quá khứ cũng là để thấy được sự bứt phá đến chóng mặt của tiến bộ nhân loại về công nghệ, đã hỗ trợ nhạy bén cho những người làm báo hôm nay như thế nào.

Còn đây tiếng vọng thời gian- Ảnh 1.

Chiếc Phone link ngày xưa còn giữ lại

T.T.B

Đó là những ngày ngược xuôi đi săn tin, tìm kiếm tư liệu cho bài viết. Mỗi lúc trở về tòa soạn, đối diện với người viết, trên bàn làm việc là một ram giấy A4 sẫm màu và vài cây bút bi, chứ không phải chiếc máy tính như bây giờ. Tiếng giấy sột soạt trong căn phòng lặng im, và tại mỗi ngăn nhỏ của mỗi người thỉnh thoảng lại thấy hàng loạt bản thảo bị vò xé. Cho đến khi “sản xuất” ra được một bản thảo sạch sẽ và ưng ý, sau khi rà đi soát lại, để đó chờ đi rửa ảnh, viết chú thích vào sau lưng mỗi bức, rồi kẹp vào mấy tờ bản thảo nộp cho tòa soạn. Những công đoạn trong quy trình riêng của mỗi phóng viên hầu như không ai giống ai. Soạn tư liệu, rửa ảnh xem trước để có thể hình dung thêm câu chuyện đôi chút rồi mới bắt tay vào viết; hay viết xong rồi mới báo lại cho bộ phận quản lý nội dung chờ ảnh, là tùy vào cách làm việc của mỗi người. Song, thời gian nộp bài phải đảm bảo để khỏi làm phiền đồng nghiệp, khỏi khiến họ phải chờ đợi trong dây chuyền làm báo.

Nhưng những chuyến đi công tác xa thì phải có thêm công đoạn đặc biệt đáng lưu ý, là nhất thiết phải rửa ảnh gửi về tòa soạn trước qua đường bưu điện, rồi mới viết bài. Khi viết xong, phải tìm bưu điện lớn, nơi có máy fax “ngon lành” để nhờ chuyển bài. Nhằm khi máy fax bị trục trặc, là kể như “héo”, phải chạy đôn chạy đáo tìm quanh xem có nơi nào nhờ vả được, năn nỉ cho chuyển đi vài trang bản thảo. Cũng may, vào thời ấy, chỉ có một vài tờ ra nhật báo, còn lại thì đang ra báo cách nhật. Đến lúc báo giấy mỗi ngày mỗi in, thì đã có máy tính, và lúc này đã có internet hỗ trợ chuyển bài qua email. Riêng khâu hình ảnh thì cũng phải qua một thời gian sau mới chuyển về cho tòa soạn được qua con đường công nghệ, khi đã có máy ảnh kỹ thuật số.

… ĐẾN MÀN HÌNH MÁY TÍNH

Khi mỗi phóng viên được tòa soạn trang bị cho một chiếc máy nhắn tin (Phone link) để tiện liên lạc, nhận chỉ đạo từ tòa soạn, thì trên bàn của chúng tôi, chiếc computer kềnh càng vẫn chưa có mặt. Vẫn phải viết bản thảo giấy, vẫn phải rửa hàng chục tấm ảnh để chọn lựa kèm với một bản tin, một bài báo khi chỉ cần sử dụng 1, hay tối đa là 3 tấm ảnh. Ngoại trừ những lúc có những đề tài khá đặc biệt tòa soạn cần sử dụng nhiều hình ảnh hơn một chút để làm phóng sự ảnh.

Còn đây tiếng vọng thời gian- Ảnh 2.

Máy móc của một thời trong chiếc hộp giấy

T. T. B

Vì thế, lúc ấy chiếc Phone link có lẽ là vật quý giá, là thiết bị mang “tầm công nghệ” hay “tính viễn thông” cao, biểu hiện cho sự hiện đại trong tác nghiệp báo chí. Phone link thời ấy ban đầu không dễ mua, mà cũng không dễ trao cho ai, khi chỉ được cung ứng số lượng có hạn với giá khá đắt. Vì vậy, thường được ưu tiên cấp trước cho những phóng viên thường thực hiện các đề tài điều tra, chuyên viết mảng thời sự nóng, đặc biệt là các đề tài xã hội có sức hút với đông đảo bạn đọc. Rồi sau đó, mới trang bị rộng ra cho toàn bộ phóng viên, cho đến vào khoảng tháng 2.2004, “chủ quản” của loại máy này là City Phone mới bắt đầu ngừng cung cấp dịch vụ.

Cứ hình dung ngồi quán cà phê “hóng hớt” tin nóng, mà nghe tín hiệu “bíp bíp” phát ra từ hông, nâng máy lên bấm xem tin nhắn rồi lặng lẽ phóng xe vụt đi, hình ảnh anh phóng viên ấy “oách” như thế nào. Nhiều khi, những người bạn ngồi cùng bàn thoáng vẻ ngơ ngác không biết chuyện gì đang diễn ra, mãi cho đến khi báo in phát hành hôm sau, mới biết hôm qua bạn vội đi là vì bản tin ấy!

Còn đây tiếng vọng thời gian- Ảnh 3.

Một trong số những tin bài từ năm 1995 đăng trên Báo Thanh Niên còn giữ lại. Để chọn được tấm ảnh ưng ý đăng kèm bài, tác giả đã phải chụp đến 8 tấm phim trong cuộn phim 36 tấm

T. T. B

Nhưng đến khi chiếc máy tính xuất hiện trên bàn làm việc, mới biết rằng sự tiện lợi từ nay sẽ dẫn lối cho việc xuất bản ào ạt tin bài của nhiều tòa báo. Không phải tốn bút giấy, không phải tốn phim Konica hay Kodak và vội vã chạy đi rửa ảnh, vì đồng thời các thế hệ máy ảnh kỹ thuật số cũng đã ra đời. Đặc biệt, với tính chất nghề nghiệp rất nhiều lúc phải đi công tác xa, việc viết bài nhờ qua máy tính bàn của bạn bè hay các cơ quan quen biết rồi chuyển đi, kể cả hình ảnh kèm theo, là một cuộc “cách mạng” trong quy trình xử lý thông tin của người làm báo. Cũng không còn phải lặn lội trong ngọn nắng cơn mưa hay đêm khuya vất vả nhằm tìm ra điểm bưu điện gần nhất để chuyển bài, rồi điện thoại về tòa soạn báo cáo rằng “tôi đã gửi fax bản thảo rồi đấy”, kèm theo là phải báo số trang bản thảo để người trực máy fax… không lấy sót!

Từ dạo đó, khoảng vào những năm cuối của thập niên 1990, chiếc máy tính với những tính năng đa dụng của nó, có kết nối internet đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động báo chí. Hầu như, tất cả các loại hình báo in hay báo mạng, báo nói, báo viết hoặc báo hình, những người làm báo đã có một trợ thủ đắc lực, giảm thiểu biết bao phiền phức trở ngại khó quên, mà bây giờ khi nhớ lại, có cả 1.001 chuyện “cười ra nước mắt”, không thể nào kể xiết!

Cũng từ dạo đó cho đến nay, hình ảnh người phóng viên gò mình trên bàn, nắn nót từng câu từng chữ như đã lùi vào xa lắc. Có chăng, đôi khi tôi tự nghĩ, là sự cân nhắc câu chữ của người viết báo bằng giấy bút có vẻ kỹ lưỡng hơn, theo từng tờ giấy A4 bị vò xé ném ra tứ tung; hoặc những bài viết, những bản tin độc quyền “đắt giá”, là niềm tự hào của phóng viên và của tòa soạn hầu như vắng dần. Cũng bởi vì với công nghệ của thời đại số cộng với việc phải chạy đua thông tin, chuyện viết nhanh, gửi nhanh và xuất bản nhanh nhiều lúc đã dẫn đến những hệ lụy, gây ra các lỗi không nên hoặc không đáng có.

Đó là những lăn tăn của người viết khi “chạm mắt” vào một bản tin lủng củng, tít tựa dễ dãi hoặc nội dung chuyển tải chưa sâu. Song vẫn nghĩ rằng, sự đào luyện qua thời gian, kỹ năng và kinh nghiệm của người làm báo sẽ được bồi đắp, rút tỉa từ mớ thông tin được xem là nguyên liệu thô để có những bài báo hay, tinh chất. Chưa kể, bên cạnh mỗi người đều có đầy đủ các điều kiện về thiết bị tác nghiệp, của một thời đại có thể nói chưa bao giờ dễ dàng thuận lợi như thế!

*****

Bởi vậy, trong những ngày tháng 6 này, tôi lại miên man nhớ về nhiều chuyện khi nhìn lại những chiếc máy cũ nằm lặng lẽ mà mình cất giữ lâu nay. Đôi khi lại nghĩ chúng là “chứng nhân” của một thời với bao buồn vui của nghề viết. Mà không chỉ riêng tôi, nhiều lúc trà dư tửu hậu với đồng nghiệp từng lăn lộn trong tháng năm ấy ôn lại kỷ niệm, cũng có những điều tương hợp. Biết bao câu chuyện diễn ra nơi này nơi nọ, liên quan tới từng kỷ vật đang nằm trong chiếc hộp giấy kia. 


Bạn đang đọc Còn đây tiếng vọng thời gian tại website hungday.com