Còn sống đã là một loại thành công
Xin chào mọi người, mình vừa xem xong bộ phim “Em của thời niên thiếu”, việc hoàn thành bộ phim hối thúc mình cần phải viết ngay về một thông điệp mà như tiêu đề của bài viết đã đề cập, đó là “Còn sống đã là một loại thành công”. “Em của thời niên thiếu” hay một bộ phim khác mình cũng xem gần đây là “Mr. Plankton” là chất xúc tác và khiến mình đồng cảm bởi có nhiều nét tương đồng với tuổi thơ của mình. Nên mình có thể coi như một minh chứng sống cho câu nói ở tiêu đề, một góc nhìn của người từ “đáy xã hội” đi lên “sống bình thường”. Mình nghĩ đây là một thông điệp đơn giản, nhưng mình hi vọng nó sẽ giúp ích được cho ai đó, đặc biệt là những người đang ở trong vòng xoáy của cuộc đời và chưa bao giờ thấy “đủ” hay luôn cảm thấy “bất hạnh”. Ở đây mình sẽ nói đến 2 cấp độ, “sống bình thường” đã là một loại thành công và “còn sống” đã là một loại thành công. Hãy bắt đầu nhé!
1. “Em của thời niên thiếu” và mình – Sống bình thường đã là một loại thành công.
“Em của thời niên thiếu” mang đến câu chuyện cuộc đời của 2 con người đều chịu những bất hạnh, ở một tầng tối, một tầng đáy của xã hội này. Nữ chính bị bạo lực học đường và luôn sống trong cảnh phải tắt điện, trốn trong nhà để tránh khỏi những người luôn đòi nợ mẹ mình. Nam chính bị mẹ bỏ từ nhỏ, phải trở thành một tên “lưu manh”, “giang hồ” để có thể sống, xung quanh toàn là tệ nạn và bạo lực máu me.
Kết thúc bộ phim là kết thúc có hậu, sau khi nam nữ chính được ra tù (mình không chắc nam chính có phải đi tù không nhưng có vẻ là có), nữ chính có thể đi dạy Tiếng Anh, bảo vệ học sinh của mình. Và nam chính thì tiếp tục lẳng lặng đi theo sau bảo vệ người mình yêu, giống như câu nói “em bảo vệ thế giới, anh bảo vệ em”. Nam chính có thể đường đường chính chính nhìn vào camera ghi hình trên đường mà không cần phải cúi đầu, trốn trong mũ áo nữa, anh có thể trở thành một người “bình thường”.
Từ ấy cho đến suốt những năm tháng mình học hết cấp 2, mình liên tục gặp những biến cố về gia đình, mình được dạy cách nói dối, chứng kiến những lời nói dối của người lớn. Mình được chịu những mùi vị bất công điển hình như sự bắt nạt, dè bỉu, khinh thường thầm lặng của những người họ hàng. Được học cách nhìn sắc mặt người khác để sống. Được bị bắt nạt và bạo lực học đường. Được trải nghiệm cái nghèo, cái thiếu và cái lo lắng về tiền bạc, nợ nần. Được tìm đến những biện pháp tiêu cực để hành hạ bản thân. Mặt tối và tệ nạn bẩn thỉu, là 2 thứ lấp đầy cuộc sống của mình bấy giờ.
Và sau từng bước để bò về phía hạnh phúc ấy, thứ hạnh phúc mà mình có quả thực là những điều bình thường nhất. Mình từng bị trầm cảm và có cái nhìn cực kì sai lệch về thế giới, và cũng đã từng rất ghét bản thân, mình luôn cảm thấy mình là thứ rác rưởi và bẩn thỉu nhất trên thế giới này. Nên tuy mình khao khát ánh nắng, nhưng đứng dưới nắng, mình chỉ cảm thấy ghét bỏ mình vì cho rằng mình không xứng được đứng dưới nắng. Nên với mình, cái ngày mình có thể thoải mái đón lấy ánh nắng, là ngày hạnh phúc nhất đời mình. Sau tất cả, với mình của hiện tại, không ai xung quanh mình nhận ra mình đã từng trải qua những thứ gì, môi trường tốt đẹp, mọi người ở đây đều “sáng”. Nên với họ, những quá khứ kia của mình có vẻ thật xa lạ, thật khó liên tưởng. Những thứ bình dị tốt đẹp mình có hiện giờ, là phải dùng từng bước, từng bước bò ra khỏi vũng lầy để nắm lấy. Vì vậy với mình, cuộc sống của một người bình thường đã là hạnh phúc, hạnh phúc lắm. Được nhắm mắt ngủ ở một chiếc giường bình thường, nhìn chiếc cây bình thường bên ngoài cửa sổ, là hạnh phúc, mà phải dùng rất nhiều sức lực mới có thể có được.
Và những người đang buồn bã vì cuộc sống mình vẫn còn bình thường quá, hãy nhớ rằng sự bình thường đó của bạn vốn đã rất thành công, là một loại thành công không phải ai cũng có, loại thành công là mơ ước của rất nhiều người. Hãy bước tiếp về phía trước với tâm thế tự tin.
Nhân vật chính của “Mr. Plankton” cũng là một chàng trai với cuộc đời nhiều bất hạnh, cuộc đời của anh đích thực được gắn xuyên suốt với 2 từ “bất hạnh” này. Anh từng rất ghét việc mình được sinh ra, nhưng cho đến những ngày cuối cuộc đời, anh mới nhận thấy được những vẻ đẹp của tình yêu, của tình bạn, của tình thân và của cuộc sống. Và khi ấy, anh rất muốn sống tiếp, nhưng ngày từ biệt sự sống cũng phải đến với anh. Bộ phim kết thúc với sự qua đời của nam nhân vật chính đã mang đến rất nhiều nước mắt.
Mình luôn ý thức được một ngày bản thân sẽ phải rời xa thế giới này, có thể là ngay sau khi mình viết xong bài viết này, có thể là ngày mai, có thể là vài năm nữa hay vài chục năm nữa. Không ai biết chính xác thời điểm ta sẽ “bay màu” là khi nào, chính vì vậy, ta càng phải quý trọng mạng sống hiện tại của mình hơn. Hôm nay, đời ta có thể tệ, ta chưa thấy vẻ đẹp của cuộc sống, nhưng chưa chắc ngày mai đã vậy. Ta còn sống, tức là ta còn có cơ hội sửa sai, có cơ hội làm lại, có cơ hội để được sống tốt hơn. Còn sống, là còn tất cả, ta sẽ luôn có cơ hội thể thoát ra, để tốt hơn, để sống hạnh phúc, để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống. Vì vậy, còn sống, tức là còn cơ hội, còn sống – đã là một loại thành công.
Lời kết mình muốn nhắn nhủ
Nếu bạn đang có một cơ thể không lành lặn hay bệnh tật, vậy việc bạn còn sống đã là một loại thành công, bạn có thể tự hào về chính mình vì đã vượt qua những nghịch cảnh để sống tiếp và mình mong bạn sẽ cố gắng để tận hưởng được niềm vui và vẻ đẹp cuộc sống của riêng bạn.
Bài viết của mình chỉ kể về việc “sống bình thường” đáng giá cỡ nào qua con mắt của một kẻ phải cố gắng rất nhiều để đi từ vị trí thụt lùi rất xa để đến được vạch xuất phát. Không phải cổ xúy cho việc không cần cố gắng, việc bạn sống thế nào, cuộc đời thế nào là lý tưởng và ý nghĩa với bạn thì là tùy thuộc vào bạn. Tuy nhiên với mình, mình chọn cách vừa trân trọng và tự hào về cuộc sống bình thường của mình, nhưng cũng không ngừng nỗ lực tiến về phía trước để cuộc sống mình tốt hơn, để bảo vệ được người mình yêu thương và để cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Vậy kết thúc bài viết này mình chỉ muốn nói: