Công nghệ thực phẩm: Học đâu và làm gì?

Tháng mười một 20, 2024

Hiểu một cách khái quát thì công nghệ thực phẩm là một ngành khoa học và công nghệ nghiên cứu về việc chế biến, bảo quản và phát triển các sản phẩm thực phẩm. Ngành của mình cần kết hợp nhiều kiến thức liên quan đến dinh dưỡng, hoá học, kĩ thuật, sinh học,… để có thể đưa từ nguyên liệu thô đến các sản phẩm công nghiệp như nước tương, nước mắm, bánh kẹo, trà, cà phê, cacao,…, những món đồ mọi người hay mua ở tạp hoá hay siêu thị.

Ngành công nghệ thực phẩm rất rộng, nhưng sẽ được chia thành các lĩnh vực khác nhau dựa trên nhóm thực phẩm do sự tương đồng về quy trình chế biến hoặc một số tính chất của nguyên liệu đầu vào. Dưới đây là một số lĩnh vực phổ biến như:

+ Công nghệ chế biến thịt và thuỷ sản: nghiên cứu về quy trình chế biến, bảo quản, và phát triển các sản phẩm từ thịt và hải sản, thường bán trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Các sản phẩm đa dạng như thịt hộp, xúc xích, cá/tôm đông lạnh, các sản phẩm giá trị gia tăng như há cảo, dimsum, hoành thánh, chả giò,… Tương tự như sữa thì thịt và thuỷ sản cũng gặp vấn đề vi sinh cần chú ý và kiểm soát nghiêm ngặt vì thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ hư hỏng hoặc sinh ra chất độc.

+ Công nghệ chế biến đường và bánh kẹo: nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bánh kẹo nói chung để thu hút người tiêu dùng. Cái này thì đa dạng từ kẹo cứng kẹo mềm, bánh mỳ, bánh quy, bánh trung thu,… Mỗi loại sẽ có những quy trình công nghệ khác nhau, sử dụng các phương pháp chế biến, bảo quản khác nhau. Nhưng nói chung mảng công nghệ chế biến sẽ làm việc chủ yếu xoay quanh đường, các loại bột, các hương vị mới mẻ cho sản phẩm.

Ngành học rất rộng nên những vị trí công việc cũng rất rộng, gần như bất cứ thứ gì dính dáng tới thực phẩm thì đều có thể làm được. Nhưng có những công việc chính của ngành mà đa số sinh viên đều lựa chọn làm sau khi tốt nghiệp mình sẽ liệt kê sau đây:

QA (Quality Assurance) và QC (Quality Control) là hai khái niệm quan trọng trong sản xuất thực phẩm. Tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng việc thực hiện công việc của QA và QC vẫn khác nhau rất nhiều. QA hiểu đơn giản là tìm cách cải tiến quy trình, ngăn ngừa lỗi để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng trong khi QC là người kiểm tra chất lượng của sản phẩm sau khi sản xuất. Mục tiêu của QC là phát hiện và sửa chữa lỗi trong sản phẩm cuối cùng.

– R&D (Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới):

Khi quá trình thử nghiệm xong xuôi và chốt công thức, sản phẩm sẽ được làm mẫu thử để chào khách hàng hoặc đưa ra tiến hành cảm quan và đánh giá. Nếu sản phẩm được yêu thích, được ban lãnh đạo thông qua, R&D sẽ bắt đầu lựa chọn và thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp. Bao bì sẽ có bên thứ ba thiết kế nhưng việc đưa ra yêu cầu và lựa chọn thiết kế nào, sử dụng bao bì ra sao (túi zip, hũ, túi giấy, đóng lon,…), kích thước thùng đựng như nào, chất liệu được sử dụng là gì?… sẽ do R&D đảm nhiệm vì người làm R&D sẽ hiểu rõ nhất tính chất và yêu cầu của sản phẩm.

Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, R&D có thể cải tiến thêm dựa trên sản phẩm đã sẵn có như thử nghiệm để thay đổi nguyên liệu để giảm giá thành, thay đổi bao bì tốt hơn hoặc chất liệu, tựu chung lại là có những cải tiến để dần hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng của sản phẩm hơn hoặc chất lượng không đổi nhiều nhưng giá thành giảm xuống để tăng sức cạnh tranh. Làm R&D cần học hỏi mỗi ngày, rất nhiều công việc không tên, nhưng bù lại rất có triển vọng phát triển và có thể thoả mãn sự tò mò và đam mê của những người thích nghiên cứu.

Quản lý sản xuất bao gồm lập kế hoạch, tổ chức, điều phối và giám sát sản xuất để đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng tiến độ, đạt chất lượng và tối ưu chi phí. Sau khi R&D nghiên cứu và ban hành quy trình để đưa sản phẩm vào sản xuất, thì đây là trách nhiệm của những người làm sản xuất để đảm bảo các công đoạn tuân theo quy trình và đạt được những tiêu chuẩn đã cho của sản phẩm thực phẩm. Công việc chính của quản lý sản xuất là quản lý công nhân, giải quyết các mâu thuẫn của họ, sắp xếp công nhân vào các vị trí để đảm bảo công việc được vận hành trơn tru. Ngoài ra, một người làm quản lý sản xuất cần xử lý các sự cố phát sinh khi có vấn đề xảy ra, là người đứng giữa ban lãnh đạo và nhà máy để đưa những sản phẩm được thí nghiệm quy mô nhỏ được sản xuất với quy mô lớn hơn và tung ra thị trường.

Chốt lại là mình cũng chỉ nói được khái quát ngành của mình thôi vì còn siêu rộng và sâu. Mình thì mới ti toe vào nghề nên cần học hỏi nhiều lắm. Nhưng đây là một bài viết chia sẻ về ngành lần đầu tiên thay cho lời chào hỏi khi quay lại sau mấy năm mình mất hút nên mình cũng mong khác biệt một xíu. Xin chào mọi người, hi vọng mọi người sẽ thích bài viết này:>