Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024’’
Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024’’
(Xây dựng) – Sáng 22/10 đã diễn ra cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF). Cuộc thi nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm.
Vòng Chung kết cuộc thi quy tụ các giải pháp đổi mới sáng tạo. |
Nằm trong chương trình, cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024 ” được tổ chức, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Sản phẩm tái chế được đưa ra thị trường thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Chương trình đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa mà còn gia tăng nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết của vấn đề này.
Sau 05 tháng tìm kiếm, tổ chức đào tạo chuyên sâu và đánh giá, Hội đồng giám khảo đã lần lượt lựa chọn ra Top 80, Top 50, Top 20 và Top 5 cuộc thi dựa trên hai nội dung:
Bảng ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới và sáng tạo đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường.
Bảng giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Vật liệu tái chế được ứng dụng cùng công nghệ mới vào đời sống. |
Ông Fergus McBean, Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đánh giá cao về vai trò của chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa”: “Rác thải nhựa là một trong những thách thức mang tính cấp bách nhất đối với môi trường trong thời đại của chúng ta. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tình trạng của đại dương và hệ sinh thái, mà còn tới sự thịnh vượng của các cộng đồng trên toàn thế giới. Sự đổi mới cần thiết để giải quyết vấn đề này không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn từ sự phối hợp hành động giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Vương quốc Anh, với tư cách là thành viên của Liên minh Khát vọng chấm dứt ô nhiễm nhựa, đã xác định rõ các ưu tiên trong việc chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa. Đây là lý do tại sao các cuộc thi như Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa lại đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra một nền tảng thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa”.
Nhằm đảm bảo tính khách quan và chuyên môn cao, cuộc thi quy tụ đội ngũ Ban giám khảo uy tín, gồm các chuyên gia đầu ngành về môi trường và tái chế: Bà Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Ông Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường; Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường; Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển Bền vững, Unilever Việt Nam; Ông Phạm Mạnh Trí, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi cung ứng, Unilever Việt Nam; Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam; Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên, Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á, Circulate Capital.
Nhiều sản phẩm tái chế có tính ứng dụng cao trong đời sống tiêu dùng. |
Theo bà Nguyễn Ngọc Như Uyên, các bài dự thi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề rác thải nhựa. Các sáng kiến không chỉ tập trung vào thu gom và phân loại mà còn đề xuất những giải pháp bền vững như công nghệ nhựa sinh học phân hủy tại nhà, chuyển đổi bao bì đa lớp thành các sản phẩm công nghiệp có giá trị hay số hóa với tiềm năng chuyển đổi/ đổi mới các liên kết trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhiều giải pháp đã được thử nghiệm thực tế để giải quyết các thách thức trong việc thu gom và tái chế bao bì nhựa mềm.
Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá, các dự án và ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được vinh danh với những giải thưởng giá trị, nhằm khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Ban giám khảo xem xét đánh giá các giải pháp tham dự cuộc thi. |
Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” không chỉ là cơ hội để các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu các sáng kiến mới, mà còn là nền tảng để kết nối, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.