Đã bán ra 1,8 tấn, sao vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ?

Tháng năm 28, 2024

Đã bán ra 1,8 tấn, sao vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ?

1,8 tấn vàng không đủ đáp ứng nhu cầu?

Từ ngày 19.4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức 9 phiên đấu thầu, trong đó 6 phiên có khối lượng trúng thầu thành công 48.500 lượng, tương ứng hơn 1,8 tấn vàng. Thế nhưng, giá vàng miếng SJC vẫn đang đắt hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng tính đến hôm qua.

Đã bán ra 1,8 tấn, sao vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ?- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC vẫn ở mức cao

Ngọc Thắng

Ngày 27.5, giá vàng miếng SJC tăng thêm 400.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào với giá 87,9 triệu đồng/lượng, bán ra 89,9 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 87,9 triệu đồng, bán ra 89,6 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Vietinbank mua vào 87,9 triệu đồng, bán ra 89,9 triệu đồng… Giá vàng nhẫn tăng từ 150.000 – 200.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC mua vào còn 74,85 triệu đồng, bán ra 76,45 – 76,55 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 75,39 triệu đồng, bán ra 76,84 triệu đồng…

Trong khi đó, kim loại quý quốc tế tăng 10 USD/ounce, lên 2.344 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC cao hơn quốc tế lên 17,9 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.

Với hơn 1,8 tấn vàng cung ứng ra thị trường trong thời gian qua vẫn không kéo được mức đắt đỏ của vàng miếng, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới, cho rằng NHNN chỉ mới tăng nguồn cung vàng ra thị trường qua các thành viên tham gia đấu thầu vàng. Nhưng lượng vàng này đã ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân hay chưa thì cũng không rõ. Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng truyền thống, khi trúng thầu sẽ thực hiện bán ra chốt lời ngay trong ngày và sau đó cân đối lại trạng thái vàng. Ít có đơn vị nào dám đầu tư mạo hiểm để lại vàng chờ giá hôm sau tăng rồi mới bán bởi NHNN tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng đồng tình rằng nguồn cung 1,8 tấn vàng không đủ cho thị trường, bởi nhìn vào doanh thu của Công ty SJC dự kiến trong năm 2024 ở mức 30.145 tỉ đồng, tương ứng khoảng 12 tấn vàng.

“Đó là chỉ riêng SJC, còn các doanh nghiệp, ngân hàng khác chưa kể. Nhìn lại năm 2013, NHNN đã thực hiện gần 80 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1,932 triệu lượng vàng và bán thành công gần 1,82 triệu lượng vàng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn vàng được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. Có thể thấy, cách đây 10 năm thị trường đã tiêu thụ 40 tấn và hơn 10 năm qua chưa có lượng vàng nào được NHNN cung ứng thêm. Do đó, 1,8 tấn vàng vừa đấu thầu có thể nói là chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường thì giá vàng miếng SJC sẽ vẫn còn cao”, TS Huân phân tích.

Chưa tạo hiệu ứng lên thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Trọng nhận định: Các phiên đấu thầu chưa tạo ra được hiệu ứng để người dân bán lượng vàng đang có ra thị trường mà lại có tâm lý mua vào khi giá trúng thầu từ NHNN ở mức cao. Trước đây, người dân mua vàng miếng là chủ yếu, ít mua vàng nhẫn. Nhưng vừa qua, vàng nhẫn được người dân quan tâm mua nhiều. Thế nhưng sau khi các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra nguồn gốc vàng, thị trường vàng nhẫn gần như đóng băng, không đáp ứng được nhu cầu nên nhiều người quay sang vàng miếng SJC. Điều này càng làm cho vàng miếng SJC trở nên đắt đỏ hơn.

Theo ông Trọng, niềm tin của nhà đầu tư, của người dân vào sự can thiệp thị trường vàng cũng là một yếu tố tác động. Hiện NHNN chỉ mới cung ứng nguồn vàng trên thị trường chứ chưa thấy động thái kéo giá xuống rõ nét thông qua giá chào thầu luôn ở mức cao. Trong phiên đấu thầu gần đây, giá chào thầu có tín hiệu tích cực hơn, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia thị trường và sau phiên đấu thầu, giá vàng trên thị trường cũng không biến động bất thường như trước nhưng chưa đủ hiệu ứng.

“Nếu NHNN quyết liệt kéo giá vàng thì người dân mới bán vàng ra. Đây cũng là lực cung vàng lớn giúp giá vàng miếng giảm bớt mức đắt đỏ”, ông Nguyễn Ngọc Trọng nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) phân tích giá đấu thầu vàng thời gian qua được thực hiện theo giá thị trường. Giá thị trường cao khiến giá đấu thầu cao và khi người tham gia mua vàng ở mức cao thì tất nhiên bán ra cũng ở mức cao. Thế nhưng, nhu cầu vàng trong nước vẫn còn cao nên lượng vàng đấu thầu trên chưa giải được cơn khát vàng. Thị trường hiện nay nhận định giá vàng miếng SJC và quốc tế còn tăng nên vẫn còn mua vào. Theo TS Thịnh, nhu cầu thị trường hiện nay rất khó dự báo, không giống như thời điểm năm 2012 – 2013 khi NHNN tổ chức hàng loạt phiên đấu thầu cung ứng khoảng 80 tấn vàng ra thị trường.

TS Thịnh nhận định nhu cầu thị trường hiện nay, kể cả việc gia công sản xuất ít hơn trước kia, nên việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, ngân hàng đồng thời triển khai kết nối hóa đơn điện tử giữa doanh nghiệp vàng với cơ quan thuế nên triển khai nhanh. Từ đó các vấn đề của thị trường vàng như nguồn vàng mua vào, bán ra sẽ được rõ ràng, minh bạch hơn.

“Sau ngày 15.6, khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng triển khai đồng loạt việc kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế; cùng với việc thanh tra 2 ngân hàng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn… sẽ biết được nguồn vàng đi đâu, về đâu, nhu cầu cụ thể là bao nhiêu, từ đó có chính sách ứng xử phù hợp”, TS Thịnh dự báo.

NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng

Tối 27.5, NHNN cho biết sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3.6. Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, NHNN sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có Công văn 1482 gửi các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn TP.HCM yêu cầu chấp hành các quy định về hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Chấp hành các quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng như hàm lượng vàng, tiêu chuẩn công bố, khối lượng, chế độ kế toán… Nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, đề nghị chủ động thực hiện thủ tục tự nguyện chấm dứt hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ…


Bạn đang đọc Đã bán ra 1,8 tấn, sao vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ? tại website hungday.com