Đà Lạt (Lâm Đồng): Cần có cái nhìn khách quan trong xử lý vi phạm tại sân golf Đồi Cù
Đà Lạt (Lâm Đồng): Cần có cái nhìn khách quan trong xử lý vi phạm tại sân golf Đồi Cù
(Xây dựng) – Thời gian qua, dự án sân golf Đồi Cù gây xôn xao trong dư luận vì những sai phạm trong quá trình thi công xây dựng và đang đối diện trước yêu cầu tháo dỡ của chính quyền. Tuy nhiên, đối chiếu với các hệ thống văn bản, tài liệu và pháp luật hiện hành có thể thấy, dự án này phù hợp với quy hoạch chung, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại thành phố Đà Lạt. Các thủ tục đầu tư xây dựng đã cơ bản đầy đủ, việc chậm cấp giấy phép xây dựng có vấn đề chậm từ phía chính quyền? Vì vậy, trong quá trình xử lý vi phạm, chính quyền địa phương cần có cái nhìn khách quan, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả hạn chế thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, không ảnh hưởng đến quá trình kêu gọi đầu tư.
Tòa nhà Câu lạc bộ golf thuộc dự án Sân golf Đồi Cù có chiều cao 3 tầng, không ảnh hưởng đến tầm nhìn hướng về núi Langbiang. |
Dự án luôn được “thống nhất chủ trương”
Thời gian qua, liên quan đến dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt, dư luận đã có nhiều ý kiến phản ánh khác nhau, có ý kiến cho rằng: Công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf được xây dựng không đúng quy hoạch chung, ảnh hưởng hướng nhìn về phía núi Langbiang và xây dựng tại khu vực II của danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, dự án sân golf Đồi Cù Đà Lạt được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư số 222/GP ngày 08/8/1991 cho phép thành lập Công ty Liên doanh Dalat Resort Incorporation (nay là Công ty Cổ phần Hoàng Gia DL) để xây dựng, nâng cấp sân golf 18 lỗ (Đồi Cù), 02 khách sạn Palace và Đà Lạt, 16 biệt thự khu Trần Hưng Đạo, Dinh I tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để kinh doanh du lịch.
Theo hồ sơ luận chứng kinh tế năm 1991, dự án sân golf được triển khai theo các giai đoạn: (1) Công tác xây dựng dãy 9 lỗ đầu tiên và tân trang lại trụ sở câu lạc bộ hiện có, phải hoàn tất trong vòng 1 năm đầu; (2) Xây dựng dãy 9 lỗ kế tiếp ngay sau khi dãy 9 lỗ đầu tiên hoàn tất; (3) Cuối cùng là xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ golf. Dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ công điện của Bộ Xây dựng ngày 23/4/1992 để ban hành Quyết định số 244/QĐ-UB ngày 28/4/1992 cho phép Công ty Liên Doanh Đalat Resort Incorporation san ủi, trồng cỏ và xây dựng công trình phục vụ cho thi công.
Tìm hiểu được biết, ngày 17/7/1992, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 661/BXD-ĐT về thỏa thuận thiết kế các công trình của Công ty Liên doanh DRI, trong đó tại điểm a khoản 1 xác định việc xây dựng sân golf 18 lỗ tại Đồi Cù là phù hợp với quy hoạch chung và tại khoản 2 đã thống nhất tổng mặt bằng sân golf theo như Sở Xây dựng Lâm Đồng xác nhận gồm có sân golf 18 lỗ, câu lạc bộ golf, nhà bảo trì…
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 310-CT ngày 20/8/1992 về việc giao đất cho Công ty Du lịch Lâm Đồng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài khôi phục và nâng cấp sân golf, kèm bản đồ lô đất thiết lập tháng 5/1992.
Năm 1993, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt bản đồ tổng mặt bằng sân golf tỷ lệ 1/1000, bao gồm hệ thống sân 18 lỗ và khu vực xây dựng Câu lạc bộ golf. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Câu lạc bộ sân golf tại Quyết định số 528/QĐ-UB ngày 27/5/1996.
Đối chiếu quy hoạch chung (Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể tại sơ đồ định hướng hệ thống các công viên đô thị và không gian mở đô thị trung tâm thành phố Đà Lạt xác định sân golf Đồi Cù là Công viên chuyên đề – Công viên Thể dục thể thao.
Như vậy, có thể khẳng định, đối với dự án sân golf Đồi Cù đã được UBND tỉnh chấp thuận năm 1993 với chức năng hoạt động chơi golf và xây dựng công trình Câu lạc bộ golf là đảm bảo định hướng quy hoạch được phê duyệt từ trước đến nay.
Về vấn đề công trình ảnh hưởng hướng nhìn núi Langbiang, thiết kế đô thị tại đồ án quy hoạch chung (theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ) thì góc nhìn về phía núi Langbiang được xác định là dọc tuyến “trục di sản” (kéo dài từ Hoàng Văn Thụ – Trần Phú – Hồ Tùng Mậu – Trần Hưng Đạo – Hùng Vương) và góc nhìn giới hạn được xác định tại vòng xoay cửa ngõ thành phố Đà Lạt (Trần Phú – Hồ Tùng Mậu – Trần Hưng Đạo – Khởi Nghĩa Bắc Sơn Đường 3/4). Trên cơ sở xác định góc nhìn từ “trục di sản” về hướng núi Lang Biang thì khu vực trung tâm được quy định công trình có tầng cao ≤ 5 tầng là không ảnh hưởng đến tầm nhìn đến núi Langbiang.
Công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf có chiều cao ≤ 12m (tương ứng 3 tầng). Như vậy, qua đối chiếu với quy hoạch chung, với chiều cao tối đa của công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf là 12m tương đương với công trình 3 tầng là không ảnh hưởng đến hưởng nhìn từ “trục di sản” về núi Langbiang. Thực tế cho thấy, các góc nhìn chính của thành phố, công trình này cũng không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực.
Có nằm trong khu vực II di tích danh thắng hồ Xuân Hương?
Sơ đồ ranh giới danh thắng hồ Xuân Hương. |
Liên quan đến nghi vấn công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf thuộc dự án sân golf Đồi Cù nằm trong phạm vi ranh giới khu vực II di tích danh thắng hồ Xuân Hương, qua tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa công nhận danh lam thắng cảnh quốc gia đối với khu vực hồ Xuân Hương.
Biên bản quy định khu vực bảo vệ ký kết giữa UBND thành phố Đà Lạt, Sở Văn hóa thông tin, Bảo tàng Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng được ký trong giai đoạn năm 1987 – 1988.
Quyết định số 692 ngày 17/5/1997 của UBND tỉnh về quy định phạm vi ranh giới danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương, với tổng diện tích là 96,1ha (khu vực I là 36.9ha, khu vực II là 59,2ha) kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/10.000, số ký hiệu 6632/ĐB, không rõ ràng về phạm vi ranh giới.
Có thể thấy, những tài liệu này không có mô tả về di tích. Đồng thời, các bản vẽ kỹ thuật của di tích đều không thể hiện được đường đồng vị và vị trí các công trình xây dựng thuộc khu vực danh thắng. Các bản đồ này chỉ đơn giản là bản vẽ photo, khoanh vùng bằng tay và mực màu.
Đồng thời, tại Mục 3 Điều 14 Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/9/2010 quy định một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa có nêu: Khu vực bảo vệ I, II phải được phân định rõ ranh giới các khu vực bảo vệ với khu vực tiếp giáp, được thể hiện trên thực địa và trên bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ xếp hạng di tích và phải được xác định bằng việc cắm mốc ranh giới trên thực địa, có quy định cụ thể về cột mốc; Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc giới.
Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật số 32/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, các khu vực I, II phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc trên thực địa.
Từ những luận điểm trên, có thể thấy rằng, những hồ sơ liên quan đến di tích thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương hiện có là không đầy đủ, rõ ràng như luật định; chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Vì thế, chưa có căn cứ, cơ sở nào để xác định phạm vi khu vực II.
Qua phân tích, quan sát bản đồ kèm theo Quyết định 692/QĐ-UB ngày 17/5/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì khu vực bảo vệ I được khoanh vùng bằng nét màu đỏ, khu vực II được khoanh vùng bằng nét màu xanh. Như vậy, nét màu xanh không bao gồm khu vực đồi Cù, mà chỉ khoanh vùng khu vực hồ lắng dọc đường Trạng Trình và khu vực Trần Quốc Toản đoạn khách sạn Công Đoàn, Quảng trường Lâm Viên, công viên Xuân Hương.
Từ đó, có thể khẳng định, chưa có cơ sở pháp luật để nói rằng, công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf thuộc dự án sân golf Đồi Cù nằm trong phạm vi ranh giới khu vực II di tích thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương.
Đối chiếu với các hệ thống văn bản của các cấp chính quyền, ngành chức năng và pháp luật hiện hành thì vẫn có thể có phương án tháo gỡ cho công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù. |
Sau khi nghiên cứu các văn bản, hồ sơ, tài liệu có liên quan, có thể thấy dự án sân golf Đồi Cù phù hợp với quy hoạch chung, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại thành phố Đà Lạt. Đồng thời, dự án này luôn được chính quyền và lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng từ trước đến nay.
Trong quá trình triển khai, mặc dù doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng công trình với quy mô lớn khi chưa có giấy phép và thi công vượt quá giấy phép xây dựng là không đúng với các quy định của pháp luật. Nhưng, những sai phạm trên của Công ty CP Hoàng Gia DL đã bị các cơ quan chức năng “tuýt còi” bằng những quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bản thân doanh nghiệp cũng đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vi phạm đối với cơ quan quản lý Nhà nước, điều này thể hiện sự nghiêm túc và cầu thị của doanh nghiệp trong việc khắc phục sai phạm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Có một điều, việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình này chỉ vướng duy nhất là, diện tích hơn 25ha rừng phòng hộ; việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ để xây dựng công trình cần một thời gian rất dài, điều này đã thể hiện qua các văn bản của các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng hủy bỏ văn bản đưa hơn 25ha đất vào rừng phòng hộ đô thị. Như vậy, ách tắc trong việc cấp giấy phép xây dựng công trình đã được tháo gỡ. Vậy việc phá dỡ công trình liệu có cần thiết? Bởi điều này sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời sẽ để lại hậu quả phức tạp và khó giải quyết.
Công trình đang triển khai xây dựng không phải “cái kim”, trong khi có thể nói hàng tuần những “golf thủ” của tỉnh, trong đó có thể có cả những người có trách nhiệm tại sao không nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra để rồi xảy ra tình trạng như trên? Mặt khác theo dư luận thì chủ đầu tư còn được khuyến khích xây dựng nhanh để đảm bảo kịp kỷ niệm 135 năm ngày thành lập thành phố Đà Lạt?
Mặt khác, dư luận cũng cho rằng, tại Đà Lạt có nhiều công trình vi phạm như công trình này nhưng việc xử lý lại rất khác nhau liệu đằng sau việc xử lý có “vấn đề” gì hay không?
Ví dụ như, tại dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư, được xác định đã xây dựng sai phép 4.500m2. Sau đó, chính quyền tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel, nhưng không bị cưỡng chế, tháo dỡ.
Hoặc tại dự án The Dàlat at 1200 của Công ty TNHH Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng, trong diện tích rừng bị mất có 11,5ha rừng phòng hộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng kiến nghị chuyển hồ sơ cho Thanh tra tỉnh, nhưng không chuyển cho cơ quan công an xử lý. Và hướng xử lý tiếp theo của UBND tỉnh Lâm Đồng là yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá…
Còn đối với vi phạm tại công trình tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù, đối chiếu với các hệ thống văn bản của các cấp chính quyền, ngành chức năng từ năm 1991 đến nay và pháp luật hiện hành thì vẫn có thể có phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nhưng chính quyền tỉnh Lâm Đồng lại chỉ đạo ráo riết, yêu cầu phải cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Động thái này rất khác so với cách xử lý của chính quyền đối với các dự án có vi phạm nêu trên.
Chúng tôi cho rằng, UBND tỉnh Lâm Đồng cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sai phạm trong xây dựng công trình để xử lý thích đáng và phù hợp.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com