Đà Nẵng đã thu hút được 523 dự án đầu tư vào khu công nghiệp
Đà Nẵng đã thu hút được 523 dự án đầu tư vào khu công nghiệp
Nhà em có sản xuất các tủ spa đựng sản phẩm liên hệ ngay bên em nhé.
(Xây dựng) – Đà Nẵng đã thu hút tổng cộng 523 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 34.458,99 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). |
Mới đây, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2024, với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Hội nghị đối thoại có sự tham gia của hơn 100 người là lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị quản lý hạ tầng các khu công nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng (TP Đà Nẵng).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của thành phố.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tỷ trọng xuất nhập khẩu và thu nộp ngân sách cho Thành phố.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, từ đầu năm đến ngày 15/6, Ban đã cấp mới 3 dự án, trong đó 1 dự án FDI (vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD) và 2 dự án trong nước (vốn đầu tư 810 tỷ đồng). Ban cũng đã điều chỉnh 33 lượt dự án, trong đó có 3 lượt dự án trong nước tăng 717,38 tỷ đồng, 2 lượt dự án giảm 40 tỷ đồng, và 4 dự án FDI tăng 12,56 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong các khu đã nộp ngân sách: 1.218.699,19 triệu đồng.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. |
Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã thu hút tổng cộng 523 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 34.458,99 tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2.074,04 triệu USD.
Tổng thu nộp ngân sách các khu trong 6 tháng đầu năm: Nhập khẩu hơn 440 triệu USD, xuất khẩu hơn 607 triệu USD, số thuế đã nộp ngân sách hơn 1.218 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về nhiều vấn đề như: Thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất trong các khu công nghiệp; vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các chính sách an sinh, xã hội của thành phố để thu hút công nhân, người lao động; đảm bảo hạ tầng điện, cấp nước, thoát nước trong các khu công nghiệp…
Ông Vũ Tú Nam, đại diện Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bắc Trung Nam (Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) cho biết, hiện Chính phủ đã có chính sách giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 25/2023/TTG-CP ngày 3/10/2023, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng chính sách. Ông kiến nghị Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng sớm giảm tiền thuê cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, vì hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trả lời ý kiến trên của ông Vũ Tú Nam, ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp thuê lại đất trong khu công nghiệp không thuộc đối tượng theo Quyết định 25/2023/TTG-CP của Chính phủ nên không được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất. Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Tài chính thành phố nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang trả tiền thuê đất hàng năm trong các khu công nghiệp và Sở Tài chính đang triển khai thực hiện.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý ghi nhận các ý kiến và sẽ nỗ lực giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Kết quả Hội nghị này sẽ được Ban Quản lý tổng hợp và báo cáo tại phiên họp HĐND thành phố Đà Nẵng trong cuối tháng 7 sắp tới.
Các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. |
Theo ông Vũ Quang Hùng, thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 với thời gian thí điểm 5 năm, kỳ vọng tạo sự đột phá, TP Đà Nẵng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do mà Ban Quản lý được giao là đơn vị chủ trì triển khai. Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ thành phố giao.
Liên quan đến vấn đề về nhà ở xã hội cho người lao động các khu công nghiệp, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong khu công nghiệp có số lượng người lao động nhập cư khá đông nên nhu cầu về nhà ở xã hội cao. Sau khi rà soát, thẩm định trình 8/9 đồ án quy hoạch phân khu, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan đã rà soát bố trí 139 ha để phục vụ cho nhà ở xã hội. Đối với phân khu công nghệ cao, đã rà soát, bổ sung 19 ha.
Cũng theo ông Trần Văn Hoàng, theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sẽ có thêm quy định mới là nhà lưu trú công nhân được phép xây dựng trên đất thương mại dịch vụ. Vì vậy, ông Hoàng đề nghị, các doanh nghiệp cùng với Ban Quản lý xem xét lựa chọn các khu đất thương mại dịch vụ có thể làm cơ sở lưu trú cho công nhân để hỗ trợ nhà ở cho công nhân tốt hơn.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com