Đại dương đen — Tiếng kêu cứu từ một thế giới đặc quánh
Tháng chín 12, 2024
Liệu bạn sẽ nghĩ gì khi nhắc đến “trầm cảm”? Bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh của giới trẻ, bởi chúng vốn thất thường trong cảm xúc? Bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh ở những người học hành cao, bởi họ luôn suy nghĩ quá nhiều? Bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh của giới văn nghệ sĩ, bởi họ quá nhạy cảm? Bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh của người giàu, bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm? Hay, bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh mà ai trong chúng ta cũng từng trải qua một lần trong đời, bởi cuộc sống đâu dễ dàng với bất cứ người nào?
“Trầm cảm” sớm đã không còn xa lạ với xã hội hiện nay, khi trên báo chí và các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin về căn bệnh tâm lý này. Nhưng đáng buồn thay, làn sóng tin tức đó chỉ tập trung vào việc hôm nay có bao nhiêu sinh mệnh dừng lại vì căn bệnh này. Chính cách truyền tải thông tin mà thiếu đi sự bổ trợ về mặt kiến thức, bệnh nhân trầm cảm trong mắt đa số mọi người trở thành những kẻ thiếu ý chí, yếu đuối, và chỉ biết làm khổ những người thân đang sống. Trái với lối suy nghĩ ấy, với những người đang chịu dày vò bởi trầm cảm, sự ra đi lại là cách thức để họ thể hiện sự quan tâm và tình yêu dành cho những người thân thiết.
Rất khó để có thể diễn tả nỗi đau của những người đang oằn mình chống chọi trong từng cơn “mất trí”. Ngay cả những nhà văn nổi tiếng nhất cũng khó lòng miêu tả thế giới tăm tối đến vô hạn ấy bằng con chữ, huống chi là bệnh nhân trầm cảm – những người dần dần bị mài mòn khả năng ngôn ngữ, suy nghĩ, nhận thức và phán đoán. Chính thế, nỗi đau của người bị trầm cảm càng trở nên xa lạ và khó lòng thấu hiểu, cảm thông hơn với những người “bình thường”.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, tác giả chính luận – quyết định thực hiện cuốn sách “Đại dương đen” như một tài liệu phục vụ việc giáo dục tâm lý về căn bệnh trầm cảm. Theo nghiên cứu của tác giả, tại Việt Nam, nếu việc chữa trị trầm cảm khó khăn 10, thì việc hiểu đúng và đủ về trầm cảm còn khó khăn hơn nhiều. Đa số các bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu tâm lý khi chữa trị cho bệnh nhân trầm cảm đều thiếu đi bước giáo dục tâm lý. Tức là, người bệnh hoàn toàn không được giải thích về căn bệnh họ mắc phải, cũng như hành trình “vượt qua số phận” đang chờ họ phía trước.
“Đại dương đen” là hành trình nhẫn nại của tác giả Đặng Hoàng Giang cùng người trầm cảm, kể cho chúng ta câu chuyện vừa dữ dội vừa tê tái về những số phận, mà vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc. Có lẽ, sẽ chẳng ai thấu tỏ được nỗi đau do trầm cảm gây ra hơn chính những người đang vật vã chống chọi với nó từng ngày. Và có lẽ, cũng sẽ chẳng ai có cái nhìn nhiều định kiến về trầm cảm hơn chính những người đang ra sức phủ nhận sự tồn tại của nó trong con người mình. Thế giới của trầm cảm ngập đầy những mâu thuẫn, nhưng kỳ lạ thay, những đối lập ấy lại dung hòa một cách vừa vặn trong thế giới đó.
Giáo dục tâm lý về trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh vô hình. Nó không chỉ vô hình vì người ta không dễ dàng nhìn thấy, nó vô hình bởi nó bị giấu kín. Trong số hàng trăm người mà Đặng Hoàng Giang đã tiếp xúc, đa số tiết lộ rằng tác giả là người duy nhất biết họ bị trầm cảm. Nếu bệnh nhân ung thư giấu kín bệnh của mình vì sợ người nhà lo lắng, thì bệnh nhân trầm cảm giấu kín vì sợ bị đánh giá. Người xung quanh sẽ gán lên cơn trầm cảm của họ những nhãn mác như “làm trò”, “thích diễn”, “khùng điên kiểu Tây”, “lười biếng”,… Đó cũng là lý do mà hầu hết các bệnh nhân trầm cảm không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản và châu Âu, người ta vẫn coi yếu đuối là nguyên nhân gây ra trầm cảm.
Tại Việt Nam, một nước đang phát triển, việc điều trị trầm cảm còn khó khăn và “xa vời” hơn nhiều. Hiệp hội các nhà tâm lý học mới thành lập chưa lâu, chức danh “nhà tâm lý học” cũng chỉ vừa được công nhận và liệt kê trong danh sách nghề nghiệp. Bảo hiểm không hỗ trợ cho các trường hợp điều trị bằng tham vấn tâm lý, còn với các trường hợp điều trị bằng thuốc thì không tiếp cận được với các loại thuốc cập nhật nhất. Các bác sĩ tâm thần và tâm lý chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến pháp đồ điều trị cho bệnh nhân trầm cảm thiếu hoàn thiện, đôi lúc “thuốc nặng” kê cho “bệnh nhẹ” và ngược lại. Nhưng trên hết, dù người trầm cảm có đủ điều kiện về tài chính, sự ủng hộ,… để tiếp xúc với việc chữa trị, thì chưa chắc họ đã được phổ cập để hiểu về bệnh của mình. Chúng ta chỉ biết có bao nhiêu thương tâm đã xảy ra, nhưng không ai chỉ ra ngọn nguồn của những thương tâm đó – ngay cả các bác sĩ hay nhà trị liệu.
“Đại dương đen” được chia thành 2 phần, và phần 1 thường được nhắc đến nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Phần 1 gồm 12 câu chuyện có thật của những người đang oằn mình trong trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,… Nhân vật trong 12 câu chuyện không giới hạn trong bất cứ phạm vi nào – như giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội,… Trầm cảm đã hiện ra trong mắt người đọc với đầy đủ sự đa dạng và phức tạp của nó. Phần 2 đưa ra các thông tin cần thiết về trầm cảm, các phương pháp trị liệu, các hình thái cơ bản của bệnh, cùng thực trạng của trầm cảm trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam hiện nay. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã “mượn” những chi tiết trong 12 câu chuyện ở phần 1 làm ví dụ lý giải cho các lý thuyết tại phần 2. Điều này không chỉ giúp người đọc dễ hình dung về biểu hiện, tác động của bệnh trong thực tiễn, mà còn giúp mỗi một người trong chúng ta cảm nhận được phần nào nỗi đau không gì diễn tả nổi của bệnh nhân trầm cảm và những người chăm sóc họ. Để từ đó, chúng ta thấu hiểu, chấp nhận, bao dung và học cách chung sống “an toàn” với người trầm cảm.
Sâu bên trong mỗi người trầm cảm, họ luôn mong muốn có người sẽ lắng nghe mình vô điều kiện. Tức là, chấp nhận câu chuyện của họ mà không phán xét, đánh giá. Phần 1 của “Đại dương đen” đã làm được điều này, Đặng Hoàng Giang “gửi” đến người trầm cảm cơ hội kể lại câu chuyện hoàn toàn bằng cảm xúc của chính mình. Tiếng nói của họ, vốn nhỏ xíu và chìm nghỉm giữa muôn vàn thanh âm ồn ã khác của cuộc sống tất bật, giờ đây trở nên vang vọng và giục giã như tiếng chuông lanh lảnh. Trong phần 2 của “Đại dương đen”, tác giả đã làm rất tốt trong việc truyền đạt kiến thức một cách có hệ thống, trình tự, dễ tiếp nhận. Đi từ cái nhìn tổng quan về thực trạng của trầm cảm, đến những kiến thức cơ bản (trầm cảm là gì, nguồn gốc của trầm cảm, dấu hiệu và biểu hiện của trầm cảm,…), các phương pháp trị liệu (bằng thuốc, bằng tham vấn), những sự kết hợp của trầm cảm (lo âu, chấn thương tâm lý,…), cách phòng ngừa. Trong phần này, Đặng Hoàng Giang cũng giải thích tại sao người ở cạnh bệnh nhân trầm cảm cũng có xu hướng bị trầm cảm sau một thời gian chăm sóc, và làm thế nào để tránh xu hướng đáng tiếc này.
Sự dung hòa của những mâu thuẫn
Các câu chuyện có thật trong “Đại dương đen” không chỉ được trần thuật bởi người trầm cảm, mà còn mở rộng ra các góc nhìn khác của người xung quanh như gia đình, bạn bè, người thân, đồng nghiệp,… Việc các câu chuyện được kể lại qua đa điểm nhìn đã giúp “lột trần” trầm cảm một cách thấu triệt nhất. Người đọc có thể cảm nhận được nỗi đau của người bệnh, của người chăm sóc; cũng sẽ thấy xót xa và mặn chát biết mấy khi trầm cảm bị phủ nhận bởi xã hội, gia đình, hay thậm chí là chính người bệnh.
Trầm cảm là sự dung hòa của những mâu thuẫn. Thế giới xanh tím và đặc quánh của trầm cảm được tạo nên và duy trì bởi “mâu thuẫn” – trong suy nghĩ, cảm xúc, thể chất của bệnh nhân trầm cảm. Mâu thuẫn không phải chất xúc tác, mâu thuẫn là cốt lõi của trầm cảm. Qua 12 câu chuyện trong phần 1 của “Đại dương đen”, chúng ta rất dễ nhận ra điều này.
Đó là sự đối lập trong chính một người bệnh. Giống như Uyên, cô căm ghét bản thân, sợ mình ảnh hưởng đến người khác, nhưng đồng thời lại muốn được kết bạn hay quan tâm. Giống như Bảo Anh, cô bấu víu vào tình cảm với những người đàn ông, để khỏa lấp nỗi sợ cô đơn hay bị bỏ lại thành hình từ những ghẻ lạnh, thiếu tình yêu từ bố mình. Giống như Liên, bà sẵn sàng đặt danh dự hay sĩ diện của bản thân sang một bên để thừa nhận bệnh trầm cảm của con mình, cố gắng “tranh đấu” với đời để trang trải đủ mọi khoản chi phí nhằm “níu giữ” sự vui vầy của con, nhưng chính bà cũng ngày một bỏ bê mình trên hành trình bầu bạn với con.
Đó là sự đối lập giữa các người bệnh. Có phụ nữ, có đàn ông; có nhỏ tuổi, có lớn tuổi; có ít học, có giỏi giang… Có người chấp nhận tình trạng của mình, nhưng đồng thời có người ra sức phủ nhận việc mình bị nhấn chìm trong hố sâu đen ngòm của trầm cảm. Có người cho rằng trầm cảm là bệnh của người giàu, nhưng câu chuyện của người khác lại khẳng định trầm cảm không phân biệt sang hèn. Có người phát bệnh sau khi trải qua biến cố hay di chứng từ tuổi thơ, nhưng cũng có người không trải qua mất mát quá lớn nào trước khi phát bệnh.
Ông Thạch phát bệnh khi đã lớn tuổi, sau 26 năm đưa con trai bị tâm thần phân liệt đi khắp nơi chữa bệnh. Trải qua nhiều lần thăm khám, ông mới được xác định là bị trầm cảm. Mấy đứa con bảo ông nghĩ nhiều, chúng không công nhận căn bệnh này của ông, nhưng ông Thạch lại hết sức lạc quan. Ông chấp nhận mình bị trầm cảm, sẵn sàng “chiến đấu” cùng căn bệnh này đến cùng – cần mua thuốc sẽ mua thuốc, cần gặp bác sĩ sẽ đến khám bác sĩ. Giống như ông Thạch, chị Hương cũng là một người “tích cực” – nhưng, sự tích cực của chị đáng tiếc lại nằm ở việc phủ nhận nỗi đau của mình. Chị luôn tự động viên mình, tin vào việc mình có thể đi qua mọi biến cố dẫu lớn dẫu nhỏ xảy đến trong đời mình. Đáp lại lời hỏi thăm của bạn bè, chị luôn tỏ ra kiên cường, nhưng dần dà cảm xúc của chị cũng cạn kiệt theo. Mất đi con gái, chị khó lòng tự phục hồi, rồi cả khi đã trở nên trống rỗng, chị vẫn không tin mình bị bệnh và mình cần nhận trợ giúp từ người khác. Giữa thế giới trống huơ trống hoác của mình, chị đã không còn nhận định được việc mình đang bị bệnh.
Hiển mới 21 tuổi, vẫn còn là sinh viên Đại học, nhưng từ khi quyết định đồng hành cùng Uyên, cậu đã hy sinh hết thảy để duy trì việc thăm khám cho bạn gái của mình. Gia đình Uyên đối xử rất cay nghiệt với cô, họ coi những lần cô lên cơn là làm mình làm mẩy và cố tình bày trò, nên Uyên không thể xin gia đình hỗ trợ việc chữa bệnh của mình. Số tiền phải chi ra cho trầm cảm (hay các bệnh tâm lý) là rất lớn, Hiển cảm nhận được áp lực khổng lồ đặt lên mình. Sau thời gian chung sống, năng lượng tiêu cực bủa vây Hiển, rồi dần dà cậu cũng đánh mất niềm tin vào giá trị của bản thân giống Uyên. Cậu nghĩ đến sự giải thoát, tiếng nói trong đầu thúc đẩy cậu tìm đến cõi khác, để nhẹ gánh cho bố mẹ, cho Uyên. Cậu chẳng tin là hai người có thể sống sót qua căn bệnh này, họ cạn kiệt tài chính rồi. Với hai người, trầm cảm là bệnh của người giàu, bởi những người không có điều kiện về kinh tế rất khó tiếp cận với các phương pháp trị liệu.
Thùy Dương sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng cô vẫn bị trầm cảm. Bố mẹ luôn yêu cầu Thùy Dương phải đạt thành tích cao, nếu cô không xuất sắc thì cô sẽ không được bố mẹ thừa nhận hay yêu quý. Bố mẹ sẽ hân hoan giới thiệu với người khác về em gái cô, nhưng luôn giấu diếm về Thùy Dương, vì bố mẹ nghĩ cô chẳng có giá trị gì. Nhận định về thành tích ấy ám ảnh Thùy Dương, khiến cô luôn thấy mình thật tệ hại, cô chẳng là ai nếu thiếu đi những thành tích “đính” lên mình. Nhiều người khi biết cô bị trầm cảm đều tỏ vẻ, giàu có không phải lo nghĩ gì mà cũng đòi bị trầm cảm cơ à. Nhưng, sự giàu có của gia đình đâu có làm cô không “bén duyên” với trầm cảm. Có những ngày, chỉ rời giường thôi đã là quá khó với cô. Có những ngày, chỉ khen ngợi mình thôi đã là quá xa vời với cô. Có những ngày, chỉ thở thôi cũng đau đớn và vô vọng với cô.
Tuổi thơ của Xuân Thủy là một cái hố không đáy, sở dĩ không đáy là bởi nó luôn bám theo, rình rập và sẵn sàng kéo anh trở lại bất cứ lúc nào. Bố mẹ anh đến với nhau sau các cuộc hôn nhân tan vỡ trước, một kẻ bị vợ bỏ theo bồ, một người thì chồng và con mất. Nhưng, cuộc hôn nhân này chẳng mấy hạnh phúc, rất nhanh bố anh cũng rời bỏ mẹ anh để lập gia đình cùng một người đàn bà khác. Ngày nhỏ, Xuân Thủy bị thằng bạn hàng xóm quấy rối tình dục nhiều lần. Anh dần bị ám ảnh bởi tình dục, mê đắm những thước phim đen, đắm chìm trong những hình ảnh đầy nhục dục của cơ thể phụ nữ. Đau đớn thay, xu hướng tình dục của anh thậm chí còn chịu ảnh hưởng từ chính mẹ mình. Khi thành niên, có lần mẹ đã gọi anh lên giường nằm cùng và ra lệnh cho anh “sờ soạng” mình. Anh biết, mẹ cần đàn ông, và bố anh thì đã bỏ mặc bà – cũng bỏ mặc cả anh trong sự kiểm soát của bà. Mẹ anh sẽ trút mọi sự giận dữ với đời và với bố lên anh.
Ngược với Xuân Thủy, Dũng trải qua một tuổi thơ bình thường, bố mẹ không những không đánh đập mà còn rất hiền từ. Con đường học hành và công việc cũng thuận lợi, nhưng anh luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ muốn quyên sinh. Bỗng ngày nọ, Dũng trở nên cáu gắt và chửi bới, hạnh họe với đồng nghiệp. Đi khám, anh biết mình bị rối loạn lưỡng cực. Kể từ đó, anh sử dụng thuốc, nhưng rất nhanh anh cũng bỏ thuốc. Vì uống thuốc thì anh không thể xuất tinh được, và Dũng thì nghĩ, nếu phải bỏ đi cái “nhu cầu” cơ bản nhất như vậy, anh chẳng thiết khỏi bệnh làm gì.
Trong 12 câu chuyện, sự đối lập thể còn thể hiện giữa người trầm cảm và những người chăm sóc, bầu bạn với họ. Trầm cảm rất quái ác, nó có khả năng “lây lan” cực mạnh. Sự u uất của những người trầm cảm sẽ truyền qua cho những người ở cạnh họ. Vậy nên, tỷ lệ những người từ chăm sóc trở thành bệnh nhân trầm cảm rất cao. Điển hình như Hiển (người yêu Nhung), như Liên (mẹ Thanh),… Với các trường hợp trầm cảm nhận được sự quan tâm, người ta thường dồn sự quan tâm ấy vào mỗi bệnh nhân trầm cảm mà quên đi người bầu bạn với họ cũng cần được quan tâm. Để đồng hành lâu dài với người trầm cảm, chúng ta không nên dành toàn bộ thế giới của mình cho họ, mà vẫn cần duy trì thế giới riêng của mình. Như mẹ Bảo Anh, bác tập Zumba, chèo thuyền, đi chơi cùng chúng bạn thời phổ thông.
Sợi dây liên kết giữa hai thế giới
“Đại dương đen” được viết với mục tiêu “giáo dục tâm lý” nên giọng văn được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang sử dụng không thiên về việc biểu đạt cảm xúc. Các nghiên cứu về trầm cảm được diễn đạt đanh thép, đầy thuyết phục. Còn khi trần thuật lại câu chuyện của các nhân vật, tác giả bám sát ngôn ngữ, giọng điệu và phong cách của mỗi người. Điều này tạo nên cảm giác khách quan để độc giả có thể nhìn nhận 12 câu chuyện một cách tách bạch, góc nhìn này cũng trùng khớp với cách xã hội đang bàng quang nhìn người trầm cảm. Dù mọi thứ đang phát triển hết sức mạnh mẽ (kinh tế, công nghệ,…), nhưng sức khỏe tâm thần lại không được nhìn nhận chính xác.
Thế giới tăm tối của người bệnh trầm cảm được khắc họa bằng rất nhiều từ ngữ hay hình ảnh ẩn dụ tiêu cực. Thế giới đó là một thế giới không có hơi ấm nào có thể rọi vào, là một thế giới nhạy cảm và cực đoan vô vàn. Chính vẻ tăm tối ấy đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, khiến câu chữ mất đi vẻ xa lạ, kéo gần khoảng cách giữa thế giới của trầm cảm và thế giới của “người bình thường”.
Lối suy nghĩ chìm trong sương mù, không thể giải thoát của người trầm cảm được Đặng Hoàng Giang biên tập lại theo trình tự thời gian và mốc phát bệnh. Trình tự này giúp người “bình thường” hiểu hơn về cách suy nghĩ của người trầm cảm, biết tại sao cảm xúc của họ luôn vỡ vụn trước những điều hết sức nhỏ nhặt. Một khi chúng ta hiểu hơn về thế giới của trầm cảm, nó sẽ không còn “vô hình” nữa, mà từng chút một hiển hiện và sáng tỏ hơn. Sự thấu hiểu chính là sợi dây liên kết giữa hai thế giới, để kéo gần khoảng cách giữa xã hội và người trầm cảm, để giúp những số phận chịu sự giày vò khôn nguôi ấy thắp lên ngọn nến của hy vọng – một ngọn nến sẽ soi tỏ con đường leo khỏi bờ vực của vụn vỡ.
Không ai sinh ra để đau khổ
Lời đề từ đầu sách, tác giả viết: “Tặng người trầm cảm. Bạn xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp.”
Đúng vậy, không ai sinh ra để sống trong sợ hãi và khủng hoảng. Không ai sinh ra để sống trong những cơn “mất trí” bị nhấn chìm trong bãi máu đen ngòm. Không ai sinh ra để sống trong chần chừ, không dám tiến về tương lai, bởi luôn nghi ngờ giá trị của bản thân.
Đúng vậy, mặc dù họ rất sợ làm phiền và giày vò những người họ thương. Rất sợ căn bệnh này sẽ tiếp diễn trên con cháu họ sau này. Nhưng họ không bao giờ ngừng khao khát những lời quan tâm cùng những cái ôm. Ngừng cầu mong một ngày nào đó bản thân có thể bước vào cuộc đời của một người khác.
“Đại dương đen” là một cuốn sách kinh khủng, vì nó quá trần trụi và lạnh lẽo, và vì nó tối tăm và tiêu cực đến vô hạn. Nhưng cũng là một cuốn sách ngập tràn sự sống. Bởi mỗi nhân vật, mỗi người bị trầm cảm, đều chỉ ước gì ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời mà thôi. “Đại dương đen” không bắt bạn có trách nhiệm với người trầm cảm, cuốn sách này ra đời mang theo một hy vọng nhỏ nhoi: Xin hãy thấu hiểu và bao dung với người trầm cảm, xin hãy trở thành ngọn hải đăng để dẫn lối chiếc thuyền giấy mỏng manh ấy vượt qua những trận sóng hỗn độn của cảm xúc.