Đại học ở Trung Quốc phát triển thành công vật liệu tàng hình giống tắc kè hoa

Đại học ở Trung Quốc phát triển thành công vật liệu tàng hình giống tắc kè hoa

Vật liệu tàng hình do nhóm nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Công nghệ điện Trung Quốc phát triển sử dụng thay đổi phân tử để hòa lẫn hoàn hảo vào môi trường.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ phát triển vật liệu thay đổi màu sắc ở cấp độ phân tử dựa trên ánh sáng xung quanh, tạo ra một dạng ngụy trang mới có thể giúp mọi người hòa lẫn vào môi trường giống như tắc kè hoa, MSN hôm 4/12 đưa tin. “Nói cách khác, áp dụng công nghệ này vào quần áo có thể khiến một cá nhân trở nên vô hình”, trưởng nhóm nghiên cứu Wang Dongsheng, cho biết. Theo Wang và đồng nghiệp ở Đại học Khoa học và Công nghệ điện Trung Quốc, vật liệu mới có nhiều ứng dụng tiềm năng trong quân sự, kiến trúc,…

 Dung dịch SAP thay đổi màu sắc tùy theo môi trường xung quanh.
Dung dịch SAP thay đổi màu sắc tùy theo môi trường xung quanh. (Ảnh: Techspot).

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm nghiên cứu cho biết họ quyết định biến ngụy trang chủ động thành một chức năng của vật liệu đổi màu, trong quá trình mang tên đổi màu tự thích ứng (SAP). Mấu chốt đối với quá trình biến đổi là một hợp chất phân tử thay đổi cấu trúc khi tiếp xúc với bước sóng ánh sáng cụ thể. Đối với mắt thường, vật liệu dường như hòa lẫn hoàn hảo với môi trường.

Trong tự nhiên, cả tắc kè hoa và bạch tuộc đều dựa vào ngụy trang chủ động, thay đổi diện mạo để hòa lẫn vào môi trường xung quanh. Những hệ thống nhân tạo thường đạt được hiệu ứng thông qua thiết bị điện tử phức tạp, dẫn tới chi phí cao và tính khả dụng hạn chế. Ngược lại, công nghệ SAP cung cấp một cách đơn giản và hiệu quả hơn để đạt hiệu ứng ngụy trang chủ động mà không cần nguồn điện ngoài hoặc thiết bị điện tử bên trong, theo nhóm nghiên cứu.

Để chứng minh điều này, họ đặt một bình trong suốt chứa đầy dung dịch SAP vào hộp acrylic trong mờ có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, xanh lá cây và vàng, sau đó quan sát dung dịch đổi màu tương ứng. Trong một thí nghiệm khác, bình chứa có thể hòa lẫn vào xung quanh khi đặt trong môi trường có màu sắc trùng khớp như bụi cây màu đỏ, xanh lá cây hoặc vàng, trong vòng 30 – 80 giây.

Công nghệ cũng có thể ứng dụng làm lớp phủ. Bằng cách tích hợp polycaprolactone (PCL), nhóm nghiên cứu phát triển màng phim và lớp phủ SAP có thể dùng với nhiều bề mặt khác nhau, cho phép ngụy trang chủ động với vật thể rắn. Theo nghiên cứu, khả năng thay đổi màu sắc nhanh của vật liệu SAP mở ra nhiều tiềm năng mới thú vị trong các lĩnh vực như mã hóa hoặc công nghệ tàng hình. Do vật liệu hoạt động đáng tin cậy trong dải nhiệt độ từ -20 đến 70 độ C, chúng rất phù hợp cho ứng dụng quân sự và kiến trúc.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *