Đắk Lắk: Công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Krông Ana đến năm 2030

Tháng mười 17, 2024

Đắk Lắk: Công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Krông Ana đến năm 2030

(Xây dựng) – UBND huyện Krông Ana tổ chức Hội nghị công bố quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Krông Ana đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đắk Lắk: Công bố đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Krông Ana đến năm 2030
Một góc thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Theo đó, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Krông Ana đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2224/QĐ-UBND, ngày 22/8/2024. Theo định hướng phát triển không gian vùng, huyện Krông Ana được phân thành 2 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng phía Bắc có phạm vi gồm 3 xã: Ea Na, Ea Bông, Dray Sáp; là tiểu vùng kinh tế dịch vụ du lịch sinh thái gắn liền với phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Trung tâm tiểu vùng là đô thị Ea Na.

Tiểu vùng phía Nam có phạm vi gồm thị trấn Buôn Trấp và 4 xã: Bình Hòa, Quảng Điền, Băng Adrênh, Dur Kmăl; là tiểu vùng dịch vụ – công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm và sản xuất nông nghiệp. Trung tâm tiểu vùng là đô thị Buôn Trấp.

Giai đoạn đến năm 2030, đường tỉnh ĐT 698 (Tỉnh lộ 2) và ĐT 698B (Tỉnh lộ 10B) đoạn đi qua địa bàn huyện được nâng cấp, mở rộng, làm mới đạt tiêu chuẩn cấp III (2 – 4 làn xe); đường huyện đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng, các vùng nguyên liệu tập trung. Quy mô các tuyến đường huyện đạt tối thiểu cấp IV; cứng hóa mặt đường đạt 100%.

Định hướng đến năm 2050 toàn huyện có 2 đô thị, gồm: 1 đô thị loại IV là thị trấn Buôn Trấp và 1 đô thị loại V là đô thị Ea Na. Huyện quy hoạch cụm công nghiệp cấp huyện tại buôn Ê Căm, thị trấn Buôn Trấp có diện tích 50ha; phát triển khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với hoạt động dịch vụ kinh tế nông thôn và phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng địa phương trên cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản (đất sét, cát, than bùn). Định hướng vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao với tổng diện tích 7.655,57ha; vùng phát triển cây công nghiệp là 14.152,86ha và phát triển lâm nghiệp khoảng 6.794ha.