DÂN CHỦ VÀ BÌNH CHỌN – BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ (P1)

Tháng chín 6, 2024

Mỗi bốn năm một lần, chúng ta mặc dù ở Việt Nam vẫn đổ xô đi “hóng hớt” những thông tin sốt dẻo và nóng hổi từ một cuộc bầu cử tổng thống ở tận phía bên kia bán cầu khi một trong những đất nước quyền lực nhất thế giới là Hoa Kỳ tổ chức những cuộc tranh cử quyết liệt từ các ứng viên. Nhưng có mấy ai để ý rằng việc chúng ta đang có thể thấy được sự kịch tính của nó chính là hệ quả từ một nền dân chủ nơi mọi thứ đều có thể được người dân quyết định và lựa chọn qua các cuộc bầu bán. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu xem dân chủ và bầu cử là gì? Ngoài ra, để hưởng ứng tinh thần ngày bầu cử năm 2024, chúng ta cũng sẽ cùng nhau mổ xẻ phương thức bầu cử phức tạp và khó hiểu ở Hoa Kỳ để những chúng ta có thể cập nhật tin tức bầu cử không chỉ ở trời Tây mà là toàn thế giới một cách hiệu quả và thông minh hơn.

I. Từ dân chủ đến bầu cử

Dân chủ là một trong nhiều hình thức tổ chức thể chế chính trị nhà nước được áp dụng trên thế giới và đúng như cái tên, phương pháp tổ chức này được quyết định và đưa ra các chính sách nhằm đáp ứng theo những nhu cầu và mong muốn của người dân. Cụ thể, người dân được quyết định hay ảnh hưởng vào các bộ luật, chính sách hay lãnh đạo của mình với mục tiêu ỉ là phục vụ được số đông người dân trong xã hội. Dân chủ có 2 loại là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Dân chủ trực tiếp hay dân chủ thuần túy là hình thức sơ khai nhất, nơi mà tất cả những người dân trong đất nước đều có thể được trực tiếp nêu lên các chính sách và thay đổi cho chính phủ. Nói đơn giản hơn thì ở trong một trường học nếu theo thể chế dân chủ trực tiếp, thì các học sinh không kể chức vụ, trách nhiệm trong trường đều có thể trực tiếp đi lên phòng hiệu trưởng và yêu cầu các thay đổi trong nhà trường mà không qua bất kỳ đại diện nào. Đương nhiên, việc này nảy sinh ra một số vấn đề nhức nhối như việc thiếu đi bộ lọc thông tin, giảm tải lượng ý kiến được đưa ra mà không hiệu quả cũng như vì không phải cá thể nào trong xã hội cũng có thể đưa ra quan điểm và ý kiến một cách sáng suốt và thông minh nên việc ai cũng được nói trực tiếp ý kiến của mình với lãnh đạo không hẳn đã là một điều sáng suốt, cho nên ta sẽ cần tới loại dân chủ thứ hai đó là nền dân chủ đại diện.
Dân chủ đại diện là nền dân chủ phổ biến hơn và phù hợp hơn với các tổ chức lớn như nhà nước. Ở thể chế này, ta có thể lấy ví dụ từ trường học và lớp học khi nãy, ở đây thay vì học sinh nào cũng được nói chuyện với hiệu trưởng, thì các lớp trong trường sẽ bầu ra một bạn lớp trưởng, người mà các học sinh tin là có thể đại diện được cho tiếng nói của lớp. Mỗi lần nhận được các ý kiến, yêu cầu thay đổi từ đa số các bạn học sinh trong lớp, lớp trưởng sẽ mang những yêu cầu này đến trong các hội nghị liên lớp, toàn trường để có thể được đại diện cho tiếng nói của lớp mình, nếu đa số các đại diện đều thấy hợp lý quyết định sẽ được cấp cao nhất của tổ chức (hiệu trưởng) đưa vào và thực hiện. Nhìn lại về quy mô đất nước, chúng ta cũng có các chức vụ mang tính đại diện cho người dân ví dụ như chủ tịch phường xã đại diện cho các vấn đề mang tính địa phương nhỏ lẻ, cao hơn ta có các lãnh đạo của Ủy ban ND tỉnh để trình bày các vấn đề cấp quốc gia, liên tỉnh… và cao nhất của nhà nước ta (chủ tịch nước) sẽ là người đại diện cho ý kiến và mong đợi của toàn bộ nhân dân đi đến các vấn đề khu vực và thế giới. Tóm lại, mặc dù phương pháp này nghe có vẻ toàn diện trên phương diện giảm tải lượng thông tin và lọc ra được những thông tin chính xác, nhưng sự minh bạch của lãnh đạo và sự hiểu biết để quyết định đúng sai các ý kiến của người dân là điều tối quan trọng mà một người đại diện trong thể chế này cần có.
Tuy nhiên, dù cho có ở thể chế dân chủ nào, các quyết định và thay đổi luôn phải xoay quanh mục tiêu đáp ứng nhu cầu và mong đợi của số đông người dân, chọn ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của mọi người trong đất nước. Và dĩ nhiên điều này được thực hiện dựa trên một hình thức có lẽ đa số trong chúng ta đều đã và đang nghe hàng ngày đó chính là bỏ phiếu, hay bình chọn, đặc biệt là trong các hoạt động, chiến dịch chọn ra lãnh đạo của đất nước.
Khác với thể chế quân chủ, nơi người được phong lên làm lãnh đạo (hay vua) của một nước là vì theo quan điểm họ được ông trời chỉ định và giao phó trách nhiệm như một “vị thần giáng thế” xuống để toàn quyền lãnh đạo người dân, thể chế dân chủ cho phép người dân trực tiếp hoặc gián tiếp chọn ra người phù hợp để lãnh đạo và đại diện cho họ qua hình thức bỏ phiếu. Ngược lại, khi muốn hủy chức vụ và soán ngôi của người dẫn đầu, ở thế chế quân chủ phải có những cuộc nổi dậy, chiến đầu và thậm chí là tàn sát nhau giữa các gia tộc để có thể được nắm lấy quyền lực, thể chế dân chủ cho phép một cuộc tranh luận và thay đổi lãnh đạo yên bình hơn và nhẹ nhàng hơn thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, bỏ phiếu, hay nếu phẫn nộ và bất bình thì người dân có quyền được lên tiếng và biểu tình một cách an toàn mà không lo bị đe dọa. Nói cho dễ hiểu thì thay vì ngày xưa con người phải cầm vũ khí, thì ngày nay trong một xã hội dân chủ, thứ người dân cần cầm chỉ là tờ phiếu, lá thăm hay một đơn khiếu nại để có thể góp phần thay đổi nhà nước. 
Vậy có những hình thức bình chọn nào được áp dụng trên thế giới, hãy cùng tìm hiểu qua các phương thức phổ biến mà ta thường xuyên thấy.

II. Các loại bình chọn cơ bản

Trong các phương thức bầu chọn, ta thường nghĩ đến câu chuyện chỉ có một người chiến thắng – đây là phương pháp bầu cử theo đa số (majoritarian voting) bao gồm nhiều thể thức bầu cử khác nhau và được ứng dụng nhiều trong việc bầu chọn ra lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, nhóm bầu cử theo đa số này có nhiều thể thức hơn mọi người thường nghĩ nên ta hãy cùng nhau tìm hiểu từng thành phần trong này nhé. 

First-pass-the-post voting (Đầu phiếu đa số đơn)

Cách bầu chọn
Đây có lẽ là phương thức bầu chọn sơ khai nhất của xã hội loài người, ở thể thức bầu chọn này, các ứng viên sẽ tham gia duy nhất một vòng bình chọn và để những người bầu chọn bỏ phiếu. Người nào được số phiếu hay số phần trăm bình chọn cao nhất sẽ là người được đề cử bởi số đông. Tuy nhiên, dẫu đây trông như một phương thức bầu chọn phù hợp nhưng lại có một vấn đề trong phương pháp chọn ra được ý kiến chung mang tính đại diện thông qua ví dụ của hiệu ứng sau.
Vấn đề (Spoiler Effect)
Giả sử trong một cuộc bầu chọn giả tưởng của khu rừng để chọn ra lãnh đạo giữ trật tự cho khu rừng này có 3 ứng viên tham gia: hổ, tê giác và linh dương. Các ứng viên nhận được lần lượt số phần trăm bình chọn như sau
Hổ 40%; Tê giác 35%; Linh dương 25%
Theo lẽ thông thường của thể thức bình chọn một vòng thì người chiến thắng và có khả năng đại diện cho cả khu rừng là hổ. Tuy nhiên nếu xét trên khía cạnh khu rừng có 2 phe ăn cỏ và ăn thịt (một bên đại diện cho sự hòa bình và thân thiện, một bên ủng hộ sức mạnh và sự giết chóc) thì rõ ràng rằng tê giác và linh dương (2 đại diện của phe ăn cỏ) đang là 60% nhiều hơn đại diện của phe ăn thịt. Như vậy có thể thấy rằng dẫu hổ là người chiến thắng trong thể thức này, nhưng việc có tận 2 ứng viên của những người ủng hộ ăn cỏ đã khiến cho những người bầu chọn đã bị chia số phần trăm phiếu của mình ra cho 2 đại diện. 
Đây được gọi là Spoiler Effect, hiệu ứng này xảy ra khi một (hay nhiều) ứng viên khác làm ảnh hưởng đến kết quả của ứng viên khác theo cách không mong muốn, như ví dụ ở trên đó là vì có tận 2 người ủng hộ cùng một quan điểm nên số phiếu chia ra cho các ứng viên thuộc cùng một phe sẽ bị chia ra và làm cho khả năng cạnh tranh của cả 2 đại diện của phe mình yếu đi.

Two-round system (Hai vòng bình chọn)

Cách bầu chọn
Quay lại ví dụ về khu rừng ở trên, trong cuộc chơi bầu chọn 2 vòng này, các loài vật được bầu chọn ít sẽ bị loại và giữ lại 2 người đứng đầu, sau đó 2 ứng viên có số phiếu cao nhất ở vòng 1 sẽ đi vào và tranh cử trong vòng 2, ai đạt quá bán (lớn hơn 50%) sẽ là người chiến thắng chung cuộc.
Điều này giúp hạn chế và giảm thiểu được spoiler effect đáng kể, đặc biệt là trong xã hội có đa phần là 2 đảng phái lớn (tức có 2 luồng ý kiến và quan điểm chính trị trái lập nhau), khi loại tất cả và chọn ra được 2 người được ủng hộ nhiều nhất, việc dồn phiếu ủng cho 1 trong 2 ứng viên đến từ 2 đảng sẽ giúp chọn ra được ý kiến mang tính đại diện nhất.
Vấn đề (Bầu cử tổng thống Pháp 2002)
Tuy nhiên, như đã nói ở bên trên thì nếu xã hội luôn có 2 luồng ý kiến đối lập và cần chọn ra 2 ứng viên đại diện cho 2 phe ý kiến đó sau khi kết thúc vòng bình chọn đầu tiên.

Nguồn:

Ứng dụng của thể thức bầu cử này cực kỳ đa dạng khi được ứng dụng đa số tại châu Á, Châu Âu, Nam Mỹ và một vài quốc gia Châu Phi. Tuy nhiên vấn đề của thể thức này so với thể thức bầu cử 1 vòng ở trên cũng tương tự nhưng hiếm khi xảy ra hơn. 
Câu hỏi đặt ra vấn đề đó là sẽ ra sao nếu chúng ta không có một trong 2 đại diện được đi vào vòng 2? Tất lẽ dĩ ngẫu, các ứng viên của phe không có đại diện sẽ phải lựa chọn giữa một trong 2 ứng viên dù cho không phải của phe mình, cân nhắc xem liệu ai có thiên hướng ủng hộ cho quan điểm chính trị của mình hơn và không ủng hộ người có quan điểm cực đoan hơn. Hãy cùng làm quen với ví dụ của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002 để hiểu rõ hơn vấn đề này: 
Vào năm 2002, có 2 phe chính trị chủ yếu của Pháp đó là phe tả và phe hữu (dịch tạm là phe trái và phe phải, tên gọi này được xuất phát từ Pháp trong việc mô tả vị trí ngồi của 2 nhóm chính trị đối lập trong quốc hội của nước này vào thời kỳ cách mạng Pháp và vẫn được sử dụng ngày hôm nay). Hai ứng viên được kỳ vọng sẽ vào vòng 2 đó là Jacques Chirac (người theo phe trung hữu) và Lionel Jospin (người theo phe trung tả) để làm đại diện cho 2 phe. Tuy nhiên, vấn đề đã nảy sinh khi Jean-Marie Le Pen (một người theo phe cực hữu) đã dành được phần thắng so với Jospin để có thể đi vào vòng 2 cạnh tranh với Chirac theo số phần trăm phiếu ủng hộ ở vòng 1 như sau: 
Kết quả cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Pháp năm 2002

Kết quả cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Pháp năm 2002
Theo lẽ thường, mỗi cánh tả và hữu của Pháp phải có một đại diện nhưng với kết quả trên, cánh tả của người dân Pháp đã không hề có đại diện (do hệ quả tương tự của hiệu ứng spoiler đã nhắc ở trên hệ thống bầu cử 1 vòng), từ đó, những người thuộc phe cánh này đã không có người phù hợp để bầu. Thậm chí, ví Le Pen nổi tiếng trong giới chính trị là một người có quan điểm cực đoan về các vấn đề phân biệt chủng tộc, nhập cư cũng như nhiều vấn đề khác nên các ứng viên của cánh tả khi đó đã bất đắc dĩ chọn người có quan điểm chính trị nhẹ nhàng và trung hòa hơn đó là Chirac. Điều này dẫn đến số phiếu được dồn cho Chirac bao gồm những người ủng hộ ông trước đó và tất nhiên là cả những người của đảng phái bên kia để ông dành chiến thắng trước Le Pen. Kết quả năm đó ở vòng bình chọn thứ 2, Chirac nhận về chiến thắng áp đảo với 82.21% so với 17.79% của Le Pen.
Như vậy ta có thể thấy, mặc dù thể thức bầu cử 2 vòng này được ứng dụng vào trong bầu cử nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhưng sự trớ trêu và kỳ lạ của nó bị gây ra bởi hiệu ứng Spoiler vẫn còn tồn tại khiến cho kết quả bầu cử diễn ra có phần nào đó thiếu tính đại diện và công bằng cho các nhóm quan điểm khác nhau như ví dụ ở bên trên. 

Instant runoff Voting (Bầu cử thay thế)

Cách bầu chọn
Đến với thể thức bầu chọn tiếp theo, thể lệ bầu cử thay thế này có thể giải quyết được các vấn đề trong hiệu ứng chia phiếu của 2 thể thức trên. Về cơ bản, thể thức này cung cấp cho các ứng viên rất nhiều vòng bình chọn, cứ sau mỗi vòng, số phiếu của đại diện nào thấp nhất sẽ là người bị loại và các ứng viên còn lại sẽ vào vòng sau, đồng thời, những người trước đó đã chọn cho ứng viên bị loại hoàn toàn có thể đưa lựa chọn của mình vào các ứng viên còn lại. Quy trình này lặp đi lặp lại cho đến khi loại chỉ còn 1 ứng viên và đó sẽ là người thắng cuộc.
Vấn đề và ví dụ
Nghe qua thì cách thức bầu chọn này thật sự toàn diện và có nhiều cơ hội cho các ứng viên, giảm thiểu tối đa câu chuyện bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng spoiler như 2 thể thức đã nêu trên, nhưng vấn đề của thể thức này chính là việc tốn quá nhiều tài nguyên từ con người đến thời gian để làm ra số lượng vòng bình chọn nhiều như vậy, nếu có tận 1000 ứng viên, số lượng người bình chọn và người đánh giá lên đến  hàng triệu người thì sẽ cần đến 999 vòng, bao gồm 999 lần đi bỏ phiếu lại để chọn ra một người chiến thắng khiến thể thức này rất tốn thời gian.
Tuy nhiên bầu cử thay thế lại cực kỳ thích hợp với những cuộc bình chọn có quy mô nhỏ (tức số lượng ứng viên được đề cử cũng như người bỏ phiếu không nhiều) thì phức thức bầu chọn nhiều lần này là khả thi. Ví dụ điển hình chính là các hạng mục trong giải Oscar của viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật Hoa Kỳ trao giải hàng năm chỉ có từ 5 đến tối đa là 10 đề cử được tham gia vào các hạng mục nên từ đó số vòng bình chọn cũng nhỏ đi đáng kể, đồng thời giúp lựa chọn được ứng viên xuất sắc nhất được công tâm và chính xác nhất sau từ 4 đến 9 vòng loại lần lượt.
Vậy là chúng ta đã đi qua hầu hết các phương thức bầu cử cơ bản trong hệ thống bầu 
Vậy là ta đã đi qua tất cả các thể thức bầu chọn trong cụm bầu cử theo đa số và đa phần trong các thể thức này, chính người dân sẽ là người quyết định trực tiếp người lãnh đạo đất nước của mình. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống bầu cử còn có thể trở nên phức tạp và lắm trái ngang như hệ thống bầu cử của Mỹ, vậy nó là gì và hoạt động ra sao thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ở phần còn lại của bài viết này tôi sẽ chia ra ở phần 2 trên kênh, cảm ơn mọi người đã quan tâm và ủng hộ!!!
Lời cuối:  Bài viết này được tôi sử dụng thông tin, ý tưởng và kiến thức đa phần đến từ kênh Podcast về khoa học Oddly Normal (Một kênh thông tin chuyên về các cuộc bàn luận giữa những người đam mê khoa học nhưng không hề khô khan). Tôi sẽ để lời này ở mỗi cuối bài viết tôi được truyền cảm hứng tìm hiểu và học hỏi từ kênh podcast này nên tôi cũng khuyến khích các bạn độc giả nghe của kênh trên Spotify – Của dân do dân vì dân (nơi trình bày không chỉ dân chủ và bầu cử Hoa Kỳ mà còn là các vấn đề chính trị khác). Ngoài ra còn có rất nhiều chủ đề khác như triết học, khoa học và cả lịch sử thú vị khác đang nằm tại kênh podcast này. Lưu ý rằng đây không phải quảng cáo được thuê hay bất kỳ hình thức kinh doanh nào nên mong mọi người đón nhận với tâm thế là tôi đang chia sẻ và lan tỏa kiến thức. Xin cảm ơn!