‘Đánh thức’ Cát Bà bằng du lịch sinh thái: Mở ‘đường băng’ mới cho du lịch Hải Phòng cất cánh
‘Đánh thức’ Cát Bà bằng du lịch sinh thái: Mở ‘đường băng’ mới cho du lịch Hải Phòng cất cánh
Đã đến lúc “cô gái đẹp” phải tỉnh giấc
Với những tín đồ du lịch khoảng 5 năm trở lại đây, thương hiệu du lịch của Hải Phòng gần như chỉ gắn với “pate cột đèn”. Du khách chọn Hà Nội, Quảng Ninh để ở lại, lưu trú và ghé qua Hải Phòng để thưởng thức những món ẩm thực nổi tiếng được truyền tai nhau trên mạng xã hội. Thay vì nhắc tới một điểm đến đẹp, dân du lịch dần gọi tên Hải Phòng như một điểm đến “no”. Người ta quên mất rằng Hải Phòng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng 2 danh lam thắng cảnh nổi tiếng là Cát Bà và Đồ Sơn, cùng rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề.
Nằm cách trung tâm TP.Hải Phòng khoảng 20 km về hướng đông nam, Đồ Sơn được mệnh danh là mảnh đất của những huyền thoại. Đây là một bán đảo có non nước hư ảo tựa chốn bồng lai, là trung tâm nghỉ ngơi du lịch kỳ thú từ hàng trăm năm nay. Đồ Sơn quyến rũ du khách bởi khí trời trong sạch, sự mặn mà của biển và cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Đã không nói đến nghỉ mát thì thôi, chứ đã nói đến nghỉ mát bãi biển thì Đồ Sơn hiện ra trong trí óc chúng ta trước hết. Tại sao? Đó là bởi Đồ Sơn là bãi biển có trước nhất ở Bắc Kỳ hay, nói cách khác, thì người Bắc Kỳ mình sở dĩ biết đi tắm biển như người Âu Mỹ, ấy cũng là vì Đồ Sơn vậy”. Đặc biệt là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, thu hút hàng vạn người đổ về tham dự mỗi năm.
Thế nhưng, sau một thời gian dài phát triển thiếu quy hoạch bài bản, Đồ Sơn dần hụt hơi trong cuộc đua với các điểm đến khác ở phía bắc. Hệ số lưu trú của Đồ Sơn rất thấp, có nghĩa là khách chỉ tới đây trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đủ để tạo ra các giá trị gia tăng. Khó khăn lớn nhất là với hiện trạng quy hoạch manh mún như vậy, Đồ Sơn hầu như không còn quỹ đất để thu hút đầu tư thực hiện các dự án ra tấm ra món.
Sự hụt hơi của Đồ Sơn cũng khiến du lịch Hải Phòng “đi trước về sau”. Trong khi “người hàng xóm sát vách” Quảng Ninh đã đặt mục tiêu năm nay đón 17 triệu lượt khách thì Hải Phòng vẫn chưa một lần chạm tới mức 10 triệu khách du lịch/năm. Kết thúc năm 2023, số lượng khách du lịch tới Hải Phòng chỉ bằng quá nửa so với Quảng Ninh.
Nhìn lại thời vàng son và những lợi thế hiếm có, các chuyên gia du lịch cho rằng đã đến lúc Hải Phòng cần sốc lại ngành du lịch, tìm lại thời hoàng kim cho Đồ Sơn và đặc biệt là đánh thức “cô gái đẹp” Cát Bà.
Khi tới thăm và làm việc tại H.Cát Hải hồi 2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, tràn đầy cảm xúc trước vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của Cát Hải, Cát Bà. Phó thủ tướng nhắn gửi tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cát Hải là đảo ngọc quá đẹp, ít có địa phương nào có được. Tiềm năng vô cùng to lớn và nếu biết khai thác, phát huy, đảo Cát Bà chắc chắn sẽ mang lại những giá trị vượt xa khỏi tầm dự báo. Với sự kiện quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, du lịch Hải Phòng sẽ có thêm các điều kiện, cơ hội tuyệt vời để cất cánh.
Đảo không khói xe đầu tiên tại VN
Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 đã hoạch định những bước đi căn bản cho du lịch Hải Phòng. Theo đó, quy hoạch mạng lưới du lịch đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 – 35 triệu lượt khách; đến năm 2040 khoảng 35 – 40 triệu lượt khách. Quy hoạch cũng chỉ rõ một số chương trình ưu tiên đầu tư phát triển du lịch. Cụ thể, xây dựng Cát Bà và Đồ Sơn thành trung tâm du lịch quốc tế, có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, ưu tiên thực hiện dự án xây dựng tuyến cáp treo Cát Hải – Cát Bà, một số dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch.
Đáng chú ý, TP.Hải Phòng định hướng sẽ dừng hoạt động và thay thế các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng, diesel bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường trên đảo Cát Bà. Định hướng này thực tế đã được manh nha từ gần 1 thập niên trước.
Ngược thời gian về năm 2016, đoàn khảo sát gồm các chuyên gia quy hoạch cảnh quan kiến trúc của WATG, nhà tư vấn thiết kế hàng đầu thế giới, đã đến Cát Bà và đưa ra một kế hoạch ấn tượng. Đầu tiên là quy hoạch lại hệ thống giao thông tại khu vực đảo Cát Hải – vệ tinh cho Cát Bà và giao thông khu vực nội đảo theo hướng sinh thái. Nơi đây sẽ có những bãi biển công cộng đem đến cho cộng đồng dân địa phương và du khách cơ hội hòa mình với biển. Đồng thời, có những khu vui chơi giải trí nâng tầm du lịch Cát Bà đến một đẳng cấp cao hơn…
“Tương lai, Cát Bà có thể hướng đến trở thành một điểm đến thông minh, thân thiện với môi trường. Trên khắp đảo sẽ không còn khói ô tô, xe máy. Hệ thống xe điện, các phương tiện công cộng dùng năng lượng mặt trời, điện hoặc các phương tiện đường thủy sẽ giữ cho không khí thanh sạch, trong lành nhất, đúng chất khí hậu biển đảo và rừng rậm mà Cát Bà đang sở hữu”, đoàn khảo sát của WATG gợi ý.
Ủng hộ chiến lược phát triển du lịch sinh thái, nói “không” với khói xe mà TP.Hải Phòng đang định hướng cho Cát Bà, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, phân tích: Cát Bà hiện gần như là viên ngọc thô còn sót lại của VN và đã được công nhận là di sản thế giới. Nơi đây có lịch sử hình thành và phát triển địa chất từ khoảng 18.000 năm trước, hiện còn lưu giữ những dấu tích gắn với 77 địa điểm khảo cổ, điển hình là Di chỉ Cái Bèo (TT.Cát Bà). Quá trình hình thành lâu dài đã góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của “đảo ngọc”.
Hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, cùng hệ động, thực vật vô cùng phong phú và quý hiếm… Trong bối cảnh xu hướng du lịch xanh, phát triển xanh đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, đây là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đáng giá. Với diện tích không quá lớn, Cát Bà nên nhắm đến các đối tượng khách du lịch cao cấp thay vì khách đại trà sẽ dẫn đến quá tải, thiếu nước, lãng phí tài nguyên. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều hòn đảo với tiềm năng tương tự, được quy hoạch hướng đến phát triển xanh, sạch, đẹp, bền vững.
“Nếu có thể thực hiện theo đúng quy hoạch, đảo Cát Bà không chỉ giúp Hải Phòng nói riêng và VN nói chung tăng tính cạnh tranh của điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới mà còn tạo ra một nơi lý tưởng cho người dân trong nước tới nghỉ dưỡng, khám phá, hòa mình vào thiên nhiên”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.
TP.Hải Phòng nên định hướng rõ ai sẽ là đối tượng du khách mà Cát Bà hướng tới, từ đó phát triển du lịch có chiến lược, hoạch định cụ thể các chính sách từ hạ tầng đến cơ sở lưu trú, sản phẩm, trải nghiệm… Cần bám sát quy hoạch và có sự chọn lọc để chọn được những nguồn vốn đầu tư thật sự “xanh”, những dự án sinh thái đúng nghĩa, không “băm” nhỏ dự án tạo cơ hội cho những đơn vị “lấy mác” phát triển sinh thái để chiếm đất, phát triển bất động sản.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group
Bạn đang đọc ‘Đánh thức’ Cát Bà bằng du lịch sinh thái: Mở ‘đường băng’ mới cho du lịch Hải Phòng cất cánh tại website hungday.com