Danh tính của người dân tại Đài Loan trong giai đoạn hậu thuộc địa
Tháng bảy 7, 2024
Ở bài viết trước, vị thế chính trị và pháp lý của chính thể Đài Loan đã được thảo luận. Vẫn là chủ đề về Đài Loan và một số thông tin có thể sẽ lặp lại, nhưng bài viết này sẽ tập trung vào câu chuyện sự phát triển và biến đổi của danh tính dân tộc Đài Loan trong giai đoạn hậu thuộc địa, đối lập lại những diễn ngôn về danh tính dân tộc Trung Hoa trong giai đoạn độc tài của Quốc dân đảng ở Đài Loan. Hiện nay, thuật ngữ Đài Loan thường đươc sử dụng thay thế cho Trung Hoa Dân Quốc (THDQ), tên gọi chính thức của chính phủ đang quản lý khu vực Đài Loan và cần được phân biệt với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) đang quản lý Trung Quốc Đại lục cũng có tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Đài Loan.
Bài viết sẽ áp dụng lý thuyết hậu thuộc địa để phân tích những ảnh hưởng của quá trình thuộc địa trước đây vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay và có tác động như thế nào đến danh tính của người dân tại Đài Loan sau quá trình dân chủ hóa. Bài viết gồm có 4 phần: tóm tắt lịch sử Đài Loan, tóm tắt lý thuyết hậu thuộc địa và ứng dụng vào trường hợp của Đài Loan, diễn ngôn mang tính chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa của chính phủ THDQ sau năm 1945, và những thách thức đối với những diễn ngôn trên trong giai đoạn dân chủ hóa hậu thuộc địa.
1. Tóm tắt lịch sử Đài Loan
Đài Loan trở thành một thực thể chính trị với danh tính phức tạp như hiện tại là vì có một phần lịch sử hàng trăm năm bị các thế lực ngoại bang đô hộ. Trong suốt hàng nghìn năm đầu, những cư dân đầu tiên sống trên đảo Đài Loan chỉ có những nhóm người Nam Đảo. Họ chính là những nhóm người dân tộc bản địa (Indigenous peoples) duy nhất tại Đài Loan. Chính phủ THDQ đã công nhận 16 nhóm người bản địa đang hiện hữu và chưa bị Hán hóa. Trải qua thời gian, những nhóm di dân từ phía Nam của Trung Quốc Đại lục tới sinh sống tại Đài Loan cùng với những nhóm người bản địa. Quá trình di dân này diễn ra dần dần cho tới khoảng năm 1895, thời điểm mà chính quyền nhà Thanh chuyển nhượng Đài Loan cho Nhật Bản. Những người di cư từ Đại lục này tạo thành những cộng đồng được gọi chung là người nội tỉnh hay bản tỉnh (本省人). Nhóm người nội tỉnh này chủ yếu thuộc sắc tộc Hán, gồm hai nhóm cộng đồng chính là người Mân Nam (Hoklo) và người Khách Gia (Hakka). Đến thế kỉ 16, những thủy thủ người Bồ Đào Nha đi ngang qua, “khám phá” ra đảo Đài Loan, và đã đặt tên cho hòn đảo này là Formosa, có nghĩa là xinh đẹp. Người Hà Lan sau đó đã tới đây và trở thành chính quyền thuộc địa đầu tiên trên đảo Đài Loan.
Trung Quốc Đại lục vào thế kỉ 17 chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền nhà Minh. Nhà Thanh do người Mãn Châu cai trị đã trở thành chủ nhân mới của đế chế này. Một số người Hán không chấp nhận sự cai trị của người Mãn đã ra đi và thậm chí là tìm cách khôi phục lại một chính quyền do người Hán làm chủ. Trịnh Thành Công là một trong số đó, đã đưa người nhà và quân đội của mình chạy tới đảo Đài Loan để chờ thời. Nhà Trịnh đã đuổi được người Hà Lan đi và bắt đầu công cuộc Hán hóa hòn đảo này cho tới năm 1683 khi chính quyền nhà Thanh, dưới thời Hoàng đế Khang Hy, đã chính thức chinh phục được Đài Loan, và sau đó sáp nhập hòn đảo này vào bản đồ Trung Quốc. Trong giai đoạn này, Đài Loan chỉ được xem là một khu vực ngoại biên, không nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền trung ương Bắc Kinh. Nhà Thanh muốn có được Đài Loan chủ yếu là để tránh hòn đảo này rơi vào tay các quốc gia phương Tây hoặc trở thành nơi trú ngụ của những thành phần đạo tặc, chống phá. Chính vì vậy, sau khi thua trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894, chính quyền nhà Thanh đã không quá chần chừ chuyển nhượng Đài Loan sang cho Nhật Ban. Trong suốt 50 năm sau đó dưới sự cai trị của Nhật Ban, Đài Loan mới thực sự chuyển mình trở thành một trong những nền kinh tế mạnh trong khu vực. Dù là thế lực ngoại bang đô hộ nhưng hình ảnh và ảnh hưởng của Nhật đối với xã hội Đài Loan cho tới hiện tại là tương đối lớn và có phần tích cực.
Đến năm 1945, Nhật Ban đầu hàng quân Đồng minh trong Thế Chiến 2 và phải rút quân khỏi Đài Loan. Chính phủ THDQ với sự lãnh đạo của Quốc dân đảng là bên giải giáp quân Nhật và cũng bắt đầu quản lý Đài Loan như theo những thỏa thuận trước đó với Mỹ và Anh trong Tuyên bố Cairo 1943 và Postdam 1945. Sau khi thất bại trong Nội chiến Trung Quốc, chính phủ THDQ đã tạm thời rời đến Đài Loan vào năm 1949, chọn Đài Bắc làm thủ đô lâm thời để tìm cách lấy lại Đại lục từ tay đảng Cộng sản. Trong suốt nhiều thập kỉ đầu chiếm đóng Đài Loan, chính phủ THDQ và Quốc dân đảng đã thi hành những chính sách đồng hóa, áp đặt tư tưởng Trung Hoa, và tuyên truyền những diễn ngôn cho rằng tất cả người dân thuộc tỉnh Đài Loan đều là người Trung Quốc. Đây cũng là thời kì chính phủ THDQ thực thi thiết quân luật tại Đài Loan, đàn áp tất cả các tư tưởng bất đồng, và còn được gọi là thời kì Khủng bố Trắng (the White Terror). Giới học giả Đài Loan hiện đại coi thời kì Khủng bố Trắng chính là lần gần đây nhất Đài Loan bị thuộc địa hóa. Trong phạm vi bài viết này, Khủng bố Trắng cũng là thời kì thuộc địa được coi là có ảnh hưởng lớn nhất tới xã hội Đài Loan hiện nay.
Sau khi thiết quân luật được gỡ bỏ năm 1987, Đài Loan chuyển dần thành một xã hội dân chủ kiểu phương Tây. Các đảng phái chính trị mới được hình thành và tự do phát triển, cũng như các cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần đầu tiên được tiến hành. Quá trình dân chủ hóa đã tạo điều kiện để các nhóm người vốn không được quan tâm và có tiếng nói trong xã hội thì giờ đây có cơ hội được lắng nghe và bày tỏ nguyện vọng chính trị. Giai đoạn hậu thuộc địa từ năm 1987 tới nay đã chứng kiến nhiều nỗ lực chống lại những diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa trước đó của Quốc dân đảng và dành sự ủng hộ cho một danh tính Đài Loan mới hoàn toàn khác biệt.
2. Lý thuyết hậu thuộc địa
Lý thuyết hậu thuộc địa thường được sử dụng trong nghiên cứu lịch sử để có thể làm rõ cách thức mà chế độ thực dân tiếp tục duy trì ảnh hưởng tới các thuộc địa cũ của mình ngay cả khi họ không còn trực tiếp chiếm đóng ở đó nữa. Lý thuyết hậu thuộc địa cho phép người nghiên cứu xét lại những diễn ngôn lịch sử mà các chế độ thực dân sử dụng và áp đặt nhằm mục đích đồng hóa người dân cũng như để biện minh cho quá trình thuộc địa của mình. Để có thể làm được điều này, chúng ta cần hiểu được rằng tàn dư của thời kì thuộc địa sẽ không tự nhiên biến mất mà sẽ vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại vững chắc tại các vùng thuộc địa trước đây và bằng một cách nào đấy vẫn tiếp tục phục vụ duy trì tầm ảnh hưởng của chế độ thực dân ngay cả sau khi họ đã rời đi. Lý thuyết hậu thuộc địa được sử dụng rộng rãi trong các đề tài nghiên cứu lịch sử bởi vì nó cho phép những cá nhân và cộng đồng đã từng bị áp bức trong quá khứ có thể có tiếng nói và thể hiện quan điểm của mình trong các vấn đề và diễn ngôn về danh tính dân tộc, sự kiện, hay nhân vật lịch sử. Đặc biệt là vấn đề danh tính dân tộc, đây sẽ là lý thuyết quan trọng cần được áp dụng nếu như điều mà xã hội hậu thuộc địa cần là xét lại những câu chuyện về danh tính được hình thành trong quá trình thuộc địa hóa. Điều này là cần thiết vì khi chiếm đóng một vùng thuộc địa, các chế độ thực dân thường sử dụng các diễn ngôn về danh tính để đồng hóa hoặc chia rẽ cộng đồng thuộc địa. Bằng cách khiến những cộng đồng thuộc địa nhâm lẫn rằng nền văn hóa thực dân mới là “văn minh” còn nền văn hóa bản địa là “man di” để bào chữa cho quá trình thực dân của mình là “khai sáng”. Cũng có thể họ sử dụng phương thức gây chia rẽ cộng đồng thuộc địa bằng cách tự tạo ra hoặc cố tình châm ngòi cho những diễn ngôn bạn-thù, chúng ta-bọn họ. Ngoài ra, lý thuyết hậu thuộc địa cũng giúp đánh giá lại ảnh hưởng của quá trình thuộc địa hóa trên các khía cạnh như ngôn ngữ, văn học, văn hóa, hay giáo dục. Các nhóm thiểu số và thường bị đẩy ra bên lề xã hội sẽ có cơ hội được xét lại một cách công bằng hơn về những đóng góp của họ đối với xã hội. Các vấn đề về ngôn ngữ bản địa bị xói mòn trong khi ngôn ngữ thuộc địa trở thành phương tiện giao tiếp chính thức, hay các nét văn hóa ngoại lai dần dần lại trở thành một phần của nền văn hóa mới mà không hề được cân nhắc lợi hại. Cuối cùng, lý thuyết hậu thuộc địa còn thúc đẩy quá trình xét lại những sự kiện lịch sử được xem là nền tảng hay chứng cứ cho quá trình đấu tranh giành độc lập và phản kháng của nhân dân. Thông thường những sự kiện này sẽ bị chế độ thực dân giấu kín và ngăn không cho công chúng cận nên có thể dễ bị rơi vào quên lãng nếu như quá trình thuộc địa diễn ra quá dài. Khi đã giành được độc lập, việc xét lại tầm quan trọng và vai trò của những sự kiện và chứng cứ lịch sử như vậy chính là nền tảng để xây dựng một dân tộc với một danh tính và niềm tự hào vững chắc.
Lý thuyết hậu thuộc địa rất phù hợp với chủ đề Đài Loan vì nhấn mạnh được vào tính phức tạp của quá trình hình thành và biến đổi danh tính của người dân ở Đài Loan trong thời thuộc địa cũng như trong quá trình dân chủ hóa hậu thuộc địa. Danh tính của Đài Loan trong lịch sử từng bị nhiều các chế độ thực dân ngoại bang chi phối, nhưng gần đây nhất chính là thời cai trị độc tài của Quốc dân đảng sau khi quân Nhật rút khỏi Đài Loan năm 1945. Lý thuyết hậu thuộc địa sẽ tạo điều kiện để chúng ta có thể nhìn nhận lại những sự kiện lịch sử như Sự kiện 228 hay quá trình biến đổi của một danh tính dân tộc Đài Loan mới. Lý thuyết hậu thuộc địa cũng cho phép các nhóm dân tộc bản địa và nội tỉnh Đài Loan tìm thấy sự kết nối đối với các phong trào xã hội đương thời tại Đài Loan nhằm mục đích thoát ra khỏi các diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa trước đây.
3. Chủ nghĩa Dân tộc Trung Hoa tại Đài Loan
Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra tại Trung Quốc Đại lục và kết thúc bằng sự sụp đổ của triều đình Mãn Thanh cũng như sự hình thành của một chính phủ THDQ mới. Sau khi Nhật Ban thất bại trong Thế Chiến 2, chính phủ THDQ bắt đầu kiểm soát Đài Loan và triển khai các chính sách đồng hóa đối với khu vực này. Các chính sách và diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa càng được áp dụng mạnh mẽ hơn sau khi chính phủ THDQ phải di dời tới Đài Loan vì đã mất Đại lục vào tay đảng Cộng sản. Chính phủ THDQ áp dụng thiết quân luật, chấn áp toàn bộ những ý kiến chính trị và xã hội bất đồng, tuyên truyền những diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa để có thể biên minh cho tính chính danh của mình ở Đài Loan.
3.1. Chính sách Phát triển Quốc ngữ (tiếng Quan Thoại)
Sau khi dành được Đài Loan năm 1945, tiếng Quan Thoại được quy định là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng tại các khu vực công cộng tại Đài Loan bất chấp việc đây không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của phần lớn người dân. Chính sách một ngôn ngữ này được chính phủ trung ương cho là biện pháp để “khôi phục lại” ngôn ngữ quốc gia hay quốc ngữ của dân tộc cũng như xóa bỏ đi những ảnh hưởng tàn dư của tiếng Nhật. Tuy nhiên, cùng với việc cấm tiếng Nhật, các ngôn ngữ bản địa và địa phương khác ở Đài Loan cũng bị cấm theo và bị gắn mác “phương ngữ”.
Trước khi Nhật Bản tới đô hộ, người Đài Loan nói nhiều ngôn ngữ khác nhau tùy vào từng cộng đồng. Người Hán ở Đài Loan thường sẽ nói tiếng Đài Loan (tiếng Phúc Kiến Đài Loan) hoặc tiếng Khách Gia. Các nhóm dân tộc bản địa ở Đài Loan có ngôn ngữ riêng của họ, hoàn toàn không liên quan đến nhóm các ngôn ngữ Hán hay bắt nguồn từ Đại lục. Dưới thời Nhật, tiếng Nhật được đưa vào làm ngôn ngữ chính thức, tuy nhiên, các ngôn ngữ địa phương và ban khác khác vẫn được cho phép sử dụng. Chỉ đến thời kì THDQ, tiếng Quan thoại, một ngôn ngữ ngoại lai đối với phần lớn người dân, lại được quy định là ngôn ngữ duy nhất người dân ở Đài Loan được sử dụng. Các chính sách phát triển tiếng Quan thoại, gồm 14 điều, được áp dụng nhằm hiện thực hóa mong muốn đồng hóa người dân tại Đài Loan. Trong suốt thời kì này, giáo viên ở tất cả các cấp buộc phải sử dụng tiếng Quan thoại khi giảng dạy. Các chính quyền địa phương cũng được khuyến khích tổ chức các lớp học, cuộc thi, triển lãm, các hoạt động tuyên truyền bằng tiếng Quan thoại để ủng hộ chính sách một ngôn ngữ của chính phủ trung ương. Tiếng Quan thoại cũng là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng ở trên các phương tiện truyền thông đại chúng, biển báo, hay phương tiện công cộng. Những phương thức này được áp dụng mặc cho hệ quả của nó là làm xói mòn dần các ngôn ngữ bản địa và địa phương. Thậm chí là còn nghiêm trọng hơn, việc sử dụng các “phương ngữ” ở trường hay nơi công cộng còn có thể bị phạt, chế giễu và làm nhục công khai, hay sẽ bị coi là những thành phần không yêu nước.
3.2. Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa
Ngoài vấn đề ngôn ngữ, chính phủ THDQ cũng quan tâm đến việc đồng hóa người dân Đài Loan bằng những phong tục văn hóa và giá trị Trung Hoa truyền thống một cách triệt để mà không quan tâm đến việc liên kết giữa Đài Loan và Đại lục đã bị ngắt quãng ít nhất là 50 năm dưới thời Nhật. Chính phủ tìm mọi cách để thuyết phục và áp đặt lên người dân Đài Loan rằng họ là người Trung Quốc và họ cần phải đứng lên khôi phục và bảo vệ những giá trị truyền thống Trung Hoa.
Trong suốt hai thập kỉ đầu cai trị Đài Loan, chính phủ THDQ với sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch đã cố gắng đẩy những giá trị truyền thống và phong tục văn hóa Trung Hoa với khẩu hiệu “Phục hưng Văn hóa”, chủ yếu là để đáp lại cuộc Cách mạng Văn hóa mà đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ đang thực hiện tại Đại lục. Vào năm 1966, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Tôn Trung Sơn, người được chính phủ THDQ coi là quốc phụ, Tưởng Giới đã triển khai một chiến dịch nhằm gìn giữ một ý thức hệ mang tính Trung Hoa tại tòa nhà Văn hóa Tôn Trung Sơn (中山樓文化堂) mới được xây dựng tại Đài Bắc. Trong buổi lễ khánh thành, Tưởng Giới Thạch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ những nét giá trị truyền thống Trung Hoa và vai trò của chủ nghĩa Tam Dân được chính Tôn Trung Sơn khởi xướng, đồng thời lên án sự xói mòn đạo đức và văn hóa truyền thống Trung Hoa đang diễn ra, ám chỉ tới cuộc Cách mạng Văn hóa ở Đại lục cũng như những ảnh hưởng tồn dư tại Đài Loan sau 50 năm Nhật Bản đô hộ đã khiến một bộ phận dân chúng quên đi gốc gác Trung Quốc của mình.
Trong bài phát biểu, Tưởng Giới Thạch cho rằng nền văn hóa dân tộc Trung Hoa có nguồn gốc 2500 năm trước với những câu chuyện thần thoại và những bài giảng của Khổng Tử. Tưởng Giới Thạch cũng nhấn mạnh việc duy trì và phát huy truyền thống văn hóa Trung Hoa cần phải được dựa trên nền tảng chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn với điều cần lưu ý là đạo đức, dân chủ, và khoa học. Trong đó, đạo đức khởi nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Đạo đức hướng con người ta chăm lo cho gia đình nhỏ của mình và rộng hơn là nghĩ cho lợi ích của toàn xã hội. Dân chủ chính là tôn trọng ý nguyện của nhân dân bởi vì ý nguyện của nhân dân chính là nền tảng của quốc gia. Cuối cùng, khoa học là một công cụ không thể thiếu để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và toàn xã hội. Công cuộc phục hưng văn hóa cũng bao gồm việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật, văn học, và kiến trúc Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch bày tỏ sự thất vọng và lo lắng về việc đã 20 năm kể từ khi chính phủ THDQ rời qua Đài Loan nhưng tỉnh Đài Loan vẫn chưa đạt được như kì vọng của ông, chưa thể cho thế giới thấy một cách đầy đủ và chính xác văn hóa và kiến trúc Trung Hoa là như thế nào.
Đến năm 1967, Tổng hội Văn hóa Trung Hoa (GACC) được thành lập để tuyên truyền những giá trị và kiến thức về Trung Quốc tới người dân tại Đài Loan. Theo truyền thống, tổng thống THDQ chính là chủ tịch của tổng hội, bắt đầu từ Tưởng Giới Thạch. Mục tiêu của Tổng hội Văn hóa Trung Hoa chính là hợp thức hóa sự cai trị của chính phủ THDQ ở Đài Loan. Cũng trong khoảng thời gian này, các bên liên quan đều hiểu rằng việc THDQ chiếm lại được Đại lục là gần như không còn khả thi nữa, vì vậy nên, nếu có một ngày người dân Đài Loan không nhận họ là người Trung Quốc nữa thì tính chính danh của THDQ sẽ không còn. Chính phủ THDQ, đặc biệt là Quốc dân đảng, nhận thấy rằng sự sống còn của họ nằm ở việc phải thuyết phục được người Đài Loan tin vào danh tính Trung Quốc cũng như sứ mệnh bảo vệ văn hóa và giá trị Trung Hoa của mình. Để làm được điều này, chính phủ đã tham vấn tổng hội GACC ở rất nhiều chương trình văn hóa xã hội ví dụ như giáo dục, truyền thông đại chúng, các hoạt động cho thanh thiếu niên, và cả các phong trào nữ quyền.
4. Xét lại chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa
Sau khi chính phủ THDQ mất đi chiếc ghế tại Liên hợp quốc năm 1971 và Mỹ đổi sang công nhận chính phủ CHNDTH là đại diện hợp pháp duy nhất của Nhà nước Trung Quốc, các nhà hoạt động chính trị xã hội tại Đài Loan tìm cách kêu gọi một cuộc cải cách dân chủ hóa và thúc đẩy phong trào dân quyền tại đây. Năm 1987, thiết quân luật được gỡ bỏ, tạo tiền đề cho một quá trình dân chủ hóa toàn diện. Vấn đề danh tính dân tộc cũng đã trải qua không ít biến đổi trong thời kì này. Theo như khảo sát của Đại học Quốc lập Chính trị (Đài Loan), vào năm 1922, 46,4% người được khảo sát cho rằng họ vừa là người Trung Quốc và Đài Loan, 25,5% cho rằng họ chỉ là người Trung Quốc, trong khi chỉ có 17,6% cho rằng họ chỉ là người Đài Loan mà thôi. Tuy nhiên, đến năm 2023, số người xác nhận bản thân chỉ là người Đài Loan lên tới 62,8% số, đối lập với chỉ 2,5% số người được khảo sát nhận họ chỉ là người Trung Quốc. Những thay đổi này đã chính là kết quả của việc áp dụng thành công các chính sách nhấn mạnh danh tính Đài Loan thay thế những chính sách phát triển văn hóa Trung Hoa trước đây, cũng như việc xét lại tầm quan trọng của những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đối với sự hình thành của một danh tính Đài Loan mới hoàn toàn khác biệt với danh tính Trung Hoa.
4.1. Chính sách Đài Loan hóa
Đảng Dân tiến (DPP) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa và thúc đẩy nhận thức của người dân về danh tính Đài Loan. Kể từ khi thành lập vào năm 1986, đảng Dân tiến đã liên tục chỉ trích sự thống trị của Quốc dân đảng tại Đài Loan và những diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa. Khi đảng Dân tiến có được vị trí nhất định trong xã hội và quá trình dân ngày một phát triển, Đài Loan đã thực thi thành công một số chính sách Đài Loan hóa. Những cải cách này chỉ ra rằng danh tính của Đài Loan đã biến đổi và họ muốn định vị bản thân là một dân tộc độc lập, cùng với một thể chế chính trị dân chủ, tôn trọng sự đa dạng của tất cả các nhóm dân tộc bản địa và địa phương.
Về vấn đề ngôn ngữ, năm 1992, Bộ Giáo dục đã chính thức bãi bỏ Chính sách Phát triển Quốc ngữ (tức tiếng Quan Thoại). Năm 2017 và 2019, chính phủ chính THDQ tuyên bố một số ngôn ngữ bản địa, địa phương, và thiểu số ở Đài Loan cũng là quốc ngữ. Chính phủ THDQ không chỉ công nhận các ngôn ngữ này là ngôn ngữ quốc gia mà còn có những biện pháp nhằm phát triển hệ chữ viết cũng như hệ thống hóa những ngôn ngữ này. Các biện pháp được đưa ra với mục tiêu khuyến khích sử dụng rộng rãi các ngôn ngữ quốc gia tại Đài Loan, bao gồm cả hệ thống chữ viết, cung cấp chứng chỉ, hay xây dựng các nguồn tài nguyên số dành cho những ngôn ngữ này.
Trong thời gian đương nhiệm tổng thống THDQ, Trần Thủy Biển thuộc đảng Dân Tiến đã thúc đẩy quá trình đổi tên Tổng Hội Văn hóa Trung Hoa GACC, cơ quan cấp nhà nước phụ trách vấn đề quảng bá giá trị văn hóa truyền thống Trung Hoa. Vào năm 2006, Tổng hội được đổi tên thành Tổng Hội Văn hóa Quốc gia, chủ yếu là để tránh sử dụng thuật ngữ Trung Hoa cũng như hợp thức hóa việc quảng bá văn hóa địa phương và bản địa của Đài Loan. Đây cũng là hành động phù hợp với chủ trương và tầm nhìn của đảng Dân Tiến về một dân tộc Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, vào năm 2011, dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng, tên của tổng hội này đã được đổi lại thành cái tên ban đầu là Tổng hội Văn hóa Trung Hoa. Kể từ khi Thái Anh Văn lên nắm quyền, các nhà hoạt động chủ nghĩa dân tộc Đài Loan đã thúc đẩy một lần đổi tên nữa đối với tổng hội này sang một cái tên chung chung và bao quát hơn ví dụ như Tổng hội Văn hóa Quốc gia hay Tổng hội Văn hóa Đài Loan để thể hiện rõ hơn hiện trạng đa dạng văn hóa tại đây. Dù vậy, cho đến hiện tại, Thái Anh Văn vẫn chưa chính thức giải quyết vấn đề này.
Trong giai đoạn Covid, Lập pháp viện, cơ quan lập pháp tối cao của chính phủ THDQ, đã thông qua đề xuất của Bộ Ngoại giao về việc thay đổi bìa của hộ chiếu THDQ. Trước năm 2020, bìa của hộ chiếu có in dòng chữ Trung Hoa Dân Quốc và Đài Loan bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, trên bìa mới, mặc dù phần tiếng Trung vẫn được giữ nguyên, phần tiếng Anh chỉ giữ lại dòng chữ Đài Loan mà thôi, không còn Trung Hoa Dân Quốc nữa. Phía chính phủ biện luận rằng sự thay đổi này sẽ giúp dân cư Đài Loan bớt gặp khó khăn trong các vấn đề xuất nhập cảnh trong thời Covid vì bị nhầm lẫn với cư dân Đại lục, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy được rằng hành động này cũng phù hợp với chủ trương và định hướng của chính phủ đảng Dân tiến
4.2. Xét lại Sự kiện 228
Trong bối cảnh hậu thuộc địa, một số sự kiện lịch sử cần được xét lại, đặc biệt là khi những sự kiện đó làm nổi bật lên các phong trào đấu tranh giành độc lập hay chống lại chính quyền thực dân. Trong trường hợp của Đài Loan, sau hàng thập kỉ bị chính phủ THDQ tìm cách lấp liếm, Sự kiện 228 giờ đây đã được giới học giả và công chúng nhìn nhận lại và công nhận là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đài Loan, đại diện cho tinh thần dân tộc của người Đài Loan.
Như đã trình bày phía trên, chính phủ THDQ bắt đầu cai trị Đài Loan năm 1945. Tuy nhiên, vì Nhật đã ở đây suốt 50 năm trước đó, giữa chính phủ mới và người dân không tránh khỏi những ý kiến bất đồng về các vấn đề chính trị xã hội. Đỉnh điểm của mâu thuẫn rơi vào ngày 28 tháng 2 năm 1947 khi người dân Đài Loan biểu tình chống lại chính quyền trung ương và bị đàn áp hết sức nặng nề. Chính phủ THDQ đã bắt giữ, bỏ tù, tra tấn, hoặc thậm chí là tử hình hàng ngàn người biểu tình. Tuy nhiên, trong suốt thời kì thiết quân luật, mọi tài liệu liên quan đến sự kiện này đều bị chính phủ giấu kín. Tất cả chỉ được bắt đầu hé lộ kể từ khi thiết quân luật được bãi bỏ. Sự kiện 228 kể từ đó đã trở thành một phần quan trọng trong kí ức của người Đài Loan cũng như thể hiện cho sự đồng lòng, quyết tâm của một dân tộc Đài Loan đấu tranh vì dân chủ, tự do, và nhân quyền.
Năm 2006, Lập pháp viện đã quyết định thành lập Bảo tàng Quốc gia Tưởng niệm Sự kiện 228 và thông qua Đạo luật Xử lý và Bồi thường Sự kiện 228 để sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra. Năm 2010, Tổng thống Mã Anh Cửu đại diện cho chính phủ THDQ và Quốc dân đảng của mình chính thức đưa ra lời xin lỗi công khai tới các nạn nhân của cuộc thảm sát và cam kết sẽ cho rà soát và điều tra lại vụ việc. Tổng thống Thái Anh Văn vào năm 2022 cũng tham dự cuộc diễu hành kỉ niệm Sự kiện 228 tại Thành phố Đài Bắc. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự kiện này đối với xã hội Đài Loan đương thời, cũng là bằng chứng cho thấy sự chuyển dịch rõ ràng từ những diễn ngôn đại chúng trước đó nhấn mạnh vào tinh thần văn hóa Trung Hoa cho đến hiện này là những câu chuyện lịch sử lấy Đài Loan làm trung tâm.
5. Kết luận
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Đài Loan liên tục rơi vào tay các chính quyền thực dân ngoại bang. Tuy vậy, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, sự phản kháng vẫn luôn được tìm thấy và chứng minh sự tồn tại của một danh tính Đài Loan khác biệt. Danh tính của người dân Đài Loan không hề giữ nguyên mà liên tục thay đổi và phát triển phù hợp với bối cảnh lịch sử. Dưới thời kì độc tại của Quốc dân đảng, một danh tính chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa được áp đặt, đàn áp tất cả những yếu tố khác biệt làm nên một Đài Loan không phải Trung Quốc. Dẫu vậy, trong bối cảnh hậu thuộc địa hiện nay, xã hội Đài Loan đã không ngừng phản kháng lại những diễn ngôn này và muốn chứng minh họ là một dân tộc độc lập. Phong trào này có thể được tìm thấy thông qua việc triển khai các chính sách Đài Loan hóa và xu hướng xét lại các sự kiện lịch sử cho thấy sự phản kháng của người Đài Loan đối với tính chính danh và sự cai trị của các chính phủ thực dân.
Tài liệu tham khảo:
Anna Green and Kathleen Troup, “Post-Colonial Perspective,” in The Houses of History: A Critical Reader in History and Theory, 2nd ed. (Manchester: Manchester University Press, 1999, 2006).
Bureau of Consular Affairs (Ministry of Foreign Affairs, Republic of China – Taiwan), “MOFA to Release New Passport to Highlight TAIWAN in January 2021,” September 04, 2020, accessed December 13, 2023, https://www.boca.gov.tw/cp-220-5862-75d57-2.html#:~:text=MOFA%20to%20release%20new%20passport%20to%20highlight%20TAIWAN%20in%20January%202021,-facebook&text=The%20Ministry%20of%20Foreign%20Affairs,cover%20highlighting%20the%20word%20TAIWAN.
中正文教基金會 (Chung Cheng Cultural and Educational Foundation), “中山樓文化堂落成紀念文 (Inauguration Speech of the Zhongshan Building Cultural Hall),” November 11, 1966, accessed December 13, 2023, http://www.ccfd.org.tw/ccef001/index.php?option=com_content&view=article&id=3175%3A2014-06-12-06-36-05&catid=294&Itemid=256
Democratic Progressive Party, “Resolution,” accessed December 13, 2023, dpp.org.tw/en/upload/download/Resolutions.pdf
Election Study Center (National Chengchi University), “Taiwanese/ Chinese Identity (1992/06-2003/06),” July 12, 2023, accessed December 13, 2023, https://esc.nccu.edu.tw/PageDoc/Detail?fid=7800&id=6961.
Executive Yuan, “National Languages Development Plan,” June 01, 2022, accessed December 13, 2023, https://english.ey.gov.tw/News3/9E5540D592A5FECD/0ce73bb5-0330-4491-9fdb-9eb06f7114d3
Government Portal of the Republic of China (Taiwan), “History,” accessed December 13, 2023, https://www.taiwan.gov.tw/content_3.php#:~:text=The%20ROC%20was%20founded%20in,end%20of%20World%20War%20II.
Guo-shian Lin, “中華文化復興運動推行委員會 1966-1975 (The Committee of Chinese Cultural Renaissance Measures 1966-1975)” (Master’s thesis, National Chengchi University, 2001), https://thesis.lib.nccu.edu.tw/cgi-bin/gs32/gsweb.cgi?o=dallcdr&s=id=%22A2002001039%22.&searchmode=basic.
Hsi-nan Yeh, Hui-chen Chan, and Yuh-show Cheng, “Language Use in Taiwan: Language Proficiency and Domain Analysis,” Journal of Taiwan Normal University: Humanities & Social Sciences 49, no. 1 (2004): 75-108, http://jntnu.ord.ntnu.edu.tw/Uploads/Papers/634589567215544000.pdf.
Laws & Regulations Database of The Republic of China (Taiwan), “廢-國語推行辦法 (The Abolition of National Language Promotion Measures),” February 12, 1992, https://law.moj.gov.tw/LawClass/LawAll.aspx?pcode=H0080006
Li-hua Chung and Jonathan Chin, “Adviser Urges New Name for Cultural Association,” Taipei Times, November 29, 2016, accessed December 13, 2023, https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2016/11/29/2003660216.
Memorial Foundation of 228, “The 228 Incident,” accessed December 13, 2023, https://www.228.org.tw/en_pages.php?sn=7
Office of the President (Republic of China – Taiwan), “President Tsai Attends Ceremony Marking 75th Anniversary of 228 Incident,” February 28, 2022, accessed December 13, 2023, https://english.president.gov.tw/NEWS/6237.
Taiwan Today, “President Ma Apologizes for 228 Incident,” March 01, 2010, accessed December 13, 2023, https://taiwantoday.tw/news.php?unit=2&post=990.
The General Association of Chinese Culture (GACC), “Organizational History,” accessed December 13, 2023, https://www.gacc.org.tw/EN/history