Dấu ấn đẹp về hạ tầng giao thông
Dấu ấn đẹp về hạ tầng giao thông
Trong nhiều thập niên qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đã liên tục được đầu tư phát triển. Nhiều cây cầu, tuyến đường cao tốc, đường vành đai, đường hướng tâm, đường liên kết nội vùng và liên vùng… được hình thành, đã rút ngắn thời gian di chuyển, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Hạ tầng giao thông phát triển còn giúp tạo lập không gian sống văn minh tại nhiều khu vực của thành phố, góp phần tạo ra các chùm đô thị, các đô thị vệ tinh…
Để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Góp phần đáng kể thay đổi diện mạo Thủ đô
Chừng 20 năm về trước, Hà Nội chỉ có 3 cây cầu lớn là Long Biên (dùng chung cho đường bộ, đường sắt), Thăng Long và Chương Dương; tất cả đều xuống cấp sau nhiều năm oằn mình “cõng” lượng phương tiện vượt quá tải trọng thiết kế. Mỗi lần muốn lên sân bay Nội Bài, hầu hết phương tiện đi theo đường Phạm Văn Đồng chật hẹp rồi qua cầu Thăng Long, theo đường Bắc Thăng Long – Nội Bài. Thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến sân bay phải mất 1,5 – 2 giờ, thậm chí lâu hơn nếu đường ùn tắc. Bây giờ, lên sân bay Nội Bài, đường rộng và thoáng, thời gian di chuyển dưới 1 giờ lái xe.
Có được điều đó là nhờ trong khoảng 20 năm qua, hàng loạt cây cầu mới được xây dựng nối thông hai bờ sông Hồng, sông Đuống, như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù. Trong trục kết nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nổi bật đường Võ Nguyên Giáp rộng, đẹp và cây cầu Nhật Tân với thiết kế cách điệu dáng hình 5 cửa ô, biểu tượng của một thành phố luôn rộng mở vòng tay nồng ấm đón chào du khách trong nước và quốc tế.
Nói đến những dấu ấn quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô, không thể bỏ qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui nhằm giải “bài toán” ùn tắc giao thông.
Đầu tư cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép ban đầu dường như chỉ là giải pháp tình thế nhờ ưu điểm là giá thành rẻ, thời gian thi công nhanh, góp phần giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm. Năm 2012, hai cầu vượt nhẹ đầu tiên được xây dựng là Tây Sơn – Chùa Bộc, Láng Hạ – Thái Hà – Huỳnh Thúc Kháng, hoàn thành chỉ sau khoảng 100 ngày đêm thi công. Từ hiệu quả thực tế của hai cây cầu vượt nhẹ này, thành phố đã đầu tư xây dựng 10 cây cầu vượt khác.
Cùng với cầu vượt nhẹ, các dự án hầm chui trên địa bàn Hà Nội cũng là minh chứng cho nỗ lực của thành phố. Hầm chui Kim Liên – Xã Đàn trên đường Vành đai 1 là hầm chui đầu tiên của Hà Nội, được khởi công từ năm 2006, đi vào hoạt động năm 2009. Đến nay, thành phố đã có thêm 3 hầm chui tại các “nút thắt”, điểm giao cắt trọng yếu trong “bản đồ” giao thông Thủ đô, như hầm chui Vành đai 3 – Đại lộ Thăng Long, hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi, hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3. Dự án hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng đang được chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Anh Nguyễn Thành Trung (phường Kim Liên, quận Đống Đa) cho rằng, những dự án giao thông được đầu tư xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn. Nhiều điểm ùn tắc là nỗi ám ảnh một thời, như nút giao Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Liễu Giai, Đào Tấn…, nay đã được khắc phục đáng kể.
Lựa chọn danh mục, phân kỳ đầu tư
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, quá trình thi công các công trình trọng điểm gặp rất nhiều khó khăn. Có những dự án phải thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông. Cùng với đó là các yếu tố khách quan khác như sự ách tắc trong giải phóng mặt bằng, tác động của dịch Covid-19… khiến cho dự án có những thời điểm phải tạm dừng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, có giải pháp thi công khoa học nên các dự án đã “về đích”, phát huy hiệu quả cao ngay khi mới được đưa vào khai thác.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng. Đây cũng là tiền đề để phát triển đô thị và đánh giá điều kiện sống của cư dân đô thị hiện đại.
Trong các giai đoạn vừa qua, đặc biệt là kể từ khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008 đến nay), quy mô, vị thế và điều kiện mới đã mở ra triển vọng to lớn để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến nay, Hà Nội đã có 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (gồm 111,32km trên địa bàn) và 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm đã và đang được đầu tư, hình thành và đưa vào khai thác; 7/7 tuyến đường vành đai đang dần được hình thành và khép kín. Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng theo quy hoạch, đến nay đã có 9/18 cầu hoàn thành (Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà, Long Biên); 6/18 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công (Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Vân Phúc, Trần Hưng Đạo).
Với sông Đuống, đã có 4/8 cầu lớn hoàn thành (Cầu Đuống, Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Đông Trù) và Cầu Đuống mới đã được đầu tư thi công.
Dù đã rất nỗ lực, song lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 10,35% (theo yêu cầu quy hoạch phải đạt từ 20 – 26%); diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1% (theo yêu cầu phải đạt 3 – 4%); mạng lưới các tuyến đường thuộc hệ thống hạ tầng giao thông khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch; hệ thống cầu vượt sông vẫn còn thiếu… Vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá.
Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch giao thông vận tải và triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng theo quy hoạch; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông khung, hoàn thiện các dự án đường vành đai, đặc biệt là Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, hệ thống đường liên kết nội vùng, liên vùng, xây dựng thêm hàng loạt cầu mới…
“Trong quá trình thực hiện, Hà Nội sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung đầu tư, hoàn thành theo từng giai đoạn, trong đó xác định rõ hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ và phân kỳ thời gian thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi” – ông Nguyễn Phi Thường cho biết.