Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Tháng bảy 16, 2024

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của UBND thành phố Hà Nội trong năm 2024.

Điều này góp phần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sức bật mới với khí thế, quyết tâm cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô thời gian tới.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô
Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: Đỗ Tâm

Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, thời gian qua, thành phố tập trung hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng nền quản trị hiện đại, hoàn thiện các chính sách phát triển Thủ đô.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã hoàn thành 3 nội dung công việc quan trọng: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

Thành phố đã chủ động xây dựng, ban hành Chương trình công tác năm 2024, gồm 303 báo cáo chuyên đề, đề án, tờ trình, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đến ngày 15-6-2024, thành phố hoàn thành 144/172 nhiệm vụ, số nhiệm vụ còn lại thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. Thành phố cũng thường xuyên trao đổi, lấy ý kiến và đề xuất các vấn đề lớn liên quan đến các tầng lớp nhân dân (các khoản thu, mức thu các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục; mức chi hỗ trợ hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao…) xin ý kiến Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các đoàn thể để thống nhất về chủ trương.

Bên cạnh đó, theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, UBND thành phố đã nhận được 288 văn bản của HĐND thành phố, kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó có 44 nghị quyết về cơ chế, chính sách – căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm. UBND thành phố đã trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc quy định mức phân bổ kinh phí cho công tác này vào kỳ họp thứ mười lăm (kỳ họp chuyên đề) tháng 3-2024. Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

Trọng tâm là hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô
Hà Nội đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong ảnh: Thi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Ba La – Xuân Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Trong thời gian còn lại của năm 2024, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố là chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024; phối hợp các bộ, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để luật sớm đi vào cuộc sống. Thành phố cũng ban hành quyết định hoặc trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định phân cấp được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cấp xã theo quy định trong quý IV-2024.

Để bảo đảm hiệu quả xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản thi hành Luật Thủ đô năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố yêu cầu việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đầy đủ các tài liệu theo quy định và chất lượng của từng tài liệu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố luôn gắn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với công tác theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý những nội dung được dư luận quan tâm, bức xúc trong tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Thành phố cũng chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Hà Nội đặc biệt tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án, dự thảo được giao; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn: Không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định văn bản

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì thẩm định là khâu quan trọng nhất, nhằm bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất. Hầu hết các dự thảo nghị quyết, quyết định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành đều lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp. Với vai trò là cơ quan “gác cổng”, Sở Tư pháp xác định công tác thẩm định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đặc biệt, Sở Tư pháp không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định, chú trọng đi vào chiều sâu và không thực hiện thẩm định đối với những dự thảo không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Để làm tốt hơn nữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Sở thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác soạn thảo, đội ngũ pháp chế. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn tài chính hợp pháp khác nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh: Phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội

Thời gian qua, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội và HĐND thành phố; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương đã cố gắng, đầu tư thời gian, nguồn lực hơn cho công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả.

Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất… Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa đường lối của Đảng, chủ trương của Thành ủy, cụ thể hóa các quy định, đưa luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục

Việc UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết, đề án trong thời gian qua được đánh giá là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Thành ủy, bảo đảm các quy định đúng thẩm quyền và đủ căn cứ pháp lý; hồ sơ bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, đề án, UBND thành phố đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định; nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố và ý kiến góp ý các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết, công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý những nội dung phát sinh vướng mắc cũng được UBND thành phố tổng hợp, báo cáo HĐND thành phố để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại Thủ đô.

Mai Hữu ghi

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com

Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.