Để ‘đại bàng’ đến Việt Nam làm tổ

Tháng bảy 12, 2024

Để ‘đại bàng’ đến Việt Nam làm tổ

Tuy nhiên, các nước trên thế giới đang cạnh tranh thu hút đầu tư ráo riết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Có thông tin rất đáng quan tâm và suy ngẫm là theo báo cáo về dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, Bộ KH-ĐT thống kê, trong thời gian qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng cuối cùng các “đại bàng” đã không làm tổ và chuyển sang quốc gia khác.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được biết “đại bàng” LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất nhưng sau đó chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỉ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia…

Để 'đại bàng' đến Việt Nam làm tổ- Ảnh 1.

Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng Boeing tại Công ty TNHH MHI Aerospace Vietnam, KCN Thăng Long, Hà Nội

PH

Để ứng phó, theo dự thảo mới nhất của Bộ KH-ĐT, Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ có nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác. Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Bất cập về hỗ trợ chi phí sản xuất

Dự thảo của Bộ KH-ĐT dự kiến hỗ trợ chi phí, bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Trong số này thì hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao là loại trợ cấp không được WTO chấp nhận.

Nếu là sản phẩm xuất khẩu thì các nước có thể áp thuế chống trợ cấp. Còn chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội (cần làm rõ đấy là chi phí gì: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông hay nhà ở trong khu công nghiệp) nhưng nó không phải là trợ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp, không trừ vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp nên có thể chấp nhận được. Chúng ta cần đối chiếu với các điều khoản cụ thể của Hiệp định WTO mà Việt Nam đã ký để đưa ra các giải pháp thiết thực.

Có một vấn đề cần thảo luận: Có ý kiến cho rằng, quỹ không phải là hình thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Nên xem xét điều này. Thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam phải tham gia nhưng về thời gian thì sẽ có hiệu lực sau khi Quốc hội, Chính phủ đã ban hành luật và nghị định cho phép ưu đãi đầu tư và có quyết định cấp ưu đãi đầu tư. Vì vậy, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu mới áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo hiệu lực pháp luật Việt Nam. Việc xóa bỏ ưu đãi thuế dưới 15% trên danh nghĩa là ngay từ 1.1.2024, nhưng theo nguyên tắc pháp luật về không hồi tố thì cần giảm nhẹ tác động tiêu cực trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động, nghĩa là cần có thời gian chuyển đổi ít nhất là 3 – 5 năm.

Lưu ý là WTO General Agreement cấm các subsidies nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cụ thể sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu, hay xuất khẩu. Nói chung là được nếu hỗ trợ về xây dựng hạ tầng cơ sở (từ đường, điện nước, sân bay, bến tàu hay nghiên cứu…), hỗ trợ chung mang tính phát triển vùng hay vùng đặc quyền kinh tế, hoặc phát triển nói chung thay vì tập trung vào công nghiệp nào đó (https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/24-scm.pdf).

Bài học cũ vẫn chưa thuộc

Việt Nam đã có bài học đắt giá về câu chuyện khoản tài trợ 2,5 tỉ USD phải trả lại do hết hạn tài trợ. Tiền tài trợ hết sức quý giá do lãi suất thấp, là một ưu ái dành cho nước nghèo. Chẳng bao lâu, Việt Nam không còn được xem là nghèo nữa thì sẽ hết được tài trợ. Vậy mà người ta không biết khai thác tiền tài trợ, “cầm vàng lại để vàng rơi”.

Câu chuyện tương tự bắt đầu từ thập niên 1990. Trong khi Việt Nam đang chắt chiu từng triệu USD cho công cuộc phát triển thì lại để tiền tài trợ hàng chục triệu USD ký kết rồi không dùng được, phải trả lại cho nhà tài trợ chuyển qua nước khác. Nguyên nhân thì có nhiều: cơ chế, chính sách, quy định, con người – mà các cơ quan hữu trách vẫn chưa có phân tích thấu đáo để cải thiện, rút kinh nghiệm.

Thời đại ngày nay

Trong thời đại ngày nay, việc hợp tác để phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở win-win, hai bên đều thắng. Bộ KH-ĐT cần rà soát bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam tương thích, cập nhật với bối cảnh mới. Hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nên tìm hiểu kỹ và thông thạo thông lệ quốc tế để phục vụ quá trình đàm phán với đầu tư nước ngoài.

Để 'đại bàng' đến Việt Nam làm tổ- Ảnh 2.

Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút “đại bàng”

ND

Nhìn chung, doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các quy định về đầu tư cần phải rõ ràng, minh bạch, theo thông lệ quốc tế. Điều này cũng dễ hiểu vì tiền họ bỏ ra đầu tư thì phải đem lợi nhuận càng nhiều càng tốt, đồng thời giảm thiểu các rủi ro, đặc biệt họ ngại rủi ro về pháp lý và thiếu ổn định về chính trị.

Bộ KH-ĐT chỉ ra rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới trong khi chính bộ này có trách nhiệm tham mưu soạn chính sách mới trình Chính phủ ban hành. Đáng tiếc là dự thảo của Bộ KH-ĐT không thấy đả động gì về chính sách.

Cũng cần đề nghị các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài tích cực, chủ động phát huy vai trò của mình trong việc nắm bắt xu hướng, nguyện vọng của các nhà đầu tư tiềm năng. Tham tán thương mại nhiều nước hoạt động như là tình báo kinh tế, chứ không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu. Cần tìm hiểu xem các nhà đầu tư muốn gì nơi Việt Nam, so sánh với điều kiện ưu đãi của các nước khác để phân tích, kiến nghị giải pháp và thông tin kịp thời cho Nhà nước sớm điều chỉnh chính sách, quy định.

Đầu tư nước ngoài, nhất là của các tập đoàn lớn được ví như đại bàng vào Việt Nam càng có ý nghĩa vì giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng thuế thu nhập cho Nhà nước, đồng thời qua tiếp nhận đầu tư và hợp tác, ta có thể học hỏi được cái hay, cái tốt của họ, nhất là về phương pháp quản trị và khoa học công nghệ.

Trong cuốn sách “Chiếc Lexus và cây Olive” có câu chuyện đàn thú điện tử dát vàng bỏ chạy. Hy vọng đàn thú dát vàng ấy bỏ đi nhanh thì cũng trở về nhanh khi việc sửa lỗi được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Vì thế, Bộ KH-ĐT cần cho biết rõ hỗ trợ tiền mặt cụ thể là gì, nhất là chi phí sản xuất vì không có quốc gia nào làm chuyện này. Các nước có thể giảm tỷ lệ thuế về hàng đầu vào nhập từ nước ngoài, giảm thuế suất, cho thuê đất giá rẻ hơn với điều kiện sản xuất theo đúng hợp đồng cho phép. Mấu chốt là phải làm nên các chính sách phù hợp, kịp thời nắm bắt các cơ hội để đưa các đại bàng đến làm tổ ở một đất nước đang muốn hoá thành rồng.


Bạn đang đọc Để ‘đại bàng’ đến Việt Nam làm tổ tại website hungday.com

Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.