Để tro xỉ từ phế thải thành tài nguyên

Tháng sáu 25, 2024

Để tro xỉ từ phế thải thành tài nguyên

Tuy nhiên, có một nghịch lý là hàng triệu tấn tro xỉ đạt chuẩn san lấp vẫn đang phải chôn vùi, trong khi nguồn cát ngày càng khan hiếm.

Câu chuyện 3,8 triệu tấn tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy làm vật liệu san lấp hằng năm vẫn bị ngó lơ đặt ra không ít băn khoăn. Bởi lẽ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo việc xử lý, sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Có thể kể như Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ hay Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 26.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện là nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng…

Cơ chế, chính sách đã có nhưng trên thực tế, những nỗ lực đưa tro xỉ vào san lấp lại chưa thực sự hiệu quả. Điển hình là cuối năm 2021, Công ty Thuận Hòa TV (Trà Vinh) trúng đấu giá 1 triệu tấn tro xỉ, trị giá khoảng 17 tỉ đồng tại bãi xỉ của Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, nhưng đến nay, sau gần 3 năm, Công ty này mới chỉ tiêu thụ được 20.000 tấn tro xỉ, đành ngậm ngùi chấp nhận “chôn tiền” ở bãi xỉ. Những khó khăn Công ty Thuận Hòa TV gặp phải đã phơi bày thực tế là tiềm năng có thật nhưng con đường đưa tro xỉ vào thực tiễn còn đầy chông gai. Chính những vướng mắc về thủ tục pháp lý, sự thiếu đồng bộ trong quy định, chính sách và thực tiễn đã khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.

Cũng từ câu chuyện này cho thấy, để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy tiêu thụ tro xỉ, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Không thể ép hay nài nỉ chủ đầu tư sử dụng tro xỉ nếu nó không mang lại lợi ích kinh tế cho họ. Thay vào đó, cần chứng minh, khẳng định hiệu quả của tro xỉ; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý, đơn giản hóa quy định, thủ tục. Đi cùng với việc kích cầu tiêu dùng tro xỉ là những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí; chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, áp dụng công nghệ, giảm chi phí vận chuyển, xử lý tro xỉ… Kế đến, cần xác định tro xỉ là vật liệu có tính chất địa phương, địa bàn, xây dựng định mức giá thành phù hợp để tăng sức cạnh tranh. Ở đó, địa phương nơi có nguồn tro xỉ dồi dào cần là nơi đi đầu trong việc đưa tro xỉ vào các công trình, dự án hạ tầng công cộng phù hợp với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhất định.

Tất nhiên, để thay đổi nhận thức, quan niệm của cộng đồng về tro xỉ (từ phế thải thành tài nguyên) thì việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tro xỉ, quy trình sử dụng và giám sát môi trường là vô cùng quan trọng. Đó cũng là yêu cầu cần thiết để đảm bảo rằng việc sử dụng tro xỉ không chỉ là giải pháp tình thế mà là hướng đi bền vững, đúng xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải, tái sử dụng tài nguyên mà chúng ta đang theo đuổi.


Bạn đang đọc Để tro xỉ từ phế thải thành tài nguyên tại website hungday.com