Đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH
Đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH
(Xây dựng) – Chiều 28/5, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối hơn 50 doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH trên cả nước.
Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương – Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực PCCC&CNCH có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, một trong các chức năng quan trọng của Hiệp hội là hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về chính sách phát luật, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện thiết bị PCCC và CNCH tại Việt Nam nói chung.
Trong quá trình trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước để đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng như các nghị định, thông tư liên quan, Hiệp hội đã tổ chức hội thảo để tiến hành tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên về các khó khăn vướng mắc cũng như các kiến nghị để đề xuất Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương – Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết: Từ khi đi vào hoạt động chính thức tháng 12/2022, Hiệp hội đã tập hợp ý kiến, nắm bắt những khó khăn, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó, gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong hoạt động, sản xuất.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội năm 2024, Hội thảo lần này là sự tiếp nối của 03 Hội thảo – Tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới ban hành đã tổ chức rất thành công tại Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023.
Doanh nghiệp hội viên chia sẻ về những khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất, kinh doanh. |
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp hội viên đã trình bày về các khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất kinh doanh và các đề xuất, kiến nghị để các Ban chuyên môn Hiệp hội cùng trao đổi, giải đáp, thảo luận, liên quan đến chính sách thuế; các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất – nhập khẩu, tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu; các vấn đề liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn; kiểm định… đối với thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
Trình bày tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH PCCC Tomoken Việt Nam cho biết: Thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện để sản xuất thiết bị PCCC là khá cao, trong khi thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm thiết bị PCCC là 0%. Do đó, giá thành thiết bị PCCC được sản xuất trong nước bị đẩy lên cao hơn, khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm duyệt, kiểm định sản phẩm. Đại diện Công ty TNHH S-TEC VINA chia sẻ: Quá trình thẩm duyệt, kiểm định sản phẩm phương tiện, thiết bị PCCC&CHCN còn tốn nhiều thời gian; quy chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị còn hạn chế, chưa đầy đủ và chi tiết.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho biết: Những ý kiến, đề xuất được nêu ra trong Hội thảo là cơ sở, căn cứ để Hiệp hội tổng hợp và có báo cáo đề xuất lên cơ quan quản lý nhằm có giải pháp tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com