Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?

Tháng chín 24, 2024

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?

(Xây dựng) – Đã hơn 3 năm kể từ khi Đèo An Khê thuộc tuyến Quốc lộ 19 nối tỉnh Bình Định và Gia Lai được triển khai thi công mở rộng, những tưởng người dân sẽ an tâm hơn khi đoạn đèo này được triển khai nâng cấp, giảm thiểu được tình trạng tai nạn giao thông. Vậy nhưng, đã nhiều năm trôi qua, đây vẫn là “đoạn đường đau khổ” đối với người tham gia giao thông khi qua khu vực này.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Đèo An Khê có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, nên đây cũng là điểm thường hay xảy ra tắc đường cục bộ.

Một tháng vài lần, anh Võ Xuân Quang ngụ tại Đà Nẵng lái xe chở những chuyến hàng từ Đà Nẵng đi Gia Lai. Mặc dù khá quen thuộc với cung đường đèo An Khê này, thế nhưng mỗi lần qua đây là mỗi lần anh Võ Xuân Quang không khỏi lo lắng, bất an. Anh Võ Xuân Quang kể: “Đèo An Khê từng là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Bởi cung đường nhỏ hẹp, nhiều khúc cua cùi chỏ, độ dốc lớn, đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại khu vực đèo. Khi biết được đoạn đường này mở rộng thì cánh lái xe chúng tôi mừng lắm vì nỗi lo không đảm bảo an toàn giao thông đã được vơi đi. Nhưng đã 3 năm trôi qua, con đường này vẫn chưa hoàn thành, khiến cánh lái xe chúng tôi khổ càng thêm khổ.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Đường nhiều ổ gà cùng với đá văng khiến xe của tài xế Võ Xuân Quang bị nổ lốp.

Đoạn đường này ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt đã khiến nhiều vụ tai nạn xảy ra kể từ khi tuyến đường được thi công. Suốt thời gian dài thi công cũng là thời gian người dân phải sống trong cảnh “khóc dở, mếu dở””.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Anh Võ Xuân Quang cho biết sẽ ngừng lưu thông qua tuyến đường này cho đến khi dự án hoàn thành.

“Mới đây nhất, khi đang chở hàng từ Đà Nẵng đi Gia Lai lưu thông qua đèo, xe tôi đã gặp sự cố khi đá từ công trình văng ra đường, lúc xe lưu thông đã đâm phải và gây nổ lốp. Rất may sự việc không gây thiệt hại về người nhưng bản thân tôi và những xe khác phải mất nhiều thời gian để xử lý”, anh Võ Xuân Quang chia sẻ thêm.

Vì có ba mẹ già ở Phù Cát nên chị Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) thỉnh thoảng lại về thăm. Quãng đường hơn 200km chị không nề hà, thế nhưng điều chị e ngại nhất là phải qua đèo An Khê. Thi công dang dở, ngày nắng thì bụi bay mù mịt, ngày mưa thì lầy lội khiến chị gặp khó khăn trong việc lưu thông, di chuyển.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Đất, đá vương vãi trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

“Hy vọng con đường sẽ sớm hoàn thành để người đi đường đỡ vất vả. Chứ cả đời tích góp mua được chiếc xe, vậy mà cứ đi qua đây lại xót hết cả ruột. Đấy là tôi, chứ nhiều người vì công việc mà phải thường xuyên qua lại tuyến đường này thì hao mòn đến cỡ nào?”, chị Nguyễn Thị Hà tâm sự.

Không riêng anh Võ Xuân Quang, chị Nguyễn Thị Hà, mà rất nhiều người khi tham gia giao thông trên tuyến đường đều mong con đường sớm hoàn thành để giao thông được thuận lợi, thông suốt, nhất là khi mùa mưa của miền Trung đang đến rất gần.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Người dân gọi đây là “con đường đau khổ”.

Trao đổi với phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, ông Lê Minh Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, khu vực đèo An Khê tương đối ổn định, đường đi đã êm hơn. Hiện tại chỉ còn 1-2 điểm nổ mìn nhỏ bị cắt đường. Chúng tôi đã cho rải cấp phối và cố gắng trong khoảng 10 ngày tới sẽ thu hẹp khoảng cách thảm nhựa. Vì hiện tại việc thảm nhựa đang phụ thuộc vào thời tiết, nắng lên mới thảm được”.

Theo ông Lê Minh Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị thi công là vừa làm, vừa đảm bảo an toàn giao thông nên đơn vị cũng không thể huy động máy móc ra hết đường vì sẽ gây tắc đường. “Chúng tôi cố gắng làm từng ít một, đặc biệt là công tác phá đá, nổ mìn. Chúng tôi chỉ dám nổ một lượng rất nhỏ, sau đó dùng máy để cạy đá ra chứ không thể nổ to rồi xúc đi được nên gây khó khăn nhiều trong quá trình đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo giao thông”, ông Lê Minh Nam cho hay.

“Hiện tại chúng tôi đang tích cực triển khai thi công, cố gắng đến ngày 10/10 sẽ thông được toàn tuyến trên đèo và thảm nhựa lớp đầu tiên. Từ tháng 10 trở đi sẽ hoàn thiện các hệ thống biển báo an toàn giao thông”, ông Lê Minh Nam khẳng định.

Đến bao giờ, người dân không còn bất an khi lưu thông qua đèo An Khê?
Ông Lê Minh Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án nâng cấp Quốc lộ 19 cho biết, đến ngày 10/10 sẽ thông được toàn tuyến trên đèo An Khê và thảm nhựa lớp đầu tiên.

Ngày 22/5/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 982/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư Dự án nâng cấp Quốc lộ 19. Gói thầu mở rộng đoạn đèo An Khê là một trong 8 gói thầu thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 19, dài hơn 143km, tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó riêng đoạn đèo An Khê dài 17km, trị giá 600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, mặt đường đèo sẽ được mở rộng thành từ 7-9m, đồng thời đầu tư các kè chống sạt lở, hệ thống cống thoát nước, đường mới tại các đoạn nguy hiểm lên, xuống đèo phía Bình Định và Gia Lai để đảm bảo an toàn giao thông…

Dự án được khởi công từ tháng 6/2021 và theo kế hoạch sẽ xong toàn tuyến vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công đã gặp một số khó khăn do chậm vốn, cùng dịch bệnh, thời tiết và kỹ thuật phức tạp nên chủ đầu tư đã xin gia hạn đến tháng 12/2024 thay vì giữa năm 2023 như kế hoạch.