Đến bao giờ phim Việt mới thôi ỷ lại “chuyện tiểu tam”?

Tháng mười một 14, 2024

Dạo một vòng thì hóa ra cái mô típ rất gây ức chế này không chỉ được khai thác trong phim tình cảm gia đình ở Việt Nam, mà ở Trung, Hàn, Mỹ, Ấn cũng tương đối phổ biến. 

Lần đầu chúng mình nhắc đến chủ đề này cũng phải cách đây gần 3 năm rồi, khi thảo luận về phim “11 tháng 5 ngày”. Hình như đấy cũng là phim VTV cuối cùng mà VA xem, còn mình thì vẫn giữ 1 niềm tin rằng “người Việt nên ủng hộ phim Việt”, nên ròng rã xem tiếp “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Chúng ta của 8 năm sau”, “Gặp nhau ngày nắng”, “Mình yêu nhau, bình yên thôi”, “Đi giữa trời rực rỡ”. Thì đấy, 4/5 phim đều phải có tiểu tam mới chịu. Mà sau bao nhiêu phim, cái cách khai thác vẫn cứ hời hợt na ná nhau thế chứ. 

1. Rập khuôn quá

Có thiếu gì cách để nhân vật chuyển mình rồi phát triển. 

Làm rõ hơn thì mình không ghét nếu phim có nhắc đến ngoại tình, nhưng sẽ thật thiếu sáng tạo nếu cứ lấy đấy làm cốt truyện trung tâm và rồi lại để nhân vật đi theo lối mòn. Thay vì khắc họa chiều sâu tâm lý, phim rất thích tối giản hóa các nhân vật. Người vợ thì được mô tả là thuần là nạn nhân của sự phản bội, còn người tình thì thuần là kẻ hủy diệt gia đình. Không đủ sức khai thác những khía cạnh phức tạp của cảm xúc, động lực và bối cảnh dẫn đến sự phản bội, các nhà làm phim chọn cách nhấn mạnh vào sự đối lập tuyệt đối, biến nhân vật thành biểu tượng một chiều.

2. Duy trì định kiến lên phái nữ và sâu sắc thêm các mâu thuẫn ngầm nữ-nữ

Việc nhị nguyên hóa câu chuyện ngoại tình theo kiểu tốt – xấu khiến nó trông thật nông cạn. Thay vì khai thác vấn đề sâu xa trong hôn nhân dẫn đến ngoại tình như sự thiếu giao tiếp, thiếu tôn trọng, thiếu đồng điệu về mặt cảm xúc và tình dục từ cả hai phía, và nhấn mạnh trách nhiệm giải quyết vấn đề phải là của cả hai phía; phim thường tập trung vào việc đổ lỗi và gây xung đột giữa hai phụ nữ. Góp phần thúc đẩy kỳ vọng rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho sự thành bại của cuộc hôn nhân, nhiệm vụ của người phụ nữ là bảo vệ gia đình và người chồng khỏi “cám dỗ” từ phụ nữ khác.

Người chồng thường được mô tả là kẻ phản bội, không kiểm soát được cảm xúc hoặc hành vi, là nguyên nhân gây ra xung đột hoặc là đối tượng bị giằng xé giữa người vợ và người tình. Các anh thường không được phát triển như một nhân vật có cảm xúc, đấu tranh nội tâm, hoặc có động lực riêng mà chỉ đơn thuần là yếu tố tạo ra mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ. Làm giảm tính phức tạp của nhân vật nam và khiến họ thiếu chiều sâu và khó đồng cảm.

Phim không cho người đàn ông trở thành người biết vun vén hạnh phúc. Đàn ông thường bị mô tả là người không ưu tiên các giá trị gia đình hoặc cảm xúc của người khác. Củng cố định kiến rằng đàn ông không giỏi về mặt tình cảm, thường trốn tránh trách nhiệm và không biết cách xử lý mâu thuẫn tình cảm khi xảy ra. Thiếu khích lệ rằng họ cũng là 1 nửa nhân tố quyết định thành bại trong hôn nhân.

Điều này có thể gây ra sự căng thẳng, mất lòng tin và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa hai giới. Và chuyện có thật của chúng mình là trong năm đầu yêu nhau, mình rất thường xuyên nói với người yêu: “Anh chả thương em” (trend mà), cho đến 1 ngày thì ảnh cáu lên bất lực đại khái là “Thực sự anh rất yêu em, sao em cứ phủ nhận tình cảm của anh như thế, anh cũng không biết phải làm thế nào hơn nữa để em yên tâm…” Lúc đấy mình cũng mới biết là “À hóa ra đàn ông họ cũng là con người, họ cũng muốn được công nhận với những nỗ lực tình cảm họ bỏ ra”. Với mình thì đó chỉ là những câu đùa hờn dỗi, nhưng với người yêu mình thì đó có thể là sự phủ nhận phũ phàng.

Kiểu khai thác tập trung vào sự đối đầu giữa các bên (vợ-chồng, vợ-tiểu tam) có thể khiến người xem nghĩ rằng xung đột và đấu tranh là cách duy nhất để đối diện với tình huống kiểu này, nghĩ rằng cứ phải nói được những câu thật ngầu, thật đau, đâm thẳng vào tâm can đối phương thì mới là tốt. 

Chúng ta cứ đặt nhau ở 2 phía đối lập với mâu thuẫn đứng ở giữa (tôi > mâu thuẫn < bạn) chỉ là vì chưa từng nhìn thấy ai cùng nhau đứng ở 1 phía và chống lại “mâu thuẫn” cả (tôi & bạn >< mâu thuẫn).

2. Bình thường hóa mâu thuẫn là thuộc về hai người phụ nữ, thay vì thuộc về người trong cuộc (vợ-chồng)

Cảm xúc bề nổi như tức giận, tổn thương, và ghen tuông thường là những phản ứng tự nhiên khi phát hiện ra sự phản bội. Nhưng thay vì đối diện và thấu hiểu cảm xúc sâu bên trong, người ta có xu hướng hành động ngay lập tức theo những cảm xúc mạnh mẽ nhất, dẫn đến các phản ứng thái quá như đánh ghen hoặc trút giận lên người khác, đặc biệt là lên thứ ba.

Ngoài ra, trong các xã hội coi trọng giá trị về danh dự gia đình và tự trọng cá nhân, người phụ nữ sẽ ưu tiên bảo vệ vị thế của mình trước xã hội. Khi bị phản bội, họ có xu hướng giải quyết tình huống qua các hành động thể hiện sức mạnh hoặc sự đối đầu với người thứ ba để khẳng định quyền kiểm soát và danh dự của mình. Đôi khi, họ có áp lực phải giành lại chồng hoặc chứng minh vị thế của mình. Thay vì thảo luận với chồng hoặc đánh giá lại chính mối quan hệ của mình, phụ nữ dễ bị cuốn vào việc phải chiến thắng trong cuộc xung đột.

Mình nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ phim ảnh là 1 “thủ phạm” tiếp tay cho những định kiến này, nhưng nó cũng là “nạn nhân” vì được sinh ra để đáp ứng thị hiếu drama của khán giả. Và mình tin rằng nghĩ những phân tích này có thể giúp chúng mình nhận thức rõ ràng hơn về những khuôn mẫu độc hại chúng mình đang vô tình tiếp nhận từ phim rồi mang áp dụng trong cuộc sống lúc nào không hay.