Điểm sáng trong Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2050
Điểm sáng trong Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2050
(Xây dựng) – Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào ngày 26/9. Hội nghị chính là cơ sở để Bình Dương bứt phá phát triển trong giai đoạn mới, giúp tỉnh khai thác hết lợi thế địa lý, phát triển bền vững với định hướng trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiêu biểu của khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế. |
Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại.
Ngoài ra, Bình Dương đẩy nhanh việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại, bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế
Với 5 chiến lược tích hợp được công bố trong “Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2050”, Bình Dương có nền tảng vượt qua thách thức, đạt mục tiêu phát triển cao và bền vững, trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng; là trung tâm động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất cả nước. Theo đó, 5 chiến lược mang tính kế thừa, phát huy, tạo sự đột phá chính là: liên kết hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh; phát triển các không gian động lực.
Vị trí Bình Dương trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh. |
Bình Dương đặt ra mục tiêu thời kỳ 2021 – 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88- 90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Dân số toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%.
Việc Bình Dương hoàn thành quy hoạch tỉnh và tổ chức công bố là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh với tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển lâu dài. Đây là sản phẩm trí tuệ của tập thể lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của mô hình phát triển giai đoạn trước. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những khâu đột phá mới. Bình Dương sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch công bố lần này mở ra một chặng đường phát triển mới. Chặng đường này có nhiều thách thức và toàn tỉnh phấn đấu phải vượt qua.
Theo ông Dũng, quan điểm phát triển của Bình Dương hiện nay là đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới.
Công nghiệp là động lực, hạ tầng giao thông là lợi thế
Tính đến cuối tháng 8 năm 2024, Bình Dương có hơn 4.300 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 41,8 tỷ USD, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích đất 6.573ha, nâng tổng số khu công nghiệp lên thành 42 với tổng diện tích khoảng 18.600ha – 21.000ha.
Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa. Đẩy mạnh hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng.
Đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng là một trong những điểm sáng nổi trội góp phần tạo nên thành công của Bình Dương trong việc phát triển công nghiệp những năm qua. Trong ngày công bố quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát vị trí công trình xây dựng dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển cho các địa phương, đồng thời mở ra không gian phát triển đô thị, công nghiệp kết nối vùng Đông Nam Bộ, kết nối với cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đường Vành đai 4…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các địa phương khảo sát dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. |
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng vừa công bố hoàn thành tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng sau 3 năm triển khai thi công. Dự án là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển; đáp ứng nhu cầu giao thương, tạo động lực và không gian phát triển mới; kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ ở các huyện phía Bắc với các thành phố phía Nam của tỉnh Bình Dương; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua các trục giao thông chính như: Quốc lộ 13, ĐT.741 nối Quốc lộ 14…
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức khánh thành tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng. |
Trong thời gian sắp tới, Bình Dương sẽ đẩy mạnh xây dựng các hành lang kinh tế, công nghiệp, đô thị gắn với hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Với định hướng phát triển rõ ràng và tầm nhìn dài hạn, Bình Dương đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới.
Quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhân tài, các nhà đầu tư và chuyên gia hàng đầu. Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành một biểu tượng của sự phát triển bền vững, thông minh và hiện đại.