Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024: Hợp tác vì giải pháp nhà ở bền vững
Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024: Hợp tác vì giải pháp nhà ở bền vững
(Xây dựng) – Ngày 13/6, tại Hà Nội, Việt Nam Habitat for Humanity International tại Vietnam (Habitat Vietnam) cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã tổ chức Diễn đàn Nhà ở – Việt Nam 2024.
Diễn đàn Nhà ở – Việt Nam 2024. |
Hàng triệu hộ gia đình đã được cải thiện nhà ở
Sự kiện này nhằm tạo dựng một nền tảng để các bên quan tâm thảo luận tìm kiếm giải pháp cho những thách thức về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 cũng như những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Diễn đàn nhà ở có sự tham dự của đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, cơ sở đào tạo, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hợp tác phát triển các nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước và cá nhân quan tâm để cùng nhau tìm ra các giải pháp nhà ở bền vững và toàn diện.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài nhận định: “Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024 sẽ là một cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực nhà ở. Tôi tin rằng, với sự chung tay của tất cả quý vị, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp hiệu quả và bền vững để mang lại một ngôi nhà an toàn, tiện nghi và bền vững cho mọi người dân Việt Nam”.
Trình bày tham luận tổng quan về chính sách xã hội về nhà ở của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bà Phạm Phương Liên – Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp và sự vươn lên của bản thân các hộ gia đình, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở được ban hành, giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách cải thiện được nhà ở.
Đối với nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn; Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án, quy mô 115.379 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Bên cạnh đó, một bước tiến mới đáng chú ý là Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong giai đoạn thực hiện Luật Nhà ở 2014, từ đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách về nhà ở, gồm: Nhà ở thương mại; nhà ở xã hội trong đó có nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân, hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. |
Để sớm đưa Luật Nhà ở 2023 vào cuộc sống, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các Nghị định, các văn bản hướng dẫn Luật để có cơ sở Chính phủ trình Quốc hội đề nghị Luật Nhà ở (cùng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) có hiệu lực sớm, dự kiến 01/8/2024.
Thời gian tới, bà Phạm Phương Liên cũng cho biết sẽ hoàn thiện việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai, làm cơ sở để các địa phương triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Nhà ở tại Việt Nam vẫn còn gặp khó
Cải thiện nhà ở tại Việt Nam là một trong những vấn đề được quan tâm tại diễn đàn. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Phạm Phương Liên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã bộc lộ một số hạn chế do nhiều nguyên nhân, cần được khắc phục trong thời gian tới nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Ông Trương Duy – Điều phối viên Phát triển Nguồn lực tại tổ chức Habitat for Humanity International tại Việt Nam chia sẻ, con đường để các hộ gia đình dễ bị tổn thương có thể tạo dựng cho mình một nơi ở tươm tất thường có nhiều chông gai và thách thức, bao gồm các hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cộng đồng ở khu vực dễ bị thiên tai, người lao động nhập cư và người khuyết tật, ngoài ra khó khăn không chỉ đến từ chính hộ gia đình mà có thể còn từ các tác nhân bên ngoài. Từ đó, Habitat đã đặt ra 5 cách thức tiếp cận bao gồm: Hỗ trợ tài chính, vật liệu và kỹ thuật, nâng cao năng lực, kết nối và chia sẻ, và huy động nguồn lực.
Tại Diễn đàn Nhà ở – Việt Nam 2024 cũng đã ghi nhận nhiều nội dung, ý kiến thúc đẩy sự tham gia và cam kết từ nhiều bên liên quan, qua đó chia sẻ và quảng bá các công nghệ sáng tạo, thực hành tốt và mô hình tài chính giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhà ở và các ngành liên quan.
Các chuyên gia, đại biểu tham gia diễn đàn cũng đã cùng tham gia chia sẻ, góp ý tại phiên thảo luận “Chúng ta có thể làm gì để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở?”, phiên thảo luận xoay quanh các tác động đa chiều của nhà ở, các giải pháp nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và các kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương. Bên cạnh đó khám phá các phương pháp tiên tiến và thực hành bền vững trong lĩnh vực nhà ở từ tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp; Thảo luận về các mô hình tài chính vi mô hỗ trợ sửa chữa và nâng cấp nhà ở, nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các hộ gia đình có nhu cầu.
Bà Bells Regino-Borja – Giám đốc Quốc gia của Habitat Vietnam đã bày tỏ tính cấp thiết của Diễn đàn: “Cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở, vốn không chỉ là nơi trú ẩn mà còn nơi duy trì sự phát triển của cộng đồng trước những thách thức về môi trường và kinh tế. Diễn đàn này là cột mốc quan trọng cho các giải pháp nhà ở sáng tạo, bền vững và toàn diện”.
Sự kiện quan trọng này được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và tập đoàn Techtronic Industries (TTI). Sự tham gia của hai nhà tài trợ là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết các thách thức về nhà ở tại Việt Nam, song song với nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo các giải pháp nhà ở dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com