Diễn viên Việt cần gì để ra quốc tế?
Diễn viên Việt cần gì để ra quốc tế?
Tín hiệu tích cực cho điện ảnh Việt Nam
Câu chuyện Liên Bỉnh Phát đóng vai chính cùng ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ Trương Quân Ninh trong Hóa ngoại chi y; Hoàng Hà, Duy Khánh tham gia Dreams of you cùng “hoàng tử châu Á” Lee Kwang-soo (trong đó Hoàng Hà vào vai nữ chính); hay Tuệ Minh góp mặt trong Đố anh còng được tôi của Hàn Quốc cho thấy cơ hội để diễn viên Việt góp mặt trong các dự án của nước ngoài ngày càng rộng mở.
Nếu trước đây, hầu như diễn viên Việt Nam chỉ có thể tham gia những vai nhỏ, thuộc tuyến nhân vật phụ trong các phim quốc tế thì giờ đây thời lượng xuất hiện lẫn “đất diễn” của họ ngày càng nhiều hơn. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho hành trình vươn mình ra quốc tế của điện ảnh Việt nói chung.
Trao đổi với chúng tôi, NSƯT Hạnh Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh TP.HCM, cho biết việc ngày càng nhiều diễn viên Việt góp mặt trong các dự án phim nước ngoài giúp chúng ta “có quyền chờ đợi một ngôi sao quốc tế Việt Nam”. Đồng thời, nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm: “Việc quảng bá phim ảnh, con người Việt Nam thông qua những hoạt động liên quan đến điện ảnh là cần thiết. Với các bạn trẻ, các bạn ấy sẽ có nhiều năng lượng để tiếp nhận những cơ hội này hiệu quả”.
Đối với diễn viên, tham gia một tác phẩm phim ảnh nước ngoài là cơ hội lớn cho hành trình làm nghề của họ. Nếu nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn, nghệ sĩ Việt có thể khẳng định được tên tuổi, đồng thời tăng độ nhận diện đối với khán giả quốc tế. Chưa kể hành trình đóng phim còn là cơ hội để họ tiếp xúc với môi trường mới, học hỏi kinh nghiệm diễn xuất, phong cách làm việc chuyên nghiệp từ các ngôi sao của nước bạn. Ngược lại, sự chủ động, chuyên nghiệp trong công việc cũng là cách để họ quảng bá hình ảnh nghệ sĩ Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.
NSND Đào Bá Sơn, từng đảm nhận vai trò giám khảo ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, nhận định việc diễn viên Việt góp mặt trong các dự án nước ngoài là một tín hiệu tích cực cho chính sự nghiệp của họ.
Diễn viên Việt cần chuẩn bị gì để hội nhập quốc tế ?
Góp mặt trong một tác phẩm phim ảnh nước ngoài, diễn viên Việt có nhiều cơ hội lớn cho sự nghiệp của mình, song cũng đối diện không ít thách thức. Ngoài vấn đề năng lực diễn xuất hay tư duy sáng tạo thì sự chuyên nghiệp, chủ động trong nghề cũng là điều cần thiết. Thay vì “chờ thời”, đã đến lúc diễn viên Việt cần quyết liệt hơn trong việc tìm kiếm những dự án quốc tế và cởi bỏ tâm lý e ngại khi đi thử vai. Song để lọt vào “mắt xanh” của các đạo diễn, nhà làm phim nước ngoài, việc trau dồi những kỹ năng trong nghề là điều không thể ngó lơ.
Trước câu hỏi “Các trường có nên đào tạo diễn viên theo chuẩn quốc tế?”, NSƯT Hạnh Thúy cho rằng sự năng động và vốn ngoại ngữ là yếu tố mà nhiều sinh viên chưa có đủ, và đó là rào cản khiến họ ngần ngại khi ra quốc tế. Nữ nghệ sĩ nói thêm: “Về kỹ năng diễn xuất, trường đào tạo khá tốt, chỉ có vấn đề là các bạn có nỗ lực để tận dụng thời gian đó một cách thiết thực, hiệu quả nhằm trang bị hành trang cho mình hay không. Tôi cũng hay khuyến khích các bạn chọn lựa những dự án uy tín để casting, tìm cơ hội để được tham gia. Mong các bạn năng nổ hơn vì với tôi, casting là một công đoạn quan trọng của nghề, có thể giới thiệu mình một cách hiệu quả”.
Đồng quan điểm, NSND Đào Bá Sơn cho rằng diễn viên cần có sự chủ động khi tham gia casting. Ông nói: “Bạn phải chuẩn bị cho bài thi thật tốt, trong thời gian ngắn phải tập trung để sáng tạo và ở nước ngoài họ đánh giá rất cao sự sáng tạo, đặc biệt là ở diễn viên”. Ông Sơn cũng đặt niềm tin vào việc các cơ quan quản lý sẽ có những chính sách hỗ trợ, ủng hộ diễn viên Việt Nam trong hành trình tham gia các dự án quốc tế, bởi đó là cơ hội để học tập, tự rút kinh nghiệm cho chính mình.
Từ kinh nghiệm có được trong quá trình đóng phim Đố anh còng được tôi, Tuệ Minh nhận thấy rằng ngoài việc kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sản xuất nước ngoài còn tuyển chọn thông qua công ty quản lý tại Việt Nam để tìm kiếm những diễn viên hỗ trợ. “Một số dự án tổ chức casting ở diện rộng trên toàn thế giới. Chỉ cần mình gửi email, video, hồ sơ thì họ sẽ trực tiếp liên hệ với mình”, nữ diễn viên chia sẻ kinh nghiệm.
Trong vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh TP.HCM, NSƯT Hạnh Thúy cho rằng hội luôn làm khá tốt nhiệm vụ kết nối với các đơn vị khi họ cần. Tuy nhiên các nhà làm phim độc lập, tư nhân ở Việt Nam hoạt động cũng hiệu quả, năng động nên việc kết nối này cũng không thật sự thường xuyên. “Dù vậy, Hội Điện ảnh vẫn là nơi đáng tin cậy để liên kết với đơn vị, cá nhân phù hợp với nhau, nhất là những đoàn phim mang tính chất quốc tế”, NSƯT Hạnh Thúy nhận định.