Đỉnh lũ miền Tây xuất hiện từ ngày mai
Đỉnh lũ miền Tây xuất hiện từ ngày mai
Bão Yagi và bão số 4 gây mưa lớn trên khu vực Myanmar, Thái Lan và Lào đồng thời tạo ra khối nước khổng lồ trên sông Mekong. Khối nước này đang di chuyển về gần tới ĐBSCL và nhiều khả năng từ ngày mai sẽ bước vào giai đoạn đỉnh lũ miền Tây.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Đến ngày 26.9, mực nước tại Kratie (Campuchia) là 21,53 m. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ cao hơn 3,1 m và cao hơn năm 2023 là 3,33 m đồng thời cũng cao hơn mức báo động 1 là 0,53 m. Còn tại Biển Hồ (Campuchia) mực nước cùng ngày đạt 6,87 m so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 1,05 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,49 m.
Tại ĐBSCL, tuần qua mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng mạnh và đạt đỉnh lũ từ đầu mùa lũ đến thời điểm hiện tại vào ngày 22.9 (Tân Châu 3,13 m và Châu Đốc 2,88 m), mực nước sau đó có xu thế biến đổi chậm rồi giảm nhẹ do thủy triều giảm.
Tại trạm Tân Châu trên sông Tiền ở An Giang, mực nước lớn nhất ngày 25.9 đạt 3,11 m so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,44 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,54 m.
Tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước cao nhất ngày 25.9 đạt 2,73 m. So với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 0,4 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,41 m.
So với mức lũ báo động 1, mực nước tại Tân Châu đang thấp hơn 0,39 m và tại Châu Đốc là 0,27 m.
Trong tuần tới thủy triều dự báo có xu thế tăng. Triều trong tháng 10 trên khu vực ven Biển Đông có xu thế tăng nhẹ dần từ Vũng Tàu đến Gành Hào, trên khu vực ven biển Tây có xu thế giảm nhẹ dần từ Sông Đốc đến Rạch Giá.
SIWRP dự báo: Mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng và nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh lũ chính vụ năm 2024 vào các ngày từ 30.9 – 2.10. Đỉnh lũ tại trạm Tân Châu dự báo dao động ở mức 3,2 – 3,4 m (báo động 1 là 3,5 m), đỉnh lũ tại trạm Châu Đốc dự báo dao động ở mức 3 – 3,2 m (báo động 1 là 3 m).