Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây

Tháng sáu 2, 2024

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây

Cải biên một phần hình thức cho phù hợp đời sống người dân Nam bộ

Người có công đầu đưa nghệ thuật múa rối nước về vùng sông nước miền Tây từ năm 1988 là nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa (ngụ Bến Tre), nhưng sau đó không thành công vì nhiều lý do. Với niềm đam mê bộ môn này, năm 2019, anh Phạm Tấn Vũ, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bến Tre, đứng ra thành lập đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh và duy trì hoạt động cho đến nay. Đây được xem là đoàn múa rối nước duy nhất ở miền Tây hiện nay.

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 1.

Các thành viên trong đoàn Dừa Xanh biểu diễn múa rối nước

DUY TÂN

Thời gian đầu, để đủ số lượng rối múa, ông Hòa và anh Vũ xuất tiền túi mua gần 30 con rối từ Hà Nội đem về, sau đó chiêu mộ thành viên để huấn luyện và lập đoàn. Hiện đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh có 20 thành viên, chủ yếu là giáo viên, kỹ sư… Anh Vũ quản lý đoàn, ông Hòa phụ trách kịch bản, kỹ thuật biểu diễn…

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 2.

Điều khiển múa rối rồng phun nước khiến nhiều người thích thú

DUY TÂN

“Mỗi thành viên khi vào đoàn đều được hướng dẫn những bài múa cơ bản khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, để múa những con rối to, dài như rồng sao cho có hồn (uốn lượn, phun nước, phun lửa) thì cần sức dẻo dai, kết hợp kỹ thuật lẫn kỹ xảo nên thời gian học hỏi, trau dồi dài hơn”, anh Vũ cho biết.

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 3.

Rất đông các em thiếu nhi, học sinh thích thú theo dõi múa rối nước

DUY TÂN

Những con rối được đặt mua tại làng rối Việt Nam ở Hà Nội, khi đưa về biểu diễn phục vụ trên quê hương Đồng Khởi đều được cải biên một phần cho phù hợp với hơi thở đời sống người dân Nam bộ. Tên gọi các con rối giữ nguyên nhưng trang phục sửa thành áo bà ba, quấn khăn rằn. Lời thoại lồng các điệu lý Nam bộ như: lý chim xanh, lý con khỉ, lý kéo chài, hò thẻ mực. Đặc biệt, đoàn có tiết mục “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên hay vở Thánh Gióng đánh giặc… rất sống động. Đoàn còn linh hoạt các tiết mục biểu diễn theo mùa vụ: Trung thu thì có sự tích chú Cuội, Noel thì có ông già Noel, dịp tết thì diễn sự tích ông Táo…

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 4.

Nhiều phụ huynh đưa con đi xem đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh biểu diễn

DUY TÂN

Giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến thiếu nhi, học sinh

Sau 4 năm hoạt động, đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh đã lưu diễn tại hầu hết các tỉnh miền Tây, từ trường học đến các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm. Bình quân mỗi tháng đoàn có hơn 10 suất diễn, vở dài nhất 12 phút, ngắn nhất 3 phút, mỗi suất từ 3,5 – 4 triệu đồng.

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 5.

Trung bình mỗi tháng đoàn đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh biểu diễn 10 suất

DUY TÂN

“Kỷ niệm nhớ nhất là ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa ở Bến Tre. Nhà trường gom được hơn 2 triệu đồng và mời đoàn về diễn, các thành viên trong đoàn đều sẵn sàng nhận vì niềm vui, đam mê. Từ đó, đoàn cũng xác định diễn để thỏa đam mê, giới thiệu loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này đến các em thiếu nhi, học sinh, du khách. Bởi thế, nên sô diễn cho các em học sinh thì giá 2 triệu đồng đoàn vẫn nhận diễn phục vụ”, anh Vũ kể.

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 6.

Trẻ em thích thú khi được xem múa rối nước

DUY TÂN

Theo nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa, khó nhất là phần biểu diễn múa rối nước là kỹ thuật, những người điều khiển rối phải nắm chắc đường dây cơ bản và phối hợp nhịp nhàng, thể hiện được nội dung câu chuyện. Trong đó, khó nhất là múa rồng, múa lân, múa tiên… Đoàn cũng đang hướng đến xây dựng các tiểu phẩm mang nét riêng của Bến Tre như: cuộc đời nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, câu chuyện về đoàn tàu không số cùng những câu chuyện thiếu nhi.

Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây- Ảnh 7.

Mỗi khi đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh biểu diễn đều thu hút rất đông các em thiếu nhi, học sinh đến xem

DUY TÂN

Tham gia đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh từ lúc 17 tuổi và là thành viên trẻ nhất, Lê Thanh Hải cho biết, bản thân từng học múa lân, đánh trống và biết chơi một số nhạc cụ dân tộc nên được mời vào đoàn. Hầu hết các thành viên trong đoàn đều có công ăn, việc làm ổn định nên chỉ hoạt động thời vụ vào mỗi cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết. Hiện, đoàn có 3 sân khấu cố định và lưu động được đặt tại khu du lịch hoặc theo ý khách, đoàn sẽ dựng rạp để biểu diễn.


Bạn đang đọc Đoàn múa rối nước truyền thống độc nhất miền Tây tại website hungday.com