Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện
Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện
Ngôi chùa có tên người hiến đất
Ngôi chùa Khmer mang tên Serey Tamon có khuôn viên rộng khoảng 3 ha, nằm ven tuyến lộ huyết mạch nối liền 2 huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề (Sóc Trăng). Với màu sơn chủ đạo trắng – vàng, ngôi chùa trông càng rực rỡ.
Chùa được xây dựng từ năm 1615, trên phần đất do gia đình ông Kong Mơn và bà Thị Tây hiến tặng. Hơn 400 năm qua, chùa trải qua 27 đời trụ trì, trong đó cố Hòa thượng – thiền sư Kong Kod là vị trụ trì đầu tiên.
Để tri ân gia đình ông Kong Mơn hiến đất, nhà chùa nhất trí đặt tên là chùa Tamon, theo tiếng Việt là ông Mơn. Về sau, tên chùa được bổ sung thêm từ Serey. Từ đó, chùa có tên là Serey Tamon và người dân quen gọi chùa Tà Mơn.
Trong khuôn viên chùa có trường học dạy chữ viết cho con em đồng bào Khmer địa phương. Các lớp học được duy trì đều đặn nên ngày càng có nhiều học sinh tham gia. Hằng năm, chùa còn mở các lớp đào tạo Pali giáo lý sơ cấp, lớp xóa mù chữ cho các vị tăng tu tại chùa và lớp ánh sáng văn hóa hè cho bà con địa phương.
Chùa Tà Mơn còn là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer, như: Chol Chnam Thmay (lễ mừng năm mới), Sene Dolta (lễ cúng ông bà), lễ Ooc Om Boc (lễ cúng trăng)…
Thượng tọa Trần Văn Tha, trụ trì chùa Tà Mơn, cho biết đến nay, chùa trải qua 5 lần trùng tu, xây dựng. Trong đó, ngôi chính điện khởi công xây dựng năm 2013 trên diện tích 999 m2, do chính ông lên ý tưởng, làm bản vẽ và lựa chọn chất liệu. Sau hơn 10 năm xây dựng, năm 2023, ngôi chính điện hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tạc tượng 12 con giáp quanh chính điện
Tại chính điện có hoa văn ánh vàng tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống. Tất cả các khoảng trống ở chính điện đều được nghệ nhân tô vẽ, trang trí hoa vô cùng đẹp mắt. Đặc biệt là kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi trên gỗ, đá, đổ khuôn xi măng, tô đắp trực tiếp… làm tăng thêm vẻ lộng lẫy của ngôi chùa.
Theo trụ trì chùa Tà Mơn, chính điện xây theo kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại. Từ những nét điêu khắc hoa văn đắp nổi đến những linh vật gắn liền trong đời sống tín ngưỡng dân gian dân tộc Khmer, tạo dấu ấn đặc biệt cho ngôi chùa. Tượng Phật Thích Ca cũng mới đắp xong hơn 1 năm, chiều cao khoảng 22 m, xây bằng xi măng, cốt thép.
Chính điện được xây dựng phá cách, gồm 1 trệt, 1 lầu, nền cao hơn các công trình khác, rất nguy nga, đồ sộ. Phần mái là một kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau.
Trong khi đa số chùa Khmer khác làm nhiều cửa sổ thì chùa Tà Mơn làm nhiều cửa lớn, với 13 cửa bằng gỗ, vị trí ở bên hông và mặt sau chính điện. Trên mỗi cánh cửa đều điêu khắc hình tượng tiên nữ Apsara.
Đặc biệt, phía sau chính điện có một cầu thang nối với tòa bảo tháp 4 tầng. Tầng cao nhất thờ xá lợi Phật, tầng kế là 4 vị Phật quay về 4 hướng, tầng tiếp theo thờ các bậc tiền bối, cố hòa thượng có công xây dựng chùa và tầng cuối cùng thờ tro cốt phật tử.
Dọc theo dãy hành lang của chính điện là những hàng cột dày đặc với 27 cột trụ, mỗi cột trụ gồm 2 cây cột tròn và 1 cây cột vuông. Đây cũng là một kiểu kiến trúc mới lạ so với những ngôi chùa khác chỉ làm cột tròn.
Chùa Tà Mơn còn gây ấn tượng bởi 12 con giáp được tạc tượng với sắc vàng sặc sỡ, đặt xung quanh chính điện. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có phiên bản quần thể di tích đền Angkor, một trong những kỳ quan thế giới và cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia.
Với lối kiến trúc độc đáo, nguy nga, chùa Tà Mơn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tìm hiểu văn hóa Khmer. Anh Nguyễn Minh Đang (31 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết bản thân bị thu hút bởi nét đẹp của những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng, trong đó có chùa Tà Mơn. Vì vậy, anh đã nhiều lần cùng bạn bè đến đây check-in và tìm hiểu văn hóa Khmer Nam bộ.