Độc lạ loài cây của Việt Nam: Cứ nghe nhạc là “nhảy múa”, nhiều người chưa từng gặp ở Việt Nam có một loài cây đặc biệt, mỗi khi có tiếng nhạc sẽ “nhảy múa”.
Loài cây này khiến giới khoa học bất ngờ bởi khả năng “nhảy múa” điêu luyện của chúng.
Trong thế giới tự nhiên luôn tồn tại nhiều nhiều sự vật và hiện tượng kỳ lạ. Chẳng hạn, ở Việt Nam có một loài cây đặc biệt, mỗi khi có tiếng nhạc sẽ “nhảy múa”. Đó là cây gì?
Loài cây hễ nghe nhạc là “nhảy múa”
Loại thực vật được nhắc tới trong bài có tên là Codariocalyx motorius (Houtt.) H. Ohashi, còn được biết đến với các tên gọi như cây khiêu vũ, cây truyền tin. Tại Việt Nam, cây khiêu vũ còn được gọi là thóc lép lá quay, đậu lá quay. Cây khiêu vũ là loại cây bụi nhiệt đới châu Á thuộc họ đậu Fabaceae. Chúng có thể trồng ở nhiều nơi vì rất dễ chăm sóc.
Loài cây có khả năng “nhảy múa” khi nghe thấy âm thanh có tên gọi là cây khiêu vũ. (Ảnh: Telegraph).
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận gay gắt trong việc có nên tách chi Codariocalyx thuộc họ đậu Fabaceae và chi chi Thóc lép Desmodium riêng biệt hay xếp vào cùng một chi.
Loài này phân bố rộng rãi khắp Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy loài cây này trên quần đảo Society, một chuỗi từ xa các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Chúng thường mọc hoang ở các vùng đồi núi.
Tại Việt Nam, cây khiêu vũ có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đến Bà Rịa – Vũng Tàu và An Giang. Mặc dù loài cây này xuất hiện nhiều ở Việt Nam nhưng nhiều người chưa từng nhìn thấy chúng.
Loài cây có khả năng đặc biệt này mọc ở nhiều vùng tại Việt Nam. (Ảnh: Tenor)
Theo báo An ninh Thủ đô, cây khiêu vũ là loại cây bụi đứng, phân nhánh, cây trưởng thành cao đến 1,5m. Cành có hình trụ, lá có 1- 3 lá chét thuôn, 2 lá chét dưới hẹp, lá chét ở giữa lớn nhất, dài 5,5- 10cm, rộng 1- 2,5cm. Lá hình trái xoan, ở gốc có hình tim hoặc hơi tròn. Lá có lớp lông mịn ở trên mặt chóp, phía dưới có nhiều lông hơn, phần chóp lá có hình tù và nhọn.
Cây ra chùm hoa đơn, có hoa màu tím hồng, quả có mép trên nguyên, mép dưới khía ra, hơi cong, chia 8 đốt, mỗi đốt chỉ chứa 1 hạt, phần đốt có một cạnh khum tròn và một cạnh thẳng. Cây thường ra hoa từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm.
Cận cảnh hoa của loài cây biết “nhảy múa”. (Ảnh: Telegraph)
Điểm độc đáo của loài cây này là hễ nghe thấy nhạc, lá của cây sẽ “nhảy múa” dù không có gió. Ngoài ra, cây khiêu vũ còn có thể chuyển động nếu nhiệt độ hơn 20 độ C, dù xung quanh không có âm thanh.
Cơ chế chuyển động của loài cây biết “nhảy múa”
Theo trang Cây cảnh Hải Đăng, các nhà khoa học đã đặt ra 2 giả thuyết để giải thích về khả năng đặc biệt này của loài cây khiêu vũ.
Thứ nhất, cây khiêu vũ chuyển động với tốc độ vừa đủ để có thể nhận biết bằng mắt thường. Các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là một chiến lược sinh tồn của loài cây này. Chúng làm vậy để tối đa hóa lượng ánh sáng thu được bằng cách di chuyển theo ánh mặt trời.
Cây khiêu vũ chuyển động với tốc độ vừa đủ để chúng ta có thể nhận biết bằng mắt thường. (Ảnh: Telegraph).
Mỗi chiếc lá cây khiêu vũ đều có một khớp giúp chúng di chuyển dễ dàng tới nơi có nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Tuy nhiên, trọng lượng của những chiếc lá ở giữa lớn hơn nên khi chuyển động chúng tốn rất nhiều năng lượng. Do đó, loài cây này để tối ưu hóa chuyển động, mỗi chiếc lá lớn sẽ có thêm 2 lá chét nhỏ ở gốc. Những chiếc lá này di chuyển liên tục theo đường elip, lấy mẫu cường độ ánh sáng mặt trời và hướng chiếc lá lớn đến vùng có cường độ mạnh nhất.
Thứ hai, cây khiêu vũ có hiện tượng lạ nhằm ngăn chặn các loài sâu hại. Sở dĩ chúng “nhảy múa” là để bắt chước chuyển động của loài bướm với mục đích ngăn chúng đẻ trứng lên lá cây.
Loài thảo dược quý
Trong y học, loài cây khiêu vũ này còn được dùng điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. (Ảnh: Telegraph)
Trong y học cổ truyền, cây khiêu vũ có vị đắng, cay. Nó thường được dùng để trị phong thấp đau xương, đòn ngã và gãy xương. Trong y học hiện đại, cây khiêu vũ giúp giảm sốt, giảm đau bụng, đau mắt, đau cổ, đay khớp, viêm da mẩn ngứa, mất ngủ và chữa các bệnh phụ khoa. Ngoài ra, các chất trong cây thóc lép còn có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Phần hạt của loài cây này có thể trị bệnh đau lưng rất hiệu quả.