Đôi dòng về một xã hội trọng vật chất

Tháng chín 19, 2024

Phụ trách ảnh: Phạm Google
Sau cùng, Long tìm ra được lý do, là cái bả vật chất. Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời. Do thế, lúc người ta bần thì người ta còn thanh, và đã lên phú rồi, nhiều khi người ta hóa ra trọc.
Tình cờ mấy nay đọc “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng thế nào lại thấy đoạn này, đâm tự dưng muốn biên ra vài dòng về cảm nhận gần tháng qua khi trở về VN, ở trong cái xã hội mà có vẻ người ta chẳng muốn biết gì hơn về nhau ngoài lương tháng bao nhiêu, đi xe gì ở nhà khu nào vậy…
Khá trớ trêu, nó thực ra lại làm tôi cảm nhận rõ cái may mắn của một người biết đến Khắc Kỷ mấy năm nay. Rằng trước những người chỉ nhìn qua chiếc Wave S với bộ quần áo chẳng bóng bẩy trau chuốt của tôi là quay đi không thèm để ý, tôi không những có thể bình thản đối diện chẳng để tâm, mà thậm chí lúc ấy còn cảm thấy mình giống như Cato hẳn hoi – người vẫn thường đi dạo trên những con đường thân thuộc ở La Mã trong những bộ quần áo dị thường, để tập cho mình quen được với những ánh mắt khinh khi của người đời – từ đó mà đánh giá xem mình đã thực sự có thể chỉ chú tâm đến sự lành mạnh và sáng suốt của tâm trí hay chưa.
Cho đến một hôm ông anh họ qua nhà tôi chơi. Sự là ổng mới tậu con xe Air Blade mới, cả mông má các thứ là vào đúng 50 củ (triệu VND). Nói chuyện xe cộ 1 lúc, ổng mới vỗ vai tôi mà nói: “Làm con thế này mà đi tìm vợ”. Tôi mới bảo em Wave-S của mình vẫn đi tốt, để lúc nào phải thay hẵng hay. Thêm nếm vài câu này nọ thế nào, mà bố tôi lại phán quả: “Giờ đi tán gái ít cũng phải Airblade, nếu không phải là SH”. Nghe câu ấy tôi sững người … Ồ, đến cả cái ông khốt ta bít bộ đội về hưu nhà tôi mà còn phát biểu ra câu ấy, thì đúng là phải xem xét lại vấn đề thật rồi…
Thực ra điều tôi muốn chia sẻ ở bài này là NHỮNG HỆ QUẢ của cái thói chuộng vật chất ấy xung quanh ta, mà có lẽ ta đang bỏ mặc, hờ hững thờ ơ mà sống bên trong nó.
Đáng buồn là chúng đã rõ rệt lắm rồi.
Hôm trước đi ăn giỗ, tôi có ngồi trà nước với mấy ông chú ông anh bên Long Hải sang. Chuyện xoay về cập nhật tình hình của mấy người quen ở quê, có 2 mẩu làm tôi rất nhớ.
***

1. Những xung đột gia đình

Giờ những chuyện như thế này, đâu có hiếm...

Giờ những chuyện như thế này, đâu có hiếm…
Đầu tiên là chuyện 2 anh em ruột Tuấn Toàn nhà ông Tình vừa chém nhau sứt đầu mẻ trán vào viện hẳn hoi.
Sự là thế này, ông Tình có cái nhà với 2 mảnh đất và 2 thằng con trai. Nay cả 2 cậu Tuấn Toàn đều đã ra lập gia đình, nên ông Tình cho mỗi đứa một mảnh, còn cái nhà ông lại hứa cho thằng cháu Tâm con anh Tuấn, vì anh Toàn đã thân làm con thứ lại không có con trai.
Nhưng đời đâu ai ngờ, được vài năm thì anh Toàn đẻ thêm, trời lại cho đứa thứ 3 là một cậu út bụ bẫm kháu khỉnh.
Thế là anh sang có nhời với bố về việc chia lại cái nhà, với lý do cháu trai nào chả như nhau. Bạn biết đấy, nghe thế làm sao anh Tuấn để yên được, chính cụ đã nói là để cho thằng cháu Tâm cơ mà.
Lời qua tiếng lại thế nào, anh Toàn nhất định không chịu, anh Tuấn mới vào bếp lấy con dao lên cho dễ thuyết phục nhau.
Đấy, có vậy thôi mà dây dưa gọi thêm hội này người nọ, đến nỗi tí đi tong mấy mạng người!
Và giờ mà hai anh em ruột Tuấn Toàn chẳng may tình cờ gặp nhau ngoài đường thì …
Tưởng chuyện có thế thôi, ai dè lúc nghe xong thì mọi người mới lại lôi ra bao vụ khác cũng liên quan, nào là ông Ưng kiện cậu Ứng con ông vì cha còn sống sờ sờ mà con dám lên chính quyền đòi thay tên chủ sổ đỏ căn nhà, hay thậm chí bà mẹ già bị con gái đẩy xuống ao vì xin mãi không cho mảnh đất.
Đấy, cái hạnh phúc của những gia đình giàu sang!

2. Thực trạng nghiện ngập và mất phương hướng ở người trẻ

Mấy ông anh tôi cũng kể rằng giờ hở ra cái là nghiện. Đầu ngõ cuối phố, toàn nghiện. Xong có cậu bố mẹ không làm cách nào được, gửi lên ông chú mãi trên Đắc Lắc để mong chốn mới nó sẽ cai được, mà thế nào mới có vài hôm cậu đã lại bắt mối được với mấy thằng nghiện trên ấy rồi.
Mà cái nghiện bây giờ nó khác ngày xưa, giờ người ta nghiện theo kiểu … thiếu gia ma túy đá mới nhiều.
Mấy cậu choai choai mà cứ chải chuốt với xe xịn là chẳng mấy chốc chúng nó chài, nhanh lắm.
Điển hình có ông Hiền, ngày xưa đi tàu biển lắm tiền lắm, mà 2 thằng con nghiện cả 2, có mấy mảnh đất mất sạch với chúng nó. Xong Hiếu – cậu út, có hôm thiếu thuốc quá mới về cầm dao xin tiền bố mẹ, bố mẹ không cho cái nó chặt luôn cánh tay nó trước mặt 2 ông bà. Bảo thế có kinh không…

Kết:

Thực ra nhiều lúc bản thân tôi cũng muốn bám lấy cái hy vọng rằng đây chỉ là một giai đoạn chuyển giao ở một nước đang phát triển, khi mà ngay cả định hướng của chính quyền cũng là làm thế nào để tăng trưởng hơn, thu nhập cao hơn, vân vân và mây mây.
Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại thì có lẽ vẫn phải viết ra, và phải nhìn nhận sâu hơn về vấn đề.
Đồng thời, cũng mong rằng bài viết này có thể khiến các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ, có cái nhìn được vững vàng hơn về vật chất và những ảnh hưởng của xã hội chuộng vật chất.
Để những bi kịch ấy sẽ không còn xảy ra nữa!
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai).
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782
Ngân hàng: Vietbank
Chủ TK: Lương Minh Hoàng