Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ: Lợi ích – thách thức và mối quan hệ trong Tam giác Mỹ – Trung – Nga.

Tháng sáu 30, 2024

Gần 30 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam theo lời mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong lịch sử ngoại giao của hai nước, vốn có một quá khứ vô cùng phức tạp, cũng như có những khác biệt căn bản về ý thức hệ, quan điểm chính trị và ngoại giao.
Sự kiện đặt biệt này đã khiến giới quan sát không ngừng tranh luận và không ngoài dự đoán, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều khiến thế giới ngạc nhiên chính là việc chúng ta bỏ qua bước Đối tác Chiến lược để lên thẳng mức cao nhất, Đối tác chiến lược toàn diện. Tại chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” và nhiều thỏa thuận hợp tác có tính đột phá được công bố. Những nỗ lực của Việt Nam lẫn Hoa Kỳ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ cựu thù trở thành đối tác đã trở thành mối quan hệ hình mẫu được dư luận quốc tế lẫn trong nước ghi nhận, đánh giá cao.
Việc nâng cấp mối quan hệ với Mỹ trong giai đoạn thế giới liên tục có những thay đổi vô cùng quan trọng, diễn biến quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?Và những khó khăn, triển vọng của Việt Nam khi đưa đến quyết định ngoại giao mang tính thời đại này là gì? Sự kiện quan trọng này có củng cố thêm chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam hay không? Cũng như những toan tính của Mỹ khi quyết định chọn Việt Nam như một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình.

I- Nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, tính cấp bách trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay.
1.    Bối cảnh thế giới và khu vựctính cấp thiết của việc nâng cấp mối quan hệ trong giai đoạn hiện nay.
1.1 Bối cảnh chung của thế giới đã ảnh hưởng đến quyết sách ngoại giao của Việt Nam
Tình hình thế giới hiện nay diễn biến vô cùng phức tạp, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc, không chỉ là an ninh khu vực mà còn là an ninh toàn cầu. Toàn bộ hệ thống, thể chế từ sau chiến tranh lạnh mà chúng ta được biết tới dần dần bị phá vỡ. Với những cái cấu trúc an ninh thay đổi bất định như vậy nếu không nâng cấp với các đối tác lớn thì sau này sẽ rất khó tìm kiếm cơ hội một lần nữa. Cũng trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nó đã làm thay đổi căn bản về nhận thức Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa quân đội.
Khi vũ khí Việt Nam được mua chủ yếu từ Nga thì Nga có khả năng lại bị sa lầy trong cuộc chiến này. Vấn đề được đặt ra là làm sao để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và xây dựng một nền quốc phòng nội địa đủ mạnh.
Tiếp đó là vấn đề ở chính Mỹ, trong năm sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ nổ ra, luôn đi kèm với kết quả khó đoán, có thể có những yếu tố bất định mà Việt Nam không thể lường trước được. Chúng ta không thể biết chắc chắn là chính quyền của Mỹ sẽ có gì thay đổi hay không, và nếu có thay đổi, thì liệu Việt Nam có còn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không?! Do đó, Việt Nam không còn thời gian để chờ đợi hay chần chừ nữa.
Ngoài ra, khi mà mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa căng thẳng tới mức mà bất cứ hành động nào của Việt Nam đối với một bên, thì đều bị diễn dịch bởi bên còn lại là hành động chống nước đó. Chính vì vậy mà để càng lâu thì cơ hội để Việt Nam tiến hành nâng cấp mối quan hệ một cách tương đối bình thường sẽ giảm xuống.
Cũng trong dài hạn, nếu Việt Nam không thể hiện sự nhiệt thành đáp lại thiện chí của Hoa Kỳ thì họ có thể nản lòng và họ sẽ chuyển sang các đối tác khác, để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của họ. Bởi vì mục tiêu của họ thì họ phải theo đuổi và họ phải tìm những đối tác để cùng hướng tới những mục tiêu đó. Trong trường hợp đối tác và họ mong muốn không có sự phản hồi lại thì bắt buộc họ phải tìm đối tác khác mà thôi. Đó sẽ là một điều nuối tiếc cho Việt Nam và sẽ khiến cho Việt Nam lỡ một dịp để nâng cấp mối quan hệ với người Mỹ trong bối cảnh Mỹ là một đối tác càng ngày càng quan trọng đối với Việt Nam, không chỉ về kinh tế mà còn về chiến lược quân sự, quốc phòng…
Trung Quốc có tham vọng và nguồn lực để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Biển Đông – “con đường” thuận lợi nhất để nước này vươn lên trở thành cường quốc biển. Nay chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn trật tự thế giới và đang tạo ra các khoảng trống quyền lực để Trung Quốc lợi dụng “đục nước béo cò”. Trung Quốc lợi dụng cơ hội định gạt Nga khỏi các dự án dầu khí ở Biển Đông vì Nga đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do vấn đề Ukraine. Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam ở phía đông và phía Tây khi Hà Nội chưa kịp nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Trung Quốc có hai mục tiêu chiến lược chính tại Biển Đông: Một là Trung Quốc chủ động quấy rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 ở khu vực chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Hai là Trung Quốc đang “giương đông kích tây” để củng cố các lập luận pháp lý mà họ có lợi thế. Các động thái đó diễn ra khi các phiên tòa phân định biển trong tương lai có xu hướng ưu tiên cho quốc gia nào có khả năng chấp pháp thực tế ở khu vực tranh chấp theo nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”. Trong bối cảnh đàm phán về COC đang đến giai đoạn cuối, các bước leo thang trong phạm vi “vùng xám” chứng tỏ Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Với ý đồ biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “khu vực chồng lấn”5 với yêu sách “Nam Hải chư đảo”, Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.
2.1  Những tính toán của Hoa Kỳ khi quyết định ưu tiên Việt Nam trong chính sách ngoại giao của mình
2.1.1   Kết thúc hoàn toàn Hội chứng Việt Nam và thực thi hiệu quả tìm kiếm MIA
Hội chứng Việt Nam là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến tại Mỹ, để mô tả những chấn động trong tâm lý của người Mỹ cũng như những tranh cãi nội bộ của chính giới Mỹ liên quan đến chính sách can thiệp của Mỹ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vần đề về “Hội chứng Việt Nam” diễn ra không hề đơn giản trong lòng xã hội nước Mỹ. Hội chứng này được bộc lộ ở các hiện tượng xã hội – chính trị – kinh tế như: khủng hoảng lòng tin của nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến; sự ám ảnh bởi tội lỗi của phần lớn lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam; nội bộ nước Mỹ chia rẽ, giới cầm quyền mâu thuẫn sâu sắc, nhất là trong hoạch định chính sách đối ngoại; sự gia tăng tốc độ suy thoái kinh tế và các tệ nạn xã hội…
Chính Tổng thống Mỹ Ronald W. Reagan từng tuyên bố rằng: “nước Mỹ không thể nào dành chiến thắng vì quân đội ‘từ chối cho phép dành chiến thắng’”.
Trong khi giải thích cho sự thất bại của Hoa Kỳ trong quá trình “can thiệp quân sự” ở Việt Nam, nhà sử học người Mỹ George C. Herring cũng thừa nhận: “Chúng ta đã cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh do Cộng sản lãnh đạo nhưng lại thể hiện trào lưu sâu sắc và mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.”
Hay Tổng thống George Bush nói trong tuyên bố chiến thắng đầy hưng phấn vào cuối Chiến tranh vùng Vịnh: “Chúa ơi, chúng ta đã đá bay ‘Hội chứng Việt Nam’ một lần và mãi mãi”. Chừng đó đủ hiểu chiến tranh Việt Nam đã tiếp tục săn lùng tâm lý người Mỹ như thế nào, thậm chí nó đã qua hơn mười lăm năm từ khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đến lúc Greoge Bush vui mừng tuyên bố về sự kết thúc của “bóng ma” “Chiến tranh Việt Nam”.
“Chúa ơi, chúng ta đã đá bay ‘Hội chứng Việt Nam’ một lần và mãi mãi”

“Chúa ơi, chúng ta đã đá bay ‘Hội chứng Việt Nam’ một lần và mãi mãi”
Thế nhưng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận về việc chiến tranh Vùng Vịnh mang đến kết quả như Greoge Bush nói. Một điều rõ ràng hơn đó là Hội chứng Việt Nam đã đặt một sức ép nặng nề lên việc sử dụng quân đội Mỹ ở nước ngoài. Những cam kết ngắn hạn ít tốn kém hơn (ít nhất là cho nước Mỹ) đã trở thành ưu tiên của nước này khi tiến hành can thiệp ở nước ngoài.
Và nâng cấp quan hệ với Việt Nam sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho Hoa Kỳ trong quá trình xá bỏ những mâu thuẫn trong nội bộ trong việc giải quyết những hậu quả chiến tranh, thoát khỏi “Hội chứng Việt Nam”, thực thi tìm kiếm MIA.
2.1.2 Lợi ích an ninh – chiến lược
Là một siêu cường, mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là củng cố, duy trì vị trí lãnh đạo thế giới trên cơ sở những ưu thế về cả “sức mạnh” cứng lẫn “ sức mạnh mềm”.
Dưới góc độ an ninh, những bất ổn an ninh trên thế giới, nhất là tại khu vực mà Hoa Kỳ xác định là có lợi ích chiến lược đang đặt ra nhiều vấn đề mà Hoa Kỳ cần quan tâm giải quyết. Việc Mỹ cùng các đồng minh ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực, nhất là vị thế siêu cường dẫn đầu của Mỹ nên cục diện địa chính trị khu vực đang dần đi theo hướng dự báo của thuyết “chuyển giao quyền lực”. Bởi thế, trước việc Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành đối thủ duy nhất đủ tầm đe dọa vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ buộc Hoa Kỳ phải tập trung chú ý hơn đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ có chiều hướng nhìn nhận Việt Nam là một lực lượng quan trọng đóng góp vào trật tự an ninh đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương.
Như vậy, Hoa Kỳ đã coi việc củng cố quan hệ với Việt Nam là “một trụ cột trong sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực (Thái Bình Dương) và sự tham gia của Hoa Kỳ trong các thể chế đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương.
Và dưới góc độ chiến lược, Hoa Kỳ tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam vì những lợi ích chiến lược lâu dài. Hoa Kỳ nhận thấy Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, muốn Việt Nam đóng vai trò quốc tế lớn hơn và hợp tác với Hoa Kỳ nhiều hơn trong những vấn đề quốc tế và khu vực. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nơi có thể giúp các nước lớn kiểm soát khu vực, kiểm soát Biển Đông và kiềm chế lẫn nhau, thật không khó để Hoa Kỳ chọn Việt Nam làm “đòn bảy” chiến lược trong mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc.
Mặt khác, chính những đòi hỏi và thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông đang dẫn đến sự hội tụ lợi ích chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, dẫn đến việc hai bên tích cực tăng cường quan hệ. Hoa Kỳ không thể biến Việt Nam thành đồng minh quân sự thì họ cũng muốn Việt Nam trở thành một đối tác có thể hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của Mỹ, hoặc bằng mọi cách ngăn Việt Nam ngả về phía Trung Quốc hay Nga và qua đó tạo ưu thế chiến lược cho Mỹ và các đồng minh trong việc ứng phó với các đối thủ chiến lược này. Việt Nam trở thành một trong những “điểm nút” quan trọng để Mỹ cô lập Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam cũng phù hợp với tầm nhìn về Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Biden, vốn ưu tiên phát triển quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Indonesia hay Singapore…
2.1.3 Lợi ích kinh tế
Hoa Kỳ đang dần mất đi vai trò là động lực kinh tế chính của kinh tế thế giới. Kinh tế Hoa Kỳ phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ chính phủ đạt đến giới hạn, thâm hụt thương mại lớn,…
Dưới thời Tổng Thống Trump, việc Mỹ nổ lực giảm thiểu những nguồn cung từ thị trường Trung Quốc là cơ hội để Việt Nam, cũng với những ưu thế về nhân công rẻ, dồi dào vươn lên tạo sức ảnh hưởng với thị trường Hoa Kỳ.

Mặt khác, Trung Quốc là một xưởng gia công lớn nhất thế giới, với lượng hàng hóa khổng lồ xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm. Qua Đại dịch Covid-19 với chính sách phong tỏa zero Covid củaTrung Quốc, đã làm đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến kinh tế Mỹ cũng như phương Tây. Cũng trong giai đoạn này, tình hình thế giới lại tiếp tục biến chuyển căng thẳng qua cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine và sự gắn kết bền chặt của Nga – Trung, làm cho Hoa Kỳ nhận ra họ phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa đến từ Trung Quốc. Do đó, một khái niệm mới trong ngoại giao được Hoa Kỳ đưa ra là “Friend shoring” (đối tác thân thiện), nhằm dành đơn hàng cho các đối tác tin cậy, thay vì đưa nó cho các quốc gia thiếu thiện chí với Mỹ. Theo cách giải thích của một số nhà kinh tế chủ xướng khái niệm này, Friend-shoring sẽ dựa vào các nước đối tác kinh tế để xây dựng quan hệ sản xuất nhằm tận dụng các lợi ích chung về cả chính trị lẫn kinh tế. Hoa Kỳ đang hướng đến để biến Việt Nam thành một “friend shoring” ở khu vực Đông Nam Á, vị trí thuận lợi để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. Điều này còn lý do tại sao Hoa Kỳ lại quyết định cùng Việt Nam nâng cấp lên mức cao nhất Đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức đối tác chiến lược.
Việt Nam đã trở thành một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và trích dẫn các khoản đầu tư lớn của các côngty Mỹ vào Việt Nam.
Đặc biệt, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với ước tính khoảng 22 triệu tấn, chiếm khoảng 19% trữ lượng được biết đến của thế giới. Washington và các đồng minh đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm khỏi Trung Quốc. Bên cạnh việc khôi phục các mỏ đất hiếm của mình, họ cũng tăng cường hợp tác với Việt Nam để phát triển nguồn cung thay thế. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9, hai nước đã ký một Bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ Việt Nam định lượng tài nguyên đất hiếm và tiềm năng kinh tế, cũng như thu hút các khoản đầu tư chất lượng cho lĩnh vực này.
2.2 Lợi ích mà Việt Nam kì vọng sau khi nâng cấp mối quan hệ với Mỹ.
2.2.1    Lợi ích chính trị – ngoại giao
Lãnh đạo Việt Nam coi đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là minh chứng cho vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam và là một sự công nhận tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối tác chiến lược Việt – Mỹ phù hợp với chủ trương đối ngoại của Việt Nam là “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ”. Đối tác chiến lược với Mỹ không chỉ là tượng trưng mà còn thực chất, để Hà Nội vận dụng “ngoại giao cây tre”.
Như vậy, mặc dù việc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden sẽ là một bước tiến đáng kể cho quan hệ song phương, nhưng nó không phải là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi lớn trong quỹ đạo chiến lược của Việt Nam. Lợi ích tốt nhất của Hà Nội hiện nay vẫn là theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.
2.2.2Lợi ích kinh tế
Đối với Việt Nam việc mở rộng mối quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặt biệt là Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Hoa Kỳ là một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại Việt Nam. Việc thúc đẩy quan hệ với cường quốc kinh tế, khoa học và công nghệ hành đầu thế giới như Hoa Kỳ sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Là một quốc gia đang phát triển rất cần thị trường, vốn, khoa học công nghệ và phương thức quản lý của Hoa Kỳ để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Về quan hệ thương mại, năm 2022, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ năm 2022 là 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2013 và tăng tới 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994.
Giới chuyên gia nhận định rằng, sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tạo cơ hội thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới mang tính đột phá, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Mặc dù có những lo ngại về việc Việt Nam hưởng lợi rất nhiều khi xuất siêu qua Hoa Kỳ. Trong khi nước Mỹ từ lâu nhìn nhận việc xuất siêu với thái độ rất “dè dặn”, điển hình như là việc Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt khi xuất siêu quá nhiều vào thị trường Mỹ, gây nên chiến tranh thương mại. Nhưng ít nhất trong bối cảnh hiện tại, khi quan hệ hai nước đang trên đà phát triển và những con số đến từ Việt Nam không đủ để Hoa Kỳ “quan ngại”. Mặt khác, Việt Nam cũng không dùng tỷ giá hối đoái, thay đổi bất ngờ và nhân tạo để lũng đoạn hệ thống tiền tệ. Do đó việc dẫn đến bị Hoa Kỳ “trả đũa” là rất khó xảy ra.
Về quan hệ đầu tư, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…
2.2.2 Về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ.
Về văn hóa, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, song song với các lĩnh vực quan hệ hợp tác khác thì lĩnh vực văn hóa được hai bên quan tâm hợp tác, tập trung chủ yếu ở các hoạt động giao lưu văn hóa.
Về giáo dục, đây là lĩnh vực đầy hứa hẹn của quan hệ hai nước. Việt Nam hiện đang thiếu hụt trầm trọng những kĩ sư trong các ngành công nghệ thông tin, phát triển chip bán dẫn… do đó, việc có thể cho các du học sinh Việt Nam, các nhà nghiên cứu người Việt tiếp cận được với công nghệ Mỹ là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Vừa qua, USAID đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học. Bên cạnh đó, đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục còn thể hiện qua việc thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, thể hiện trách nhiệm xã hội, thúc đẩy hợp tác giáo dục.
Về công nghệ, hiện nay, khoảng cách trong lĩnh vực Khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể, khi xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu, ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh, Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.
Bộ Khoa học & Công nghệ xác định hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ. Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ có sự bổ trợ phù hợp trong nhu cầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó Hoa Kỳ có những công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến và khả năng tài chính vững, còn Việt Nam có năng lực triển khai tốt dựa trên nguồn nhân lực dồi dào và vị trí địa lý trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý xa là một trở ngại không nhỏ, mặc dù hiện nay các công cụ liên lạc trên nền tảng công nghệ mới đã giúp việc trao đổi dễ dàng hơn. Hơn nữa, nền tảng phát triển công nghệ của hai bên có nhiều điểm chưa tương đồng, cần có thời gian để có sự hài hòa trong hợp tác.
Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên đã thảo luận về nhiều hợp tác có chiều sâu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công nghệ, Microsoft và Truthing Social công bố thỏa thuận phát triển giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các lĩnh vực đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Meta Platforms và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia công bốThử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông qua nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam sẽ mở ra những tiềm năng hợp tác vô cùng to lớn giữa hai bên. Cùng với những chương trình và kế hoạch triển khai đã được hai bên thảo luận và thống nhất, có cơ sở để tin rằng lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi trong thời gian tới với Hoa Kỳ, đối tác công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.
2.2.3 Về an ninh- quốc phòng
Ngoài những hoạt động an ninh quốc phòng mang tính truyền thống sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ như đào tạo quân sự, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quân nhân mất tích và rà phá bom mình, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh thì Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những cam kết mới trong an ninh quốc phòng, nhất là vấn đề Biển Đông. Việt Nam coi Hoa Kỳ như một thành tố quan trọng kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này, mặt khác tận dụng sự hỗ trợ về kĩ thuật công nghệ quốc phòng của Mỹ để nâng cao khả năng răn đe kẻ thù.
Có thể nói “đòn bẩy” lớn nhất trong việc ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông là nâng cấp quan hệ với Mỹ. Khi nâng cấp quan hệ, Mỹ có hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là giúp Việt Nam nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo trên biển, bên cạnh những hoạt động mà lâu nay Mỹ vẫn hỗ trợ Việt Nam, đó là nâng cao năng lực trên biển, thông qua việc chuyển giao các tàu tuần duyên cho Việt Nam, hay hỗ trợ Việt Nam một số trang thiết bị để giúp Việt Nam ứng phó tốt hơn với các áp lực trên biển. Hoa Kỳ không chỉ giúp Việt Nam hoặc tìm kiếm những cơ chế giúp Việt Nam phát triển nền công nghiệp quốc phòng, giúp Việt Nam mua bán vũ khí mà thậm chí đến cả việc mua bán vũ khí với các nước đồng minh Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… Đưa Việt Nam tiếp cận được những cái lõi công nghệ tân tiến từ các quốc gia này.
Trong thời gian tới, các hoạt động này sẽ được duy trì và thậm chí được nâng cao. Cũng sẽ có thể có việc chuyển giao các trang thiết bị, thậm chí vũ khí mới trong khuôn khổ “đối tác chiến lược toàn diện”này, giúp Việt Nam có năng lực tốt hơn trong việc ứng phó với các thách thức trên Biển Đông. Có nhiều khả năng là Mỹ, với tư cách “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trên các diễn đàn quốc tế, hay trong những trường hợp mà Việt Nam có những sự cố trên biển với Trung Quốc, như vào năm 2014 khi xảy ra vụ giàn khoan 981, Mỹ đã là một trong những nước đã mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam, đã có những tuyên bố, hành động cụ thể để giúp Việt Nam ứng phó với khủng hoảng đó và gây sức ép để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Những khó khăn, thách thức khi nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Giải pháp mà Việt Nam đưa ra trước tình hình đó.
Để có thể đi đến quyết định nâng cấp mối quan hệ với nhau, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều phải giải quyết những tranh cãi trong chính nội bộ của mình. Cùng với đó là có thể thống nhất với nhau, chấp nhận nhau những quan điểm mà trước đây cả hai nước đều không cùng lập trường đã thể hiện nỗ lực chưa từng có ở cả hai quốc gia trong quá trình nâng cấp.
tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
3.1.1    Nhân Quyền – theo hệ giá trị riêng của Mỹ.
Chính quyền Mỹ ở nhiều thời kỳ khác nhau, thậm chí, còn lớn tiếng coi nhân quyền là một giá trị riêng của Mỹ và bằng các hình thức khác nhau nhằm áp đặt giá trị này lên các quốc gia khác. Với quan niệm của mình về nhân quyền, Mỹ coi việc quan tâm đến nhân quyền ở các quốc gia khác như một thứ “quyền lực mềm” của mình. Do vậy, lên tiếng hay không lên tiếng về vấn đề nhân quyền, lên tiếng với ai và ở đâu luôn được coi là một nội dung cốt lõi trong các hoạt động ngoại giao của Mỹ với các quốc gia trên thế giới nhằm mục đích bảo đảm sự ổn định, an toàn, lợi ích tối đa cho nước Mỹ.
Mỹ có những mối quan tâm đặc thù về tình hình tôn giáo, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều nhóm trong nội bộ Mỹ cho rằng nếu Mỹ không có những “tác động” vào Việt Nam thì Việt Nam sẽ “rơi ra ngoài quỹ đạo giá trị” Mỹ có thể kiểm soát. Việc Hạ viện Mỹ, dưới tác động của một số nhóm nghị sĩ, nhiều năm qua đã tìm cách giới thiệu và thông qua các dự luật về nhân quyền Việt Nam là minh chứng cho giả định này. Những dự luật này theo diễn giải của các nhà ngoại giao Mỹ, thể hiện mong muốn của một bộ phận “cử tri” Mỹ về một nước Việt Nam “dân chủ, tự do”, tương tự như hệ giá trị Mỹ. Luận điểm ở đây là càng gần với cách suy nghĩ của người Mỹ, càng dễ chi phối Việt Nam theo hướng Mỹ mong muốn.
Logic này cũng được được thuyết Hiện thực mới chấp nhận ở chỗ, nếu thực sự Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc thúc đẩy phổ biến nhân quyền ra toàn thế giới, thì Mỹ sẽ có nhu cầu thúc đẩy phổ biến các giá trị này đối với Việt Nam.
Mặt khác, thực tế cho thấy chính quyền Mỹ cũng bị sức ép từ các tổ chức Nhân quyền và tôn giáo. Ngoài ra, các tổ chức hay cá nhân có thể tiếp cận với Quốc hội Mỹ và đề nghị các nghị sĩ có tiếng nói với phía chính quyền. Thông thường Quốc hội có thể chuyển thông điệp hoặc gây áp lực lên chính quyền trong vấn đề dân chủ. Dân chủ, nhân quyền vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, Hạ viện Mỹ không còn thông qua dự luật Nhân quyền Việt Nam như các năm trước đó. Trong những tuyên bố chung cấp cao gần đây, Hoa Kỳ nêu “ tôn trọng hệ thống chính trị” của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, trong các cuộc đối thoại, Việt Nam luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện hài hòa các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Hơn nữa, Việt Nam nêu bật sự khác biệt về bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam so với các nước khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, từ đó khẳng định sự khác biệt trong cách tiếp cận nhân quyền với các nước. Đồng thời, Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, không lợi dụng nhân quyền để áp đặt bất kỳ quan điểm nào và can thiệp vào công việc nội bộ của từng nước.
Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa chắc chắn liệu các giá trị truyền thống về nhân quyền ở Việt Nam có phù hợp với các giá trị châu Á hay không, Hoa Kỳ đã thực hiện hai thay đổi nhận thức cụ thể. Thứ nhất, theo quan điểm xã hội chủ nghĩa chính thống, rõ ràng là đặc quyền về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn được ưu tiên hơn các quyền dân sự và chính trị. Nhấn mạnh cách tiếp cận hài hòa đối với tất cả các quyền này để chứng tỏ rằng không có quyền nào được ưu tiên hoặc có thành kiến hơn người khác. Thứ hai, chắc chắn rằng Nhà nước phải thúc đẩy nhân quyền từ thông điệp truyền thống của Đảng – Nhà nước, rằng mọi người đều phải thúc đẩy nhân quyền. Hơn nữa, ở Việt Nam, việc thực hiện phát triển kinh tế thị trường hỗn hợp và mô hình nhà nước pháp quyền dẫn đến nỗ lực ngày càng tăng trong việc hợp pháp hóa và nội địahóa các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Với Việt Nam, an ninh chế độ luôn được Việt Nam đặt lên hàng đầu và Hoa Kỳ được biết đến như một đối tượng quan trọng nhất của an ninh chế độ. Khi có những đề xuất nâng cấp mối quan hệ với Mỹ trong nội bộ Việt Nam vẫn lo ngại “diễn biến hòa bình”, luận điệu “nhân quyền và dân chủ”. Việt Nam sợ nâng cấp quan hệ với Hoa kỳ sẽ mở cửa cho nước này can thiệp vào Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, theo Chiến lược An ninh Quốc gia mới, Chính quyền Biden “sẵn sàng cộng tác với các chế độ chuyên chế không theo thể chế dân chủ nhưng ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”. Việt Nam nằm trong số đó. Nay Mỹ tìm cách để hóa giải những khác biệt với Hà Nội để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược. Tính hiệu tích cực đó đến từ Washington đã tạo nên một động lực không nhỏ để hai nước sát cạnh nhau, dần loại bỏ những khác biệt về hệ thống chính trị, chế độ, tư tưởng. Và Việt Nam cũng nhận thức được thực tế rằng:
o   Đối với Mỹ, vấn đề nhân quyền là trung tâm của chính sách đối ngoại.
o   Vấn đề nhân quyền ngày càng được quan tâm thảo luận trong quan hệ thương mại, kinh tế giữa Mỹ với các nước.
o   Thúc đẩy nhân quyền không chỉ là vấn đề giá trị mà còn nằm trong phạm vi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
o   Đặc biệt, Chính phủ Mỹ sẵn sàng đưa ra những ngoại lệ để chứng tỏ nhận thức bá chủ của mình về nhân quyền. 
Tuy nhiên, thách thức đối với Hà Nội là đảm bảo rằng Washington sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình và hợp tác để mang lại những lợi ích hữu hình từ mối quan hệ đối tác nâng cao. Đồng thời, Việt Nam sẽ cần cảnh giác để không bị lôi kéo vào các xung đột địa chính trị giữa Mỹ và các đối thủ chiến lược của nước này, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.
3.1.2 Mối lo ngại kéo dài từ Washington
Việc cách chức các quan chức chủ chốt ở Hà Nội gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại trong giới ngoại giao nước ngoài rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam có thể nghiêng về phía Trung Quốc. Hai chính trị gia nổi tiếng: nguyên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và nguyên Chủ tịchnước Nguyễn Xuân Phúc đã phải thôi các chức vụ trong Chính quyền. Đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, một người bạn quan trọng của Hoa Kỳ, khi ông Phúc được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào thời điểm Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc Mỹ “tách rời” Trung Quốc. Còn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lại là động lực thúc đẩy Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn với Washington.
Washington đưa ra quan điểm “lo ngại về một cuộc cải tổ theo hướng bảo thủ ở Hà Nội sẽ làm thay đổi căn bản chính sách đối ngoại của Việt Nam, rời xa phương Tây và hướng tới Trung Quốc và Nga”. Nhưng các nhà phân tích độc lập lại cho rằng nó được phóng đại, cường điệu hay thậm chí là khó tin. Bởi các chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng và cải tổ lại bộ máy chính trị dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là hoạt động đảm bảo sự tồn vong của chế độ, củng cố niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tiêu diệt những thế lực chính trị tiếp tay cho các tập đoàn gây lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam. Việc thực thi các hoạt động mạnh mẽ chống tham nhũng là hoạt động củng cố bộ máy, sửa chửa sai phạm kinh tế bên trong đất nước chứ không nhằm các mục đích ngoại giao, càng không phát ra tín hiệu ngoại giao rằng sẽ nghiên về phía bất cứ quốc gia nào. Việt Nam không dễ xếp vào nhóm thân Mỹ hay Trung Quốc hay bất cứ nước nào. Chính Hoa Kỳ cũng phải hiểu rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam phải đối mặt với một loạt các động lực địa chính trị phức tạp và việc quản lý mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhưng chắc chắn rằng, Việt Nam không thể là mối quan ngại đối với Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khi Hoa Kỳ gửi đến Việt Nam những tín hiệu tích cực về các chủ trương hợp tác và phát triển giữ hai nước.
quan.
3.2.1  Trung Quốc
Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore nhận định về yếu tố Trung Quốc trong sự kiện này:
“Việt Nam nằm trong số ít quốc gia ở châu Á sẵn sàng thách thức các tham vọng khu vực củaTrung Quốc, trong khi vẫn duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Bắc Kinh.”
Ông nói: “Bề ngoài, tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế trong các phản ứng của mình, đặc biệt khi Hà Nội luôn nhấn mạnh rằng việc nâng cấp không phải nhằm ‘kiềm chế’ Trung Quốc”.“Tuy nhiên bên trong, Trung Quốc có thể có xu hướng tăng cường các hoạt động gây hấn ở Biển Đông hoặc sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình như một lời cảnh báo gửi tới Hà Nội.”
Tiến sĩ Lê Thu Hương, trợ lý nghiên cứu tại CSIS ở Washington DC, cho biết: “Trung Quốc đã phản ứng bằng cách dùng ngôn ngữ cảnh báo các nước Đông Nam Á khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, gửi vòi rồng, cử thêm phái đoàn trước chuyến thăm của Biden.”
“Không có điều gì trong số này là mới theo vở kịch của Trung Quốc, nhưng người Việt Nam nhận thức rõ và làm theo trong khi tiếp tục hợp tác với Mỹ”
Những nhận định trên thể hiện sâu sắc sự hiện diện “vô hình” của Trung Quốc trong sự kiện ngoại giao tầm cỡ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sự hiện diện này không có một chút tính hiệu khả quan nào.
Bởi vị trí địa lý và những phụ thuộc quá lớn về kinh tế, Việt Nam luôn phải coi trọng tổng thể hình thức mối quan hệ với Trung Quốc. Điều đó khiến Trung Quốc dễ dàng coi khu vực Đông Nam Á là nơi có thể kiểm soát.
Trên Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc trích lời Hứa Lợi Bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc: “Việc nâng cao mối quan hệ Mỹ-Việt chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng”.
Chuyên gia TQ Hứa Bình Lợi

Chuyên gia TQ Hứa Bình Lợi
Ông Hứa cho biết: “Việt Nam đang tìm cách tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của mình trong các vấn đề khu vực bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, đặc biệt là trên Biển Đông, trong khi đối với Mỹ, mối quan hệ chặt chẽ hơn khiến Việt Nam trở thành quân cờ quan trọng để kiềm chế Trung Quốc”
“Đặc biệt, Mỹ có thể cung cấp một số hỗ trợ mang tính biểu tượng cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, dù về mặt đạo đức hay kỹ thuật. Nhưng sự hỗ trợ về thiết bị quân sự sẽ bị hạn chế, vì Việt Nam không chỉ có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề này mà còn với Philippines.” và Indonesia,” ông nói. “Sự hỗ trợ quá mức có thể gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác”
Để phản bác lại quan điểm này thì ta cần phải làm rõ hai vấn đề:
Thứ nhất, ASEAN đang bị chia rẽ nghiêm trọng, khối này không có khả năng phát triển một phản ứng mạch lạc trước sự gây hấn của Trung Quốc đối với một số thành viên của khối. Bởi vì ASEAN thiếu khả năng hoặc ý chí hành động nên các thành viên ASEAN riêng lẻ đang xây dựng các quan hệ đối tác và liên minh song phương của riêng mình, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc. Điều đó làm cho Mỹ càng có cơ hội cô lập Trung Quốc tại Biển Đông. Những nước như Philippines, Indonesia tuy có sự lo ngại với việc có thể Hoa Kỳ sẽ là nguồn cấp nhiều vũ khí hiện đại cho Việt Nam, nhưng việc phải đối mặt với một Trung Quốc đang ngày càng “hung hăng” trên Biển Đông thì đó vẫn chưa là mối quan tâm hàng đầu. Thế nên,“sự hỗ trợ quá mức” mà chuyên gia Trung Quốc nói đến có thể còn khá hạn hẹp so với các nước trên.
Thứ hai, việc nâng cấp mối quan hệ ngoài vấn đề chiến lược trên Biển Đông thì còn là sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, công nghệ, giáo dục. Hoa Kỳ không chỉ đơn giản coi mối quan hệ với Việt Nam “công cụ” kiềm chế Bắc Kinh mà còn coi Việt Nam như một “đối tác thân thiện” để giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là tiềm năng đất hiếm từ Việt Nam. Còn đối với Việt Nam, cuộc chiến ở Ukraine đã xuất hiện những vấn đề, về sự xích gần giữa Nga và Trung Quốc, những rủi ro khi phụ thuộc nguồn cung vũ khí từ Nga. Nếu xảy ra một cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là trên Biển Đông thì dễ dàng dẫn đến sự bất lợi bởi sự yếu kém về công nghệ của Việt Nam. Vậy nên, dù Mỹ có nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình hay không thì bước đầu tiên để tiếp cận lõi công nghệ của Mỹ và đồng minh vẫn là nâng cấp mối quan hệ với Washington. Có thế thấy, lợi ích từ cả hai bên đều rất lớn, nó thực sự là những tín hiệu không hay đến Trung Quốc và họ phản ứng bằng các lập luận nhằm khẳng định sự kiện nâng cấp này là không có ý nghĩa nhiều đến tình hình chung của hai nước, cũng như tự tin về thái độ của Hà Nội dành cho Bắc Kinh.
Nhưng cũng phải nói thêm, sự tự tin ấy không phải là không có cơ sở, những hành động bành trướng từ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu trong an ninh đối ngoại của Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam rất khó để đối mặt trực diện với Trung Quốc bằng các biện pháp cứng rắn. Do đó, có thể tận dụng sự có mặt và hỗ trợ của Mỹ về an ninh quốc phòng là vô cùng cần thiết, vì chúng ta hiểu rõ, Trung Quốc sẽ không từ bỏ Biển Đông, vậy thì không có lý do nào để Việt Nam từ bỏ Mỹ vì Trung Quốc.
Đây cũng là mối lo ngại lớn đối với giới lãnh đạo Việt Nam, và là cái giá tiềm tàng đối với quyết định nâng cấp quan hệ song phương, có thể là một phản ứng mang tính trừng phạt từ Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt Việt Nam vì đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt chủ yếu chỉ là một tuyên bố chính trị hơn là một liên minh quân sự. Do đó, nó không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Trung Quốc.
Trong khi đó quá trình Việt Nam và Mỹ có những động thái nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” vì những lý do nhạy cảm. Yếu tố Trung Quốc cũng giảm thiểu sau khi TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc ngày 1/11/2022, có lẽ trong chuyến đi này, Việt Nam cũng sẽ thông báo những động thái ngoại giao của mình với Trung Quốc, ít nhất là để dò xét phản ứng của Bắc Kinh, mặt khác cũng khẳng định tính độc lập của Việt Nam khi đưa ra các quyết sách ngoại giao.
Với việc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng leo thang và sự “o bế” từ Washington đối với Hà Nội, Bắc Kinh nhận thức được rằng bất kỳ hành động thái quá nào cũng sẽ chỉ đẩy Hà Nội lại gần Washington hơn. Hơn nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng, bất chấp tranh chấp Biển Đông, Việt Nam vẫn luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc vì các lý do chính trị, kinh tế và chiến lược. Điều này được minh chứng bằng việc Việt Nam thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vào năm 2008, 15 năm trước khi có khả năng làm vậy với Mỹ. Việt Nam cũng liên tục cho thấy mình đang nỗ lực duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc.
Tất cả những động thái ngoại giao của Việt Nam là một sự tính toán đầy khôn ngoan của giới lãnh đạo Việt trong việc xúc tiến mối quan hệ với các nước lớn, đưa ra thông điệp cứng rắn về chính sách ngoại giao cũng mình, cũng như giảm thiểu tối đa những phản ứng có dấu hiệu “trả đũa’ từ Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn này không chỉ tạo “cân bằng mềm” nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, nhất là trên biển mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn đầy biến triển này.
3.2.2 Liên Bang Nga
Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, Nga luôn là đối tác tin cậy hàng đầu, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và từng là đồng đội, đồng chí trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam (với tư cách là quốc gia kế thừa Liên Xô).
Tuy nhiên với những tình hình đầy bất ổn của thế giới, đã làm nảy sinh nhiều vấn đề không mong muốn giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
– Về phía Việt Nam
Trong chính sự kiện nâng cấp này, Việt Nam kiên quyết giữa tính trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trước Mỹ. Điều đó cho thấy Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ với Nga, và khước từ những yêu cầu không phù hợp từ phía Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại song phương trong năm 2022 với Liên Bang Nga đến nay đều ghi nhận những kết quả không mấy khả quan. Trong khi đó, với cuộc chiến tranh Ukraine và sự cô lập từ Mỹ và phương Tây đã làm Nga phải xích lại gần hơn với Trung Quốc. Thậm chí trong mối quan hệ này, Nga có thể không còn là đối tác bình đẳng trước Trung Quốc, do đó Việt Nam cần phải nhận định rõ, trong những xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, Nga đang dần trở thành một yếu tố không tích cực với các quốc gia có tranh chấp khác.
Tiến sĩ Evgeny Kobelev

Tiến sĩ Evgeny Kobelev
Cũng phải nói rõ: nước Nga, về mặt lý thuyết thuần túy, có thể là trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Việt Nam, xoa dịu xung đột ở một số giai đoạn. Nhưng tiến sĩ Evgeny Kobelev, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam học tại Nga, lại cho rằng “ nhiệm vụ này sẽ buộc giới tinh hoa Việt Nam phải vượt qua những cách tiếp cận và khuôn mẫu cũ liên quan đến một số nghĩa vụ của Nga đối với Việt Nam đã tồn tại trong thời kỳ hữu nghị Xô-Việt, nghĩa là tích cực ủng hộ quan điểm của Việt Nam trước Trung Quốc.”
Cùng với đó, các tài liệu bị rò rỉ của Mỹ (báo cáo rằng cuộc chiến tranh với Ukraine của Nga đã nhanh chóng làm cạn kiệt kho quân sự của nước này và nước này hiện đang sử dụng nhiều loại đạn dược cũ hơn). Xuất khẩu quân sự của Nga đã giảm kể từ giữa những năm 2010 và cuộc chiến Ukraine đã đẩy nhanh sự suy giảm này do bất kỳ hoạt động sản xuất trong nước nào cũng đều được đưa vào nỗ lực chiến tranh và cuộc chiến đã cho thấy những hạn chế về mặt công nghệ của thiết bị Nga. Trong khi đó, như đã nói, Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn từ nguồn cung vũ khí từ Nga. Do đó, để có thể “sống xót” trong bối cảnh biến đổi dữ dội của tình hình thế giới, Việt Nam không thể cố gắng “bám víu” vào một nước Nga đang gặp vô vàn khó khăn.
Nhìn nhận một cách khách quan mà nói thì có ba yếu tố chính ràng buộc mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.
Thứ nhất, yếu tố lịch sử, sự kế thừa từ một Liên Xô vĩ đại đã giúp đỡ Việt Nam vượt qua các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và tiếp tục ủng hộ, viện trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã khiến Việt Nam luôn muốn duy trì sự gắn bó khăng khít với Nga mà không cần lúc nào cũng phải đi kèm với các lợi ích kinh tế, quốc phòng.
Thứ hai, Nga là nguồn nhập khẩu vũ khí chủ yếu cho Việt Nam.
Thứ ba, Nga là một đối tác chính trong các dự án về dầu khí tại Biển Đông.
Tuy nhiên, đến bây giờ, với sự thay đổi phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, hai yếu tố cuối cùng đang dần bị loại bỏ. Thế nên, để bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển đất nước thì các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tìm kiếm một đối tác có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước và kiềm chế xung đột tại khu vực.
– Về phía Nga
Vào tháng 2 năm 2022, Trung Quốc và Nga tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn ” chống lại Mỹ. Quan hệ đối tác tiếp tục phát triển khi Trung Quốc mua năng lượng của Nga trong khi Nga mua hàng hóa Trung Quốc. Quan hệ đối tác không giới hạn là vấn đề đối với Việt Nam vì khi Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào Biển Đông, điều này có thể buộc Nga phải lựa chọn giữa các đối tác của mình.
Có thể nói, hành động bành trướng của Trung Quốc, hậu quả từ cuộc chiến tranh Ukraine đã là những thành tố mạnh mẽ đẩy Việt Nam tách dần ra khỏi Nga.
Do vậy, khi Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ thì Nga gần như không có phản ứng gì đặc biệt. Vì chính Nga trong giai đoạn đầy khó khăn này cũng phải chịu sự chi bối bởi các lợi ích kinh tế, chính trị với các quốc gia khác. Nên cho dù là đối tác quan trọng, có một quá khứ tốt đẹp, hữu nghị nhưng việc Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, đối thủ hàng đầu của nước Nga hiện tại cũng không thể đưa Nga đến các phản ứng thiếu thiện chí với Việt Nam như là Trung Quốc. Dù muốn hay không, Nga vẫn phải đón nhận mối quan hệ này như những nước khác trên thế giới và hơn hết nó vẫn không ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nga, Nga tin tưởng vào sự độc lập trong các chính sách ngoại giao của Việt Nam, tin tưởng chính sách quốc phòng “Bốn không”. Rằng chúng ta chỉ quan hệ với Mỹ như một động lực thúc đẩy kinh tế, ổn định Biển Đông, chứ không phải đứng về phía Mỹ để đối đầu với Nga hay bất kì quốc gia nào trên thế giới.
Cũng phải nói thêm, báo chí Nga và cả Trung Quốc khi bình luận về sự kiện này luôn có xu hướng nhắc đến chiến tranh Việt Nam (hay cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước), để nhắc nhở người Việt về sự giúp đỡ của các nước Xã hội Chủ nghĩa dành cho Việt Nam cũng như gợi lại tội ác của người Mỹ ở đây. Hành động trên phần nào thể hiện quan điểm chính trị không mấy ủng hộ của hai nước Nga, Trung Quốc trong sự kiện này. Tuy nhiên, họ cũng hiểu Việt Nam đã phải rất cân nhắc cho những quyết định thế này, Việt Nam buộc phải làm vậy.
(Đây là bài viết tôi chuẩn bị từ năm 2023 khi VN vừa nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, những diễn biến tiếp sau đó không quá bất ngờ về Việt Nam tiếp tục nâng cấp mối quan hệ với Nhật, Úc; chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin. Nó đều là những diễn biến có thể hiểu, và đây là sự tương tác qua lại giữa các bên với “bàn cờ” là VN nên có lẽ bài viết vẫn còn một ít giá trị. Hy vọng, Việt Nam sẽ còn linh hoạt hơn trong đường lối đối ngoại khi nước ngày càng căng thẳng với nhau, như GS. Alexander Vuving nhận định “Nếu cùng bắt lấy tay hai người đang xa nhau thì đến lúc nào đó sẽ bị xé toạc”. Với những thách thức đó, Việt Nam sẽ làm gì? Mong rằng diễn biến QHQT tiếp theo sẽ thật đáng tự hào về chiến lược ngoại giao của Việt Nam. )
Tài liệu tham khảo
1.  Nguyễn Văn Hiển, Dương Thúy Hiền (chủ biên). Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (1995 –2020), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2021), tr.76 – 154.
2.  Lê Đình Tĩnh, Chính sách đối ngoại Mỹ: Tiếp cận từ thuyết hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2020), tr.156 – 174.
3. Lê Hồng Hiệp (2014) “Sóng ngầm địa chính trị khu vực và lựa chọn của Việt Nam”, Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 06/11/2023:  
4. Lê Hồng Hiệp (2023). “Tại sao Việt Nam có thể thiết lập mối quan hệ Đối tác chiếnlược toàn diện với Mỹ?Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 06/11/2023:  
5. Nguyễn Quang Dy (2023), “Hàm ý của thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ”, Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 06/11/2023: 
6. Thanh Phương (2023), “Thời điểm thích hợp để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ”, Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 06/11/2023:  
7. Trần Nam Tiến (2015), “Hội chứng Việt Nam (Vietnam Syndrome)”,Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 06/11/2023:
8. Trần Quyết (2023), “Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2023”, Báo Nhân dân. Truy cập ngày 06/11/2023:  
9. Hoàng Giang (2023), “Động lực cho hợp tác KHCN và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam-Hoa Kỳ”, Báo Điện tử Chính phủ. Truy cấp ngày 06/11/2023:  
10. Việt Hà (2023), “Hợp tác giáo dục: Điểm nhấn trong mối quan hệ giữa Việt Nam vàHoa Kỳ”, Báo Việt Nam Plus. Truy cập ngày 06/11/2023: 
11. Nguyễn Minh Phong (2023), “Quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư Việt- Mỹ nhiều tiềmnăng phát triển”, Báo Điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 06/11/2023: 
12. Ngô Minh Trí (2023), “Kỳ vọng quan hệ Việt – Mỹ”, Báo Thanh niên. Truy cập ngày07/11/2023:  
13. Nguyễn Thị Thanh Hải (2018), “Vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Mỹ”, Tạp chí Cộng sản. Truy cập ngày 27/11/2023:  
14. Lê Hồng Hiệp (2023), “Tham vọng đất hiếm của Việt Nam: Động lực kinh tế và chiếnlược”, Nghiên cứu quốc tế. Truy cập ngày 27/11/2023:  
15.  S. G. Luzyanin (2022), “ ‘Russia – Vietnam – China’triangle: current challenges, transformations and asymmetries” Scientific research, foreign policy, Vietnamese studies. Science magazine. 2022. Vol. 6. No.4
16. Cường Nguyễn Anh (2023), “Human rights issues in Vietnam – The United States of America relations”, Cogent Social Sciences, 9:1, 2193380, DOI: 10.1080/23311886.2023.2193380 (WoS, Scopus).
17. Achala Gunasekara-Rockwell (2023), “Friendship in the Shadow of the Dragon: The Challenge of Upgrading US–Vietnam Ties amid Tensions with China” Journal of Indo-Pacific Affairs, Air University Press.
18. George C. Herring (1991), “America and Vietnam: The Unending War”, Vol. 70, No. 5, America and the Pacific, 1941-1991 (Winter, 1991), pp. 104-119 (16 pages).
19. George C. Herring (1981), “The ‘Vietnam syndrome’ and American foreign policy”,The Virginia Quarterly Review, Vol. 57, No. 4, pp. 594- 612 (19 pages).
20. “China concerns drive historic upgrade in US-Vietnam relations”. AnalyslsThe Guardian (9/2023). Truy cập ngày 20/11/2023:  
21. Dylan Gooding (2023), “The Russian Paradox at the Heart of U.S.- Vietnam Relations”, American Security Project. Truy cập ngày 24/11/2023:  
22. Chen Qingqing and Ma Jingjing (2023), “Biden’s high-profile visit to Vietnam‘symbolic gesture’ with limited outcomes”, Global Times. Truy cập ngày 27/11/2023:
23.. Derek Grossman (2023), “With ASEAN Paralyzed, Southeast Asia Seeks New Security Ties”, Analysis – Foreign Policy. Truy cập ngày 27/11/2023: