Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

Tháng mười 24, 2024

Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

(Xây dựng) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 133/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10/6/2021 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị định số 133/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập và gửi hồ sơ cấp, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Theo quy định mới, đối với thành phần hồ sơ là bản sao không có chứng thực, không được cấp từ sổ gốc thì công ty thông tin tín dụng xuất trình kèm theo bản chính (bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật) để đối chiếu; người đối chiếu ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Đơn giản hóa hồ sơ

Đồng thời, Nghị định số 133/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định về bản khai lý lịch của từng cá nhân là người quản lý doanh nghiệp, thành viên Ban kiểm soát của công ty thông tin tín dụng trong hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Mục 1, Mục 4 và mục Ghi chú của Mẫu lý lịch tóm tắt tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 58/2021/NĐ-CP theo hướng tách riêng quy định các trường thông tin đối với cá nhân là công dân Việt Nam và cá nhân không phải là công dân Việt Nam.

Cụ thể, đối với công dân Việt Nam phải cung cấp các trường thông tin: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân; Nơi sinh; Quốc tịch (các quốc tịch hiện có); Địa chỉ đăng ký thường trú; nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); Tên, địa chỉ và mã số thuế tổ chức mà mình đại diện, tỷ lệ vốn góp, vốn cổ phần được đại diện (trường hợp là người đại diện phần vốn góp, vốn cổ phần); Vợ, chồng, bố mẹ đẻ, con đẻ của người kê khai (Họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân (đối với công dân Việt Nam); số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp (đối với cá nhân không phải là công dân Việt Nam)).

Trong đó, đối với các trường thông tin: nơi sinh, quốc tịch, địa chỉ đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại, Nghị định 133/2024/NĐ-CP nêu rõ chỉ yêu cầu người khai cung cấp khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ không khai thác được thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với cá nhân không phải là công dân Việt Nam phải cung cấp các trường thông tin: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; Nơi sinh; Quốc tịch (các quốc tịch hiện có); Địa chỉ đăng ký theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã); Nơi ở hiện nay tại Việt Nam (tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã) (nếu có); Tên, địa chỉ và mã số thuế tổ chức mà mình đại diện, tỷ lệ vốn góp, vốn cổ phần được đại diện (trường hợp là người đại diện phần vốn góp, vốn cổ phần).

Ngoài những nội dung cơ bản trên, người khai có thể bổ sung các nội dung khác nếu thấy cần thiết.

Nghị định số 133/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024.

Không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hình thành, các cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình (như cấp phép, thực hiện thủ tục hành chính…) có thể khai thác thông tin cư dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí giấy tờ, thủ tục hành chính cho xã hội.

Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cũng đặt ra yêu cầu phải rà soát, tái cấu trúc quy trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, nguyên tắc khi thực hiện thủ tục hành chính là không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ các cơ sở nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2021/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc cắt giảm thủ tục hành chính.