Đồng Nai: Hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia

Tháng sáu 18, 2024

Đồng Nai: Hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia

(Xây dựng) – Hồ Trị An (thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Việc Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg (ngày 13/6/2024) về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia đã tạo thuận lợi lớn cho việc khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch tại đây.

Đồng Nai: Hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia
Quyết định số 509/QĐ-TTg (ngày 13/6/2024) về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ đã đưa hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia. (Ảnh: Phạm Tùng)

Hồ Trị An có diện tích trên 32.000ha, thuộc địa giới hành chính 4 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán. Hồ nằm ở vị trí thượng nguồn sông Đồng Nai và là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Trên lòng hồ Trị An hiện có 76 đảo lớn nhỏ.

Hồ Trị An không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng không gian mặt nước, không gian cảnh quan khu vực ven hồ.

Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg (ngày 13/6/2024) về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, các khu du lịch quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Đồng Nai nằm trong quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam thuộc vùng Đông Nam Bộ, với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển đảo. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng vùng: du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.

Theo quyết định, vùng Đông Nam Bộ phải tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Đồng Nai – Bình Dương; Bình Phước – Tây Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hành lang du lịch Bắc – Nam phía Đông và phía Tây, liên kết với Campuchia theo hành lang du lịch Đông – Tây phía Nam. Theo quyết định của Chính phủ, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu.

Hồ Trị An thành điểm du lịch cấp quốc gia nên theo quyết định của Chính phủ sẽ được ưu tiên đầu tư đồng bộ, đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất. Lúc ấy, hồ Trị An sẽ được “đánh thức” trên cơ sở phát triển du lịch gắn với việc khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com