Đồng Tháp gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới

Tháng mười 13, 2024

Đồng Tháp gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới

(Xây dựng) – Chú trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới đã giúp cho tỉnh Đồng Tháp bắt đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 20 tháng 08 năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, đưa Đồng Tháp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN. Phát huy lợi thế về hạ tầng cửa khẩu, tài nguyên và vị trí địa lý của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Đồng Tháp gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp).

Kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

Đồng Tháp gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (Đồng Tháp).

Đồng Tháp là tỉnh có đường biên giới dài hơn 50km tiếp giáp với tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia, với 07 cửa khẩu; trong đó Cửa khẩu quốc tế Thường Phước có vị trí đặc biệt, có cả 02 loại hình biên giới đường sông và đường bộ. Để tận dụng tối đa và phát triển lợi thế khu vực, thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu, nhất là hai cửa khẩu quốc tế. Thực hiện các thủ tục đầu tư, nâng cấp cửa khẩu Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) – KohRoKa (Prây-veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, giai đoạn 2021 – 2025 vào giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, nhìn chung, kinh tế – xã hội khu vực biên giới phát triển theo tình hình chung của tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên, an ninh trật tự khu vực biên giới tiếp tục ổn định. 6/10 chỉ tiêu của Kết luận số 245-KL/TU có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm.

Đến thời điểm hội nghị sơ kết diễn ra, tỉnh Đồng Tháp đầu tư đã phân bổ khoảng 6.371/7.925 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm tại khu vực biên giới. Nguồn vốn đầu tư của Trung ương hỗ trợ cho khu vực biên giới thực hiện 2 dự án với khoảng 1.770 tỷ đồng, gồm: Dự án Kè An Lạc và Dự án nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự – Vĩnh Hưng. Tỉnh đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khoảng 1.238 tỷ đồng cho Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Dinh Bà – Hồng Ngự.

Khuyến khích giao thương, trao đổi hàng hoá giữa người dân hai nước và khai thác hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu cũng là một trong những mục tiêu được tỉnh Đồng Tháp chú trọng.

Hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp có 11 chợ biên giới, bao gồm: Chợ Thường Phước, chợ Cả Sách, chợ Cầu Muống, chợ Bình Thạnh, chợ Tân Hội, chợ Gò Bói, chợ Dinh Bà, chợ Bình Phú, chợ Thông Bình, chợ Công Bình, chợ Long Sơn Ngọc.

Đồng Tháp gặt hái nhiều “quả ngọt” nhờ tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Quang cảnh một buổi họp chợ tại chợ Thường Phước.

Các chợ trên được thành lập dưới hình thực tự phát, về sau được chính quyền các xã biên giới củng cổ, duy trì và phát triển tới nay, tần suất hoạt động từ 5h00 đến 18h00 hàng ngày. Số lượng người dân phía đối diện biên giới sang chợ từ 200 – 300 người/ngày.

Cư dân biên giới hai bên chủ yếu xuất nhập qua các cửa khẩu đề sang khu vực biên giới đối diện vào chợ mua, bán, trao đổi hàng hóa. Thời gian qua, các đồn Biên phòng luôn phối hợp với lực lượng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu.