Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu nhà ở của các chuyên gia nước ngoài
Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu nhà ở của các chuyên gia nước ngoài
(Xây dựng) – Savills đánh giá, dòng vốn FDI tập trung tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên toàn quốc là yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhà ở của các chuyên gia nước ngoài ngày càng tăng.
Savill đánh giá, dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu nhà ở của các chuyên gia nước ngoài ngày càng tăng. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo thị trường mới nhất của Savills về các giao dịch cho thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý III/2024 cho biết, phần lớn (73%) các giao dịch được thúc đẩy bởi mong muốn chuyển đến các tòa nhà chất lượng cao hơn. Ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản (FIRE) dẫn đầu, chiếm 39% tổng số giao dịch, tiếp theo là ICT với 31% và sản xuất với 13%.
Savills cũng cho rằng, một tỷ lệ lớn (75%) người thuê là các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các công ty trong nước chỉ chiếm 25%. Trong khi đó, chứng nhận xanh đang trở thành trọng tâm cho các dự án văn phòng cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. 63% nguồn cung văn phòng hạng A và B sắp tới sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn này để phục vụ cho các đơn vị thuê quốc tế lớn.
Đáng chú ý, đối với phân khúc căn hộ dịch vụ tại khu vực phía Nam, đối tượng khách hàng mục tiêu chủ yếu là người nước ngoài và khách công tác làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Đặc biệt, dòng vốn FDI đã thúc đẩy nhu cầu về chỗ ở trong số những người nước ngoài.
Ở miền Bắc, FDI tập trung tại Hà Nội và lan sang các tỉnh như: Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Điều này dẫn đến nhu cầu nhà ở của các chuyên gia nước ngoài ngày càng tăng.
Tuy nhiên, báo cáo thị trường quý III của Savills chỉ rõ, các tỉnh lân cận có nguồn cung căn hộ dịch vụ hạn chế và chất lượng tương đối thấp hơn; do đó, nhu cầu về lựa chọn nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài vẫn tập trung tại Hà Nội.
Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Central Management Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng FDI vẫn đang diễn ra, nhưng đã chậm lại đáng kể so với những năm trước”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những lý do là sự suy giảm các dự án đầu tư quy mô lớn vào năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các dự án năng lượng có giá trị cao (từ 2-4 tỷ đô la) đã được thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục, cho thấy triển vọng tích cực.
Bên cạnh đó, các chính sách mới của Chính phủ đã mang lại làn gió mới cho môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Những nỗ lực thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng đã đặt nền tảng vững chắc để Việt Nam tập trung hơn vào phát triển kinh tế. Sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả việc tăng cường ngoại giao kinh tế, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024, bao gồm vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Đầu tư nước ngoài và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 9/2024 là tháng có dòng vốn FDI vào cao nhất trong năm, đạt gần 4,3 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng đầu năm. Ngoài ra, đầu tư tăng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, do các dự án mở rộng vốn quy mô lớn thúc đẩy. FDI tập trung vào các tỉnh, thành phố có lợi thế mạnh về thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng phát triển tốt, lực lượng lao động ổn định, thủ tục hành chính thông thoáng, chủ động xúc tiến đầu tư).
Các địa phương đáng chú ý gồm: Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang và Ninh Thuận. Chỉ riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,1% số dự án cấp mới và 72,9% tổng vốn đầu tư vào cả nước trong 9 tháng.