Du lịch canh nông Lâm Đồng còn cả ‘núi’ vướng mắc
Du lịch canh nông Lâm Đồng còn cả ‘núi’ vướng mắc
Chiều 17.10, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong phát triển DLCN trên địa bàn tỉnh. Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, sản phẩm DLCN từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông. Tuy nhiên khi thực hiện theo quy định của luật Du lịch, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, thì hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 3 điểm du lịch có sản phẩm DLCN được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận.
Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết: Đà Lạt chiếm khoảng 78% điểm DLCN của cả tỉnh. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp vướng mắc. Cụ thể, mô hình DLCN gần như thuộc qui hoạch đất là thuần nông nghiệp. Nhiều điểm DLCN ở xã Tà Nung, diện tích từ vài ha đến gần 10 ha nhưng lại không có một mét vuông đất xây dựng. Nếu làm công trình kiên cố thì vi phạm trật tự xây dựng, còn làm công trình tạm thì luật Xây dựng cũng không quy định rõ về việc cấp phép, thời hạn, quy mô, đối tượng.
“Giữa luật Du lịch, luật Xây dựng và luật Đất đai đang có những vướng mắc rất khó đối với mô hình DLCN. Nếu bây giờ nói các điểm DLCN phải chấp hành quy định về đất đai, xây dựng thì hầu hết đều vi phạm”, bà Loan thừa nhận.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT Lâm Đồng, luật Đất đai 2024 có qui định sử dụng đất đa mục đích, cụ thể là 5% diện tích được xây dựng thương mại, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Đây là hướng mở cho các điểm DLCN nhưng không làm thay đổi bản chất đất nông nghiệp. Các hộ phải làm phương án được thẩm định vị trí diện tích mục đích kết hợp sử dụng, để được cấp phép.
Trước câu hỏi của các đơn vị DLCN khi nào được miễn giấy phép xây dựng? Lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, các khu vực nông thôn nếu xây nhà cấp 4 được miễn thủ tục giấy phép xây dựng, nhưng xây dựng phải đúng quy hoạch. Các huyện đang lập đồ án quy hoạch chung, các nông hộ và đơn vị tổ chức cần cập nhật để phát triển DLCN đúng định hướng quy hoạch.
Sở VH-TT-DL Lâm Đồng thừa nhận, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình DLCN kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong lĩnh vực này, dẫn đến quản lý loại hình DLCN gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp nhất là quy hoạch sử dụng đất, tiêu chí về xây dựng, tỷ lệ công trình có mái che và không có mái che trên đất nông nghiệp…
Kết thúc hội nghị, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng một lần nữa khẳng định DLCN là mô hình mới, đang phát huy lợi thế du lịch Lâm Đồng. Có nhiều mô hình sáng tạo thu hút hàng trăm ngàn du khách một năm. Nguyên tắc du lịch phải mới, phải sáng tạo mới thu hút được du khách. Thực tế ở Đà Lạt có 3 điểm DLCN đạt chuẩn quốc tế về lượng khách đến đạt trên 500 ngàn lượt và thu nhập từ mô hình DLCN đạt hơn 500.000 USD.
Ông Phạm S thừa nhận, DLCN đang vướng giữa luật Du lịch, luật Đất đai và luật Xây dựng khiến mô hình DLCN thời gian gần đây không phát triển.
Theo ông Phạm S, để DLCN phát triển đột phá giai đoạn 2030-2045 giúp Lâm Đồng là trung tâm du lịch xanh – bền vững thì các sở, ngành và chính quyền các cấp cần khuyến khích các tổ chức cá nhân phát triển DLCN để phát huy lợi thế DLCN của Lâm Đồng so với cả nước.
Các Sở, ngành, chính quyền cần hiểu rõ và bám các quy định, luật để hướng dẫn cho người dân trên cơ sở quy định. Những dự án độc lập, có đất xây dựng gởi hồ sơ sang Sở KHĐT thẩm định cấp phép DLCN. Đất nông nghiệp thuần túy sử dụng đa mục đích thì gởi Phòng TN-MT và UBND cấp huyện giải quyết. Nếu cần chuyển mục đích sử dụng gởi hồ sơ đến Sở TN-MT xem xét.
Ông Phạm S giao sở TNMT tham mưu UBND tỉnh trình phương án sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích. Quy định sao dễ làm, dễ hiểu, đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở VH-TT-DL xây dựng bộ tiêu chí để công nhận DLCN tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn tính mạng cho du khách.
Ông Phạm S cũng đề nghị UBND các địa phương căn cứ quy định hiện hành, căn cứ sự hỗ trợ của tỉnh, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để phát triển DLCN.