Dữ liệu cá nhân không phải để mua bán

Tháng bảy 21, 2024

Dữ liệu cá nhân không phải để mua bán

PV Thanh Niên vừa thực hiện cuộc khảo sát việc mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng và không gặp bất cứ trở ngại nào, thông tin thì đủ loại. Trao đổi với PV qua mạng xã hội Facebook, người có nickname Cang Thanh cho biết cần bán lại toàn bộ thông tin data (dữ liệu) khách hàng, gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email… Data bao gồm rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực như bất động sản, condotel, villa, ngân hàng, doanh nghiệp, quan chức, Việt kiều, mua vàng, xe sang, khách hàng có bất động sản cao cấp cho thuê tại các khu vực Hà Nội và TP.HCM… Giá bán toàn bộ chỉ 250.000 đồng.

Trong khi đó, nickname LongLong gửi cho PV danh sách hơn chục khách hàng có tiền gửi ngân hàng, kèm số điện thoại, số dư tài khoản. Nick Pearl68 thì sẵn sàng cung cấp thông tin dữ liệu của 3 – 4 triệu Việt kiều Mỹ, giá 7.000 đồng/số.

Dữ liệu cá nhân không phải để mua bán- Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, thừa nhận: “Tình hình mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân hiện nay ở trên mạng diễn ra rầm rộ, công khai, thậm chí có sự bắt tay, móc ngoặc giữa một số nhân viên đang quản lý data khách hàng của các hãng máy bay, bất động sản, nhà mạng viễn thông… để đưa thông tin cá nhân ra ngoài. Việc mua bán này đương nhiên sẽ mang lại lợi ích, lợi nhuận cho những kẻ làm ăn phi pháp, tuy nhiên hậu quả mà khách hàng gánh chịu sẽ rất nặng nề”.

Thông tin bị bán để kinh doanh, lừa lọc

Nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc trước tình trạng ngang nhiên mua bán thông tin cá nhân hiện nay. BĐ vantran.trv nêu: “Tôi thấy việc mua bán dữ liệu cá nhân ngày càng lộng hành và công khai, lộ liễu hơn. Hậu quả là các cuộc gọi rác, quảng cáo làm phiền và lừa đảo ngày càng nhiều hơn”.

“Các vụ lừa đảo gần đây với số tiền rất lớn đều nhắm vào khách hàng của các ngân hàng. Với người đầu tư chứng khoán như tôi thì dường như kẻ gian đã biết rõ số dư và liên tục gọi làm phiền, mời chào nhằm mục đích lừa lọc”, BĐ Văn Long Mạc cho biết thêm.

BĐ Trac Vo nêu nghi ngại: “Các cá nhân, khách hàng thường xuyên mua hàng trên mạng, hay ngoài siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đều bị lộ số điện thoại cá nhân… Vậy thông tin bị lộ từ đâu?”.

“Hiện nay, ngân hàng và một số ứng dụng bắt đầu thu thập thêm dữ liệu sinh trắc học của người dùng. Nếu không có biện pháp để bảo vệ, ngăn chặn việc lộ dữ liệu thì sẽ khó kiểm soát, hậu quả còn khủng khiếp hơn”, BĐ T.D.B cảnh báo.

Xử lý mạnh để bảo vệ dữ liệu công dân

BĐ Trung Van nêu quan điểm về việc mỗi người phải biết tự bảo vệ thông tin của mình: “Nếu không muốn thông tin riêng tư bị đem rao bán khắp nơi, thì trước hết mình phải biết tự bảo vệ. Không tùy tiện gặp đâu đưa đó số điện thoại, email, tài khoản”.

Trong khi đó, BĐ Đức Thuần Phạm đề nghị đưa ra khung xử phạt nghiêm khắc tương xứng với mức thiệt hại từ việc công dân bị lộ lọt thông tin cá nhân: “Nên phạt cỡ 20 triệu đồng cho mỗi thông tin mà công dân bị phát tán, mới có tác dụng răn đe. Gây thiệt hại lớn, người vi phạm phải bị tịch thu tài sản luôn thì mới không dám bán thông tin cá nhân nữa”.

“Rất mong ngành chức năng có giải pháp bảo vệ an toàn dữ liệu cho công dân. Trong thời đại bùng nổ thông tin, chuyện dữ liệu cá nhân xuất hiện nơi này nơi kia là khó tránh được. Nhưng điều tôi muốn là thông tin của mình không bị lợi dụng để người khác thu lợi nhuận hay bị sử dụng để tấn công ngược lại chính chủ”, BĐ Trang Quân đề đạt.

Chuyện mua bán thông tin cá nhân đã có từ lâu rồi. Tình trạng này tôi thấy càng ngày càng lộng hành.

Anh Hoàng

Chỉ phạt mức tiền không đáng kể thì kẻ xấu có tiền đâu có sợ. Nên bổ sung phạt lao động công ích hoặc phạt tù mới đủ răn đe nếu cố tình vi phạm.

Nguyen Nguyen

Mong sớm có luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân và tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phu Lê


Bạn đang đọc Dữ liệu cá nhân không phải để mua bán tại website hungday.com