Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM

Tháng sáu 12, 2024

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM

Buổi gặp gỡ thân mật, ấm cúng với báo chí tại Tổng lãnh sự quán Ý (Q.1, TP.HCM) của ban tổ chức (BTC) La Passione sáng ngày 12.6 vừa nhằm trò chuyện về buổi hòa nhạc sắp tới, vừa giới thiệu sách và nói chuyện về thưởng thức nhạc thính phòng tại Việt Nam. Buổi gặp gỡ có ông Enrico Padula, Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM; GS. người Ý Gianni Kriscak, chủ biên cuốn sách Lịch sử opera Ý – Từ sơ khai đến đầu thế kỷ XVIII (Công ty Omega và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành); bà Trịnh Thị Oanh, giảng viên thanh nhạc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (đồng tác giả sách); và đặc biệt là 2 nhân vật chính – Hiền Nguyễn Soprano và Quốc Đạt Baritone. 

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM- Ảnh 1.

Từ trái qua: Quốc Đạt Baritone, Hiền Nguyễn Soprano, ông Enrico Padula và GS. Gianni Kriscak

THẾ SANG

Buổi hòa nhạc, như chính tên gọi “La Passione” có nghĩa là đam mê, là tình yêu mà các nghệ sĩ cũng như diễn giả dành cho nhạc cổ điển Ý. Sự kiện lần này diễn ra trùng với kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng lãnh sự quán Ý tại TP.HCM. Chương trình do các nghệ sĩ tự lực thực hiện và được mời du diễn tại hai thành phố của Ý.

Trước khi “Nam tiến” vào TP.HCM, đêm diễn La Passione ngoài Hà Nội vào tháng 3.2024 vô cùng thành công. Buổi hòa nhạc khi đó diễn ra không lâu sau khi Hiền Nguyễn gặp đàn em Quốc Đạt. Và cũng cuối năm rồi, Quốc Đạt đã chứng tỏ giọng hát đầy nội lực của mình khi đoạt giải nhất cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch toàn quốc 2023. Khi nhận lời ngỏ từ đàn chị tổ chức concert về nhạc thính phòng ở TP.HCM, anh cho biết sau khi suy nghĩ một thời gian đã đồng ý ngay. 

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM- Ảnh 2.

Hiền Nguyễn Soprano và Quốc Đạt Baritone biểu diễn trong buổi gặp mặt

THẾ SANG

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM- Ảnh 3.

Buổi hòa nhạc La Passione tại TP.HCM được chuẩn bị kỹ lưỡng

BTC

Buổi hòa nhạc La Passione lần này là điểm đến trong kế hoạch dài hơi mang nhạc thính phòng giới thiệu đến khán thính giả trong và ngoài nước của BTC. Và ở “trạm dừng” này, La Passione được “cải biên” khác với buổi diễn ngoài Hà Nội để hợp với “ngưỡng nghe”, “ngưỡng cảm thụ” của khán thính giả TP.HCM. 

Cụ thể, Hiền Nguyễn Soprano cho biết âm nhạc thính phòng trong buổi diễn sắp tới sẽ trở nên hội nhập và gần gũi, hướng đến đại chúng nhiều hơn vì từ lâu, âm nhạc thính phòng thường được nhìn nhận là loại hình nghệ thuật phải được tiếp nhận một cách rất trịnh trọng. Nhưng ngay trong loại hình này cũng có tính giải trí, thế nên các nghệ sĩ sẽ thay đổi tinh thần của buổi diễn theo hướng khác. 

Thế mạnh của Hiền Nguyễn Soprano là chị không chỉ theo học opera một cách bài bản ngay tại cái nôi của nó – nước Ý mà chị còn biết tiếng Ý, và điều này rất quan trọng đối với một nghệ sĩ hát opera. GS. Gianni Kriscak đánh giá cao giọng hát của Hiền Nguyễn, rằng chị sở hữu giọng hát đẹp, hát opera bằng tiếng Ý. Về phía giọng ca Quốc Đạt, anh sở hữu giọng hát đầy nội lực và rất vang. Sự kết hợp của Hiền Nguyễn Soprano và Quốc Đạt Baritone trong buổi hòa nhạc sắp tới hứa hẹn sẽ thỏa mãn những khán thính giả khắt khe nhất. 

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM- Ảnh 4.

Bà Trịnh Thị Oanh chia sẻ về quyển sách Lịch sử opera Ý – Từ sơ khai đến đầu thế kỷ XVIII

THẾ SANG

Buổi hòa nhạc với tinh thần phá vỡ những “chuẩn mực” của nhạc thính phòng và đưa loại hình này đến với đông đảo công chúng hơn, sẽ gồm 2 phần phối trộn những ca khúc lời Việt và lời Ý. Phần đầu 2 nghệ sĩ sẽ trình diễn các ca khúc thính phòng và trích đoạn opera kinh điển, gồm một số tác phẩm tiêu biểu như Trường ca Sông Lô của Văn Cao, aria Quando m’en vo (Khi tôi bước qua) trích từ vở opera La Bohème của nhà soạn nhạc Ý Puccini, Torna a Surriento (Trở về Surriento) – một trong những ca khúc thính phòng nổi tiếng nhất thế giới… Phần 2 gồm các ca khúc Việt Nam và quốc tế được biểu diễn theo phong cách bán cổ điển pha trộn một số phong cách khác như smooth jazz, pop… Một số tác phẩm tiêu biểu sẽ được diễn trong phần 2 gồm Mùa hè đẹp nhất, Cỏ và mưa, Bình yên… 

Và cũng chính trong phần 2 này, theo Hiền Nguyễn Soprano, chất đại chúng sẽ được chú ý thể hiện nhiều với phong cách pop hóa nhạc cổ điển vô cùng mới mẻ để hợp với “gu” nhạc của đông đảo khán giả. 

Trong buổi gặp mặt, BTC cũng giới thiệu quyển sách Lịch sử opera Ý – Từ sơ khai đến đầu thế kỷ XVIII của nhóm tác giả gồm GS. Gianni Kriscak (chủ biên), Nguyễn Thị Hiền (tức Hiền Nguyễn Soprano) và Trịnh Thị Oanh. Đây là phần đầu tiên trong loạt 2 cuốn sách viết về loại hình nghệ thuật opera một cách bài bản, chuyên sâu, đầy đủ. Có thể nói lần đầu tiên ở Việt Nam có một quyển sách học thuật được viết nghiêm cẩn về opera với sự trao đổi, làm việc liên tục của các tác giả. 

Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM- Ảnh 5.

Sách Lịch sử opera Ý – Từ sơ khai đến đầu thế kỷ XVIII

THẾ SANG

Có yêu rồi mới đi, có đi rồi mới đến, điều này phù hợp để nói về Hiền Nguyễn Soprano và Quốc Đạt Baritone. Để có được chương trình lần này, Hiền Nguyễn đã cố gắng rất nhiều, bằng chứng là hành trình chị tìm học một cách bài bản nhạc cổ điển Ý tại đất khách quê người và truyền lại lửa cho những người khác. Cùng nhau, mọi người muốn thông qua La Passione mang âm nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng Việt Nam, người nghệ sĩ cũng từ việc trình diễn này có thể “đứng ngang hàng” với âm nhạc quốc tế vì đã hát loại âm nhạc đầy đam mê, đầy nhiệt huyết. 

Buổi hòa nhạc La Passione sẽ diễn ra tối ngày 16.6 tại Nhà hát TP.HCM (Q.1). 

 


Bạn đang đọc Đưa nhạc thính phòng đến gần công chúng TP.HCM tại website hungday.com