ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG – Đọc Cho Con, Học Cho Mình

Tháng sáu 29, 2024

Mình đọc Đường Xưa Mây Trắng chung với con như một cách kể chuyện bé nghe trước giờ đi ngủ. Thế nhưng, bé nhà mình càng nghe càng tỉnh nên quá trình có chút chập chờn. Dù vậy, mình cũng duy trì đọc lúc nhiều lúc ít với mong đợi có chút gì thẩm thấu vào tâm hồn em bé đang lớn từng ngày. Sau hơn 700 trang sách cùng đôi ba vết rách, kết quả cũng được đôi chút như mong đợi.

Ngoài “trộm vía” dư thừa năng lượng, bé còn đi nhiều như bước chân hành trì của Đức Phật. Sau khi ngủ dậy, “chị ấy” đi mải miết từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ sáng đến tối, lúc dứt khoát lúc chập choạng. Và từ 4H chiều đã mong ngóng đi chơi, nôn nao canh cổng dù 5H thì ba mới tan làm và chạy về nhà.
Nắm bắt thời cơ, mình nhanh chóng “update profile” con gái có kỹ năng đặc biệt là “chân không mỏi”. Bên cạnh “skill” ăn không nghỉ từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, trừ lúc bận tắm, khóc và đi vệ sinh.
Nhưng không chỉ riêng con, mình cũng được “tưới tắm” tâm hôn bằng những giọt nước mát lành suốt 1 năm cặm cụi đọc sách. Khi viết tác phẩm này, thiền sư Thích Nhất Hạnh không muốn đào sâu những truyền thuyết hay nhấn mạnh phép màu của Đức Phật. Bởi lẽ, soi chiếu vào những điều ấy chỉ khiến hành trình tu tập và hình tượng của Phật trở nên hoàn mỹ đến độ xa vời tưởng chừng không tưởng.
Thay vào đó, sư ông chỉ kể câu chuyện của thái tử Siddhatta có gần như mọi thứ trên đời nhưng vẫn trăn trở tìm kiếm một con đường giải thoát cho chính mình, cho người khác và toàn thể chúng sinh khỏi Khổ Đau. Mang bao trăn trở khôn nguôi, chàng thái tử tự nguyện dấn thân qua bao khổ cực, gian nan và trở thành Bụt, “người tỉnh thức” giác ngộ những chân lý của sự sống vô hạn, vũ trụ bao la và tâm ý con người.
Trong sách, thiền sư không dùng từ Đức Phật mà dùng từ Bụt, vốn được những em bé mà người có duyên gặp gỡ dưới gốc cây bồ đề để chỉ một “người tỉnh thức”, “sống tỉnh thức” và chỉ dạy mọi người về “đạo tỉnh thức”. Những điều Bụt dạy đều gắn liền với cuộc sống như mặt đất, biển cả, chiếc lá cho đến cậu bé chăn trâu Svastika nên đọc rất nhẹ nhàng, thanh thoát và cuốn hút chứ không hề cứng nhắc, giáo điều hay khô khan.

Với hiểu biết đơn sơ đã có về Phật Pháp, mình lại được đi sâu hơn để cảm nghiệm các khái niệm nền tảng được của đạo Bụt như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, 3 pháp ấn Khổ – Vô thường – Vô ngã. Thực tế hơn là cách nhìn hiểu – thương để bình tâm nhìn lại cái nhân đang gieo và hiểu được đôi chút cái “khổ” của người khác khi gặp mâu thuẫn. Với một người vốn khó tính và hay áp đặt, mình được “chữa lành” và “chuyển hóa” rất nhiều khi dõi theo bước chân Bụt.
Mang tâm thế đang đọc một câu chuyện, mình không nỗ lực để ghi nhớ mọi kiến thức và cứ tận hưởng trọn vẹn nội dung. Để rồi sau mỗi lần đọc, mình luôn đọng lại một cảm giác an nhiên và cảm phục với sự thấu suốt, an tĩnh, điềm nhiên của Bụt trước những nghịch cảm và thù ghét xung quanh.
Gần đây, mọi người bàn tán về hiện tượng thầy Minh Tuệ hành đạo, đa phần là sự ngưỡng mộ nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều. Thực ra, thời Bụt còn tại thế và giúp biết bao người giác ngộ cách đây hàng ngàn năm thì cũng có không ít nghi ngờ và bày đủ mưu kế hạ bệ Bụt, từ bôi nhọ danh dự đến thuê người ám sát. Thậm chí, một người đệ tử tài giỏi tên là Devadatta còn chống đối, lập bè kết phát và “rỉ tai” vị vua trẻ để hãm hại Bụt nhiều lần vì ước muốn khuếch trương sức ảnh hưởng của chính giáo lý đạo Bụt.
Dù vậy, Bụt vẫn cứ nhẹ nhàng đối diện với “khổ” (điều bất như ý) để hiểu về “tập” (nguyên nhân của khổ) và rèn luyện mình đi đến “diệt” (kết thúc của khổ) nhờ bước đi trên “đạo tỉnh thức”. Để rồi, những âm mưu, tính toán, kế hoạch để phải chùn bước trước tấm lòng từ bi, đức độ và hết lòng cho đi của một bậc giác ngộ.
Mình nhận ra, một hành động vị tha xuất phát từ cái tâm trong sáng có sức nặng hơn mọi lời nói hoa mỹ.
Sau này, chính người đệ tử phải chịu thảm cảm ốm liệt giường nhưng chẳng ai quan tâm dù xưa kia cả trăm người ủng hộ. Trước khi chết, Devadatta chỉ ước muốn được gặp lại Bụt, được nương tựa vào người thầy luôn yêu thương và mang đến sự giải thoát cho bất kỳ sinh linh nào mong cầu được bình an, dẫu là tên sát nhân đã giết gần trăm mạng người.
Chính cái tâm hồn nhiên và trong sáng để đón nhận mọi điều xảy đến với mình, cứ sống hết lòng, nhẹ nhàng và buông xả đã giúp mình vực dậy tinh thần không ít lần đối diện với những bế tắc tâm lý. Mình cảm nhận rõ thứ gọi là “cho đi không mong cầu” để hết lòng, hết tâm, hết sức trong mỗi việc cần làm, có mặt trong hiện tại và bớt đi kỳ vọng ở tương lai. Rồi kết quả như thế nào thì cứ tùy duyên như mọi điều tự nhiên trong đời.
Xuyên suốt tác phẩm, câu chuyện xoay quanh về hành trình của Bụt được quan sát qua góc nhìn của nhân vật Svastika. Vốn là cậu bé chăn trâu, thuộc giới ngoại cấp thấp hèn hơn cả nô lệ trong xã hội thời ấy, Svastika tình cờ gặp Bụt khi người giác ngộ bên cội bồ đề và chạm ngõ đạo tỉnh thức qua những câu chuyện kể thú vị. Để rồi, Svastika kham nhẫn bước đi hơn 40 năm trên con đường mà Bụt dẫn lối, lĩnh hội những giáo lý uyên thâm và trở thành một khất sĩ được ngưỡng vọng khi thấu suốt những sự thật từng bị che mờ bởi vô minh, bởi tham – sân – si.
Sau khi Bụt viên tịch, đại đức Svastika quay trở lại nơi chốn cũ. Trên con Đường Xưa và dưới những đám Mây Trắng, đại đức nhận thấy Bụt hiện diện trong những hạt mầm đã gieo trong mỗi người mà “đạo tỉnh thức” chạm đến suốt hàng chục năm Bụt bước đi trong chánh nhiệm. Nhìn thấy những chú bé chăn trâu như mình đã từng, đại đức Svastika quyết định giảng dạy về đạo tỉnh thức như sự tiếp nối của Bụt, của đạo tỉnh thức cho đến muôn đời sau. Để “Bụt là suối nguồn. Thầy Svastika và các em bé chăn trâu bên bờ sông là dòng sông liên tục chảy từ suối nguồn đó”.
Chúng ta cũng có thể như Svastika, lật giở trang sách và dò dẫm bước trên con đường Bụt từng đi nhờ sự nâng đỡ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tùy thuộc vào khả năng mỗi người, chúng ta có thể bỡ ngỡ nhưng cũng có thể hiểu sâu xa đạo lý của Bụt. Chẳng cần vội vàng hay lo ngại sẽ lâu, mỗi người đều có tiến trình của riêng mình. Để sau hàng ngàn năm, mỗi chúng ta đều có thể trở thành dòng sông, an nhiên sống trọn vẹn, an trú trong hiện tại và an lạc từng phút giây.
Cầu chúc, mỗi chúng ta đều sẽ có cơ duyên để “trở thành dòng sông”!

Đường Xưa Mây Trắng – Sư ông Thích Nhất Hạnh
08/2023 – 06/2024