EURO và những điều thú vị: ‘Cú Panenka’ huyền thoại

Tháng sáu 1, 2024

EURO và những điều thú vị: ‘Cú Panenka’ huyền thoại

PANENKA LÀ AI ?

Bóng đá Tiệp Khắc nói chung, cũng như tiền vệ Antonin Panenka nói riêng, rất giỏi về kỹ thuật chuyền bóng, nhất là những đường chuyền chọc khe mở ra cơ hội ghi bàn. Chỉ hơi đáng tiếc: vũ khí tối thượng ấy được trình diễn thường xuyên trong thời kỳ mà bóng đá chưa có số liệu thống kê, kiểu Opta, như bây giờ. Do vậy sẽ chẳng ai biết rốt cuộc thì Panenka kiến tạo bao nhiêu bàn thắng mỗi mùa.

EURO và những điều thú vị: 'Cú Panenka' huyền thoại- Ảnh 1.

Antonin Panenka với cú sút 11 m kinh điển ở trận chung kết EURO 1976 giữa Tiệp Khắc và Đức

AFP/TVP Sports

Nếu không vào Wikipedia, khả năng cao là cũng chẳng ai biết hoặc nhớ Panenka đã gặt hái danh hiệu nào. Ngay trong làng bóng Tiệp Khắc, Panenka chỉ khoác áo CLB nhỏ Bohemians Prague. Ông gia nhập lớp năng khiếu bóng đá của Bohemians năm lên 10 tuổi và “phải” gắn bó với đội bóng này suốt 23 năm. Tất cả nói lên một điều: hầu như thế giới bên ngoài không biết đến Panenka. Họa chăng, chỉ có Zdenek Hruska hiểu rõ về một đặc điểm khi chơi bóng của Panenka. Nhưng Hruska chỉ là thủ môn của Bohemians, làm gì được vào đội tuyển quốc gia tham dự EURO 1976! Tại kỳ EURO ấy, Panenka là cầu thủ duy nhất của Bohemians. Vậy nên, ngoài bản thân Panenka, có lẽ không ai biết trước được ông sẽ sút 11 m như thế nào, nếu có cơ hội.

Hruska hiểu rõ cú sút này vì sau các buổi tập ở CLB, ông và Panenka thường “cá độ” với nhau trong việc sút phạt đền. Panenka sút giỏi, nhưng không thể bắt bóng. Hruska dĩ nhiên hơn hẳn về tài bắt bóng, còn sút phạt đền thì… ai cũng làm được. Cho nên, Panenka thua nhiều hơn thắng. Và ông phải vắt óc nghĩ ra một kiểu sút mới để gỡ gạc!

Vâng, chúng ta đang nói về “cú Panenka” – cú sút nổi tiếng nhất trong lịch sử EURO. Wikipedia hoặc các tự điển bóng đá thì miễn bàn rồi. Các tự điển bao quát mọi lĩnh vực trong cuộc sống như Oxford hoặc Cambridge từ lâu cũng đã có mục riêng để giải thích “cú Panenka”. Đấy là cách sút phạt đền mà cầu thủ sục bóng một cách tinh tế, vừa đủ lực để quả bóng bay bổng lên rồi lại đáp xuống nhẹ nhàng ngay giữa khung thành, sau khi thủ môn đã… bay người sang một bên, và dù hiểu rõ điều gì xảy ra thì cũng không kịp quay lại bắt bóng. Bây giờ nói đơn giản “cú Panenka” thì ai xem bóng đá cũng hiểu. Báo chí khắp nơi thường xuyên bình chọn những “cú Panenka” đáng xem hoặc đáng nhớ trong bóng đá hiện đại. Zinedine Zidane, Francesco Totti, Andrea Pirlo… đều đã sút 11 m như thế.

PANENKA KHÔNG BAO GIỜ SÚT BÓNG NHƯ THẾ NỮA !

Đấy là loạt sút luân lưu 11 m ở trận chung kết EURO 1976 giữa Tiệp Khắc và Đức. Vài tuyển thủ Tiệp Khắc đã rời sân, chuẩn bị bước vào đường hầm khi trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2. Dĩ nhiên họ đã biết, nhưng ngay lúc ấy lại quên béng điều lệ mới, lần đầu tiên được áp dụng ở một giải đấu lớn: nếu hòa sau 120 phút thì các đội sẽ phân định thắng thua bằng loạt sút 11 m. Người của ban tổ chức phải rượt theo gọi họ trở lại. Giới truyền thông thời ấy phải thi nhau giải thích với độc giả hoặc khán, thính giả, rằng đá luân lưu 11 m là như thế nào.

Yếu tố tâm lý quan trọng thế nào trong màn đá luân lưu 11 m, đâu cần nói nữa! Tiệp Khắc đá trước, và luôn thành công, trong khi Uli Hoeness bên phía đội Đức đá hỏng quả thứ 4. Như vậy, Tiệp Khắc sẽ lập tức thắng nếu Panenka sút thành công quả thứ 5. Còn nếu Panenka thất bại, vẫn chưa kết luận được gì. Đây cũng là thuận lợi lớn, là điều kiện quá tốt để Panenka tự tin thực hiện cú sút độc đáo do chính ông nghĩ ra. Cuối cùng ông đã làm được và cú sút ấy đi vào huyền thoại.

Vua bóng đá Pele bình luận: chỉ có hai loại người sút được như thế – một là người điên, hai là thiên tài bóng đá! Thủ môn Tiệp Khắc Ivo Viktor thì bình luận vui: nhờ ông mà cả thế giới mới biết và nói về “cú Panenka” suốt gần nửa thế kỷ qua, nhưng Panenka lại chưa từng cảm ơn! Viktor muốn nói: chính Panenka mắc lỗi cá nhân khiến Tiệp Khắc thủng lưới ở phút 89 và tỷ số được cân bằng 2-2. Bằng không, chưa chắc đã có “cú Panenka” trên đời.

Panenka còn tiếp tục sút luân lưu hoặc phạt đền ở EURO 1980 hay World Cup 1982, nhưng ông không bao giờ lặp lại cú sút ấy nữa, trong màu áo đội tuyển quốc gia. Mặt khác, Panenka nói: “Toàn bộ sự nghiệp bóng đá của tôi rơi vào quên lãng vì người ta chỉ nói về tôi qua cú sút ấy”. Kỳ thực, người ta cũng chỉ nói về “cú Panenka”, chứ ít ai quan tâm Tiệp Khắc thắng Hà Lan 3-1 hoặc Đức thắng Nam Tư 4-2 để vào tranh chung kết EURO 1976 như thế nào. Ngoài trận tranh hạng 3 (Hà Lan – Nam Tư: 3-2), tất cả các trận đấu tại EURO 1976 đều bất phân thắng bại trong 90 phút. Nhưng chỉ có trận chung kết là kéo dài đến loạt sút luân lưu 11 m, mà xin nhắc lại: trước đó chưa hề được áp dụng trong bóng đá đỉnh cao. (còn tiếp)

ĐỨC “VÔ ĐỊCH” VỀ ĐÁ LUÂN LƯU

Sau khi thua Tiệp Khắc trong loạt sút luân lưu 11 m tại chung kết EURO 1976, đội tuyển Đức luôn thắng trong màn “xổ số” này ở hai giải lớn EURO, World Cup. Cụ thể, họ đã thắng Pháp tại bán kết World Cup 1982, thắng Mexico tại tứ kết World Cup 1986, thắng Anh tại bán kết World Cup 1990, thắng Anh tại bán kết EURO 1996, thắng Argentina tại tứ kết World Cup 2006, thắng Ý tại tứ kết EURO 2016. Nghĩa là đã có 6 chiến thắng liên tiếp, liên quan đến không ít lần người Đức lên ngôi vô địch EURO, World Cup.

Trong số những đội mạnh ở châu Âu thì Bồ Đào Nha đứng ngay sau Đức về hiệu quả sút luân lưu 11 m ở EURO và World Cup, nhưng đội này thi sút không nhiều (chỉ 4 lần: thắng 3, thua 1). Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan đều thua nhiều hơn thắng, trong đó Anh (thắng 2, thua 7) và Hà Lan (thắng 2, thua 6) có thành tích sút luân lưu kém nhất. Ý và Tây Ban Nha đều thắng 5, thua 6. Pháp thắng 3 thua 5.



Bạn đang đọc EURO và những điều thú vị: ‘Cú Panenka’ huyền thoại tại website hungday.com