“Food For Thought” cho người đang trì hoãn việc viết
Tháng sáu 29, 2024
Bài viết này có lẽ dành cho những ai đang sợ bắt đầu việc viết, trì hoãn việc viết, trừ khi nội dung bạn muốn viết không thể chia sẻ vì nó có thể tác động tiêu cực đến bạn và người khác.
Gần 4 tháng nay mình tham gia 2 thử thách Viết Dở Và Đều và Viết Đều Và Hay của một khóa học viết blog.
Về 2 thử thách này:
1. Viết Dở Và Đều: Trong 30 ngày viết tối thiểu 25 bài. Mỗi bài tối thiểu 200 từ. Mỗi ngày chỉ được đăng lên 1 bài.
2. Viết Đều Và Hay: Trong 12 tuần, viết tối thiểu 9 bài. Mỗi tuần được đăng tối đa 1 bài. Không được skip 2 tuần liên tiếp. Mỗi bài tối thiểu 500 từ.
Trước khi tham gia thử thách viết
Ai mà có ngờ mình có thể viết được như thế chứ.
Trước khi tham gia Viết Dở Và Đều, mình lập tài khoản Spiderum này được 2 năm, nhưng chỉ viết được 29 bài.
30 ngày đều viết á? Điều này đồng nghĩa là ngày nào mình cũng phải suy nghĩ: “Hôm nay viết gì nhỉ?”. Và rồi rất nhiều lần mình gia nhập “Câu lạc bộ (đăng bài lúc) 23:59’ ” 🤣.
Nhớ về những ngày nhen nhóm lập 1 trang blog, mình sợ…
– Sợ viết rồi không ai đọc
– Sợ viết dở quá và nhận được “gạch đá” từ mọi người
– Sợ không biết bắt đầu từ đâu
– Sợ không biết một bài blog gồm có những phần nào
– …
Và vô vàng nỗi sợ do chính bản thân mình tự nói với mình rằng: “Mày không viết blog được đâu”.
Và rồi với bản tính “mắc nói”, “mắc kể” và những thứ mà mình ước ao có thể được viết vì mình và vì người khác, mình bắt đầu những bước nhỏ đầu tiên.
Những điều mình “khắc cốt ghi tâm” mỗi khi trì hoãn việc viết
Những bài học này được mình rút ra và học từ cộng đồng Bloggers / Writers trong 2 thử thách viết (“Viết Dở Và Đều” và “Viết Đều Và Hay”).
1. Một bài viết không nói lên được điều gì về bạn
Giữa hàng tỷ nội dung người ta tiếp xúc mỗi ngày, một bài viết của bạn chẳng là “cái đinh” gì cả.
Nếu bài viết của bạn không thu hút, người ta sẽ lướt qua, thậm chí ngay khi vừa đọc tiêu đề.
Nếu bạn viết được 1 bài thu hút, okay, có thể bạn sẽ được vài người hoặc nhiều người chú ý hơn, lượt xem cao hơn so với những bài khác, nhận được nhiều upvote / bình luận hơn.
Rồi sao nữa?
Bạn cũng chỉ là 1 người viết trong hàng tỷ người viết trên thế giới này.
2. Quan trọng là viết ĐỀU trước đã
Viết “hay” không bằng viết “đều”.
“Nếu bạn viết 1 bài hay, nhưng mỗi tháng / 3 tháng / năm bạn chỉ viết 1 bài, thì làm sao người khác có thể nhớ đến bạn?”
Nhìn lại những thứ mình đã viết, đã chia sẻ trên mạng xã hội, người khác thường nhớ đến mình là người hay chia sẻ những lời khuyên / bài học mình có được khi đi làm, nhớ mình là một người thích chạy bộ, thích chơi thể thao, là một người thích lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.
Tất cả những điều này mình có được là nhờ viết ĐỀU.
“Đều và Hay, trong hoàn cảnh này là sự Sống và sự Phát triển.
Vì có lẽ, chỉ có sự Sống mới ngày qua ngày, luôn lặp lại, đều đặn. Và sự Phát triển chính là sự tiếp nối và truyền thừa của giá trị, được coi là hay ho.
Nếu bài viết mình chưa Hay với bản thân ở hiện tại, thì hãy tiếp tục phát triển nó với hy vọng tương lai nó sẽ Hay hơn.” –
Viết “dở” thì dễ hơn viết “hay”
Không liên quan đến viết ĐỀU lắm. Nhưng khi phải viết theo một tần suất nhất định, mình dễ lo lắng rằng bài viết chưa đủ “chín” để cho người khác đọc và nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng bài viết.
Mình cam đoan rằng, đa số chúng ta có thể dễ dàng tự nhận “Mình viết dở lắm” hơn là “Mình viết hay lắm”.
Bởi lẽ, thế nào thì gọi là “hay”? “Hay” với mình có chắc là “hay” với người khác không?
Đó có lẽ cũng là vì sao Ban tổ chức không hề nêu ra tiêu chí nào cho “Hay” và “Dở” ở 2 thử thách viết mà mình tham gia.
(Thực tế là mình chưa có bài viết nào lên “TOP” của Spiderum trong thử thách Viết Đều Và Hay, nhưng lại có 2 bài viết “trên TOP” qua thử thách Viết Dở Và Đều)
Vậy thì trước khi nghĩ đến việc mình viết “hay”, thì viết ĐỀU trước đã.
3. Để người đọc dễ tiêu thụ bài viết của bạn hơn, hãy giảm năng lượng của họ để tiêu thụ bài viết của bạn
Người đọc sẽ không bao giờ rời đi vì bài viết của bạn quá dài. Họ chỉ rời đi vì bài viết của bạn QUÁ DÀY
Đây là bài học đầu tiên ở khóa học viết mà mình nhớ nhất.
Thật ra nếu bài của bạn thật sự mang lại giá trị cho người đọc, họ vẫn sẽ cố gắng đọc. Nhưng thay vì vậy:
Hãy giảm năng lượng tiêu thụ nội dung của họ để thông điệp bài viết của bạn được truyền đạt một cách dễ dàng hơn.
Đây là một vài mẹo của mình để giúp người đọc không phải dành quá nhiều năng lượng để tiêu thụ bài viết.
✔️Cấu trúc 1-3-1:
– 1 câu/dòng nêu quan điểm
– 3 dòng diễn giải quan điểm ấy
– 1 câu chốt
Hoặc cấu trúc có thể là 1-4-2-1 hoặc bất kì cấu trúc nào tùy bạn.
✔️In đậm, in nghiêng, gạch dưới những ý quan trọng người đọc cần nhớ để đi đến thông điệp của bài viết.
✔️Với những chỗ cần liệt kê, thay vì dùng dấu “,” hãy sử dụng bullet point nhiều hơn.
✔️Chèn hình minh họa để người đọc được “giải lao” sau khi “lội” qua một đoạn chữ dài.
…Và mình tin là còn nhiều cách khác để người đọc dễ dàng đọc hết bài viết của bạn hơn.
Bạn có thể đọc thêm nhiều bài của người khác để học cách họ làm điều này nhé.
Kết
Mỗi lần thấy bản thân mình trì hoãn viết, mình cứ tự nói với bản thân: “Haizz, chẳng ai nhớ bài viết này lâu đâu”.
Viết đại đi.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay