Giải mã bí mật ngai vàng của nhà vua triều Nguyễn

Giải mã bí mật ngai vàng của nhà vua triều Nguyễn

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngai vàng triều Nguyễn được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802 – 1819), sau đó được sử dụng xuyên suốt trong thời Nguyễn với tổng cộng 13 đời vua, kéo dài trong 143 năm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngai vua triều Nguyễn là bảo vật quốc gia.

Bảo vật hiếm có

Toàn cảnh ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa.
Toàn cảnh ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa.

Chiếc ngai vàng đang được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Chiếc ngai vàng đang được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Sau khi đánh bại triều Tây Sơn và các thế lực quân sự, vua Gia Long lập triều Nguyễn vào năm 1802. Trải qua 143 năm, chiếc ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua.

Ngai được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình (lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần…).

Theo hồ sơ di sản, ngai cao 101 cm, rộng 72 cm, dài 87 cm. Phần đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy. Tất cả đều được làm bằng gỗ với các hình ảnh trang trí rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.

Hiện, ngai vàng vẫn được gìn giữ trong điện Thái Hòa, thuộc khu vực Đại nội của Kinh thành Huế. Ngai vàng không phải được làm từ vàng hoàn toàn, mà bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Ngai vàng của nhà vua ngày xưa được thếp vàng ở những chỗ chạm trổ hoa văn. Đây là quá trình trang trí rất kỳ công, đòi hỏi thợ có tay nghề cao.

Trong suốt 143 năm của triều Nguyễn, một lần ngai vàng được trùng tu dưới thời vua Khải Định (1916 – 1925). Khi làm vua, ông cho làm lại bửu tán phía trên ngai, chuyển từ chất liệu gấm lụa sang gỗ sơn son thếp vàng và chạm khắc tinh xảo.

Hiện nay tại Huế, ngai vàng của vương triều Nguyễn còn lưu giữ và bảo tồn 3 chiếc, trong đó một chiếc ở điện Thái Hòa, một chiếc đang được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một ở Triệu Miếu. Về kiểu dáng và trang trí của 3 ngai vàng, nhìn chung giống nhau.

Tuy nhiên, điểm khác nhau ở lưng ngai, như chiếc ngai ở điện Thái Hòa là miếng gỗ hình chữ nhật có chạm rồng. Còn 2 chiếc ngai kia thì khá giống nhau, lưng ngai là hình tượng Mặt trời.

Giới chuyên gia chia kết cấu ngai làm 3 phần: Trên, giữa, dưới. Phần trên là hình tượng Mặt trời được phối cùng những dải mây cách điệu. Phần giữa gồm có lưng ngai và tay ngai, trong đó lưng ngai có 2 đồ án trang trí chữ thọ. Còn tay ngai 2 bên là 2 hình rồng đầu hướng về phía trước trong tư thế đạp mây.

Phần dưới là đế, xung quanh phía trên được trang trí hoa văn chữ vạn cùng những hàng cánh sen và đồ án lưỡng long chầu chữ thọ ở 4 cạnh. Phía dưới, tại 4 chân ngai, mỗi chân là một mặt hổ phù, bốn diềm xung quanh thì 2 diềm chạm mặt hổ phù kiểu “long hàm thọ”, 2 diềm còn lại chạm hình chim phượng.

Đồ án độc đáo biểu trưng quyền lực

Điện Thái Hòa – nơi các vua nhà Nguyễn thiết đại triều mỗi tháng 2 lần.
Điện Thái Hòa – nơi các vua nhà Nguyễn thiết đại triều mỗi tháng 2 lần.

Điều đáng quan tâm nhất ở ngai vua triều Nguyễn là hình tượng Mặt trời và 2 chữ “thọ” ở lưng ngai. Chữ “thọ” ở trên được viền bằng những dây lá lật kiểu tay mướp rất giống dây lá ở diềm bia tiến sĩ. Đặc biệt là giống dây lá ở các hoa cúc bằng vàng trang trí trên hệ thống mũ miện triều Nguyễn.

Chữ “thọ” phía dưới cho thấy, có 2 hình dơi cách điệu chầu vào. Độc lạ ở chỗ dơi được cách điệu từ những dây lá cúc – cúc hóa dơi. Giới nghiên cứu đồng ý kết luận, chữ thọ ở trên là đồ án “cúc cài thọ” mang ý ngĩa trường thọ, còn chữ thọ ở dưới là đồ án “phúc thọ”.

Hình tượng Mặt trời được đặt ở vị trí cao nhất. Với vị trí này, khi nhà vua ngự tọa, Mặt trời sẽ ở trên đầu như vầng hào quang tỏa sáng. Điểm đặc sắc là Mặt trời được phối cùng mây theo bố cục hợp nhất theo hình một chiếc ngai.

Điểm độc đáo này còn được thể hiện tại họa tiết xoáy ở chân các tia lửa. Đồng thời, phía sau các chân tia là mây có hình cánh hoa, và lại có 2 lớp to nhỏ chồng lên nhau trông như 2 lớp cánh. Nhìn chung là giống với trang sức, vừa là Mặt trời, vừa hoa cúc ở trên mũ miện cũng của hoàng đế triều Nguyễn.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc hình tượng Mặt trời được đưa vào trang trí trên ngai mang thông điệp gì? Giới nghiên cứu cho rằng, đây là hình thức tôn vinh để nói lên sự tương ứng giữa Mặt trời với ngôi vị của hoàng đế. Điều này cũng giống việc hoàng đế Minh Mạng đã chọn các chữ trong bộ 日 (nhật: Mặt trời) làm tự danh cho các vua khi lên nối ngôi.

Như vậy, dù sử sách triều Nguyễn không đề cập đến sự liên quan giữa hoàng đế và Mặt trời, nhưng với hình tượng trên chiếc ngai và việc vua Minh Mạng chọn chữ trong bộ 日, chỉ ra rằng ở triều Nguyễn, Mặt trời còn được ngầm hiểu là tượng trưng cho hoàng đế.

Dùng hình tượng Mặt trời để biểu trưng quyền lực hoàng đế là câu chuyện thường thấy trong lịch sử. Mẹ của Hán Vũ đế (vua nhà Hán) nằm mơ thấy Mặt trời chui vào bụng sau đó có mang và sinh ra ông. Ngoài ra còn một bằng chứng liên quan đến vấn đề này, đó là hình ảnh Mặt trời ở lăng vua Khải Định đã được thể hiện trong lúc đang lặn với hàm ý hoàng đế đã băng hà.

Chiếc ngai vàng đẫm máu

Các vị vua triều Nguyễn
Dưới thời phụ chính của 2 đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết từng xảy ra việc 4 tháng thay 3 vua.

“Thời nhà Nguyễn, trong kinh thành có những đội thợ tay nghề bậc nhất chuyên chế tác đồ dùng cho hoàng gia và triều đình. Do đó, chiếc ngai được hoàn thành trong chứ không phải đặt làm ở nước ngoài. Đến thời vua Khải Định, nhà vua cho trùng tu lại điện Thái Hòa và cho làm lại bửu tán phía trên ngai vàng” – Nhà nghiên cứu Phan Thuận An.

Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn là một trong những hiện vật “chứng kiến” những thăng trầm lịch sử 143 năm của vương triều này. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, giai đoạn nhà Nguyễn độc lập kéo dài 56 năm qua bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Đến năm 1858, thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, ngai vàng đẫm máu trong những cuộc tranh giành ngôi vua, như 4 tháng thay 3 vua, nhưng không ai dịch chuyển chiếc ngai đi nơi khác.

Câu chuyện 4 tháng thay 3 vua là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử nhà Nguyễn, xảy ra sau khi vua Tự Đức băng hà. Do không có con nối dõi nên vua nhận 3 người cháu làm con nuôi. Vua Dục Đức được chọn để truyền ngôi nhưng trong lễ đăng quang trên ngai vàng đã yêu cầu quan đại thần bỏ bớt những dòng vua cha đánh giá không tốt về mình trong Di chiếu.

Sau đó, vua bị hai quan phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đề nghị phế truất. Dục Đức làm vua chỉ được 3 ngày rồi bị bỏ đói đến chết trong ngục tối. Sau Dục Đức, Hiệp Hòa là con thứ 29 của vua Thiệu Trị (em khác mẹ của vua Tự Đức) được Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên làm vua.

Tương truyền, trong lễ đăng quang có một con quạ đen bay đến đậu trên ngọn cây trước điện Thái Hòa, kêu lên 4 tiếng. Như một điềm báo trước, vua giữ ngai được 4 tháng và bị xử tử theo lệ của cung đình, vì duyệt tờ biểu trừ khử hai quan quyền thần nói trên.

Sau vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định chọn người con nuôi khác của vua Tự Đức là hoàng tử Ưng Đăng kế thừa ngôi báu. Từng chứng kiến hai cái chết liên tiếp, vị hoàng tử sợ sệt khi hai quyền thần đến đưa về kinh làm vua khi mới 15 tuổi, lấy hiệu là Kiến Phúc. Tuy làm vua nhưng Kiến Phúc luôn có cảm giác sợ hãi khi ngồi trên ngai vàng. Tâm trạng ấy khiến vua lâm bệnh rồi băng hà chỉ sau 8 tháng.

Trong 13 vua triều Nguyễn, duy nhất vua Đồng Khánh lên ngôi không do vua cha truyền lại hay do triều đình tôn lên. Ông tự vận động và dựa vào thế lực của Pháp, được thực dân Pháp đặt lên ngai vàng.

Nhà nghiên cứu Huế, Phan Thuận An cho biết, nhà vua ngồi trên ngai vàng đặt giữa điện Thái Hòa. Phía trong điện chỉ có các quan tứ trụ và những hoàng thân quốc thích mới được diện kiến nhà vua. Các quan khác đứng xếp hàng ngang theo thứ tự ghi trên các phẩm sơn bằng đá nhỏ đặt bên sân, theo nguyên tắc quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh yêu cầu các địa phương giữ gìn di vật, bảo vật do các đời trước để lại, không được phá hủy. Sau những biến cố lịch sử, chiếc ngai vẫn không xê dịch khỏi điện Thái Hòa.

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, từ xưa người Huế không bao giờ dám lấy một viên ngói hay gạch ở Hoàng cung về để sử dụng. Khi triều Nguyễn chấm dứt cho đến giai đoạn đất nước bị chia cắt, không ai dám phạm thượng tự ý ngồi lên ngai vàng hay xâm phạm bất cứ thứ gì.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *