Giải mã cuộc tập trận ‘khủng’ của Trung Quốc xung quanh Đài Loan
Giải mã cuộc tập trận ‘khủng’ của Trung Quốc xung quanh Đài Loan
Reuters hôm qua (15.10) dẫn thông tin từ quan chức Đài Loan cho biết Trung Quốc đại lục đã triển khai số lượng kỷ lục với 153 máy bay quân sự để tiến hành cuộc tập trận trên vào ngày 14.10. Đồng thời, Đài Bắc lên án cuộc tập trận quy mô lớn như vậy diễn ra mà không có cảnh báo trước thì có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho hoạt động ở vùng biển.
Một số chiến đấu cơ của Trung Quốc đại lục đã vượt đường trung tuyến vốn được xem là “ranh giới” trên biển giữa hai bên. Ngoài số máy bay quân sự, Bắc Kinh còn triển khai 14 tàu hải quân và 12 tàu chấp pháp.
Bắc Kinh thông báo cuộc tập trận trên mang tên “Joint Sword – 2024B” (Liên hiệp lợi kiếm 2024B) là cảnh báo đối với “các hành động ly khai” của phía Đài Bắc.
Thông điệp gửi đến nhiều bên
Trả lời Thanh Niên vào hôm qua, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) đánh giá cuộc tập trận của Bắc Kinh là để đáp lại bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức – Lãnh đạo Đài Loan – nhân ngày “Song Thập” vừa qua.
“Trung Quốc đại lục đã quyết định đe dọa Đài Loan bằng một cuộc tập trận phong tỏa giống như chiến tranh đối với các cảng quan trọng của Đài Loan. Cuộc tập trận của Trung Quốc gửi đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại độc lập của Đài Loan và thử thách quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan”, GS Sato phân tích thêm.
Không những vậy, GS Sato còn đánh giá: “Cuộc tập trận là một “gáo nước lạnh” đối với tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, người vừa gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào và đang quan tâm việc có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới”. Thời gian qua, Tokyo đã nhiều lần phát đi thông điệp tăng cường hợp tác với Đài Bắc và khẳng định có lợi ích trong việc đảm bảo hòa bình ở eo biển Đài Loan.
“Đề xuất “NATO châu Á” của Thủ tướng Ishiba đã vấp phải sự chỉ trích ở khắp mọi nơi. Trong bối cảnh đó, căng thẳng gia tăng về Đài Loan càng đẩy mạnh sự chỉ trích đối với đề xuất của ông Ishiba”, GS Sato nhận định.
Phản tác dụng ?
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Bắc Kinh tiếp tục gửi thông điệp mạnh mẽ nhất tới Đài Bắc rằng độc lập là điều không thể thương lượng. Các cuộc tập trận quân sự nhằm truyền tải thông điệp đó và được lên lịch sau các sự kiện ngày “Song Thập”. Đây là điều thường xảy ra để Bắc Kinh thể hiện sự không hài lòng với Đài Loan”.
Tuy nhiên, GS Nagy đặt vấn đề: “Cách hành xử của Trung Quốc có thể gây phản tác dụng, khi ngày càng nhiều quốc gia dù đồng thuận nhưng dường như đang xem xét lại cách diễn giải chính sách “Một Trung Quốc”. Nói một cách đơn giản, các hành động của Bắc Kinh trong khu vực khiến nhiều bên phải dè chừng và lo ngại quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc – một cường quốc khu vực và toàn cầu”.
“Thay vì củng cố vị thế, Bắc Kinh đang thể hiện thái độ và hành động khiến nhiều bên lo ngại, sợ bị đe dọa nhiều hơn nên Đài Loan có cơ hội tăng cường hợp tác với các bên”, GS Nagy nhấn mạnh.
Mỹ – Philippines tập trận quy mô lớn
Hôm qua, Reuters đưa tin quân đội Mỹ và Philippines cùng ngày bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài đến ngày 25.10 ở nhiều khu vực, bao gồm cả ở Biển Đông và một số địa điểm gần Đài Loan. Trọng tâm chính của cuộc tập trận sẽ là các cuộc tập trận bắn đạn thật dọc bờ biển phía bắc đảo Luzon, trong khi các hoạt động khác sẽ được tiến hành trên các hòn đảo nhỏ nằm giữa Luzon và Đài Loan.
Tổng lực lượng tham gia tập trận là hơn 2.000 người, với các nội dung bao gồm: đổ bộ tấn công đảo, bắn đạn thật và hỗ trợ nhân đạo. Theo truyền thông Philippines, không chỉ nước này và Mỹ, mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, Pháp, Thái Lan và Indonesia cũng cử người tham gia ở các vai trò khác nhau.
Đại diện quân đội Philippines cũng khẳng định cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước, chứ không phải bắt nguồn từ cuộc tập trận do Trung Quốc tiến hành vào ngày 14.10 ở eo biển Đài Loan.