Giải mã Satoshi Nakamoto: Ai là người đứng sau Bitcoin?
Tháng mười 22, 2024
Cryptography, theo định nghĩa, là một phương pháp bảo vệ thông tin và giao tiếp bằng cách sử dụng mã hóa, để chỉ những người được nhắm đến mới có thể đọc và xử lý thông tin. Khi kết hợp với từ “currency” (tiền tệ), ta có cụm từ cryptocurrency, mà chúng ta thường gọi tắt là “crypto”, chỉ các đồng tiền điện tử hiện đại.
Rõ ràng, yếu tố ẩn danh và mã hóa trở nên vô cùng quan trọng khi nói về tiền điện tử. Với crypto, sự ẩn danh đóng vai trò như gam màu chính của bức tranh, là biểu tượng thiêng liêng và là niềm tin cốt lõi của cộng đồng.
Tuy nhiên, mới đây HBO đã công bố bộ phim tài liệu , với nội dung nhằm vén màn bí ẩn về danh tính của Satoshi Nakamoto, người đã tạo ra Bitcoin và khởi đầu kỷ nguyên của tiền điện tử. Satoshi, đúng như văn hóa của crypto, là một nhân vật bí ẩn, không ai biết rõ ông là ai – là một cá nhân, hay một nhóm người. Thông báo của HBO đã dấy một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng ủng hộ crypto.
Nhiều người lo lắng và bắt đầu đặt câu hỏi. Nếu Satoshi còn sống, mối lo ngại sẽ xoay quanh sự tập trung của khối tài sản 9% tổng nguồn cung BTC – trị giá hơn 64 tỷ đô la của ông sẽ ra sao? Nghiêm trọng hơn, nếu danh tính của Satoshi bị lộ, đó sẽ là sự xúc phạm tới văn hóa phi tập trung mà crypto đã xây dựng trong hơn một thập kỷ qua, là lời tuyên bố cho sự thất bại trong cuộc chiến với các hệ thống tập trung truyền thống hiện tại.
Vậy, liệu HBO đã có thể làm được điều đó không? Và ngoài ra, những ai đã từng bị đồn đoán là Satoshi? Đặc biệt, bạn sẽ nghĩ gì nếu Satoshi lại từng ở Việt Nam với một manh mối đặc biệt? Hãy cùng mình khám phá qua bài viết này!
Bài viết này nằm trong chuỗi nội dung của MoveSpiders, nhằm giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về công nghệ và thị trường blockchain.
MoveSpiders là một dự án giáo dục và vườn ươm khởi nghiệp, được tổ chức bởi Spiderum kết hợp với Aptos (tiền thân là dự án Diem của Facebook). Dự án cung cấp các khóa học ngôn ngữ lập trình Move hoàn toàn miễn phí, cùng với cơ hội tiếp cận nguồn vốn lên đến 1 triệu đô la dành cho các lập trình viên trên toàn thế giới quan tâm đến web3 và hệ sinh thái Aptos. MoveSpiders có mọi thứ bạn cần để bắt đầu xây dựng dự án của riêng mình, từ ý tưởng đến sản phẩm hoàn chỉnh.
Không bí ẩn như danh tính của Satoshi, mọi thông tin chi tiết về MoveSpiders đều có sẵn . Hãy kiểm tra và tham gia với chúng mình ngay hôm nay nhé!
1. Những manh mối cuối cùng về Satoshi
Không phải bàn cãi, Satoshi Nakamoto không chỉ là một nhà tư tưởng vĩ đại mà còn là một người cách mạng vĩ đại. Để có thể xây dựng lên Bitcoin, ông phải có hiểu biết sâu sắc về kinh tế và là một lập trình viên tài năng. Tuy nhiên, ta còn biết thêm thông tin gì về ông?
Trong suốt thời gian tham gia vào quá trình tạo lập Bitcoin, Satoshi luôn cố gắng bảo vệ danh tính của mình, có lẽ vì ông lo ngại việc thu hút sự chú ý từ các chính phủ hoặc tội phạm, nhưng cũng có thể bởi vì ông không muốn bản thân mình trở nên nổi tiếng hơn chính dự án Bitcoin. Do đó, trong các bài đăng trên diễn đàn và email gửi đến các nhà phát triển khác, ông không để lại bất kỳ thông tin cá nhân nào.
Dù vậy, một số manh mối nhỏ vẫn giúp chúng ta có cái nhìn thoáng qua về con người ông. Đầu tiên, dù mang tên Nakamoto, ông gần như chắc chắn không phải là người Nhật. Khả năng sử dụng tiếng Anh cho thấy ông có thể là người bản ngữ, và phân tích thời gian các bài đăng của ông trên diễn đàn Bitcointalk cho thấy ông sống ở châu Âu hoặc bờ Đông nước Mỹ.
Tại sao ông lại chọn hoạt động dưới cái tên Nhật Bản này vẫn là một phần của bí ẩn, nhưng cái tên Satoshi mang một ý nghĩa nhất định. Trong tiếng Nhật, Satoshi là một tên gọi nam giới mang nghĩa “suy nghĩ sáng suốt”, “khôn ngoan”, và “thông minh”. Trong khi đó, Nakamoto có nghĩa là “người sống ở giữa”, ghép lại, ta có một tên phù hợp với người sáng lập hệ thống tiền điện tử phi tập trung, một hệ thống có tham vọng thay thế vai trò trung gian của các ngân hàng và tổ chức tài chính bất tín hiện tại.
Có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Satoshi Nakamoto có phải là một người hay một nhóm người, nhưng không có sự đồng thuận rõ ràng. Khối lượng công việc, và sự pha trộn giữa tiếng Anh Anh và Anh Mỹ thuần thục có thể cho thấy đây là một nhóm người. Tuy nhiên, không điều gì loại trừ khả năng Satoshi là một cá nhân làm việc hết sức hăng say, thường xuyên thức khuya, và có thể ông sử dụng tiếng Anh Mỹ lẫn Anh Anh trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Lập luận chính chống lại việc Satoshi là một nhóm là sự kiên nhẫn giữ bí mật trong suốt những năm qua. Đối với một cá nhân, việc kiên định duy trì ẩn danh và không động đến 1,1 triệu Bitcoin mà Satoshi đã khai thác vào năm 2009 là điều khó khăn, nhưng đối với một nhóm, bài toán này còn khó khăn hơn gấp bội. Nếu lượng Bitcoin đó được quy đổi ra tiền mặt, Satoshi sẽ nắm trong tay hơn 64 tỷ đô, một số tiền đủ khổng lồ đề khơi dậy lòng tham trong bất kỳ cá nhân nào.
Vậy, giả sử Satoshi chỉ là một người, câu hỏi tiếp theo là liệu ông còn sống hay đã mất. Lần cuối cùng Satoshi liên lạc với các nhà phát triển Bitcoin là vào tháng 4 năm 2011, hai tháng sau khi Bitcoin lần đầu tiên đạt mức giá ngang với đồng đô la Mỹ. Ông thông báo rằng mình đã “chuyển sang các dự án khác” và sau đó biến mất. Thật khó hiểu khi nghĩ rằng có dự án nào khác quan trọng hơn Bitcoin đối với Satoshi – trừ khi có thể ông đang đối mặt với vấn đề sức khỏe và đã mất cuộc chiến đó.
Vào tháng 3 năm 2014, trên trang web với nội dung “Tôi không phải là Dorian Nakamoto” đã khiến cộng đồng xôn xao. Đây dường như là phản hồi trước bài báo của tạp chí cho rằng Dorian Nakamoto, một người Mỹ gốc Nhật sống ở California, là người sáng lập Bitcoin.
Nếu Satoshi đã qua đời, điều này có thể giải thích tại sao lượng Bitcoin ban đầu của ông vẫn chưa bị động đến. Mặt khác, có thể ông đã sở hữu Bitcoin dưới tên thật của mình và trở nên giàu có, không cần quy đổi lượng Bitcoin cũ. Hoặc cũng có khả năng ông đã quên mất khóa ví điện tử của mình, hoặc đơn giản là ông không quan tâm đến tiền bạc ngay từ đầu – điều này có vẻ khó hiểu đối với một người đã sáng tạo ra một hệ thống tiền tệ điện tử.
Nhưng bỏ qua tất cả những lý do chủ quan, tính tò mò của con người vẫn luôn trỗi dậy một cách cồn cào mỗi khi đứng trước một bí ẩn chưa ai giải đáp được. Danh tính của Satoshi Nakamoto ngày càng trở thành một chủ đề hấp dẫn, đặc biệt khi giá trị của Bitcoin không ngừng tăng và nhận được sự công nhận rộng rãi.
Vì vậy, hãy cùng đội chiếc mũ thám tử, khoác lên mình bộ suit chỉn chu, và làm một ly cà phê để giữ cho đầu óc thật tỉnh táo, chuẩn bị bắt đầu hành trình khám phá những giả thuyết và lời đồn đại xoay quanh danh tính thực sự của người sáng lập Bitcoin.
Đầu tiên, hãy cùng xem bộ phim tài liệu của HBO đã đưa ra những lập luận gì về Satoshi, và liệu nhà đài này có thực sự vén màn bí mật, vạch trần ai là Satoshi Nakamoto hay không nhé!
2. HBO và trò chơi đoán danh tính: Họ đã chỉ điểm ai?
Thông báo ra mắt bộ phim Money Electric: The Bitcoin Mystery đã làm rúng động cộng đồng ủng hộ Bitcoin và tiền điện tử toàn cầu, thu hút cả sự chú ý của những người tò mò về danh tính thật sự của Satoshi Nakamoto. Tuy nhiên, bộ phim từ HBO hóa ra lại là một sự thất vọng không thể bào chữa.
Trong bộ phim, HBO đưa ra giả thuyết rằng Peter Todd, một nhà mật mã học người Canada, có thể chính là Satoshi Nakamoto. Todd được giới thiệu là một chuyên gia lập trình và đã tham gia vào giai đoạn đầu phát triển Bitcoin. Nhưng tất cả những gì HBO làm chỉ dừng lại ở đó. Phần còn lại của bộ phim là những cuộc trò chuyện dài lê thê về Tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, người được mô tả như một nhà tiên tri vì đã mua Bitcoin từ sớm (dù không hẳn là quá sớm), và về việc Bitcoin hỗ trợ Silk Road cùng các hoạt động tội phạm như thế nào.
Phản ứng của cộng đồng sau khi xem bộ phim rất tiêu cực. Không chỉ vì sự thiếu hụt thông tin, mà còn vì HBO đã đưa ra những chi tiết sai lệch. Ví dụ, Todd và Satoshi từng có những bất đồng sâu sắc về nhiều vấn đề cốt lõi của Bitcoin trên diễn đàn Bitcoin Talk, khiến giả thuyết rằng Todd là Satoshi trở nên khó tin. Thêm vào đó, Todd cũng có mâu thuẫn với Gavin Andresen, người được Satoshi tin tưởng giao quyền phát triển Bitcoin trước khi ông biến mất, làm cho lý thuyết này càng trở nên thiếu thuyết phục hơn.
Tóm lại, khả năng Peter Todd là Satoshi Nakamoto gần như không thể. Trên thực tế, ngay từ khi HBO công bố teaser bộ phim, cộng đồng crypto đã đặt niềm tin của họ vào một cái tên khác, một nhân vật có nhiều nét tương đồng hơn với hình tượng của Satoshi hơn Todd – đó chính là Len Sassaman.
3. Len Sassaman: Satoshi của cộng đồng.
Lúc này, hãy để mọi ánh đèn sân khấu bắt đầu chiếu rọi lên Len Sassaman, nhưng trước khi tìm hiểu tại sao ông lại trở thành một trong những ứng cử viên tiềm năng cho danh tính của Satoshi Nakamoto, hãy cùng điểm qua một số thông tin về con người này.
là một thần đồng trong lĩnh vực mật mã học. Ông theo học tại trường tư The Hill School ở bang Pennsylvania, Mỹ, và dù sống ở một thị trấn nhỏ, khi mới 18 tuổi, Sassaman đã tham gia Internet Engineering Task Force, nhóm chịu trách nhiệm phát triển giao thức TCP/IP – giao thức có vai trò như xương sống của internet của internet và sau này là mạng lưới Bitcoin. Từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Sassaman đã dấn thân vào cộng đồng cypherpunks tại San Francisco – một phong trào bảo mật máy tính xuất hiện từ cuối những năm 1980 tại Mỹ. Ông đã có cơ hội nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của David Chaum, người thường được gọi là “cha đẻ của mật mã học hiện đại”.
Sassaman từng tham gia vào các dự án quan trọng như phần mềm Pretty Good Privacy (PGP) và bản cập nhật của nó, GNU Privacy Guard, một phần mềm mã hóa phổ biến được sử dụng để bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính riêng tư trong email và các tệp tin.
Khi giới thiệu Bitcoin, Satoshi Nakamoto đã :
Ông hy vọng Bitcoin có thể “cải biến tiền tệ giống như những gì kỹ thuật mã hóa (ví dụ như Pretty Good Privacy) đã tác động mạnh mẽ đến việc bảo mật tệp tin.”
Tương tự như vấn đề bảo mật trong các hệ thống máy tính chia sẻ trước đây, việc thiếu mã hóa mạnh mẽ đã khiến người dùng phải dựa vào sự bảo vệ bằng mật khẩu. Sau đó, kỹ thuật mã hóa tiên tiến trở nên phổ biến và niềm tin vào hệ thống trung gian không còn là điều bắt buộc. Satoshi đã nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần làm điều tương tự cho hệ thống tiền tệ.”
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp, Sassaman từ lâu đã phải đấu tranh với chứng trầm cảm. Ngày 3 tháng 7 năm 2011, do tự tử ở tuổi 31. Sau cái chết của ông, một lời tri ân đã được mã hóa vào Block 138725 của blockchain Bitcoin với nội dung: “một người bạn, một linh hồn nhân hậu và một kẻ mưu mô khôn khéo.” (nguyên văn: a friend, a kind soul and a devious schemer)
Liệu Len Sassaman có phải là Satoshi Nakamoto?
Giả thuyết rằng Sassaman có thể là Satoshi Nakamoto được cộng đồng khơi dậy phần lớn nhờ vào trình tự thời gian diễn ra các sự kiện. Ngày 23 tháng 4 năm 2011, chỉ hai tháng trước khi Sassaman qua đời, Satoshi Nakamoto đã gửi email cuối cùng đến cộng đồng phát triển Bitcoin, trong đó ông nói rằng mình “đã chuyển sang những dự án khác.” Sau email đó, Satoshi biến mất mà không để lại bất kỳ lời giải thích nào thêm.
Thời điểm Satoshi biến mất trùng khớp một cách đáng ngờ với cái chết của Sassaman, tạo ra làn sóng đồn đoán rằng có thể Satoshi chính là Sassaman. Không chỉ vậy, mối quan hệ làm việc giữa Sassaman và Hal Finney, một ứng viên tiềm năng khác cho danh tính của Satoshi, cũng là một yếu tố khiến cộng đồng càng tin vào giả thuyết này. Theo một bài viết của , Sassaman đã làm việc cùng Finney trong dự án Pretty Good Privacy tại công ty Network Associates (sau này đổi tên thành McAfee).
Finney không chỉ là một trong những người đầu tiên đóng góp mã cho Bitcoin mà còn là người đầu tiên chạy một node và nhận được giao dịch Bitcoin từ Satoshi. Cả Finney và Sassaman đều là những chuyên gia về công nghệ remailer, một công nghệ tiền thân cho Bitcoin và được phát triển David Chaum, và điều này càng làm tăng thêm giả thuyết rằng Sassaman có thể chính là Satoshi.
Một dự án quan trọng khác của Sassaman là , một hệ thống phát triển từ công nghệ remailer, cho phép thu thập thông tin ẩn danh qua các node. Trong quá trình phát triển dự án này, Sassaman đã tập trung vào việc giải quyết vấn đề Byzantine Fault – một vấn đề then chốt đối với mạng ngang hàng (P2P), liên quan đến việc đạt đồng thuận ngay cả khi có thành phần gửi thông tin sai lệch. Đáng lưu ý, Byzantine Fault là vấn đề nan giải, duy chỉ có đáp án khi Satoshi giới thiệu hệ thống kế toán ba lớp (triple-entry accounting) để giải quyết vấn đề này bằng công nghệ blockchain.
Ngoài ra, vị trí địa lý của Sassaman trong thời gian Bitcoin được phát triển cũng làm tăng thêm sự nghi ngờ. Ông sống ở Bỉ vào thời điểm Bitcoin ra đời. Các bài viết của Satoshi có nhiều từ vựng đặc trưng của tiếng Anh Anh như “bloody difficult,” “flat,” “maths,” hay “grey.” Thêm vào đó, khối gốc (genesis block) của Bitcoin chứa tiêu đề từ tờ báo The Times – một tờ báo chỉ phát hành tại Anh và châu Âu, càng củng cố thêm giả thuyết này.
Với tất cả những manh mối này, liệu Len Sassaman có thể chính là Satoshi Nakamoto? Dù câu trả lời vẫn chưa rõ ràng, nhưng không thể phủ nhận rằng Sassaman là một trong những ứng cử viên có sức thuyết phục nhất mà cộng đồng tiền mã hóa đã đặt ra.
Nhưng trong số rất nhiều lý do khiến cộng đồng tin rằng Len Sassaman có thể là Satoshi Nakamoto, một điểm cốt lõi khiến ông thực sự phù hợp với cái bóng của Satoshi lại nằm ở chính chuyên môn của ông. Sassaman đã làm việc tại COSIC ở Bỉ cho đến khi qua đời vào năm 2011, và trong thời gian đó, ông đã tích lũy được và đảm nhận 20 vị trí trong các ủy ban hội nghị quốc tế.
tập trung vào việc phát triển các giao thức bảo mật nâng cao có “ứng dụng thực tế” với mã nguồn đã hoạt động. Lại nói về dự án chính của ông, , công nghệ cho phép thu thập thông tin ẩn danh thông qua mạng lưới các node phân tán mà không cần đến bên thứ ba đáng tin cậy.
Công việc này có liên hệ mật thiết với Bitcoin. Việc giải quyết vấn đề này là yếu tố cần thiết để tạo ra một hệ thống tiền mã hóa phi tập trung và an toàn, một vấn đề mà sau đó Satoshi Nakamoto đã giải quyết thành công thông qua công nghệ blockchain.
, Len đã đăng trên blog cá nhân rằng ông sắp triển khai một giao thức giải quyết vấn đề Byzantine sau nhiều năm nghiên cứu. Tuy nhiên, không có dự án nào được phát hành dưới tên thật của ông, điều này dẫn đến hai giả thuyết: 1) nhiều năm nghiên cứu của Len đã bị bỏ lại dở dang, hoặc 2) công trình của ông đã được phát hành dưới bút danh Satoshi Nakamoto.
Trong quá trình phát triển Bitcoin từ năm 2008 đến 2010, Len cũng ngày càng hoạt động tích cực trong lĩnh vực mật mã học tài chính. Ông tham gia vào Hiệp hội Mật mã Tài chính Quốc tế (The International Financial Cryptography Association) và đã thuyết trình tại các hội nghị Financial Cryptography and Data, nơi ông cũng đảm nhận một ghế trong ủy ban tổ chức. Hội nghị này được thành lập bởi Robert Hettinga, một người ủng hộ nổi bật cho tiền điện tử.
Nhưng bên cạnh của Len, còn có một nhân vật hết sức thú vị khác.
4. Hal Finney: Kẻ tiên phong hay Satoshi giấu mặt?
Tương tự như Len, Hal Finney cũng là người được cộng đồng đồn đoán rằng ông chính là Satoshi.
Hal Finney là một nhà khoa học máy tính tốt nghiệp từ Caltech vào năm 1979, nơi ông được bạn bè bình chọn là người “thông minh nhất”. Ngay từ năm nhất đại học, ông đã tham gia các khóa học về lý thuyết trường hấp dẫn vốn chỉ dành cho sinh viên cao học, minh chứng cho trí tuệ vượt trội của mình, một điều hoàn toàn phù hợp với Satoshi, người đã tạo công trình Bitcoin hết sức phức tạp.
Tại Network Associates, Len đã làm việc cùng với Hal Finney trong dự án Pretty Good Privacy, và mối quan hệ giữa họ đã được xác nhận là bạn bè. Một cách đặc biệt thay, Finney cũng chính là người đóng góp sớm nhất và quan trọng nhất cho Bitcoin sau Satoshi:
– Finney là người đầu tiên, ngoài Satoshi, đóng góp cho mã nguồn của Bitcoin và chạy một node Bitcoin.
– Finney là người nhận giao dịch Bitcoin đầu tiên, do chính Satoshi gửi.
– Finney đã phát minh ra khái niệm Reusable Proofs of Work, nguyên lý cơ bản mà quá trình khai thác Bitcoin dựa vào.
– Satoshi đã trao đổi rất nhiều với Finney, thậm chí còn thể hiện sự tôn trọng sâu sắc với ông trong một trong những bài viết cuối cùng.
Những bằng chứng trên có thể là chất keo để củng cố thêm giả thuyết rằng Len Sassaman có thể là Satoshi, nhưng mặt khác, nó lại khơi dậy niềm tin rằng Hal Finney có thể là ứng viên hàng đầu cho danh tính này.
Tuy nhiên, vì cộng đồng đã chứng kiến những cuộc trao đổi email của Satoshi và Finney, giả thuyết này cũng đòi hỏi rằng Finney đã phải giả mạo những cuộc nói chuyện trên. Một điều không mấy hợp lý khi Finney vẫn tiếp tục làm việc với Bitcoin ngay cả sau khi Satoshi “rút lui” vào năm 2011.
Nhưng đó không phải là tất cả manh mối ta có về Hal
Khi Satoshi đăng tải bản , ông nhận được ba phản hồi. Hai trong số đó là tiêu cực, nhưng phản hồi thứ ba hoàn toàn mang tính khích lệ, và nó đã giúp Bitcoin nhận được sự ủng hộ ban đầu. Người đăng tải phản hồi đó không ai khác chính là Hal Finney.
Tin nhắn của ông viết:
“Ý tưởng này dường như rất hứa hẹn và độc đáo, và tôi rất mong chờ xem khái niệm này sẽ được phát triển như thế nào.”
Finney thậm chí đã khuyến khích Satoshi viết mã nguồn, ông tin rằng khi mọi người thấy mạng lưới hoạt động, họ sẽ bị thuyết phục.
Khi mã nguồn hoàn thiện và chương trình sẵn sàng để thử nghiệm, Hal Finney chính là người đầu tiên nhận phiên bản thử nghiệm. Vào ngày 10 tháng 1 năm 2009, ông đã tải xuống mã nguồn và kết nối với mạng lưới Bitcoin. Máy tính của Finney là thiết bị đầu tiên kết nối với mạng của Satoshi.
Hai ngày sau đó, Hal Finney nhận được 10 BTC từ Satoshi Nakamoto. Đây là giao dịch Bitcoin đầu tiên giữa hai máy tính. Điều thú vị là Hal Finney luôn có mặt trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của lịch sử Bitcoin, từ lúc nó mới hình thành cho đến khi thực sự trở thành một hiện tượng.
Nhưng Hal Finney đã phủ nhận tất cả
Cái tên Hal Finney luôn ở đầu danh sách khi họ nhắc về người sáng tạo ra Bitcoin. Nhà báo của tờ Forbes thậm chí đã đến tận nhà ông để hỏi liệu Hal có phải là Satoshi Nakamoto thực sự không. Hal đã phủ nhận một cách dứt khoát lời cáo buộc này. Để làm rõ, con trai ông, Jason Finney, đã cho Greenberg xem những cuộc trò chuyện giữa Hal và Satoshi từ năm 2009.
Đáng tiếc thay, Hal đã phát hiện bị mắc phải hội chứng xơ cứng teo cơ một bên và đã đi đến những ngày cuối cuộc đời, do đó, có thể Hal muốn dành quãng thời gian quý giá của mình bên cạnh gia đình, cũng như tránh sự quấy rầy từ giới truyền thông.
Hãy tưởng tượng nếu bọn tội phạm biết rằng Hal thực sự là Satoshi Nakamoto, điều gì sẽ xảy ra? Chưa kể đến việc chính phủ có thể đã hành động ra sao nếu sự thật này được tiết lộ.
Vì vậy, Hal quyết định giữ kín mọi chuyện, và đó là điều đúng đắn nhất ông có thể làm. Sự ẩn danh của Satoshi đã làm tăng niềm tin vào hệ thống Bitcoin. Ông đã để lại cho thế giới một thứ gì đó phi thường, một di sản mà ông có thể tự hào.
5. Satoshi ở Việt Nam?
Có một giả thuyết thú vị cho rằng Satoshi Nakamoto có thể đã tránh bị phát hiện bằng cách sử dụng proxy của Nga. Hoặc có lẽ, ông thực sự là một người Nga, với tên gọi Sergey.
Bản phân tích mã nguồn của Bitcoin từ năm 2009 chỉ ra rằng Satoshi có thể đã dựa vào một máy chủ proxy của Nga để che giấu vị trí của mình. Khi tìm kiếm địa chỉ IP này, kết quả trả về ở Iran. Tuy nhiên, do sự cạn kiệt địa chỉ IPv4, các địa chỉ IP toàn cầu đã được tái phân bổ từ năm 2009. Điều đặc biệt là chúng tôi tìm thấy một người dùng tên Sergey, đã đăng các đánh giá về khách sạn tại Việt Nam vào tháng 12 năm 2008 và tháng 1 năm 2009, và sử dụng cùng proxy với Satoshi.
Đáng chú ý, Việt Nam vốn là một điểm đến phổ biến của các lập trình viên người Nga, những người muốn tránh khỏi mùa đông khắc nghiệt. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa chính nằm cái tên Sergey.
Trong thị trường crypto, có một Sergey nổi bật. Ông là founder của một dự án lớn, đóng vai trò huyết mạch trong lĩnh vực DeFi, và hiện nay đang phát triển mạnh mẽ trong mảng Real World Asset. Dự án này đã và đang hợp tác với những tổ chức tài chính truyền thống lớn nhất thế giới, bao gồm các ngân hàng lớn như BNY Mellon, ANZ, và đặc biệt là SWIFT – tổ chức điều hành hệ thống thanh toán quốc tế, với hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính thành viên trên toàn cầu.
Một chi tiết thú vị hơn nữa là tên viết tắt của nhân vật này cũng là SN, trùng với Satoshi Nakamoto. Dưới đây là hình ảnh Sergey đang phát biểu, và trong đám đông đang lắng nghe ông có cả những nhân vật quyền lực như Larry Fink, Tổng giám đốc điều hành của BlackRock, và nhiều nhà lãnh đạo trong ngành tài chính khác tại một hội nghị lớn trong ngành.
Tuy nhiên, hôm nay chúng ta đã khám phá khá nhiều. Nhân vật Sergey này sẽ là câu đố dành cho các bạn, những thám tử tài ba! Hãy tự mình tìm hiểu thêm, liệu ông có bất kỳ manh mối nào liên quan đến Satoshi Nakamoto không nhé!
6. Kết luận
Đi một vòng, ta về lại điểm bắt đầu. Cái tên Satoshi Nakamoto vốn mang nhiều ý nghĩa hơn danh tính thực sự của người sáng tạo ra Bitcoin. Dù cho đó là Len Sassaman, Hal Finney, hay bất kỳ ai, việc tìm kiếm Satoshi không phải là điều cốt lõi. Satoshi đã để lại một di sản còn lớn lao hơn bản thân ông. Hình tượng của Satoshi không chỉ nằm ở việc tạo ra một loại tiền điện tử, mà là khởi đầu cho một cuộc cách mạng về tài chính và công nghệ, trao quyền lực từ các tổ chức tập trung về tay từng cá nhân trên toàn thế giới.
Sự ẩn danh của Satoshi chính là một phần không thể tách rời của Bitcoin. Điều này không chỉ giữ vững niềm tin vào tính phi tập trung của hệ thống, mà còn nhấn mạnh rằng Bitcoin không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Giống như chiếc mặt nạ Guy Fawkes từ bộ phim V for Vendetta, Satoshi không chỉ là một con người, mà đã trở thành một biểu tượng – một biểu tượng của sự tự do tài chính và quyền riêng tư trong thời đại số hóa.
Vì vậy, câu hỏi “Satoshi là ai?” có lẽ không quan trọng bằng di sản mà ông đã để lại. Bitcoin sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi thế giới, dù danh tính của Satoshi vẫn mãi mãi là một bí ẩn.