Giải ngố quân sự. Kỳ 1: Hậu cần

Tháng mười 20, 2024

Dẫn nhập

Danh tướng Omar Bradley của Mỹ đã từng nói một câu kinh điển rằng: “Dân nghiệp dư thì bàn chiến thuật, các chuyên gia thì bàn chuyện hậu cần”.

Đồng tình với ý kiến đó, nguyên soái huyền thoại Geogri Zhukov cũng đã nói: “Hậu cần là hơn một nửa chiến thắng.”

Thế nhưng, không phải đợi đến thế chiến thứ hai, các nhà lý luận quân sự mới nhìn thấy tầm quan trọng của vấn đề hậu cần trong chiến tranh.
Một trong những cuốn sách lý luận về chiến tranh cổ nhất vẫn còn lưu trữ được đến nay của nhân loại: “Binh pháp Tôn Tử” ở chương 2 “tác chiến” đã viết:
Nguyên tắc chung khi dụng binh tác chiến là khi phải huy động chiến xa nghìn chiếc,xe tải nặng nghìn chiếc, quân đội mười vạn, vận lương đi xa nghìn dặm, thì tình huống đó, chi phí ở tiền phương và hậu phương, chi phí đãi khách khứa sứ thần, bảo dưỡng và bổ sung tiêu phí nghìn vàng thì mới có thể cho mười vạn quân xuất chinh được. Dùng một đạo quân khổng lồ như thế để tác chiến thì đòi hỏi phải thắng nhanh. Nếu kéo dài thời gian, quân đội sẽ mệt mỏi, nhuệ khí sẽ suy giảm; tấn công thành trì sẽ hao hết sức chiến đấu, quân đội tác chiến ở ngoài lâu có thể làm nền tài chính của quốc gia gặp khó khăn. Nếu quân đội mỏi mệt, nhuệ khí suy giảm thì lúc đó cho dù là người tài giỏi sáng suốt đến đâu cũng không thể cứu vãn tình thế được. Cho nên dùng binh đánh giặc, chỉ nghe nói trong tốc thắng có những thiếu sót vụng về chứ không bao giờ có việc kéo dài mà lợi cho quốc gia cả.

Từ thời đại của Tôn Tử, chiến tranh đã luôn là một thứ đắt đỏ. Các thống kê lịch sử chỉ ra rằng, trong điều kiện chiến tranh toàn lực, một quốc gia phải sử dụng từ 40-60% GDP cùng năm để “đốt” trong guồng máy chiến tranh. Điều đó còn chưa kể tới các thiệt hại về cơ sở vật chất và đáng sợ hơn là thiệt hại có thể dẫn tới mức thảm họa về nhân khẩu học không thể khắc phục. Tuy nhiên ở trong bài viết này, chúng ta sẽ không bàn tới câu chuyện hậu quả của chiến tranh.

Tương quan lực lượng

Từ thời đại của Tôn Tử, các nhà lý luận đã nhận ra một trong những yếu tố then chốt nhất quyết định được thành công của các hoạt động quân sự đó là sự tương quan lực lượng. Kinh nghiệm và thống kê chiến tranh từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay đều đưa ra một tiêu chuẩn mà bất cứ ai đã được đào tạo chiến thuật bộ binh phải học thuộc lòng: “Tương quan lực lượng để có thể phát động tiến công thành công là 3:1.”
Nói về con số 3:1 này có thể bàn được rất nhiều việc. Ví dụ như trước mùa khô 1953-1954, tổng quân số của Pháp tại Việt Nam là 445.000 người. Trong khi đó tổng quân số của QĐNDVN chỉ là 252.000 người. Thế nhưng tại Điện Biên Phủ, QĐNDVN đã tạo ra được tương quan lực lượng 3:1 trước quân phòng thủ co cụm của Pháp. Để huy động được một “nắm đấm thép” như vậy, yếu tố hậu cần đóng một vai trò rất quan trọng.
Lại lấy ví dụ về trận Điện Biên Phủ (nơi các ví dụ về kỳ tích hậu cần của thế hệ cha ông anh hùng đóng thành sách cũng chẳng hết). Bàn đến một vấn đề hậu cần cơ bản nhất của một đội quân – cái ăn (mà cụ thể ở đây là gạo). Người Pháp tính toán rằng từ vùng 5 (các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An) đến Điện Biên Phủ, một phu đem theo 20 cân gạo, đến đích chỉ còn 5 kg. Giả dụ rằng một người lính cần 300 gam gạo mỗi ngày; quân số cần thiết của Việt Minh để tiến đánh Điện Biên Phủ là 45000 người; thời gian của chiến dịch Điện Biên Phủ là 30 ngày. Như vậy số gạo cần vận chuyển từ vùng 5 đến Điện Biên Phủ không kể bị thất thoát và hư hao là 1620 tấn gạo. 1620 tấn gạo là một con số quá điên rồ để có thể huy động vào thời điểm đó, và sau đó bằng những đôi chân trần trèo đèo lội suối để vận chuyển với quãng đường gần một tháng trời, người Pháp đã có thể “rung đùi” tin rằng: Việt Minh không thể mở một chiến dịch đủ lớn ở Điện Biên Phủ vì … thiếu gạo.
Nhận định của người Pháp là có cơ sở khoa học, khi đối đầu với họ là Việt Minh – một lực lượng quân sự không được cơ giới hóa. Với sức những người nông dân ăn không đủ no, mù chữ, người Pháp cho rằng một loạt bài toán hậu cần từ mở đường, chuẩn bị nhu yếu phẩm đạn dược, vận chuyển,… là bất khả thi. Thế nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “… Khó vạn lần dân liệu cũng xong.”
Trích lại một câu nói tôi vô cùng yêu thích mỗi khi nói về kỳ tích hậu cần mang tên Điện Biên Phủ: “Người Pháp không thể ngờ được thứ hất cẳng họ ra khỏi Đông Dương lại là 3 vạn chiếc xe đạp thồ – một sản phẩm của quá trình “khai phá” thuộc địa của họ tại Đông Dương.” Với những chiếc xe đạp thồ, khối lượng gạo mà hai nhân công có thể vận chuyển đến Điện Biên Phủ đã là 200 kg gạo thay vì 40kg. Như vậy, tỷ lệ hao mòn vì lương ăn dọc đường cũng đã giảm xuống, đồng thời tốc độ làm đầy kho tàng cũng được rút ngắn đáng kể. Từ đó, sự bất khả thi về lương thực đảo bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được giải quyết.
Đây là một chiếc xe đạp thồ đặc biệt được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ với bánh xe được làm từ ... bàn thờ tổ tiên

Đây là một chiếc xe đạp thồ đặc biệt được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ với bánh xe được làm từ … bàn thờ tổ tiên

Dòng chảy không ngừng

Khi kết luận về thế chiến thứ 2, lãnh tụ J. Stalin của Liên Xô đã có một kết luận nổi tiếng rằng: “…. Liên Xô không thiếu máu”. Có một câu nói nổi tiếng khác về thời kỳ này được cho cũng là của Joseph Stalin rằng: “Cái chết của một người là một thảm họa, nhưng cái chết của một triệu người chỉ là một con số thống kê”.

Hai câu nói trên đã phản ánh được một phần sự tàn khốc của thế chiến thứ hai, nhưng dưới con mắt quân sự, chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: “Lấy ra ở đâu 1 triệu binh lính?”.
Với dân số hơn 100 triệu người, các nhà hoạch định chiến tranh Liên Bang Xô Viết không khó khăn để tìm kiếm được 1 triệu người. Thế nhưng để có thể đưa 1 triệu người từ những miền đất xa xôi của Liên Xô rộng lớn với địa hình phức tạp với thời tiết vô cùng khắc nghiệt (đặc biệt là vào mùa đông) nhanh chóng có mặt tại các chiến trường đang rực lửa tại phía Tây cách đó 5000-6000 km lại là một bài toán khó.
Đó là lúc phương tiện vận tải tối ưu nhất của Liên Bang Xô Viết trong thế chiến 2 vào cuộc: những đoàn tàu “chiến thắng”.

Với ưu điểm vượt trội về tốc độ và khối lượng vận tải, đường sắt là những mạch máu nóng hổi, không ngừng, nuôi sống cỗ máy chiến tranh vĩ đại của Liên Bang Xô Viết. Không chỉ là con người, trên những chuyến tàu không ngừng nghỉ ngày đêm còn là đạn dược, lương thực, thuốc men, súng ống, xe tăng,… liên tục được đưa ra chiến trường.
Với thành tựu của đường sắt trong thế chiến thứ 2, các hệ thống vũ khí của Liên Xô sau này hầu hết được chuẩn hóa để có thể được vận chuyển bằng tàu hỏa. Điều đó, chúng ta có thể được chứng kiến ngay trong thập kỷ hiện nay, khi quân đội Nga đã sử dụng tàu hỏa để vận chuyển các xe tăng T-54.

Nếu tỷ lệ 3 chọi 1 không đảm bảo chiến thắng, thì tỷ lệ 5 chọi 1 hay 10 chọi 1 sẽ đảm bảo điều đó. Giống như trong các tác phẩm sảng văn mạng Trung Quốc hay viết: “Trước sức mạnh tuyệt đối mọi mưu kế đều là vô dụng.” Với sự bổ sung không hạn chế của hậu cần, với ví dụ cụ thể hiện nay là sự chênh lệch tuyệt đối về số lượng đạn pháo sử dụng của quân đội Nga trước quân đội Ukraine trên chiến trường, “hơn một nửa chiến thắng” như đã được định đoạt.

Hậu cần không là tất cả

Theo nguyên lý trò chơi, chiến tranh là một trò chơi vô tận nơi kẻ đầu tiên bỏ cuộc là kẻ thất bại. Chiến tranh là phép thử không chỉ về kinh tế, hậu cần mà còn về ý chí của mỗi bên tham chiến.
Việt Nam đã có thể hoàn thành kháng chiến chống Mỹ thắng lại với nguồn lực hậu cần vô cùng hạn chế khi so sánh với lực lượng vận tải hùng hậu và hiện đại của đế quốc Mỹ và đồng minh. Mặc cho tỷ lệ thương vong của phía quân đội giải phóng cao hơn rất nhiều khi so sánh với lực lượng viễn chinh Mỹ, kẻ chiến bại vẫn là “quân đội nhà giàu” ở phía bên kia đại dương.
Người Mỹ thất bại, vì họ không thể chịu đựng được tổn thất ở chiến trường Việt Nam.
Trong giới quân sự hay “truyền tai” nhau rằng: “Quân đội Mỹ sẽ tháo chạy nếu thiệt hại đạt đến 5% lực lượng.” Các thống kê và các cuộc viễn chinh của Mỹ củng cố khá nhiều cho câu chuyện “dân gian” này.
Khi các siêu máy tính dưới con mắt toán học của bộ trưởng quốc phòng Mỹ đương nhiệm McNamara đang đưa ra những con số lạc quan về chiến thắng tất định của nước Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Cuộc phản công tết Mậu Thân 1968 với thương vong ngoài sức tưởng tượng cho người Mỹ đã khiến họ bị sốc (đến mức phải quay xổ số trúng thưởng quân dịch). Cơ hội về một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên Việt – Mỹ cũng đã được mở ra từ chiến dịch này.
Nền chính trị, chế độ quân dịch và các yếu tố xã hội nội tại của nước Mỹ khiến cho việc thiệt hại nhân mạng là điều tối kỵ đối với các cuộc viễn chinh của Mỹ. Thế nhưng, nếu đó là một cuộc chiến toàn lực, một cuộc chiến tranh vệ quốc với Mỹ là một bên tham chiến, câu chuyện sẽ vô cùng khác. Các tiếng nói phản chiến, đoàn kết của nhân dân Mỹ nói chung và người dân trên thế giới nói riêng là một yếu tố không thể quên trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tổng kết

Từ xa xưa đã có câu: “Một lính ba phu”. Để đảm bảo cho kết quả của chiến tranh, một lực lượng hậu cần đảm bảo tương xứng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Các cỗ chiến xa, máy bay hiện đại sẽ chỉ là sắt vụn nếu không được đổ đầy bình nhiên liệu. Những thứ được ca ngợi là “tương lai của chiến tranh” như UAV, UGV, USV… cũng chỉ là những vật vô dụng nếu không được vận chuyển đến đúng người, đúng lúc, đúng địa điểm để chúng có thể sử dụng (hoặc đơn giản là hết… pin).
Thế nhưng chiến tranh không chỉ đơn giản là một cuộc đua, một trò chơi về tính trơ lỳ của nền kinh tế hay hệ thống hậu cần, đảm bảo. “Người Mỹ thua vì họ không hiểu Việt Nam” – trước một cuộc chiến sinh tử của một dân tộc, dù chỉ với “chân trần”, những cây “gậy tầm vông”, nhưng ý chí sắt đá của một dân tộc có thể khiến mọi vượt trội về con số trở nên vô nghĩa.