Gió và tình yêu vẫn thổi trên đất nước tôi

Tháng chín 14, 2024

Trong lịch sử văn chương, nghệ thuật nước nhà, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật lớn, với những tác phẩm in dấu trong lòng công chúng.

Ánh sáng chói sáng lặng lẽ trong bóng tối

Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của Lưu Quang Vũ giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh. Khi bị dồn vào những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của anh chói sáng lên trên buồn đau. Bản tính thi sĩ vốn là một người yếu đuối và đa cảm, bởi thế nên tình yêu và thi ca xuất hiện và đồng hành cùng Lưu Quang Vũ như một liệu pháp kì diệu vượt qua những dằn vặt u ám.
Cuộc đời đã để lại không ít vết thương trong trái tim Lưu Quang Vũ. Những day dứt trở đi trở lại trong những tác phẩm của người thi sĩ đa tình, những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu say đắm với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội họa.

Chính những chuỗi ngày mệt mỏi, khắc khoải với đời sống chật hẹp đã thực sự làm nên một giọng thơ không thể trộn lẫn với bất kì tác giả nào. Cũng ngần ấy năm đi qua, kỳ lạ thay, không ít bài thơ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, với sức lay động lòng người da diết.
“Những dòng thơ giằng xé giày vò
Là mây trắng của một đời cay cực
Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp
Em – em là mây trắng của đời tôi
Em nơi đâu bao năm tháng qua rồi
Người ta bảo rằng em đã chết
Người ta bảo quên đi đừng phí sức
Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn
Em làm gì có thật mà mong…”

“Để luôn luôn được trở lại với đời”

Càng về những năm cuối đời, nguồn cảm hứng đất nước, dân tộc càng dạt dào trong những câu thơ của Lưu Quang Vũ. Một người thơ đắm đuối đất nước mình đã đi cùng những năm đau xót và hy vọng, tận mắt chứng kiến những khó khăn, những hào hùng, đổ vỡ của chiến tranh, thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu vượt ra ngoài bản thân, hướng tới tầm vóc cao cả hơn, rộng lớn hơn.
Đứng trên nỗi đời cơ cực, những cay đắng, bế tắc của một thời kì lịch sử, thơ Lưu Quang Vũ không đắm chìm trong mơ mộng và lý tưởng lãng mạn mà rất gần gũi, ấm áp. Những câu thơ có niềm yêu đời chảy tràn bất tận:
“Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
Tư tưởng trung tâm trong thơ Lưu Quang Vũ là tình yêu, lòng nhân ái và niềm hy vọng. Sau những ánh nhìn đầy khắc khoải và lo âu, sự giằng xé giữa cái cũ và cái mới, cùng những câu hỏi chất vấn và sự hoài nghi, thơ Lưu Quang Vũ chứa đựng những suy tư sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống, về thời đại, và con đường phát triển của dân tộc.
Lưu Quang Vũ những ngày đầu quân ngũ

Lưu Quang Vũ những ngày đầu quân ngũ
Với Lưu Quang Vũ, tính dân tộc, đề tài về hồn đất nước luôn dạt dào. Những vần thơ êm ái như tiếng làng, tiếng nước vẫn trở đi trở lại trong thơ Lưu Quang Vũ. Dường như trong những câu thơ, người đọc cảm nhận được con người ấy phải bùng ra khỏi không gian chật hẹp của mình để mở lòng, mở tâm trí với quê hương, đất nước:
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

……….
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…

Em – tình yêu ở lại

36 năm sau ngày hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đi xa, căn phòng đầy sách vở của họ vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Sinh thời, nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cùng con sống trong một căn phòng rộng 6 m2 trên phố Huế. Trong “Nhà chật”, Lưu Quang Vũ đã miêu tả căn phòng:
“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình”.
Những kỷ vật cũ vẫn nguyên vẹn trong căn phòng

Những kỷ vật cũ vẫn nguyên vẹn trong căn phòng
Trong một cuộc phỏng vấn, PGS.TS Lưu Khánh Thơ – em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ chia sẻ làm bất cứ điều gì cho Lưu Quang Vũ đều muốn có cả chị Quỳnh.
Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ chia sẻ lại những bản thơ hiếm có mà xưa nay người đọc vẫn tưởng nó tên là “Thơ ru em ngủ” nhưng với tất cả chữ “Em” đều hoá ra là… “Quỳnh”. Là thủ bút của chính nhà thơ chồng viết rõ ràng tên nhà thơ vợ. Thậm chí có những đoạn, những câu, những từ… chưa từng xuất hiện trong bản được in ra. Là thế đấy, anh Vũ viết thơ ru chị Quỳnh ngủ trong căn phòng rộng 6m2…
Những năm tháng nhọc nhằn của dân tộc, của đời người rồi cũng đi qua. Tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu người cũng như những khao khát cuộc đời vẫn luôn được nhen nhóm, như sợi dây gắn kết con người, là sức mạnh đi cùng giá trị vĩnh hằng, dẫu ở muôn nơi, dẫu ở muôn thuở.