Giữ lại biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa
Giữ lại biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa
Chiều 26.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Viên Hồng Tiến, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết tại cuộc họp vào sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định giữ lại biệt thự Đốc phủ sứ 100 năm tuổi ở Biên Hòa để bảo tồn. Đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự. Bên cạnh đó có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Biệt thự gắn liền với lịch sử phát triển Biên Hòa
Biệt thự Đốc phủ sứ có vị trí được đánh giá là tốt về phong thủy: mặt giáp sông Đồng Nai, lưng tựa vào núi Bình Điện, thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa). Chủ nhân của căn biệt thự là Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh. Dân địa phương còn gọi biệt thự này là Lầu ông phủ.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, Võ Hà Thanh sinh năm 1876, quê gốc Quảng Ngãi. Ông theo gia đình di cư vào Biên Hòa lúc còn nhỏ. Khi trưởng thành, ông làm công nhân nghề đá, dần trở nên giàu có nhờ siêng năng, tích lũy. Sau đó, ông mua đất làm đồn điền, đến cuối đời sở hữu khoảng 650 ha đất. Cũng theo Sở VH-TT-DL, ông Võ Hà Thanh từng giữ chức Phó tổng (canton) từ 1911 – 1924, Chánh tổng từ 1925 – 1935 (chưa xác định được có thông tin Tổng nào ở Biên Hòa).
Biệt thự trên được ông Võ Hà Thanh cho khởi công xây dựng năm 1920, hoàn thành năm 1924. Ngôi biệt thự mang đậm phong cách kiến trúc – nghệ thuật của Pháp, kết hợp với phong thủy phương Đông trong những năm đầu thế kỷ 20. Với những nét đặc trưng là kiến trúc đối xứng, nền móng ngôi biệt thự xây bằng đá xanh, tường xây gạch nung bằng đất sét, quét sơn màu vàng, cột đổ bê tông cốt thép, mái nhà lợp ngói xếp lớp, cửa phòng và các ô cửa sổ theo kiểu lá sách gỗ màu nâu; hoa văn trang trí trên trần nhà, đầu cột chủ yếu là các họa tiết hoa lá đơn giản theo trong phong cách châu Âu. Ngôi nhà gồm 1 lầu, 1 trệt, 1 tầng hầm.
Thông tin từ gia đình và người dân địa phương cung cấp, phần lớn các vật liệu được sử dụng để xây dựng biệt thự đều được nhập từ Pháp. Đáng chú ý, vào thời điểm hoàn thành, đây là dinh thự tư nhân lớn nhất ở tỉnh Biên Hòa. Trong trận lụt năm Nhâm Thìn (1952) ở Biên Hòa, biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh trở thành nơi lánh nạn cho hơn 100 người dân địa phương. Còn vào năm 1996, nơi đây được chọn làm bối cảnh chính để quay bộ phim Người đẹp Tây Đô.
Đủ điều kiện để lập hồ sơ xếp hạng di tích
Theo đánh giá của Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, ngôi biệt thự có kiến trúc biệt thự Pháp những năm đầu thế kỷ 20, có giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật, thể hiện được vẻ đẹp của sự giao thoa văn hóa giữa 2 nước và lịch sử đất nước vào thời kỳ Pháp thuộc. Ngôi biệt thự Võ Hà Thanh đã gắn liền với lịch sử phát triển, cảnh quan và kiến trúc đô thị của Biên Hòa trong 100 năm qua. Vì vậy Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai đề xuất Tỉnh ủy Đồng Nai bảo tồn, giữ gìn lại biệt thự 100 tuổi này.
“Chiếu theo quy định tại luật Di sản văn hóa, nhà cổ Võ Hà Thanh là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật cần được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá, lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích”, báo cáo do Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan ký gửi Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ.
Tuy nhiên, Sở VH-TT-DL cũng lưu ý trường hợp quyết định giữ lại ngôi nhà cổ Võ Hà Thanh thì cần hết sức thận trọng trong công tác quản lý, khai thác, bởi đây là tài sản sở hữu cá nhân nên phải có sự thống nhất của đại diện hợp pháp ngôi nhà với các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nó.
“Trong trường hợp cần thiết, nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện (vì hiện ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân, du khách thăm viếng) và biến nó trở thành một điểm du lịch, hoặc thành bảo tàng nghề gốm, bảo tàng nghề đá… chẳng hạn. Như thế, vừa bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, vừa tránh được những rắc rối pháp lý có thể xảy ra trong việc khai thác giá trị của ngôi nhà này trong tương lai”, văn bản của Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai nêu.
Từng được đưa vào danh sách xếp hạng di tích
Ngày 26.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai, cho biết cách đây 8 năm ngôi nhà đã được UBND tỉnh đưa vào danh sách xếp hạng di tích – danh thắng. Cụ thể, năm 2016, Sở VH-TT-DL chỉ đạo Ban Quản lý di tích – danh thắng tỉnh Đồng Nai (hiện sáp nhập vào Bảo tàng Đồng Nai – PV) nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh do đây là ngôi nhà cổ có giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật. Tháng 3.2016, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt danh mục thay đổi, bổ sung quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020. Trong danh sách này có “lầu ông Phủ” tức biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh. Sau đó, Ban Quản lý di tích – danh thắng tỉnh Đồng Nai nhiều lần liên hệ chủ nhân ngôi nhà, đề nghị phối hợp lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tuy nhiên, thời điểm đó (năm 2016 – PV) người trực tiếp quản lý căn nhà không đồng ý xếp hạng di tích. Vì vậy Ban Quản lý di tích – danh thắng đã dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích. Cũng theo ông Ân, đến năm 2023 khi ngôi nhà nằm trong diện giải tỏa để thi công tuyến đường ven sông Đồng Nai, người quản lý đã gửi đơn đến Sở VH-TT-DL đề nghị xem xét giữ lại biệt thự 100 tuổi.